Sau Sinh Bao Lâu Thì Có Kinh Nguyệt? Bị Bất Thường Có Sao Không

Nội dung bài viết

  • Khi nào có kinh trở lại?
  • Kinh nguyệt sau sinh không đều?
  • Kinh nguyệt sau sinh ra nhiều?
  • Nên làm gì khi rối loạn kinh nguyệt sau sinh?

Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt? Kinh nguyệt sau sinh ra nhiều có tốt không? Có rất nhiều những thắc mắc tương tự của các bà mẹ về kinh nguyệt sau sinh. Trên thực tế, đây là vấn đề cần quan tâm để bảo vệ sức khoẻ tối ưu nhất. Vậy hãy cùng Bác sĩ Lê Dương Linh tìm hiểu ngay tại bài viết này nhé!

Khi nào có kinh trở lại?

Khi có thai, kinh nguyệt mất đi vì sự thay đổi hoạt động của các nội tiết tố sinh dục nữ. Tử cung, buồng trứng và cả cơ thể người mẹ đi vào trạng thái mới. Tất cả tập trung cho sự phát triển của bào thai. Sau khi sinh xong, cơ thể người mẹ sẽ dần dần hồi phục lại trạng thái ban đầu. Tuy nhiên, quá trình này cần thời gian để thích ứng. Đó là lý do cơ bản cho sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt. 

Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt?

Rất khó để dự đoán chính xác thời gian có kinh trở lại sau sinh trên từng cá nhân cụ thể. Thông thường, những người mẹ cho con bú đều đặn sẽ lâu có kinh trở lại hơn. Vì vậy, cho con bú sau sinh đều đặn và đầy đủ được xem là một biện pháp tránh thai. Từ đó tránh được việc mang thai quá gần ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người mẹ. 

Trong năm 2011, một phân tích từ kết quả của 6 nghiên cứu khoa học được thực hiện trước đó cho thấy hầu hết phụ nữ có kinh lại từ 45 – 94 ngày sau sinh. Một nghiên cứu khác cho con số trung bình là 74 ngày với kỳ kinh đầu sau sinh. Các con số này chỉ áp dụng trên những người mẹ không cho con bú.

Thời gian có kinh trở lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như:

  • Cảm xúc của người mẹ.
  • Chế độ dinh dưỡng.
  • Cường độ sinh hoạt, làm việc và tập luyện thể lực.

Trường hợp cho bú mẹ hoàn toàn, liên tục, thời gian vô kinh có thể từ 4 – 6 tháng.

Cho con bú hoàn toàn có thể kéo dài thời gian vô kinh đến 4 - 6 tháng.
Cho con bú hoàn toàn có thể kéo dài thời gian vô kinh đến 4-6 tháng

Kinh nguyệt sau sinh không đều?

Thực tế, mang thai và sinh nở là một sự kiện lớn đối với cơ thể. Để hồi phục lại trạng thái trước khi sinh cần có thời gian nhất định. Điều này cũng sẽ tương tự với chu kỳ kinh nguyệt. Cơ thể người phụ nữ cần tái lập lại để tiếp tục cho các chu kỳ rụng trứng, hành kinh. Từ đó sẵn sàng cho các lần mang thai tiếp theo. Chính quá trình hồi phục này sẽ khiến cho các chu kỳ kinh sau sinh chưa ổn định. Những sự thay đổi chính trong quá trình này bao gồm:

  • Tử cung co hồi trở về kích thước và trạng thái bình thường.
  • Sự tái thiết lập hoạt động của hệ nội tiết sinh dục nữ.
  • Việc cho con bú ảnh hưởng đến nồng độ của các nội tiết tố nữ.

Các biểu hiện có thể bao gồm:

  • Các chu kỳ kinh thưa thớt. Đặc biệt ở những trường hợp cho con bú không đều đặn.
  • Số ngày hành kinh không đều giữa các chu kỳ.
  • Máu kinh thay đổi về tính chất, màu sắc và số lượng.
  • Các triệu chứng tiền kinh hay khi hành kinh đổi khác: đau bụng, đau lưng, căng tức ngực…

Bạn không cần quá lo lắng, vì đây được xem như tình trạng bình thường sau sinh. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có kinh nguyệt không đều từ trước khi sinh. Thường gặp là các rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý. Cụ thể như hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung… Các rối loạn này có thể tiếp tục sau sinh.

Kinh nguyệt sau sinh ra nhiều?

Đánh giá lượng máu kinh sau sinh

Bên cạnh câu hỏi “Sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt”, nhiều bà mẹ cũng thắc mắc về lượng máu kinh sau sinh. Đa phần các trường hợp sẽ hành kinh thưa thớt hơn. Tuy nhiên vẫn có những phụ nữ nhận thấy kinh nguyệt ra nhiều hơn so với thời kỳ trước sinh. Đối với các trường hợp này, cần xem xét các vấn đề sau đây:

Lượng máu ra nhiều hơn trước đây nhưng có thực là “rối loạn” hay không. Tổng lượng máu cho 1 chu kỳ kinh vượt quá 80ml được xem là cường kinh – một rối loạn kinh nguyệt. 

Trên thực tế, các chị em có thể đánh giá lượng máu kinh dựa vào các dấu hiệu sau:

  • Phải thay băng liên tục mỗi 2h vì băng đầy tràn.
  • Ra máu tràn thấm vào quần hay ga giường.
  • Máu ra thành những cục máu đông to tầm 2 – 3cm.

Vậy lượng máu ra nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người mẹ không? Các triệu chứng thiếu máu thường gặp gồm:

  • Da xanh xao nhợt nhạt.
  • Ngất xỉu.
  • Giảm khả năng gắng sức khi làm việc, tập luyện.
  • Đau đầu, nhìn mờ…
Kinh nguyệt ra quá nhiều sau sinh có thể gây ngất xỉu vì mất máu
Kinh nguyệt ra quá nhiều sau sinh có thể gây ngất xỉu vì mất máu

Phân biệt với các tình trạng khác

Cần chú ý phân biệt kinh nguyệt sau sinh ra nhiều với tiết dịch âm đạo sau sinh. Thậm chí, nhiều người có thể nhầm lẫn với băng huyết muộn sau sinh.

Băng huyết là tình trạng mất máu nhiều sau sổ nhau, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người mẹ. Đa phần băng huyết sau sinh xảy ra trong vòng 24 giờ đầu. Tuy nhiên, băng huyết sau sinh muộn có thể diễn ra trong vòng 12 tuần đầu sau sinh.

Nếu nhầm lẫn với kinh nguyệt có thể khiến đi khám và can thiệp chậm trễ. Băng huyết sau sinh thường là máu đỏ tươi, chảy nhiều có khi ồ ạt. Thường khiến bệnh nhân mệt mỏi rất nhanh. Có thể kèm sốt nếu có nhiễm trùng. Các trường hợp băng huyết cần được can thiệp y tế ngay để tránh mất máu quá nhiều gây tử vong. 

Tiết dịch âm đạo sau sinh là một quá trình gần như tất yếu. Quá trình này diễn ra ngay sau sinh, đồng thời với sự co hồi tử cung. Ban đầu sẽ ra máu đỏ sẫm, có thể thành cục. Thường cùng lúc với những cơn đau bụng dưới do tử cung co hồi. Dần dần cơn đau cùng dịch tiết ít lại và nhạt màu hơn cho đến khi mất hẳn. 

Nên làm gì khi rối loạn kinh nguyệt sau sinh?

Theo các chuyên gia, các rối loạn kinh nguyệt sau sinh thường được xem là một quá trình sinh lý lành tính. Tuy nhiên cần lưu tâm nếu có bất kỳ rối loạn nào ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ. Để hỗ trợ cho quá trình hồi phục cơ thể, người mẹ nên lưu ý:

  • Vệ sinh cá nhân cẩn thận tránh viêm nhiễm.
  • Ăn uống và sinh hoạt điều độ. Tránh tham công tiếc việc ngay sau sinh hoặc tập luyện cường độ nặng.
  • Dành thời gian giải trí thư giãn để có tinh thần vui vẻ. Tinh thần tốt hỗ trợ rất lớn cho việc cho con bú. Từ đó ảnh hưởng tích cực đến chu kỳ kinh nguyệt.
  • Gia đình cần phối hợp chăm sóc mẹ và con để ủng hộ tinh thần và sức khỏe người mẹ.
  • Với những bất thường không giải thích được, nên liên hệ bác sĩ chuyên khoa ngay.

Hy vọng bài viết trên đã giải đáp cho bạn đọc về câu hỏi “sau sinh bao lâu thì có kinh nguyệt”. Thời điểm có kinh lại sau sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Cho con bú, dinh dưỡng và cảm xúc.. Thời kỳ sau sinh vô cùng quan trọng và nhạy cảm. Để giúp người mẹ phục hồi tốt, gia đình nên chung tay chăm sóc và quan tâm cả mẹ lẫn con.

Từ khóa » Sinh Xong 10 Thang Chua Co Kinh