Sát Thủ Thầm Lặng Trong Lòng Biển Đen
Có thể bạn quan tâm
Vụ nổ ở vùng nước lặng ven bờ thành phố Odessa, miền nam Ukraine hôm 11/6 do một trong hàng trăm quả thủy lôi đang trôi nổi ở Biển Đen gây ra. Quả thủy lôi cướp đi sinh mạng người đàn ông ngay trước mặt gia đình.
Những quả thủy lôi này do cả Nga và Ukraine rải và được ví như "sát thủ thầm lặng" trong lòng Biển Đen, khi xung đột giữa hai bên tiếp tục kéo dài, đe dọa nghiêm trọng đến người dân và nhiệm vụ khơi thông các tuyến hàng hải vận chuyển ngũ cốc.
"Đây là một rắc rối lớn", Vladlen Tobak, cựu huấn luyện viên lặn của hải quân Ukranie, nhà sáng lập một trường dạy lặn ở Odessa, nhận định. "Những quả thủy lôi này xuất hiện dày đặc ở Biển Đen cùng các loại bom mìn chưa nổ khác còn sót từ Thế chiến II mà chúng tôi vẫn đang tìm kiếm"
Tobak cho hay thách thức lớn nhất hiện nay là họ không biết chính xác bao nhiêu quả thủy lôi đã được hai bên rải xuống để phong tỏa Biển Đen và nỗ lực rà phá số thủy lôi này sẽ mất rất nhiều thời gian.
Kiev và Moskva liên tục đổ lỗi cho nhau rải thủy lôi phong tỏa Biển Đen. Không có thông tin cụ thể về quy mô hoạt động rải thủy lôi, song phát ngôn viên chính quyền quân sự Odessa ước tính lực lượng Nga rải khoảng 400-600 quả ở vùng biển này.
Bộ Quốc phòng Nga và Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) hồi tháng 3 cũng cảnh báo tình trạng thủy lôi "trôi nổi ngoài khơi Odessa" sau một cơn bão. Moskva cho biết lực lượng Nga đã xác định được khoảng 370 quả thủy lôi mà Ukraine rải xuống biển.
Thủy lôi được thiết kế để phát nổ khi tàu thuyền chạm vào, và thường được neo bằng dây cáp thép để giữ chúng lơ lửng bên dưới mặt nước. Tuy nhiên, khi có bão, cáp thép có thể bị tuột ra, khiến thủy lôi trôi dạt theo các dòng hải lưu.
Không như mìn trên mặt đất, thủy lôi không bị cấm bởi các hiệp ước quốc tế. Các quốc gia có thể rải thủy lôi trong lãnh hải để bảo vệ bờ biển khỏi các cuộc tấn công đổ bộ, trong khi Công ước The Hague VIII cấm sử dụng thủy lôi trong vùng biển quốc tế.
Tháng trước, Ukraine thừa nhận "bố trí thủy lôi để thực hiện quyền tự vệ theo quy định của Điều 51 Hiến chương LHQ", đồng thời áp lệnh cấm người dân tắm biển. Nhưng khi trời nắng nóng 35 độ C, nhiều người Ukraine đã phớt lờ lệnh cấm này.
"Chúng tôi đã cài mìn khắp bãi biển và rải thủy lôi ở một số vùng biển gần bờ nhằm ngăn chặn lực lượng Nga đổ bộ, song không thể biết chính xác quy mô và vị trí thủy lôi do Nga bố trí", Roman Kostenko, chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Ukraine, nói.
Theo Điều 51 của Hiến chương LHQ, các quốc gia được thực thi các biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền tự vệ khi bị tấn công vũ trang, cho đến khi Hội đồng Bảo an đạt giải pháp duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Những quả thủy lôi lơ lửng dưới mặt nước cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quốc gia ven Biển Đen. Giới chức Bulgaria cảnh báo người dân sống gần bờ biển tăng cường cảnh giác, trong khi Romania đã phát hiện một số quả thủy lôi trôi dạt trong lãnh hải và đang tiến hành tiêu hủy.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tìm thấy ít nhất hai quả thủy lôi dạt vào bờ biển. Ankara đã nỗ lực làm trung gian đàm phán với Nga và Ukraine về phương án dỡ phong tỏa Biển Đen hoặc triển khai đội tàu hộ tống tàu chở ngũ cốc qua khu vực. Tuy nhiên, các bên hiện chưa đạt được bất cứ thỏa thuận nào nhằm giải phóng ngũ cốc cho Ukraine.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov từng yêu cầu Kiev rà phá thủy lôi ở các cảng để tàu chở ngũ cốc ra vào, đồng thời đảm bảo hải quân Nga sẽ không lợi dụng tuyến hàng hải này để xâm nhập, tấn công cảng biển Ukraine hay tiến hành chiến dịch đổ bộ vào Odessa, thành phố có tầm quan trọng chiến lược về quân sự và kinh tế với Ukraine.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Ukraine khó lòng đồng ý với yêu cầu trên của Nga, bởi thủy lôi là hàng rào hữu hiệu bảo vệ họ trước các cuộc tấn công tiềm tàng từ phía biển. Kiev cho biết họ không bị thuyết phục trước đảm bảo "không tấn công" của Moskva, lưu ý rằng Nga cũng từng khẳng định không đưa quân vào Ukraine trước khi xung đột nổ ra.
Ít nhất hai người đàn ông Ukraine đã thiệt mạng trong các vụ nổ thủy lôi trên biển những tuần gần đây. Ngày 8/7, hải quân Ukraine xác nhận một quả thủy lôi dạt vào bờ biển Odessa và bị lực lượng này tháo gỡ ngay sau đó.
"Khi một quả thủy lôi phát nổ, ngay cả khi không ở gần, bạn vẫn có thể bất tỉnh hoặc mất khả năng định hướng do sóng xung kích. Bạn có thể dễ dàng chết đuối", Oleg Solokha, cựu thợ lặn của quân đội Ukraine, cho biết.
Hồi tháng 3, một quan chức Bộ Ngoại giao Ukraine cho hay 372 quả thủy lôi do Nga rải ở Biển Đen là loại R-421-75, vốn không được hải quân Ukraine sử dụng.
"Có rất nhiều loại thủy lôi, như thủy lôi tiếp xúc, thủy lôi nam châm hay thủy lôi trang bị cảm biến rung động", ông Solokha cho biết. "Trong 99% trường hợp, chúng tôi phải kích nổ thủy lôi trôi dạt, do thuốc nổ TNT bên trong ngày càng mất ổn định, hoặc không thể tháo được ngòi nổ do ngâm nước biển quá lâu".
Giới chuyên gia cho rằng để có thể loại bỏ hoàn toàn các "sát thủ thầm lặng" này, Ukraine và cộng đồng quốc tế có thể mất nhiều năm sau khi xung đột chấm dứt. Đây sẽ là chiến dịch rà phá thủy lôi có quy mô lớn nhất kể từ sau chiến tranh Iran-Iraq những năm 1980.
Đức Trung (Theo Guardian)
Từ khóa » Gỡ Phong Tỏa Tiếng Anh
-
Phát Tán Video Quay ở Nhà Trắng, Truyền Thông Việt Nam Thực Hiện Chức Năng Tuyên Truyền
-
Kết Quả Bóng đá Nữ Việt Nam Vs Nữ Myanmar - Giải Vô địch Bóng đá ...
-
Đời Tư Kín Tiếng Kỳ Lạ Của 'nữ Hoàng Cảnh Nóng' Thang Duy
-
Trào Lưu 'lan Tỏa Lòng Tốt' Trên TikTok Bị Cho Là Phiền Hà, Quấy Rối
-
Thủ Tướng: Hậu Giang Tập Trung Tháo Gỡ "nút Thắt" Về Hạ Tầng Và ...
-
Ba Hoa Hậu Hoàn Vũ Nhận Xét Thí Sinh Miss Universe Vietnam
-
Thí Sinh Hà Tĩnh Giành Giải Ba Tuần 1 Cuộc Thi Tìm Hiểu Lịch Sử Quan ...
-
Những Cụm Từ Tiếng Anh Liên Quan Covid-19
-
Từ Chối Dao Kéo Thẩm Mỹ, Châu Tấn Vẫn Xinh đẹp Và Cuốn Hút ở Tuổi U50
-
Nghị định 45/2022/NĐ-CP Xử Phạt Vi Phạm Hành Chính Lĩnh Vực Bảo ...
-
TP.HCM: Gỡ Phong Tỏa Chung Cư Nguyễn Du ở Quận 1
-
Covid: Việt Nam Cần Giải Thích Về Thời Hạn Và Lộ Trình Ra Khỏi Phong Tỏa 15 Ngày
-
Covid-19: Thượng Hải Sẽ Phong Tỏa đến Bao Giờ Nữa?
-
Covid-19: Anh Có Quá Vội Khi Gỡ Bỏ Các Hạn Chế Phòng Chống Omicron?