Sập Tiệm Cà Phê Sau Sau Hai Năm Gắng Gượng Với Covid-19

Cách đây hơn 10 năm, tôi bước vào lĩnh vực kinh doanh quán cà phê. Phải nói, thời kỳ đầu bước vào kinh doanh, tôi đã gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề tìm kiếm vị trí để mở quán sao cho thích hợp. Điều này không đơn giản vì ngoài vị trí kinh doanh thuận tiện, còn cần phải hợp lý về giá thuê mặt bằng và có không gian để xe cho khách hàng. Khó khăn tiếp theo là cách tiếp cận với thị trường kinh doanh và nhóm khách hàng mà mình nhắm đến. Nó phải vừa phù hợp với vị trí mặt bằng, vừa hợp với vị trí khu vực của quán, người dân địa phương...

Kế đến là câu chuyện nhân sự.Những người bắt đầu kinh doanh thường sẽ loay hoay tìm kiếm nhân sự. Vì những nhân viên đó ngoài việc chăm chỉ làm việc ra họ còn phải trung thực và lễ phép. Tôi đã gặp nhiều nhân viên, có người tốt, có người chưa tốt và có cả những người rất tệ. Nếu nhân viên phục vụ tốt thì quán sẽ thu hút được nhiều khách hàng. Nếu không, quán sẽ mất khách vì những nhân viên không làm tốt công việc. >> Tôi sắp phá sản vì khách uống cà phê 20.000 'ngồi đồng' suốt 5 tiếng

Khó khăn tiếp theo là chuyện quan hệ với chủ nhà. Điều này nghe qua có vẻ dễ nhưng thực tế không hề đơn giản. Thoạt đầu, chủ nhà thường vui vẻ ký hợp đồng cho chúng ta thuê mặt bằng để kinh doanh. Nhưng khi tình hình kinh doanh không đạt hiệu quả, họ vẫn yêu cầu đóng đủ tiền thuê. Ngược lại, nếu chúng ta kinh doanh thành công, nhiều chủ nhà sẽ bắt đầu o ép, tăng giá. Tôi đã phải thay đổi địa điểm mình kinh doanh tới hơn năm lần trong hơn 10 năm qua.

Quán cuối cùng mà tôi trụ lại lâu nhất là hơn 5 năm. Vì chủ nhà ở đây rất tốt bụng. Mùa dịch vừa qua, chủ nhà đã hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho tôi hơn 50%. Khi hết dịch, họ vẫn giảm 60% tiền thuê cho ba tháng tiếp theo để tôi ổn định kinh doanh. Sau này, việc lấn chiếm lòng lề đường, phát sinh nhiều chi phí, giá thuê mặt bằng những năm gần đây ngày càng tăng, lương nhân viên cũng phải tăng... chi phí của tôi tăng gấp đôi, trong khi giá bán ra không thể tăng theo được. Vì vậy, lợi nhuận của tôi ngày càng tệ. Cộng thêm tình hình dịch bệnh phức tạp, càng làm cho tình hình kinh doanh thêm khó khăn.

>> Nỗi ám ảnh quán cà phê cóc mùa dịch

Đỉnh điểm là việc hàng quán bị đóng cửa hơn năm tháng đã làm cho nhiều người phá sản. Có chủ nhà cảm thông cho người thuê mặt bằng và giảm giá thuê từ 40-50%. Nhưng cũng có những chủ nhà chỉ giảm 20-30% trong những tháng bị ngưng kinh doanh, khiến người thuê lao đao. Rồi khi buôn bán trở lại, lượng khách hàng đến quán cũng giảm hẳn, không nổi 80% như trước dịch.

Tóm lại, bây giờ kinh doanh quán cà phê chỉ có thể xem là làm vì niềm vui, đam mê và giải trí. Chứ nói mở quán kinh doanh để kiếm sống thì e rằng không nổi. Nếu tài chính yếu, chỉ tầm sáu tháng kinh doanh không hiệu quả, bạn sẽ chỉ có con đường phá sản mà thôi.

>> Rủi ro rình rập 'start-up' quán cà phê sau dịch

Sau khi bị ngừng kinh doanh vì dịch bệnh, tôi đã phải chấp nhận sang nhượng lỗ vốn quán cà phê của mình. Dù rất tâm huyết với quán sau hơn 10 năm kinh doanh, nhưng tôi vẫn e ngại dịch bệnh còn kéo dài. Tôi từng nhiễm Covid vào tháng 8/2021 và đã tiêm ba mũi vaccine, nhưng vì hàng ngày phải tiếp xúc rất nhiều với khách hàng, nên khả năng bị tái nhiễm vẫn rất lớn, nguy cơ lây cho vợ con. Vậy là tôi đành phải khép lại giấc mơ của mình.

Phuong Hai

>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.

  • Đóng cửa phòng gym nhưng mở cửa rạp phim?
  • Tính kế cho người kinh doanh đóng cửa vì dịch
  • Thế nào là 'đóng cửa hàng dịch vụ không thiết yếu' ở Hà Nội?
  • Doanh nghiệp tự chủ phòng dịch
  • Tôi chấp nhận đóng cửa vì cộng đồng

Từ khóa » Cà Phê Sập Tiệm