Sẽ Công Bố Danh Tính Cơ Sở Bún Bẩn Tại TP HCM - VnExpress

Tại buổi họp sáng nay giữa Sở Công thương, Sở Y tế và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố cho biết, ngay sau khi các phương tiện truyền thông đưa tin bún nhiễm chất làm sáng màu tinopal, Sở đã chỉ đạo tất cả quận huyện trên địa bàn rà soát việc sản xuất bún và các loại thực phẩm cùng nhóm.

Động thái này nhằm kiểm soát tình hình sản xuất và kinh doanh bún tại TP HCM, đồng thời giúp người tiêu dùng tránh khỏi tâm trạng hoang mang vì sợ mua nhầm bún có chất cấm gây hại sức khỏe.

bun-tuoi-1374729984_500x0.jpg
Sau thông tin bún tươi nhiễm tinopal, nhiều bà nội trợ hoang mang không dám mua bún vì sợ nhiễm chất cấm. Ảnh: Thiên Chương.

"Chúng tôi sẽ sớm tập hợp kết quả kiểm tra và công bố những cơ sở kinh doanh cũng như sản xuất bún nhiễm chất cấm, chưa đạt chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm", bà Đào cho hay.

Theo phó giám đốc Sở Công thương, TP HCM có khoảng 400 cơ sở sản xuất bún và các loại sản phẩm cùng loại như bánh phở, mì sợi... Từ tháng 12/2012 khi chức năng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm được chuyển từ Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM về cho Sở Công thương đến nay, Sở chưa phát hiện sản phẩm nào vi phạm.

Bà Đào cũng cho biết thêm, trước đây các chất cấm kiểm định cho mặt hàng bún là hàn the và formol. Chất làm sáng sợi bún tinopal như các mẫu mà Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn tiêu dùng (Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng) phát hiện là lần đầu tiên tìm thấy. Trong đợt kiểm tra này, tinopal chính thức được đưa vào danh mục các chất kiểm định.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng An toàn thực phẩm TP HCM cho rằng các mẫu mà chi cục này phát hiện nhiễm tinopal là lẻ tẻ và chưa đủ cơ sở để đánh đồng tất cả các loại bún đều bẩn. "Đây chỉ là những mẫu chúng tôi lấy ở quầy bún tại các chợ nhỏ. Những sản phẩm bày bán tại các cửa hàng chính thống hoặc siêu thị được quản lý theo quy trình nghiêm ngặt nên không thể vướng phải tình trạng nhiễm chất cấm", ông Hòa nói.

Ông Trần Vinh Nhung, phó giám đốc Sở Công thương cho rằng, việc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng tự ý công bố kết quả bún nhiễm tinopal và tên các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này là không đúng với luật. Trung tâm này không có quyền công bố khi chưa trình kết quả khảo sát với cơ quan quản lý nhà nước cấp cao hơn. 

Trưởng Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM thì cho rằng, mẫu khảo sát chỉ có giá trị khi thực hiện đúng quy trình lấy mẫu. Người lấy mẫu phải được học và lấy chứng chỉ lấy mẫu. Mẫu được lấy phải được sự xác nhận của chủ cơ sở sản xuất hoặc người kinh doanh sản phẩm. Cần thiết, cả bên lấy mẫu lẫn chủ sản phẩm phải cùng nhau đi đến nơi xét nghiệm để đảm bảo mẫu không bị đánh tráo.

Đại diện siêu thị Big C, Saigon Co.op - nơi vừa được Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng nêu danh có kinh doanh bún nhiễm tinopal - cho rằng thông tin này không chính xác. Bằng chứng mà các siêu thị này đưa ra là cùng thời điểm trung tâm đơn phương lấy mẫu xét nghiệm thì các siêu thị này cũng lấy mẫu kiểm tra và kết quả không phát hiện tinopal.

Ngày 22/7, Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về tiêu dùng công bố 24/30 mẫu bún tươi, bánh phở, bánh canh, bánh cuốn, bánh ướt, bánh hỏi mà họ lấy mẫu trên thị trường có nhiễm chất làm trắng quang học tinopal. Thiết bị mà trung tâm này nhận diện tinopal là đèn cực tím ở khoảng bước sóng 366 nm.

Ngày 23/7, Chi cục An toàn thực phẩm TP HCM cũng cho biết phát hiện 7 mẫu bún tươi lấy ngẫu nhiên tại chợ nhỏ lẻ có nhiễm chất này. Tuy nhiên do số mẫu quá ít nên chỉ mang tính tham khảo để mở rộng kiểm tra chứ chưa thể đánh giá được tình hình chung.

Thiên Chương

  • Phát hiện hàng loạt bún, phở tẩy trắng bằng hóa chất

Từ khóa » Bún Bẩn Tphcm