Sau Afghanistan, Tình Báo Mỹ 'xoay Trục' Sang Trung Quốc

Sau Afghanistan, tình báo Mỹ 'xoay trục' sang Trung Quốc ảnh 1

Một năm sau khi kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức an ninh quốc gia Mỹ bắt đầu ít đề cập đến việc chống chủ nghĩa khủng bố và nói nhiều hơn về các mối đe dọa chính trị, kinh tế và quân sự mà Trung Quốc cũng như Nga gây ra. Có một sự xoay chuyển âm thầm trong các cơ quan tình báo, với việc chuyển hàng trăm sĩ quan sang các vị trí tập trung vào Trung Quốc, bao gồm một số người trước đây làm việc chống khủng bố.

Từ lâu, Mỹ đã cảnh giác trước những tham vọng kinh tế và chính trị ngày càng tăng của Trung Quốc.

Sự thay đổi trong các ưu tiên được ủng hộ bởi nhiều cựu sĩ quan tình báo và các nhà lập pháp của cả lưỡng đảng Mỹ, trong đó bao gồm những người từng phục vụ ở Afghanistan và thực hiện các nhiệm vụ chống al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác.

Dân biểu Jason Crow, cựu biệt kích từng phục vụ tại Afghanistan và Iraq, đảng viên Đảng Dân chủ ở bang Colorado, hiện công tác tại Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nhận định: “Một mối đe dọa hiện hữu lớn hơn nhiều là Nga và Trung Quốc”. Ông nói, các nhóm khủng bố “sẽ không hủy hoại lối sống của người Mỹ… theo cách mà Trung Quốc có thể làm”.

Sau Afghanistan, tình báo Mỹ 'xoay trục' sang Trung Quốc ảnh 2

Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum (trái) và Giám đốc FBI Christopher Wray cảnh báo rằng Trung Quốc sử dụng những người không kết nối trực tiếp với các dịch vụ tình báo của họ để nhắm mục tiêu vào các công ty. Ảnh: AP.

Sẽ thành lập trung tâm về Trung Quốc

Quốc hội Mỹ đã thúc đẩy CIA và các cơ quan tình báo khác ở Mỹ coi Trung Quốc trở thành ưu tiên hàng đầu. Việc đẩy các nguồn lực về phía Trung Quốc đòi hỏi phải cắt giảm ở những nơi khác, kể cả trong lĩnh vực chống khủng bố.

Người phát ngôn của CIA Tammy Thorp lưu ý rằng khủng bố “vẫn là một thách thức rất thực tế”. “Ngay cả khi các cuộc khủng hoảng như cuộc xung đột tại Ukraine và những thách thức chiến lược do Trung Quốc đặt ra đòi hỏi sự chú ý của chúng tôi, CIA sẽ tiếp tục tích cực theo dõi các mối đe dọa khủng bố trên toàn cầu và làm việc với các đối tác để chống lại chúng”, bà Thorp nói.

Đặc biệt, các nhà lập pháp Mỹ muốn có thêm thông tin về sự phát triển của Trung Quốc trong các công nghệ tiên tiến. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cam kết đầu tư hàng nghìn tỷ đô la vào khoa học lượng tử, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác có khả năng làm gián đoạn cách thức diễn ra các cuộc chiến trong tương lai và cấu trúc nền kinh tế.

Các ủy ban trong Quốc hội Mỹ đang cố gắng theo dõi tốt hơn cách các cơ quan tình báo chi tiêu ngân sách của họ cho Trung Quốc, tìm kiếm chi tiết hơn về cách các chương trình cụ thể đóng góp cho sứ mệnh đó.

“Chúng tôi đến muộn, nhưng thật tốt là cuối cùng chúng tôi cũng thay đổi trọng tâm của mình vào khu vực đó. Điều đó có nghĩa là ở các mảng con người, nguồn lực, thiết bị quân sự và ngoại giao”, Hạ nghị sĩ Chris Stewart, đảng viên Cộng hòa ở bang Utah phục vụ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, nói.

Năm ngoái, CIA tuyên bố sẽ thành lập hai “trung tâm sứ mệnh” mới - một về Trung Quốc, một về các công nghệ mới nổi - để tập trung hóa và cải thiện việc thu thập thông tin tình báo về những vấn đề đó. CIA cũng đang cố gắng tuyển dụng nhiều người nói tiếng Trung hơn và giảm thời gian chờ đợi về các giải pháp an ninh để thuê người mới nhanh hơn.

Sau Afghanistan, tình báo Mỹ 'xoay trục' sang Trung Quốc ảnh 3

Giám đốc CIA William Burns năm ngoái tuyên bố thành lập Trung tâm Sứ mệnh Trung Quốc tại cơ quan này. Ảnh: NPR.

Douglas Wise, cựu quan chức cấp cao CIA, phó giám đốc hoạt động của trung tâm chống khủng bố, cho biết, việc định hướng lại các cơ quan tình báo theo hướng tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và Nga sẽ mất nhiều năm và văn hóa của cơ quan sẽ cần thời gian để thay đổi.

Trung Thành (theo AP)

Từ khóa » Cục Tình Báo Cia