Sen Và Chihiro ở Thế Giới Thần Bí – Wikipedia Tiếng Việt

Sen và Chihiro ở thế giới thần bí
Áp phích chiếu rạp của phim tại Nhật Bản
Tiếng Nhật千と千尋の神隠し
HepburnSen to Chihiro no Kamikakushi
Đạo diễnMiyazaki Hayao
Tác giảMiyazaki Hayao
Sản xuấtSuzuki Toshio
Diễn viên
  • Hiiragi Rumi
  • Irino Miyu
  • Natsuki Mari
  • Naito Takeshi
  • Sawaguchi Yasuko
  • Kamijō Tsunehiko
  • Ono Takehiko
  • Sugawara Bunta
Quay phimOkui Atsushi
Dựng phimSeyama Takeshi
Âm nhạcHisaishi Joe
Hãng sản xuấtStudio Ghibli
Phát hànhToho (Nhật Bản)Walt Disney Pictures (Hoa Kỳ)
Công chiếu
  • 20 tháng 7 năm 2001 (2001-07-20) (Nhật Bản)
  • 20 tháng 4 năm 2002 (2002-04-20) (Hoa Kỳ)
Thời lượng125 phút[1]
Quốc giaNhật Bản
Ngôn ngữTiếng Nhật
Kinh phí
  • 1,9 tỷ yên
  • (15 – 19 triệu USD)[2][3]
Doanh thu
  • 30,8 tỷ yên[4] (274 triệu USD) trong nước)
  • 347,7 triệu USD[5] (toàn cầu)
icon Cổng thông tin Anime và manga

Sen và Chihiro ở thế giới thần bí (Nhật: 千 (せん)と千尋 (ちひろ)の神隠 (かみかく)し, Hepburn: Sen to Chihiro no Kamikakushi?, tựa tiếng Anh: Spirited Away; tựa Việt khác là Vùng đất linh hồn) là một bộ phim điện ảnh hoạt hình Nhật Bản đề tài tuổi mới lớn và kỳ ảo công chiếu năm 2001 do Miyazaki Hayao làm đạo diễn kiêm viết kịch bản. Tác phẩm do xưởng phim Studio Ghibli sản xuất cho Tokuma Shoten, Nippon Television Network, Dentsu, Buena Vista Home Entertainment, Tohokushinsha Film và Mitsubishi; bên cạnh đó công ty Toho là đơn vị chịu trách nhiệm phát hành phim.[6] Phim có sự diễn xuất lồng tiếng của Hiiragi Rumi, Irino Miyu, Natsuki Mari, Naito Takeshi, Sawaguchi Yasuko, Kamijō Tsunehiko, Ono Takehiko và Sugawara Bunta. Cốt truyện phim kể về câu chuyện của Ogino Chihiro (Hiiragi), một cô bé 10 tuổi luôn buồn chán; trong khi chuyển đến ngôi nhà mới thì cô bị lạc vào thế giới linh hồn của tín ngưỡng dân gian Thần đạo Nhật Bản.[7] Sau khi cha mẹ mình bị phù thủy Yubaba (Natsuki) biến thành heo, Chihiro buộc phải làm việc tại nhà tắm công cộng của Yubaba để tìm cách giải thoát cha mẹ và mình và trở về với thế giới loài người.

Miyazaki viết kịch bản phim sau khi quyết định lấy cảm hứng từ đứa con gái 10 tuổi của một người bạn, trợ lý sản xuất Okuda Seiji, người thường đến thăm ông mỗi dịp hè.[8] Cùng lúc đó, Miyazaki đang phát triển hai dự án khác của riêng ông nhưng cả hai đều bị hủy bỏ. Với kinh phí 15 – 19 triệu USD, Sen và Chihiro ở thế giới thần bí bắt đầu sản xuất vào năm 2000. Trong quá trình sản xuất, ông nhận ra thời lượng phim dài hơn 3 tiếng nên đã cắt bỏ một số phần ra khỏi kịch bản gốc. Walt Disney Pictures đã mời John Lasseter – đạo diễn của xưởng phim Pixar và một người hâm mộ Miyazaki – làm giám sát quá trình lồng tiếng Anh cho bộ phim trước khi phát hành tại khu vực Bắc Mỹ. Lasseter thuê Kirk Wise làm đạo diễn và Donald W. Ernst làm nhà sản xuất cho bản dịch tiếng Anh này. Nhà biên kịch Cindy Davis Hewitt và Donald H. Hewitt là những người viết thoại phim bằng tiếng Anh sao cho trùng với khẩu hình tiếng Nhật.[9]

Sen và Chihiro ở thế giới thần bí được công ty Toho phát hành chiếu rạp tại Nhật Bản vào ngày 20 tháng 7 năm 2001 và trở thành phim điện ảnh hoạt hình thành công nhất trong lịch sử nước này này khi thu về hơn 347 triệu USD trên toàn thế giới.[5] Phim vượt qua Titanic (lúc bấy giờ là phim điện ảnh có doanh thu cao nhất thế giới) tại thị trường phòng vé Nhật Bản để giành vị trí phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử quốc gia này với tổng doanh thu là 30,8 tỷ yên. Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đón nhận đa số đánh giá tích cực và thường được xếp vào danh sách những bộ phim hoạt hình vĩ đại nhất từng được thực hiện.[10][11] Tác phẩm đã giành chiến thắng giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất tại lễ trao giải lần thứ 75,[12] qua đó trở thành phim điện ảnh hoạt hình vẽ bằng tay và có ngôn ngữ không phải tiếng Anh đầu tiên (và duy nhất cho đến nay) đạt danh hiệu này. Phim còn đoạt giải Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin năm 2002 (đồng giải với phim Bloody Sunday) và nằm trong top 10 danh sách 50 phim bạn nên xem khi ở tuổi 14 của Viện Điện ảnh Anh Quốc.[13] Năm 2016, bộ phim được bầu chọn là phim điện ảnh hay thứ tư của thế kỉ 21 bởi 177 nhà phê bình điện ảnh từ khắp nơi trên thế giới, qua đó trở thành phim điện ảnh hoạt hình có thứ hạng cao nhất trong danh sách.[14] Tạp chí New York Times cũng vinh danh tác phẩm ở vị trí thứ hai trong danh sách "những bộ phim điện ảnh hay nhất thế kỉ 21 cho đến nay" vào năm 2017.[15]

Cốt truyện

[sửa | sửa mã nguồn]

Chihiro Ogino là một cô bé 10 tuổi, đang cùng gia đình chuyển đến nhà mới thì cha cô rẽ nhầm một con đường lạ. Họ vô tình bước vào một thế giới ma thuật mà cha của Chihiro kiên quyết khám phá. Khi cha mẹ của Chihiro ăn tại một nhà hàng không người, cô tìm thấy một nhà tắm công cộng tráng lệ. Cô gặp một chàng trai trẻ, Haku, người khuyên cô mau trở lại con sông trước khi trời tối. Dù vậy, Chihiro phát hiện ra đã quá trễ, cha mẹ cô đã bị biến thành heo và cô không thể vượt qua con sông khi thủy triều đang dâng cao, khiến cô bị mắc kẹt trong thế giới linh hồn.

Sau khi gặp lại Chihiro, Haku tìm cho cô một công việc từ Kamaji, một người đàn ông làm việc tại nhà tắm công cộng. Kamaji và một nhân viên tên Rin dắt Chihiro đến phù thủy Yubaba, người cai quản nhà tắm. Yubaba cho cô một công việc và đặt cho cô một cái tên mới: Sen (, Sen?). Lúc đến thăm cha mẹ mình tại chuồng heo, Haku tìm lại một tấm thiệp chia tay gửi đến Chihiro và nhận ra cô đã quên mất tên thật của mình. Haku cho cô bé biết rằng Yubaba điều khiển người giúp việc bằng cách lấy đi tên thật của họ và cô sẽ bị mắc kẹt lại thế giới linh hồn nếu không nhớ được tên của mình. Trong lúc làm việc, Sen mời một sinh vật luôn im lặng đeo mặt nạ có tên là Vô Diện vào trong nhà tắm công cộng, tin rằng đó là một khách hàng. Một "linh hồn hôi thối" bất ngờ đến và là khách hàng đầu tiên của Sen. Cô bé nhận ra đây là vị thần của một con sông bị ô nhiễm. Để nhớ ơn người làm ông ta sạch sẽ, vị thần tặng cho cô một chiếc bánh bao thảo mộc thần kỳ. Trong lúc đó, Vô Diện dụ dỗ một nhân viên bằng vàng và nuốt chửng anh ta. Vô Diện đòi phục vụ thức ăn và trả tiền rất hậu hĩnh. Khi mọi người kéo đến mong chờ trả tiền, Vô Diện nuốt thêm hai nhân viên tham lam nữa.

Lúc đó tại phòng mình, Sen phát hiện ra những người giấy đang tấn công một con rồng và nhận ra đó chính là Haku biến hình. Khi Haku bị thương bay lên phòng Yubaba, Sen cũng tìm cách lên đó bằng cầu thang bên ngoài. Khi tìm thấy Haku, một người giấy dính vào lưng cô bé biến hình ra thành Zeniba, chị gái sinh đôi của Yubaba. Bà biến con trai của Yubaba là Boh thành một con chuột bạch, biến con chim của Yubaba thành một con ruồi nhỏ còn ba tay sai của Yubaba thành cậu bé con trai bà ta. Zeniba cho Sen hay rằng Haku đã ăn trộm chiếc ấn vàng của bà ta và cảnh cáo Sen rằng nó mang một lời nguyền chết chóc. Haku và Sen (cùng Boh trên lưng) bị rơi xuống phòng đun nước. Ở đó cô cho anh ăn một miếng bánh bao, giúp anh nôn được cả cái ấn và một con sên đen bị Sen dẫm nát.

Trong khi Haku còn bất tỉnh, Sen quyết định mang chiếc ấn trở lại trả cho Zeniba và xin lỗi thay Haku. Trước khi rời nhà tắm, Sen phải xử lý Vô Diện vì Yubaba cho rằng cô đã dẫn gã vào. Cô cho gã ăn phần còn lại của chiếc bánh bao. Vô Diện vừa đuổi theo Sen vừa nôn ra những gì hắn ăn và trở lại hình dạng ban đầu. Sen cùng Boh, con ruồi và Vô Diện lên đường đến gặp Zeniba. Ở nhà tắm lúc này, Yubaba phát hiện ra Boh mất tích vì Boh giả mạo đã trở lại hình dạng ba tên giúp việc. Haku hứa rằng sẽ mang Boh trở về với Yubaba, để đổi lại bà ta phải trả tự do cho Sen và cha mẹ cô.

Sen, Vô Diện, Boh và chú ruồi cùng đến nhà Zeniba. Zeniba, giờ đây là một "bà cụ" nhân từ, tiết lộ rằng tình yêu của Sen và Haku sẽ hóa giải lời nguyền của cô và Yubaba đã dùng con sên đen để kiểm soát anh ta. Haku trong hình hài con rồng đến nhà Zeniba, đưa Sen và Boh trở về nhà tắm. Vô Diện đồng ý ở lại nhà Zeniba, làm người giúp việc cho bà. Trên đường về, Sen nhớ rằng hồi bé mình bị ngã xuống sông Kohaku nhưng được sóng đánh lên bờ an toàn. Sau khi Sen đoán chính xác rằng Haku chính là thần sông Kohaku (và phát hiện ra tên thật của anh), Haku đã thoát khỏi sự điều khiển của Yubaba. Khi họ quay trở về nhà tắm, Yubaba bảo Sen phải tìm được cha mẹ mình trong một đàn heo thì mới có thể hóa giải lời nguyền cho họ. Sen đoán chính xác rằng không có con heo nào trong đó là cha mẹ, giúp cả gia đình giải thoát khỏi lời nguyền của Yubaba. Haku dắt cô trở lại cánh cổng của thế giới linh hồn và hứa sẽ gặp lại cô trong tương lai. Chihiro đoàn tụ với cha mẹ, những người trở lại hình hài cũ và không nhớ điều gì đã xảy ra. Họ trở lại chiếc xe phủ đầy lá và bụi sau nhiều ngày trôi qua và đi đến ngôi nhà mới.

Nhân vật và diễn viên

[sửa | sửa mã nguồn]
Tên nhân vật Diễn viên lồng tiếngbản tiếng Nhật Diễn viên lồng tiếngbản tiếng Anh
Ogino Chihiro (荻野 千尋, Ogino Chihiro?) / Sen (, Sen?) Rumi Hiiragi Daveigh Chase
Haku (ハク, Haku?) Miyu Irino Jason Marsden
Yubaba (湯婆婆, Yubaba?) Mari Natsuki Suzanne Pleshette
Zeniba (銭婆, Zeniba?)
Kamaji (釜爺, Kamajī?) Bunta Sugawara David Ogden Stiers
Lin (リン, Rin?) Yoomi Tamai Susan Egan
Chichiyaku (父役, Chichiyaku?) Tsunehiko Kamijō Paul Eiding
Aniyaku (兄役, Aniyaku?) Takehiko Ono [ja] John Ratzenberger
Vô Diện (顔無し, Kaonashi?) Akio Nakamura [ja] Bob Bergen
Aogaeru (青蛙, Aogaeru?) Tatsuya Gashūin [ja]
Bandai-gaeru (番台蛙, Bandai-gaeru?) Yō Ōizumi Rodger Bumpass
Boh (, ?) Ryūnosuke Kamiki Tara Strong
Akio Ogino (荻野 明夫, Ogino Akio?) Takashi Naitō [ja] Michael Chiklis
Yūko Ogino (荻野 悠子, Ogino Yūko?) Yasuko Sawaguchi Lauren Holly
River Spirit (河の神, Kawa no kami?) Koba Hayashi [ja] Jim Ward
Radish Spirit (お白様, Oshira-sama?) Ken Yasuda [ja] Jack Angel
Dàn diễn viên lồng tiếng bản tiếng Anh của Sen và Chihiro ở thế giới thần bí: (từ trên xuống) Daveigh Chase vào vai nhân vật nữ chính Chihiro, Jason Marsden vào vai Haku, Suzanne Pleshette đóng cả hai vai Yubaba và Zeniba.

Nhân vật chính

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Ogino Chihiro (荻野 千尋, Ogino Chihiro?) / Sen (, Sen?)

Một cô bé 10 tuổi, nhân vật chính của anime Sen và Chihiro ở thế giới thần bí. Chihiro là một đứa trẻ thụ động, nhút nhát và hậu đậu. Cô bé hầu như sợ hãi mọi thứ, chẳng dám đối đầu nguy hiểm hay nói lên ý kiến của bản thân. Chính Yubaba đã đổi tên Chihiro thành Sen nhằm mục đích để cô bé quên mất tên thật và không thể trở về thế giới con người. Nhờ có Haku lấy lại bộ quần áo cũ cho cô (thứ mà cô bắt buộc phải có nếu muốn trở về thế giới loài người), cô mới tìm được tấm thiệp chia tay của các bạn trong túi quần và nhớ ra tên thật của mình. Cái tên Sen là chữ đầu tiên của "Chihiro" trong tiếng Nhật, có nghĩa là một nghìn (1000). Khi được nhận vào nhà tắm công cộng của Yubaba với cái tên mới, Chihiro bị mọi người ghét bỏ, kì thị bởi cô là con người. Dần dần, nhờ lòng nhiệt tình, nhân hậu, Chihiro đã hoàn thành nhiều thử thách khó khăn do Yubaba đặt ra để hành hạ cô bé và có được những người bạn tốt như chị Rin, ông Kamajii sáu tay. Người trợ giúp Chihiro nhiều nhất là cậu pháp sư trẻ tuổi Haku.

  • Haku (ハク, Haku?) / Nigihayami Kohaku Nushi (ニギハヤミコハクヌシ, Nigihayami Kohaku Nushi?)

Pháp sư làm việc cho Yubaba, hình dạng khác của cậu là một con rồng trắng. Cũng như Chihiro, Haku đã bị Yubaba xóa mất tên thật từ lâu, tuy nhiên cậu bé lại nhớ được tên của Chihiro. Haku thường xuyên bị các nhân viên nhà tắm xa lánh vì họ nghĩ cậu bé là tay sai cho Yubaba. Cậu là người đầu tiên Chihiro gặp ở thế giới linh hồn, cũng là người bạn thân thiết nhất của cô bé. Haku luôn mặc bộ đồ trắng vì nghĩa tiếng Hán của cái tên "Haku" nghĩa là màu trắng. Cậu là người rất dũng cảm, chững chạc với khuôn mặt đẹp thanh tú nhưng vẫn phảng phất nét nam tính. Đôi mắt xanh lá cây sắc bén càng khiến cho khuôn mặt Haku ấn tượng hơn. Để che mắt Yubaba, bề ngoài Haku luôn tỏ ra lạnh nhạt với Chihiro. Lúc không có ai theo dõi, cậu lại đối xử rất tốt bụng, ân cần và dịu dàng với cô bé. Thực ra Haku đã biết Chihiro từ khi cô còn rất nhỏ, bởi cậu đã cứu mạng cô khi cô bị ngã xuống sông Kohaku. Haku chính là vị thần cai quản dòng sông nhỏ đó, có tên thật là Nigihayami Kohaku Nushi (ニギハヤミコハクヌシ, Nigihayami Kohaku Nushi?). Sông Kohaku bị con người lấp đi để xây nhà nên Haku không còn chỗ ở, cậu lang thang đến vùng đất linh hồn và được Yubaba thu nhận làm người học việc. Ở cuối phim, Chihiro đã giúp Haku nhớ lại được tên thật của mình, xóa bỏ lời nguyền của Yubaba ám lên cậu. Khi cô bé tạm biệt cậu để trở về thế giới loài người, Haku hứa rằng họ sẽ gặp lại nhau, cậu cũng nói sẽ không làm người học việc của Yubaba nữa.

  • Yubaba (湯婆婆, Yubaba?)

Bà phù thủy gian tham và độc ác cai trị vùng đất linh hồn. Trên tay bà ta lúc nào cũng đeo đầy ngọc ngà châu báu. Yubaba kinh doanh nhà tắm công cộng - nơi những quỷ thần tới để thư giãn mỗi ngày. Mới đầu, bà không hề muốn nhận Chihiro vào làm việc nhưng quy tắc bất di bất dịch của bà là "giao công việc cho bất kì ai hỏi xin" nên Yubaba đành thu nhận Chihiro. Là người vô cùng thực dụng, bà ta chỉ xem Haku như một công cụ để thực hiện việc mờ ám, khi cậu không còn tác dụng thì vứt bỏ. Yubaba thống trị nơi đây bằng cách lấy đi tên thật của một người khiến người ấy không thể nhớ được tên của chính mình và phải phục tùng mọi mệnh lệnh của bà ta. Dù xấu xa là vậy, Yubaba lại rất thương yêu, cưng chiều cậu con trai khổng lồ Boh của mình.

  • Vô Diện (カオナシ, Kaonashi?) (No Face)

Con ma kì lạ không có gương mặt sinh sống ở vùng đất linh hồn. Vô Diện hay đeo mặt nạ vong hồn (gần giống mặt nạ kịch Noh của Nhật Bản) và có khả năng tàng hình. Hắn rất thích Chihiro vì cô bé là người đầu tiên đối xử tốt với hắn. Vô Diện sống nhờ vào lòng tham của con người, hắn dùng vàng bạc giả mua chuộc các nhân viên trong nhà tắm của Yubaba để bắt họ phục vụ đồ ăn cho hắn. Khi Vô Diện ăn hết thức ăn, hắn quay sang ăn một vài nhân viên nhà tắm và gây nên náo loạn cho mọi người. Điều duy nhất cảm hóa Vô Diện là một tâm hồn trong sáng, không bị vấy bẩn vì lòng tham, giống như tâm hồn cô bé Chihiro vậy. Sau khi ăn phải mẩu bánh thuốc của Chihiro (do thần Sông tặng), Vô Diện đã nôn ra tất cả những gì hắn đã ăn, kể cả ba nhân viên nhà tắm mà hắn đã nuốt và giận dữ đuổi theo Chihiro. Chihiro đã dụ được Vô Diện đuổi theo mình ra biển, xa khỏi phạm vi nhà tắm, nơi mà hắn trở lại tính cách thực của mình: chậm rãi, từ tốn và hiền lành. Cuối cùng, Vô Diện trở thành người giúp việc cho phù thủy Zeniba, người chị song sinh của Yubaba.

Nhân vật phụ

[sửa | sửa mã nguồn]
  • Rin (リン, Rin?)

Cô gái phục vụ nhà tắm, là đàn chị của Chihiro. Rin bình thường khá đanh đá và ăn nói thô lỗ, nhưng cô lại rất yêu quý và chăm sóc Chihiro như một người em ruột. Khi dẫn Chihiro đến xin việc tại phòng của Yubaba, Rin đã che chở cho cô bé khỏi bị lộ trước các quản đốc công của nhà tắm. Khi Vô Diện đi theo Chihiro, cô đã cảnh báo hắn: "Vô Diện, nếu ngươi đụng đến con bé, ngươi sẽ biết tay ta!". Rin có một ước mơ là rời khỏi nhà tắm của Yubaba và sống ở một nơi khác tốt đẹp hơn. Qua hình dáng (so với những nhân viên nữ khác trong nhà tắm) thì rất có khả năng trước đây Rin từng là một con người nhưng vì phải chịu lời nguyền của Yubaba mà cô phải làm việc ở nơi đây.

  • Oiji Kamajii

Ông lão sáu tay làm công việc đun và pha chế thảo dược nước trong nhà tắm hơi, người ta đặt cho ông biệt danh Nô lệ của những cái nồi đun nước. Thoạt nhìn ông Kamaji có vẻ đáng sợ, xa cách, tuy nhiên tính cách của ông lại không như thế. Thực ra ông Kamaji là người hiền lành, tốt tính, giúp đỡ Chihiro nhiều lần kể từ ngày đầu tiên cô bị lạc vào vùng đất linh hồn. Khi Chihiro mong muốn đến chỗ Zeniba để trả con dấu vàng, Kamaji đã dành cho cô bé những tấm vé tàu mà ông đã để dành suốt 40 năm qua.

  • Zeniba (銭婆, Zeniba?)

Là chị sinh đôi của Yubaba. Zeniba xuất hiện khá muộn trong Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, khoảng sau nửa bộ phim. Mới đầu ai cũng có thể tưởng nhầm bà ta độc ác hệt như Yubaba khi buộc Chihiro giao nộp Haku, tuy vậy sau đó nhân vật Zeniba dần cho thấy con người thật của mình là một lão bà hiền lành, đáng mến (sau này bà còn gọi Chihiro là "cháu yêu"). Bà sống rất xa em gái, ở cánh rừng nơi trạm dừng tàu số sáu, có tên Đáy Đầm lầy. Khi Chihiro thay mặt Haku đến trả con dấu ấn vàng cho bà mà Haku đã đánh cắp theo lệnh từ Yubaba, Zeniba đã đối xử với cô bé và các bạn của cô rất tốt. Bà tặng cô một sợi dây buộc tóc được làm từ những sợi chỉ do chim Yu và Boh (trong hình dạng chuột) tạo ra. Bà bảo rằng vật đó sẽ bảo vệ Chihiro. Cuối phim, Zeniba đã thu nhận và giữ Vô Diện làm người giúp việc cho mình.

  • Boh (, ?)

Con trai duy nhất của Yubaba. Vì được mẹ quá cưng chiều nên cậu nhóc này luôn tỏ ra nhõng nhẽo, ích kỉ và có phần ỷ lại. Vì Boh có một ngoại hình "khổng lồ" hơn cả bà mẹ Yubaba nên cậu chẳng thể nào đứng dậy mà chỉ có thể bò loanh quanh trong căn phòng của mình. Sau này, Boh bị Zeniba biến thành một con chuột. Và trải qua một chuyến đi thú vị với Chihiro đến nhà Zeniba, cậu bé đã biết tự đứng trên đôi chân chính mình và đã biết quan tâm đến người khác hơn. Ở cuối phim, khi Yubaba định trở mặt, không cho Chihiro quay về thế giới con người với gia đình, Boh đã lên tiếng thuyết phục Yubaba để thả cô bé.

  • Chim Yu (湯バード, Chim Yu?)

Có hình dạng của một con quạ, nhưng lại có cái đầu của Yubaba. Chuyên làm kẻ do thám cho Yubaba. Trong một lần tấn công Chihiro, nó đã bị Zeniba biến thành một con chim nhỏ xíu màu đen có kiểu bay vo ve như con ruồi. Kể từ đó, nó trở thành một người bạn của Chihiro và đi theo cô bé, bắt đầu cuộc hành trình cùng với chuột Boh và Vô Diện đi theo Chihiro tới nơi ở của Zeniba ở Đáy Đầm Lầy để trả lại chiếc ấn vàng mà Haku đã ăn cắp của Zeniba, và xin hóa giải phép thuật của Zeniba đã ếm lên nó và chuột Boh. Nó thường gắp theo chuột Boh và bay theo Chihiro. Cuối phim nó gật đầu đồng tình với đề nghị của Boh yêu cầu Yubaba thả Chihiro và cha mẹ cô về thế giới con người. Tuy nhiên, khi kết thúc phim thì nhân vật này vẫn chưa trở lại hình dáng cũ.

Sản xuất

[sửa | sửa mã nguồn]

Phát triển và cảm hứng

[sửa | sửa mã nguồn]
"Tôi tạo ra nữ nhân vật chính là một cô bé bình thường, người mà bất kỳ người xem nào cũng có thể đồng cảm. Đây không phải là một câu chuyện kể về sự trưởng thành của các nhân vật, đây là câu chuyện mà ở đó các nhân vật của chúng ta tìm thấy được thứ gì đó vốn đã nằm sẵn trong tâm hồn họ, được bộc lộ ra khi họ ở trong những hoàn cảnh nhất định. Tôi muốn những người bạn trẻ của mình sống như vậy và tôi nghĩ rằng họ, cũng như tôi, cùng có mong ước như thế."
— Miyazaki Hayao[16]

Vào mỗi dịp hè, Miyazaki Hayao dùng quãng thời gian nghỉ ngơi của mình tại một cabin trên núi cùng gia đình và 5 cháu gái là bạn với gia đình mình. Ý tưởng cho Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đến khi ông quyết định sẽ làm một bộ phim cho những người bạn này. Miyazaki trước đó đã đạo diễn cho nhiều phim như Hàng xóm của tôi là TotoroDịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki, những phim dành cho đối tượng là trẻ em và các bạn tuổi teen, nhưng ông chưa từng làm một bộ phim nào dành cho những cô bé 10 tuổi. Để tìm cảm hứng, ông đọc các tạp chí shōjo manga như NakayoshiRibon mà các cháu gái để lại trong cabin, nhưng ông cảm thấy chúng chỉ đề cập đến chủ đề "phải lòng" và lãng mạn. Khi nhìn vào những người bạn trẻ của mình, Miyazaki nghĩ rằng đây không phải là thứ "giúp sinh ra lòng nhân ái trong những trái tim". Thay vào đó, ông quyết định làm bộ phim nói về một nữ nhân vật chính mà họ, những cháu gái bạn của gia đình ông, có thể noi gương.[16]

Tác giả và đạo diễn Miyazaki Hayao đã dùng những tạp chí shōjo manga để lấy cảm hứng đạo diễn cho phim Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.

Miyazaki đã có ý định làm phim mới trong một thời gian dài. Ông đã viết kịch bản cho 2 dự án riêng của mình. nhưng cả hai đề xuất này đều bị từ chối. Đề xuất đầu tiên dựa theo một quyển sách của Nhật là Kirino Mukouno Fushigina Machi, và đề xuất thứ 2 nói về một nữ nhân vật chính tuổi teen. Dự án thứ ba của Miyazaki, sau này có tên là Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, là thành công hơn cả. Cả ba câu chuyện đều xoay quanh một nhà tắm công cộng dựa theo các nhà tắm công cộng tại quê nhà của Miyazaki. Miyazaki từng nghĩ rằng nhà tắm công cộng là một nơi bí ẩn, và ở đó có một cánh cửa sổ nằm cạnh các bồn tắm. Miyazaki bị cuốn hút bởi suy nghĩ về những thứ đằng sau cánh cửa đó, và ông đã viết nhiều câu chuyện về nó; một trong số chúng trở thành ý tưởng cho nhà tắm công cộng trong Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.[16]

Khâu sản xuất phim bắt đầu tiến hành vào năm 2000 với kinh phí là 1,9 tỷ yên (15 triệu USD).[2] Disney đã chi 10% giá quyền đặt trước của bộ phim khi phân phối tại Mỹ.[17] Từ sau Công chúa Mononoke, Miyazaki và các cộng sự đã có nhiều kinh nghiệm với quá trình dựng phim bằng máy tính. Họ đã tự trang bị thêm nhiều máy tính và các phần mềm hỗ trợ như Softimage, đội ngũ sản xuất của Ghibli đã bắt đầu học cách sử dụng các phần mềm này nhưng cố gắng dùng chúng như một công cụ để làm nổi bật lên cốt truyện chứ không "lạm dụng" chúng. Mỗi nhân vật hầu hết đều được vẽ bằng tay, cùng với sự giúp đỡ của Miyazaki để đảm bảo rằng các họa sĩ hiểu được ý tưởng của ông.[2] Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm phim là việc cắt bớt độ dài của nó. Khi quá trình trình sản xuất bắt đầu, Miyazaki nhận ra rằng bộ phim sẽ kéo dài hơn 3 tiếng nếu ông làm nó dựa theo cốt truyện hiện tại của ông. Ông đã phải cắt bỏ nhiều đoạn trong cốt truyện của mình, đồng thời giảm thiểu tối đa hiệu ứng "mắt long lanh" trong phim vì ông muốn bộ phim phải thật đơn giản. Miyazaki không muốn làm nhân vật chính là một cô bé xinh đẹp. Ban đầu ông bị thất vọng bởi cô bé trông "ngốc nghếch" và nghĩ rằng: "Cô bé không hề dễ thương. Liệu chúng ta có thể làm gì cho cô bé?". Tuy nhiên, đến cuối phim, ông cảm thấy yên lòng khi cảm thấy rằng "Cô bé sẽ trở thành một phụ nữ duyên dáng".[16]

Thị trấn Cửu Phần tại Đài Loan là cảm hứng cho thị trấn trong thế giới linh hồn.Dinh thự Takahashi Korekiyo tại bảo tàng kiến trúc không gian mở Edo-Tokyo là một trong những nguồn cảm hứng cho Miyazaki sáng tạo ra những căn nhà trong Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.

Miyazaki thiết kế các căn nhà trong thế giới linh hồn dựa theo kiến trúc của bảo tàng kiến trúc không gian mở Edo-Tokyo tại Koganei, Tokyo, Nhật. Ông thường xuyên ghé thăm bảo tàng này để lấy ý tưởng trong suốt quá trình làm phim. Miyazaki luôn bị cuốn hút bởi phong cách Pseudo-Tây phương của kiến trúc thời Minh Trị tại đây. Bảo tàng này khiến Miyazaki hoài cổ, "nhất là khi tồi đứng đây một mình lúc hoàng hôn, gần giờ đóng cửa, và mặt trời đang dần khuất bóng – những giọt nước mắt dần thấm đẫm đôi mắt tôi."[16] Một nguồn cảm hứng lớn khác nữa là Notoyaryokan, một Ryokan tọa lạc tại Yamagata, nổi tiếng nhờ lối kiến trúc và những đồ nội thất trang trí tuyệt đẹp.[18] Trong khi một số sách hướng dẫn và bài viết cho rằng thị trấn vàng cổ Cửu Phần ở Đài Loan đóng vai trò làm mẫu cảm hứng cho phim thì Miyazaki phủ nhận điều này.[19] Dōgo Onsen thường được coi là nguồn cảm hứng chính cho onsen/nhà tắm trong Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.[20]

Nhạc phim

[sửa | sửa mã nguồn]
Hisaishi Joe – cộng tác viên lâu năm của Miyazaki là tác giả phần nhạc nền trong phim.

Phần nhạc nền phim do Hisaishi Joe – cộng tác viên lâu năm của Miyazaki sáng tác và xướng nhạc, đồng thời do dàn nhạc giao hưởng New Japan Philharmonic trình bày.[21] Nhạc nền của Hisaishi đã gặt hái các danh hiệu tại lễ trao giải cuộc thi điện ảnh Mainichi lần thứ 56 cho âm nhạc hay nhất, giải âm nhạc hay nhất ở hạng mục phim điện ảnh chiếu rạp tại hội chợ thương mại anime Tokyo International Anime Fair năm 2001 và hạng mục Album nhạc hoạt hình của năm tại lễ trao giải Đĩa vàng Nhật Bản lần thứ 17.[22][23] Sau đó, Hisaishi đã bổ sung ca từ cho "Day of the River" và đặt tên cho phiên bản mới này là "The Name of Life" (いのちの名前, "Inochi no Namae"?) do Hirahara Ayaka trình bày.[24]

Ca khúc kết phim có tựa "Always With Me" (いつも何度でも, Itsumo Nando demo?, Nghĩa đen: Luôn luôn, dù có bao nhiêu lần) do Kimura Youmi – một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ chơi đàn lia đến từ Osaka – sáng tác và trình bày. Phần lời được viết bởi một người bạn của Kimura là Wakako Kaku. Ca khúc này vốn dự định được sử dụng trong Rin the Chimney Painter (煙突描きのリン, Entotsu-kaki no Rin?), một bộ phim khác của Miyazaki nhưng chưa bao giờ được phát hành. Trong một phụ chương đặc biệt trong DVD, Miyazaki Hayao giải thích bài hát này thực tế đã gợi cảm hứng cho ông như thế nào để sáng tạo ra Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.[25] Riêng ca khúc đã giành được chứng nhận đĩa vàng tại lễ trao giải đĩa nhạc Nhật Bản lần thứ 43.[26] Bên cạnh album nhạc nền phim, còn có một image album có tựa là Spirited Away Image Album (千と千尋の神隠し イメージアルバム, Sen to Chihiro no Kamikakushi Imēji Arubamu?) (album mà các bản nhạc phim được trình bày bởi chính các nhật vật -các diễn viên lồng tiếng cho nhân vật đó), bao gồm 10 bản nhạc.[27]

Album nhạc nền phim Sen và Chihiro ở thế giới thần bí
  1. One Summer's Day (あの夏へ, Ano Natsu e?) (Hisaishi Joe (久石譲, Hisaishi Joe?)) – 3:09
  2. A Road to Somewhere (とおり道, Toori Michi?) – 2:07
  3. The Empty Restaurant (誰もいない料理店, Dare mo Inai Ryōriten?) (Hisaishi Joe) – 3:15
  4. Nighttime Coming (夜来る, Yoru Kuru?) (Hisaishi Joe) – 2:00
  5. The Dragon Boy (竜の少年, Ryū no Shōnen?) (Hisaishi Joe) – 2:12
  6. Sootballs (ボイラー虫, Boirā Mushi?) (Hisaishi Joe) – 2:33
  7. Procession of the Spirits (神さま達, Kamisama-tachi?) (Hisaishi Joe) – 3:00
  8. Yubaba (湯婆婆, Yubaba?) (Hisaishi Joe) – 3:30
  9. Bathhouse Morning (湯屋の朝, Yuya no Asa?) (Hisaishi Joe) – 2:02
  10. Day of the River (あの日の川, Ano Hi no Kawa?) (Hisaishi Joe) – 3:13
  11. It's Hard Work (仕事はつらいぜ, Shigoto wa Tsuraize?) (Hisaishi Joe) – 2:26
  12. The Stink Spirit (おクサレ神, Okusaregami?) (Hisaishi Joe) – 4:01
  13. Sen's Courage (千の勇気, Sen no Yūki?) (Hisaishi Joe) – 2:45
  14. The Bottomless Pit (底なし穴, Sokonashi Ana?) (Hisaishi Joe) – 1:18
  15. Kaonashi (No Face) (カオナシ, Kaonashi?) (Hisaishi Joe) – 3:47
  16. The Sixth Station (6番目の駅, Roku Banme no Eki?) (Hisaishi Joe) – 3:38
  17. Yubaba's Panic (湯婆婆狂乱, Yubaba Kyōran?) (Hisaishi Joe) – 1:38
  18. The House at Swamp Bottom (沼の底の家, Numa no Soko no Ie?) (Hisaishi Joe) – 1:29
  19. Reprise (ふたたび, Futatabi?) (Hisaishi Joe) – 4:53
  20. The Return (帰る日, Kaeru Hi?) (Hisaishi Joe) – 3:20
  21. Always With Me (いつも何度でも, Itsumo Nando demo?) (Kimura Youmi (木村弓, Kimura Youmi?)) – 3:35
Spirited Away
Album soundtrack của Hisaishi Joe
Phát hành18 tháng 7 năm 2001
Hãng đĩaStudio Ghibli Records
Đánh giá chuyên môn
  • All Music Guide 4/5 sao link
Các bản nhạc trong Image album
  1. Ano Hi no Kawa e (あの日の川へ, lit. To that Days' River?) – Umi (3:54)
  2. Yoru ga Kuru (夜が来る, lit. Night is Coming?) – Hisaishi Joe (4:25)
  3. Kamigami-sama (神々さま, lit. Gods?) – Otaka Shizuru (3:55)
  4. Yuya (油屋, lit. Bathhouse?) – Kamijō Tsunehiko (3:56)
  5. Fushigi no Kuni no Jyūnin (不思議の国の住人, lit. The People in Wonderland?) – Hisaishi Joe (3:20)
  6. Samishii samishii (さみしいさみしい, lit. Lonely lonely?) – Kamayatsu Monsieur (3:41)
  7. Solitude (ソリチュード, Sorichūdo?) – Suzuki Rieko và Kondo Hiroshi (3:49)
  8. Umi (, lit. The Sea?) – Hisaishi Joe (3:22)
  9. Shiroi Ryū (白い竜, lit. White Dragon?) – Rikki (3:33)
  10. Chihiro no Waltz (千尋のワルツ, Chihiro no Warutsu?, Chihiro's Waltz) – Hisaishi Joe (3:20)
Image album
Album soundtrack của nhiều nghệ sĩ
Phát hành4 tháng 4 năm 2001
Hãng đĩaStudio Ghibli Records
Đánh giá chuyên môn
  • Amazon.com music 5/5 sao link

Bản chuyển thể tiếng Anh

[sửa | sửa mã nguồn]
John Lasseter – họa sĩ diễn hoạt của xưởng phim Pixar giữ vai trò giám đốc sản xuất bản chuyển thể tiếng Anh của phim.

Hãng Walt Disney Pictures là đơn vị cuối cùng giành được quyền lồng tiếng cho bản chuyển thể tiếng Anh cho Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, dưới sự giám sát của họa sĩ diễn hoạt xưởng phim Pixar là John Lasseter.[28] Vốn là một người hâm mộ của Miyazaki, Lasseter sẽ cùng đội ngũ của mình ngồi lại và xem tác phẩm của Miyazaki mỗi khi gặp phải vấn đề trong cốt truyện. Thực tế thì lần đầu tiên mà Sen và Chihiro ở thế giới thần bí chiếu trên đất Mỹ diễn ra tại một phòng chiếu của Pixar. Sau khi thưởng thức bộ phim Lasseter đã bị mê hoặc đến mức ông liền đem chiếu tác phẩm tại Liên hoan phim quốc tế San Francisco (nơi phim giành giải thưởng của ban giám khảo). Sau khi nghe phản ứng của ông với bộ phim, người của hãng Disney đã hỏi Lasseter rằng liệu ông có hứng thú với việc cố gắng đem Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đến với khán giả Mỹ hay không. Lasseter đã gật đầu đồng ý làm giám đốc sản xuất của bản chuyển thể tiếng Anh. Ngay sau đó, một vài người khác cũng gia nhập vào dự án: Kirk Wise (đồng đạo diễn Người đẹp và quái vật) và Donald W. Ernst (nhà đồng sản xuất Aladdin) lần lượt đảm nhận các vai trò đạo diễn và nhà sản xuất của Sen và Chihiro ở thế giới thần bí.[29] Trong khi đó Cindy Davis Hewitt và Donald H. Hewitt là những người viết thoại phim bằng tiếng Anh sao cho trùng với khẩu hình tiếng Nhật.[9]

Dàn diễn viên lồng tiếng của phim gồm có Daveigh Chase, Jason Marsden, Susan Egan, David Ogden Stiers và John Ratzenberger. Quá trình quảng bá cho phim bị hạn chế và Sen và Chihiro ở thế giới thần bí chỉ xuất hiện duy nhất trên một cuộn nhỏ trong trang phim trên website chính thức của Disney. Thậm chí Disney từng đẩy Sen và Chihiro ở thế giới thần bí khỏi website chính thức của họ[29] và dành cho bộ phim một khoản kinh phí quảng bá tương đối nhỏ. Marc Hairston kết luận rằng đây là một phản ứng hợp lý trước hành động nắm giữ nhượng quyền của Ghibli đối với bộ phim và các nhân vật – điều này làm hạn chế khả năng tiếp thị bộ phim đúng luật của Disney.[17]

Chủ đề và phân tích

[sửa | sửa mã nguồn]
Một con rồng Nhật Bản bay về phía chân trời và hướng đến đỉnh núi Phú Sĩ trong nền ảnh in của Ogata Gekkō. Sen và Chihiro ở thế giới thần bí chịu ảnh hướng chủ yếu từ tín ngưỡng dân gian Thần đạo của Nhật.[7]

Chủ đề của Sen và Chihiro ở thế giới thần bí chịu ảnh hưởng chủ yếu từ tín ngưỡng dân gian Thần đạo của Nhật. Địa điểm trung tâm của phim là một ngôi nhà tắm của Nhật, nơi đây tập hợp một lượng lớn các sinh vật trong tín ngưỡng dân gian Nhật Bản như kami đến tắm. Miyazaki còn trích dẫn những nghi lễ hạ chí khi dân làng gọi những loài kami địa phương của họ và mời chúng vào phòng tắm.[7] Trong phim Chihiro cũng tiếp xúc với những loài động vật và thực vật liên quan đến kami. Miyazaki lý giải điều này, "Vào thời ông bà tôi, người ta tin rằng kami hiện hữu khắp mọi nơi – trong những cây cối, dòng sông, côn trùng, ao giếng và bất cứ thứ gì. Thế hệ của tôi không có đức tin đó, nhưng tôi thích ý tưởng là chúng ta nên trân trọng mọi thứ vì những vị thần hiện hữu ở đó – chúng ta nên trân trọng mọi thứ vì có một kiểu sống tồn tại cho những thứ như vậy". Bộ phim thường được so sánh với tiểu thuyết Alice ở xứ sở thần tiên của Lewis Carroll vì cốt truyện có những yếu tố tương đồng như cùng lấy bối cảnh trong một thế giới kỳ ảo; nội dung mang sự xáo trộn tính logic và cân bằng; có các mô-típ như thực phẩm chứa những chất chuyển hóa, dù hai mảng quá trình phát triển và chủ đề đều không được chia sẻ công khai.[30] Trong các tác phẩm so sánh với Sen và Chihiro ở thế giới thần bí, Phù thủy xứ Oz được cho là có sự liên kết chủ đề chặt chẽ hơn.[31]

Chủ đề chính của Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tập trung vào nhân vật nữ chính Chihiro và hành trình ngưỡng kích thích dưới (liminal)[a] của cô thông qua cõi linh hồn. Nguyên hình của con đường dẫn sang thế giới khác phân định tình trạng của Chihiro ở một nơi nào đó giữa trẻ con và người lớn. Chihiro còn nằm ngoài những ranh giới xã hội trong bối cảnh siêu nhiên. Trong tựa đề tiếng Nhật của phim chứa thuật ngữ "kamikakushi" (nghĩa đen là "bị các vị thần mang đi") – một niềm tin dân gian của người Nhật, gán sự mất tích bí ẩn một thời gian của trẻ em hay phụ nữ. Theo nhà nhân chủng học của Nhật Bản Kazuhiko Komatsu viết trong cuốn "Kamikakushi to Nihonjin", kamikakushi không chỉ giấu đi một con người, mà còn che giấu cả lý do thực sự sau sự mất tích đó.[33] Việc sử dụng cụm từ kamikakushi kết hợp với tín ngưỡng dân gian liên quan đến nó trong phim đã củng cố thêm khái niệm của Komatsu của về lối đi ngưỡng kích thích dưới: "kamikakushi là một bản án 'tử hình xã hội vắng mặt' và cá nhân quay trở lại sau thời gian mất tích đồng nghĩa với việc 'tái sinh trong xã hội'".[34]

Phù thủy Yubaba có nhiều điểm tương đồng với nhân vật người đánh xe ngựa từ phim Pinocchio, khi cách bà phù thủy này biến người thành heo giống như cách những cậu bé trong Đảo khoái lạc bị biến thành lừa. Sau khi được nhận làm tại nhà tắm, Chihiro bị Yubaba tước mất tên thật của mình, tượng trưng cho việc giết cô bé[35] và Chihiro buộc phải tự trưởng thành. Sau đó cô bé trải qua một nghi thức chuyển tiếp (rite of passage)[a] theo kiểu hành trình của người hùng (monomyth); để tái tạo lại tính liên tục với quá khứ của mình, Chihiro phải tạo ra một danh tính mới.[35] Bên cạnh việc mang ý nghĩa khái quát chủ đề tuổi mới lớn, hành động tước tên của Chihiro và thay thế bằng tên mới Sen (một cách đọc khác của từ "chi", chữ cái đầu tiên của "Chihiro" trong tiếng Nhật – có nghĩa là "một nghìn") là biểu tượng của sự chú trọng đến giá trị [và là mục đích duy nhất] của chủ nghĩa tư bản, phản ánh sự khám phá điện ảnh của chủ nghĩa này và ảnh hưởng của nó lên văn hóa truyền thống ở Nhật Bản.[36] Yubaba có phong cách ăn mặc độc đáo trong nhà tắm khi diện một chiếc váy của phương Tây và sống trong khu nhà có kiểu nội thất và bày trí từ châu Âu, đối lập phong cách tối giản kiểu Nhật trong khu nhà của các nhân viên; điều này đại diện cho ảnh hưởng của tư bản phương Tây lên Nhật Bản dưới thời Minh Trị và những thời kì sau. Thiết kế công viên chủ đề bị bỏ hoang theo kiểu Minh Trị tượng trưng cho sự thay đổi của cha mẹ Chihiro – gia đình cô đến bằng chiếc xe hơi của Audi nhập khẩu và người cha mặc một chiếc áo thun cổ bẻ của châu Âu. Khi ăn ở nhà hàng cha Chihiro trấn an cô bé rằng ông mang "thẻ tín dụng" và "tiền mặt", trước khi cả ông và mẹ cô bé bị biến thành những con heo tiêu dùng theo đúng nghĩa đen.[37] Sen và Chihiro ở thế giới thần bí còn mang bình luận chỉ trích xã hội Nhật Bản hiện đại liên quan đến xung đột thế hệ và những vấn đề môi trường. Chihiro được xem là đại diện của shōjo – một cô gái có vai trò và tư tưởng đã thay đổi đáng kể từ thời hậu chiến tranh ở Nhật.[36]

Cha mẹ Chihiro biến thành heo tượng trưng cho việc một vài người đã trở nên tham lam như thế nào. Lúc Chihiro nói rằng có điều gì đó kỳ quặc ở thị trấn này, cha mẹ cô ngay lập tức biến thành heo. Có nhiều người "biến thành heo" trong thời kì bong bóng kinh tế (xã hội tiêu dùng) ở Nhật Bản vào thập niên 1980, nhưng những người này vẫn chưa nhận ra mình đã biến thành heo. Khi có ai đó biến thành heo, họ không trở lại thành người nữa mà thay vào đó dần dần bắt đầu mang "thể xác và hồn của một con heo". Đó chính là những người nói rằng, "Chúng tôi đang khánh kiệt và không có đủ miếng ăn". Điều này không chỉ áp dụng cho thế giới kỳ ảo. Có lẽ đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên và [tương tự như vậy] thực phẩm thực sự là một cái bẫy để giăng bắt những người bị lạc lối.
— Hiyasaki, phỏng vấn với tờ Soranews24.[38]

Ngay khi Chihiro tìm lại danh tính quá khứ của mình, đất nước Nhật Bản – vốn đang lo ngại về suy thoái kinh tế xảy ra trong thời gian phát hành phim – đã tìm cách tái liên hệ với những giá trị của quá khứ.[35] Trong một buổi phỏng vấn, Miyazaki cũng bình luận về yếu tố hoài cổ đối với một đất nước Nhật Bản xưa cũ.[39] Tuy nhiên, nhà tắm của những linh hồn không thể bị coi là một nơi không mơ hồ và đen tối. Rất nhiều nhân viên trong nhà tắm đối xử thô lỗ với Chihiro vì cô ấy là con người, tình trạng hối lộ cũng đang hiện hữu ở đây;[36] nó là một nơi chứa đầy sự lạm dụng và tham lam, giống như từng được miêu tả ở phân cảnh xuất hiện đầu tiên của Vô Diện.[40] Đối lập với hành trình và sự thay đổi đơn giản của Chihiro là cuộc vui hỗn loạn trá hình diễn ra triền miên xung quanh cô.[36] Có hai thí dụ đề cập đến những vấn đề môi trường trong phim. Đầu tiên là chi tiết Chihiro thỏa thuận với "linh hồn hôi thối". "Linh hồn hôi thối" thực chất vốn là vị thần của một con sông, nhưng nó đã bị rác bẩn hủy hoại đến mức không ai nhận ra nó ngay ở cái nhìn đầu tiên. Nó chỉ trở nên trong sạch một lần nữa khi Chihiro dọn dẹp một lượng rác khổng lồ, bao gồm lốp xe hơi, rác và một chiếc xe đạp. Điều này ám chỉ đến hành vi gây ô nhiễm môi trường của con người và cách họ vứt rác một cách cẩu thả mà chẳng thèm nghĩ đến hậu quả và nơi rác sẽ trôi đến. Chi tiết thứ hai chính là nhân vật Haku. Haku không nhớ tên và đánh mất quá khứ của mình – đó là lý do anh bị mắc kẹt trong nhà tắm. Cuối cùng Chihiro nhớ ra anh từng là vị thần của dòng sông Kohaku vốn đã bị hủy hoại và thay thế bằng những căn hộ. Vì nhu cầu phát triển của con người mà họ đã phá hủy một phần của tự nhiên, khiến Haku thất lạc cả nhà lẫn danh tính của mình. Chi tiết trên còn có thể được so sánh với nạn phá rừng và sa mạc hóa; con người tàn phá thiên nhiên gây mất cân bằng trong hệ sinh thái và phá hủy nơi ở của động vật nhằm thỏa mãn nhu cầu có thêm nhiều không gian hơn của họ (nhà ở, trung tâm thương mại, cửa hàng...) nhưng không hề nghĩ đến việc nó có thể ảnh hưởng đến những sinh vật sống khác như thế nào.[41] Những chủ đề phụ được biểu hiện qua Vô Diện – người phản ánh những nhân vật xung quanh gã khi học bằng ví dụ và đoạt lấy diện mạo của bất cứ ai gã tiêu thụ. Bản tính này dẫn đến sự hung hăng quái dị của Vô Diện trong nhà tắm. Khi Chihiro dùng chiếc bánh bao gây nôn để cứu Vô Diện, gã lại trở về hình dạng nhút nhát của mình. Ở cuối phim, Zeniba quyết định chăm sóc Vô Diện để gã có thể phát triển mà không chịu ảnh hưởng tiêu cực của nhà tắm.[42] Ngoài ra Miyazaki còn giải thích rằng từ gốc tiếng Nhật tên của Vô Diện – Kaonashi là một ẩn dụ về thứ ham muốn (libido) tồn tại sâu thẳm trong mỗi con người.[43]

Phát hành

[sửa | sửa mã nguồn]

Doanh thu phòng vé và phát hành chiếu rạp

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 20 tháng 7 năm 2001, công ty phân phối phim Toho đã phát hành chiếu rạp Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Nhật Bản; phim thu về 30,8 tỷ yên và trở thành phim điện ảnh có doanh thu cao nhất tại nước này, theo thống kê từ Hiệp hội nhà sản xuất điện ảnh của Nhật.[44] Tác phẩm cũng trở thành phim điện ảnh đầu tiên kiếm về 200 triệu USD tại thị trường phòng vé toàn cầu trước khi chiếu mở màn tại Hoa Kỳ.[45] Hãng Walt Disney Pictures là đơn vị chịu trách nhiệm lồng tiếng bộ phim bằng tiếng Anh dưới sự giám sát của John Lasseter từ xưởng phim Pixar. Ngày 7 tháng 9 năm 2002, bản lồng tiếng này đã ra mắt tại Liên hoan phim quốc tế Toronto[46] và sau đó ra rạp tại Bắc Mỹ vào ngày 20 tháng 9 năm 2002. Sen và Chihiro ở thế giới thần bí nhận được sự tiếp thị ít hơn bất kì bộ phim hạng B nào khác của Disney, khi chỉ có nhiều nhất 151 rạp phim công chiếu bộ phim vào năm 2002.[17] Sau lễ trao giải Oscar 2003, lượng rạp chiếu phim được mở rộng lên 714 rạp. Tác phẩm thu về 4 triệu USD trong tuần mở màn và cuối cùng thu về khoảng 10 triệu USD tính đến tháng 9 năm 2003.[47]

Ở thị trường ngoài Nhật Bản và Hoa Kỳ, phim đều đạt thành công vừa phải tại Hàn Quốc và Pháp, khi lần lượt đem về 11 triệu USD và 6 triệu USD tại hai quốc gia này. Lợi nhuận thu về từ các quốc gia khác đã nâng tổng doanh thu toàn cầu của phim lên con số 347 triệu USD.[5] Tại Argentina, phim còn nằm trong top 10 phim anime có lượng vé tiêu thụ nhiều nhất.[48] Sen và Chihiro ở thế giới thần bí từng có lần công chiếu tại Việt Nam trong một liên hoan phim hữu nghị. Ngày 16 tháng 11 năm 2011, Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản (thuộc Cục Văn hóa Nhật Bản) đã tổ chức sự kiện mang tên "Liên hoan phim hoạt hình Nhật Bản 2011 – Trải nghiệm sự cuốn hút của phim hoạt hình Nhật Bản", trong đó có trình chiếu bộ phim với tựa đề tiếng Việt chính thức là Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia Hà Nội.[49] Sau 18 năm phát hành tại Nhật Bản, Sen và Chihiro ở thế giới linh hồn được công chiếu tại Trung Quốc vào ngày 21 tháng 6 năm 2019. Trước đó, Hàng xóm tôi là Totoro được khởi chiếu tại đây vào tháng 12 năm 2018.[50] Lý giải cho việc bộ phim bị trì hoãn phát hành tại nước này là vì quan hệ chính trị căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong quá khứ, nhưng đến nay quan hệ này dần "nguội hẳn", dù vậy những người Trung Quốc lớn lên cùng bộ phim khi nhỏ vẫn tiếp tục xem phim.[51][52] Bộ phim đứng đầu phòng vé thị trường Trung Quốc trong cuối tuần đầu với doanh thu 28.8 triệu đô, vượt qua thành tích của Toy Story 4 lúc bấy giờ.[53] Trong cuối tuần thứ hai, phim tiếp tục cán mốc 54.8 triệu đô và rơi xuống vị trí thứ hai chỉ sau Người Nhện: Xa Nhà.[54] Tính đến ngày 16 tháng 7 năm 2019[cập nhật], Sen và Chihiro ở thế giới linh hồn đạt 70 triệu đô phòng vé ở Trung Quốc,[55] đưa nó lên tổng doanh thu 346 triệu đô tính đến ngày 8 tháng 7 năm 2019[cập nhật].[56]

Tại gia

[sửa | sửa mã nguồn]

Ngày 9 tháng 7 năm 2002, hãng Walt Disney Studios Home Entertainment lần đầu phát hành Sen và Chihiro ở thế giới thần bí trên định dạng VHS và DVD tại Nhật Bản.[57] Ấn bản của Nhật có kèm theo các phần storyboard (một loạt các bức hình vẽ phác thể hiện sơ lược cốt truyện và bố cục chính) của phim và ấn bản đặc biệt có tặng kèm đầu thu DVD player của Ghibli.[58] Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đã bán được 5,5 triệu video tại gia ở Nhật Bản tính đến năm 2007[59] và hiện vẫn đang nắm giữ kỷ lục tiêu thụ nhiều bản sao video tại gia nhất mọi thời tại nước này.[60] Ngày 15 tháng 4 năm 2003, Walt Disney Studios Home Entertainment cũng phát hành bộ phim trên cả định dạng VHS và DVD tại Bắc Mỹ.[61] Sự chú ý giành được từ chiến thắng tại giải Oscar cũng khiến lượng bán đĩa của tác phẩm tăng rất mạnh.[62] Các sản phẩm tặng kèm đĩa phim gồm có những trailer ở Nhật, một bộ phim tài liệu về quá trình làm phim phát sóng gốc trên Nippon Television, những buổi phỏng vấn với dàn diễn viên của Bắc Mỹ, một bản so sánh chọn lọc từng phần storyboard với phân cảnh trong phim và The Art of Spirited Away–một bộ phim tài liệu do nam diễn viên Jason Marsden thuyết minh.[63]

Ngày 12 tháng 9 năm 2003, Optimum Releasing phát hành nội địa Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Anh Quốc;[64] phim sau đó được phát hành trên cả định dạng DVD và VHS, dưới dạng một ấn bản cho thuê thông qua nhà phân phối độc lập High Fliers Films PLC sau khi phim được công chiếu tại các rạp. Tác phẩm được chính thức phát hành trên DVD tại Anh Quốc vào ngày 29 tháng 3 năm 2004 và cũng do chính Optimum Releasing tiến hành phân phối.[65] Năm 2006, Optimum tái phát hành bộ phim trong bộ đĩa sưu tập "The Studio Ghibli Collection".[66] Phim cũng được phát hành trên định dạng Blu-ray tại Nhật Bản và Anh Quốc vào năm 2014, sau đó bản Blu-ray cũng ra mắt ở Bắc Mỹ vào ngày 16 tháng 6 năm 2015.[67][68] Ngày 17 tháng 10 năm 2017, GKIDS tiếp tục tái phát hành phim trên Blu-ray và DVD.[69]

Đón nhận

[sửa | sửa mã nguồn]

Đánh giá chuyên môn

[sửa | sửa mã nguồn]

Sen và Chihiro ở thế giới thần bí đã đón nhận đông đảo phản hồi tích cực từ giới phê bình. Trên hệ thống tổng hợp kết quả đánh giá Rotten Tomatoes, bộ phim nhận được 97% lượng đồng thuận dựa theo 185 bài đánh giá, qua đó đạt điểm trung bình là 8,6/10. Các chuyên gia của trang web nhất trí rằng, Sen và Chihiro ở thế giới thần bí là một câu chuyện cổ tích gây kinh ngạc, đầy mê hoặc với nét vẽ thật tráng lệ; phim sẽ khiến khán giả thêm tò mò một chút và bị cuốn hút bởi thế giới xung quanh họ".[70] Trên trang Metacritic, tác phẩm giành số điểm trung bình rất cao là 96 trên 100 dựa trên 41 nhận xét, chủ yếu là những lời khen ngợi.[71]

Roger Ebert của nhật báo Chicago Sun-Times chấm phim bốn trên bốn sao, đồng thời khen ngợi bộ phim cùng phần chỉ đạo của Miyazaki. Ebert còn cho rằng Sen và Chihiro ở thế giới thần bí là một trong "những bộ phim điện ảnh hay nhất năm."[72] Elvis Mitchell của tờ The New York Times nhận xét phim rất tích cực và đánh giá cao phần hoạt hình. Mitchell còn ưu ái so sánh bộ phim với Through the Looking-Glass của Lewis Carroll, đồng thời nhận xét rằng những bộ phim của ông "tràn ngập tâm trạng buồn" và các nhân vật "làm tăng kịch tính [của phim]".[73] Derek Elley tờ Variety nói rằng Sen và Chihiro ở thế giới thần bí "có thể gây hứng thú với thanh niên và người lớn" và đánh giá cao phần hoạt họa cùng âm nhạc trong phim.[3] Kenneth Turan của tờ Los Angeles Times khen ngợi dàn diễn viên lồng tiếng và thấy rằng bộ phim là "sản phẩm của trí tưởng tượng mãnh liệt và dũng cảm, sở hữu sự sáng tạo không giống như bất cứ thứ gì con người từng thấy trước đây". Turan cũng đề cao vai trò đạo diễn của Miyazaki.[74] Nhà phê bình Jay Boyar của Orlando Sentinel cũng đề cao vai trò đạo diễn của Miyazaki và nói rằng bộ phim là "lựa chọn hoàn hảo cho những đứa trẻ khi chúng phải chuyển đến nhà mới".[75]

Năm 2010, Rotten Tomatoes xếp Sen và Chihiro ở thế giới thần bí là phim điện ảnh hoạt hình hay thứ 13 trên trang web[76] và sau đó là thứ 17 vào năm 2012.[77] Năm 2004, Cinefantastique liệt bộ anime là một trong "10 tác phẩm hoạt hình vô cùng quan trọng".[78] Năm 2005, Sen và Chihiro ở thế giới thần bí xếp thứ 12 trong số những phim hoạt hình hay nhất mọi thời đại của IGN.[79] Phim còn đứng hạng 9 trong những tác phẩm điện ảnh có lượt bình chọn cao nhất mọi thời đại trên Metacritic, qua đó trở thành phim điện ảnh hoạt hình truyền thống có lượt đánh giá cao nhất trên website này. Tác phẩm cũng đứng hạng 10 trong "100 phim điện ảnh hay nhất của điện ảnh thế giới" ("The 100 Best Films of World Cinema") của tạp chí Empire vào năm 2010.[80]

Giải thưởng

[sửa | sửa mã nguồn]
Năm Giải thưởng Hạng mục Tác phẩm/người đề cử Kết quả
2001 Animation Kobe Giải phim điện ảnh chiếu rạp Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[81]
Giải Blue Ribbon Phim hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[82]
Giải thưởng điện ảnh Mainichi[83] Phim hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Đạo diễn xuất sắc nhất Hayao Miyazaki Đoạt giải
2002 Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản lần thứ 25 Phim hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[84]
Ca khúc hay nhất Youmi Kimura Đoạt giải[84]
Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 52 Gấu Vàng Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải (đồng giải với Bloody Sunday)[85]
Cinekid Festival Giải điện ảnh Cinekid Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải (đồng giải với The Little Bird Boy)[86]
Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông lần thứ 21 Phim châu Á hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[87]
Tokyo Anime Award[88] Phim hoạt hình của năm Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc nhất Yôji Takeshige [ja] Đoạt giải
Thiết kế nhân vật xuất sắc nhất Hayao Miyazaki Đoạt giải
Đạo diễn xuất sắc nhất Hayao Miyazaki Đoạt giải
Âm nhạc xuất sắc nhất Joe Hisaishi Đoạt giải
Kịch bản hay nhất Hayao Miyazaki Đoạt giải
Diễn viên lồng tiếng xuất sắc nhất Rumi Hiiragi vai Chihiro Đoạt giải
Đóng góp nổi bật Hayao Miyazaki Đoạt giải
Giải Hiệp hội phê bình điện ảnh Utah[89] Phim hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Đạo diễn xuất sắc nhất Hayao MiyazakiKirk Wise (bản tiếng Anh) Đoạt giải
Kịch bản hay nhất Hayao MiyazakiCindy Davis Hewitt (bản chuyển thể tiếng Anh)Donald H. Hewitt (bản chuyển thể tiếng Anh) Đoạt giải
Phim không có ngôn ngữ tiếng Anh Nhật Bản Đoạt giải
Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[90]
Hội phê bình điện ảnh trực tuyến New York Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[81]
2003 Giải Oscar lần thứ 75 Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[91]
Giải Annie lần thứ 30[92] Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Chỉ đạo trong một sản phẩm điện ảnh hoạt hình Hayao Miyazaki Đoạt giải
Kịch bản trong một sản phẩm điện ảnh Hayao Miyazaki Đoạt giải
Âm nhạc trong một sản phẩm điện ảnh Joe Hisaishi Đoạt giải
Giải Critics' Choice lần thứ 8 Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[93]
Giải Sao Thổ lần thứ 29[94] Phim hoạt hình hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải
Kịch bản xuất sắc nhất Hayao MiyazakiCindy Davis Hewitt (bản chuyển thể tiếng Anh)Donald H. Hewitt (bản chuyển thể tiếng Anh) Đề cử
Nhạc phim hay nhất Joe Hisaishi Đề cử
Giải Vệ tinh Vàng lần thứ 7 Phim điện ảnh hoạt hình hoặc truyền thông kết hợp Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[95]
Liên hoan phim Fantastic Amsterdam Giải Silver Scream Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[96]
Christopher Award Phim điện ảnh hay nhất Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đoạt giải[97]
2004 Giải BAFTA lần thứ 57 Phim không có ngôn ngữ tiếng Anh Sen và Chihiro ở thế giới thần bí Đề cử[98]

Tham khảo

[sửa | sửa mã nguồn] Ghi chú
  1. ^ a b liminal, hay ngưỡng kích thích dưới là một thuật ngữ nhân học để chỉ một giai đoạn ngoài lề trong lớp nghi lễ có tên gọi là nghi thức chuyển tiếp (rites de passage).[32]
Chú thích
  1. ^ Spirited Away (PG)”. Ủy ban phân loại điện ảnh Vương quốc Anh. 14 tháng 8 năm 2003. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 1 năm 2015. Truy cập 23 tháng 1 năm 2015.
  2. ^ a b c Michael Howe. “The Making of Hayao Miyazaki's "Spirited Away" -- Part 1”. Jimhillmedia.com. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 3 năm 2009. Truy cập 12 tháng 3 năm 2016.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  3. ^ a b Elley, Derek (ngày 18 tháng 2 năm 2002). “Sprited Away Review”. Variety. Reed Business Information. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2011.
  4. ^ “歴代興収ベスト100”. Kogyo Tsushin. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 8 năm 2017. Truy cập 19 tháng 3 năm 2019.
  5. ^ a b c Doanh thu
    • “Spirited Away  – All Releases”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc 12 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2019.
    • “Spirited Away (2002)  – International”. Box Office Mojo. Lưu trữ bản gốc 12 tháng 11 năm 2019. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2019.
    Doanh thu Bắc Mỹ: 10.055.859 USD Doanh thu ở Nhật: 229.607.878 USD (31 tháng 3 năm 2002) Doanh thu ở Hàn Quốc: 11.382.770 USD (15 tháng 8 năm 2002) Doanh thu ở Pháp: 6.326.294 USD (26 tháng 6 năm 2002) Những vùng lãnh thổ khác: 11.230.955USD Doanh thu ở Nhật
    • Schwarzacher, Lukas (17 tháng 2 năm 2002). “Japan box office 'Spirited Away'”. Variety. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 8 năm 2014. Truy cập 21 tháng 8 năm 2014.
    Cuối năm 2001: 227 triệu USD
    • Schwarzacher, Lukas (16 tháng 2 năm 2003). “H'wood eclipses local fare”. Variety. Lưu trữ bản gốc 26 tháng 8 năm 2014. Truy cập 21 tháng 8 năm 2014.
    Giữa năm 2001 và 2002: 270 triệu USD
    • Schilling, Mark (16 tháng 5 năm 2008). “Miyazaki's animated pic to open this summer”. Variety. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 7 năm 2014. Truy cập 2 tháng 7 năm 2014.
    Tính đến 2008: 290 triệu USD
  6. ^ "“'Spirited Away' boosts Toho profits”. Japan Times. Truy cập 13 tháng 5 năm 2018.
  7. ^ a b c Shinto Perspectives in Miyazaki's Anime Film "Spirited Away", Shinto Perspectives in Miyazaki's Anime Film, "Spirited Away", Volume 8, James W. Boyd, Tetsuya Nishimura, ấn bản ngày 3 tháng 10 năm 2004
  8. ^ Sunada, Mami (Đạo diễn) (ngày 16 tháng 11 năm 2013). 夢と狂気の王国 [The Kingdom of Dreams and Madness] (Documentary) (bằng tiếng Nhật). Tokyo: Studio Ghibli. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2014. Interview with Toshio Suzuki
  9. ^ a b Turan, Kenneth (ngày 20 tháng 9 năm 2002). “Bản sao đã lưu trữ”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2014. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  10. ^ “Film Critics Pick the Best Movies of the Decade”. Metacritic. 3 tháng 1 năm 2010. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 2 năm 2017. Truy cập 4 tháng 9 năm 2012.
  11. ^ “Top 100 Animation Movies”. Rotten Tomatoes. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2013.
  12. ^ “The 75th Academy Awards (2003)”. Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 12 năm 2017. Truy cập 1 tháng 12 năm 2017.
  13. ^ “Watch This: Top fifty films for children up to the age of 14”. Viện Điện ảnh Anh Quốc. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 5 năm 2012. Truy cập 25 tháng 5 năm 2014.
  14. ^ “The 21st Century's 100 greatest films”. BBC. 23 tháng 8 năm 2016. Lưu trữ bản gốc 31 tháng 1 năm 2017.
  15. ^ “The 25 Best Films of the 21st Century So Far”. The New York Times (bằng tiếng Anh). ngày 9 tháng 6 năm 2017. ISSN 0362-4331. Lưu trữ bản gốc 8 tháng 7 năm 2017. Truy cập 12 tháng 6 năm 2017.
  16. ^ a b c d e “Miyazaki on Spirited Away // Interviews //”. Nausicaa.net. 11 tháng 7 năm 2001. Truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2017.
  17. ^ a b c “Spirited Away by Miyazaki”. FPS Magazine. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 5 năm 2014. Truy cập 11 tháng 8 năm 2016.
  18. ^ “Notoya in Ginzan Onsen stop business for renovation. | Tenkai-japan:Cool Japan Guide-Travel, Shopping, Fashion, J-pop”. Tenkai-japan. 1 tháng 7 năm 2010. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 10 năm 2012. Truy cập 6 tháng 5 năm 2013.
  19. ^ “Focus Newspaper: Hayao Miyazaki, 72 year old Mischievous Youngster (from 3:00 mark)”. TVBS TV. Lưu trữ bản gốc 10 tháng 7 năm 2015. Truy cập 5 tháng 7 năm 2015.
  20. ^ “Dogo Onsen”. japan-guide.com. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 6 năm 2009. Truy cập 13 tháng 6 năm 2017.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  21. ^ Miyazaki's Spirited Away (CD). Milan Records. 10 tháng 9 năm 2002. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 2 năm 2015.
  22. ^ “第56回 日本映画大賞 (56th Japan Movie Awards)”. Mainichi Shimbun. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 12 năm 2013. Truy cập 1 tháng 9 năm 2013.
  23. ^ “The 17th Japan Gold Disc Award 2002”. Hiệp hội công nghiệp ghi âm Nhật Bản. Lưu trữ bản gốc 6 tháng 10 năm 2014. Truy cập 1 tháng 9 năm 2013.
  24. ^ “晩夏(ひとりの季節)/いのちの名前 (The name of life/late summer)”. Ayaka Hirahara. Bản gốc lưu trữ 15 tháng 12 năm 2013. Truy cập 1 tháng 12 năm 2013.
  25. ^ “Yumi Kimura”. Nausicaa.net. Lưu trữ bản gốc 20 tháng 4 năm 2012. Truy cập 1 tháng 9 năm 2013.
  26. ^ “第43回日本レコード大賞 (43rd Japan Record Award)”. Japan Composer's Association. Bản gốc lưu trữ 9 tháng 10 năm 2003. Truy cập 2 tháng 9 năm 2013.
  27. ^ “久石譲 千と千尋の神隠し イメージアルバム (Joe Hisaishi Spirited Away Image Album)”. Tokuma Japan Communications. Bản gốc lưu trữ 15 tháng 12 năm 2013. Truy cập 1 tháng 12 năm 2013.
  28. ^ “Copyrights to 'Spirited Away' sold to Disney”. The Japan Times. 13 tháng 4 năm 2002. Truy cập ngày 9 tháng 9 năm 2018.
  29. ^ a b “Disney brings bewitching Japanese 'Spirited Away' to U.S. audiences”. Chicago Tribune. Truy cập 17 tháng 3 năm 2016.
  30. ^ Sunny Bay (22 tháng 6 năm 2016). “Beyond Wonderland: 'Spirited Away' Explores The Significance Of Dreams In The Real World”. moviepilot.com. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 8 năm 2016. Truy cập 14 tháng 8 năm 2018.
  31. ^ "SparkNote on Spirited Away." Influences on the Film”. sparknotes.com. 2004. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 8 năm 2016. Truy cập 14 tháng 8 năm 2017.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  32. ^ Ngô Đức Thịnh (18 tháng 2 năm 2016). “Tình trạng nửa vời: Giai đoạn ngưỡng kích thích dưới trong các nghi thức chuyển tiếp”. VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  33. ^ Kazuhiko Komatsu (2002). Kamikakushi to Nihonjin. Tokyo: Kadokawa Shoten. ISBN 4043657013.
  34. ^ Reider, Noriko T. (11 tháng 2 năm 2009). Spirited Away: Film of the Fantastic and Evolving Japanese Folk Symbols. Film Criticism 29.3. Academic OneFile. Gale. tr. 4–27.
  35. ^ a b c Satoshi, Ando (11 tháng 2 năm 2009). Regaining Continuity with the Past: Spirited Away and Alice's Adventures in Wonderland (PDF). Project MUSE. Bookbird 46.1. tr. 23–29..
  36. ^ a b c d Napier, Susan J. (11 tháng 2 năm 2009). Matter Out of Place: Carnival, Containment and Cultural Recovery in Miyazaki's Spirited Away (PDF). Project MUSE. Journal of Japanese Studies 32.2. tr. 287–310.
  37. ^ “HSC Extension course” (PDF). New South Wales Department of Education and Training. Lưu trữ (PDF) bản gốc 30 tháng 1 năm 2017. Truy cập 7 tháng 7 năm 2016.
  38. ^ Gold, Corey (14 tháng 7 năm 2016). “Studio Ghibli letter sheds new light on Spirited Away mysteries”. SoraNews24. Lưu trữ bản gốc 24 tháng 3 năm 2017. Truy cập 24 tháng 4 năm 2017.
  39. ^ Mes, Tom (7 tháng 1 năm 2002). “Hayao Miyazaki Interview”. Midnight Eye. Lưu trữ bản gốc 2 tháng 8 năm 2009. Truy cập 1 tháng 8 năm 2009.
  40. ^ Harris, Timothy (11 tháng 2 năm 2009). Seized by the Gods. Quadrant 47.9. Academic OneFile. Gale. tr. 64–67.
  41. ^ Saporito, Jeff. “What does "Spirited Away" say about Environmentalism?”. ScreenPrism. Lưu trữ bản gốc 3 tháng 3 năm 2017. Truy cập 1 tháng 3 năm 2017.
  42. ^ Gomes, Paul. “Lesson Plan — Spirited Away” (PDF). UHM. Bản gốc (PDF) lưu trữ 5 tháng 11 năm 2013. Truy cập 12 tháng 8 năm 2013.
  43. ^ “「千と千尋の神隠し」宮崎駿インタビュー(3)”. cyberbloom.seesaa (bằng tiếng Nhật). 15 tháng 11 năm 2008.
  44. ^ “歴代興収ベスト100” [Successive box office top 100] (bằng tiếng Nhật). Kogyo Tsushinsha. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 12 tháng 11 năm 2019.
  45. ^ Johnson, G. Allen (3 tháng 2 năm 2005). “Bản sao đã lưu trữ”. San Francisco Chronicle. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2012. Truy cập 11 tháng 8 năm 2016. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)
  46. ^ Ball, Ryan (9 tháng 12 năm 2001). “Spirited Away Premieres At Toronto Int'l Film Fest”. Animation Magazine. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 10 năm 2012. Truy cập 2 tháng 6 năm 2018.
  47. ^ “Spirited Away Box Office and Rental History”. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 1 năm 2006. Truy cập 10 tháng 6 năm 2018.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  48. ^ Oliveros, Mariano (23 tháng 7 năm 2015). “Los films de anime que lideran la taquilla argentina” (bằng tiếng Tây Ban Nha). Ultracine. Lưu trữ bản gốc 17 tháng 11 năm 2015. Truy cập 14 tháng 12 năm 2015.
  49. ^ “Liên hoan phim hoạt hình Nhật Bản tại Việt Nam”. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. ngày 27 tháng 12 năm 2010. Truy cập ngày 7 tháng 1 năm 2017. Tại Liên hoan phim, khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức những sắc màu phim độc đáo, chuyên nghiệp, hấp dẫn đến nóng bỏng trong: "Sắc màu" (Colorful, 2010) của đạo diễn Hara Keiichi, "Sen và Chihiro ở thế giới thần bí" (Spirited Away, 2001) của đạo diễn Miyazaki Hayao, "Vạch Đỏ" (Redline, 2010) của đạo diễn Koike Takeshi,... [...] của thể loại phim hoạt hình Nhật Bản.
  50. ^ “Hayao Miyazaki's 2001 Classic 'Spirited Away' Finally Gets Release in China”. The Hollywood Reporter. 27 tháng 5 năm 2019. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  51. ^ “These five Studio Ghibli films really should be released in China”. South China Morning Post. 17 tháng 12 năm 2018. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  52. ^ 'Vùng đất linh hồn' Nhật thống trị rạo ohim TQ sau 18 năm ra mắt”. BBC News Tiếng Việt. 21 tháng 6 năm 2019. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  53. ^ Coyle, Jake (23 tháng 6 năm 2019). “'Toy Story 4' opens big but below expectations with $118M”. AP News. Associated Press. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  54. ^ “Daily Box Office”. EntGroup. 30 tháng 6 năm 2019. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  55. ^ “Daily Box Office”. EntGroup. 8 tháng 7 năm 2019. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  56. ^ “Spirited Away – All Releases”. Box Office Mojo. Truy cập 12 tháng 11 năm 2019.
  57. ^ 千と千尋の神隠し (bằng tiếng Nhật). Walt Disney Japan. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 12 năm 2013. Truy cập 17 tháng 11 năm 2016.
  58. ^ “ブエナビスタ、DVD「千と千尋の神隠し」の発売日を7月19日に決定” (bằng tiếng Nhật). AV Watch. 10 tháng 5 năm 2002. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 7 năm 2013. Truy cập 17 tháng 11 năm 2016.
  59. ^ 均, 中村 (23 tháng 5 năm 2007). “Bản sao đã lưu trữ”. Nikkei Business (bằng tiếng Nhật). Nikkei Business Publications. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 6 năm 2007. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2019. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)
  60. ^ “Frozen Home Video Tops Spirited Away as Fastest to Sell 2 Million Copies in Japan”. Anime News Network. 14 tháng 8 năm 2014. Lưu trữ bản gốc 14 tháng 8 năm 2014. Truy cập 14 tháng 8 năm 2014.
  61. ^ Conrad, Jeremy (14 tháng 3 năm 2003). “Spirited Away”. IGN. Lưu trữ bản gốc 9 tháng 4 năm 2016. Truy cập 2 tháng 6 năm 2016.
  62. ^ Reid, Calvin (28 tháng 4 năm 2003). “'Spirited Away' Sells like Magic”. Publishers Weekly. 250 (17). Lưu trữ bản gốc 19 tháng 12 năm 2013. Truy cập 29 tháng 4 năm 2016.
  63. ^ “Studio Ghibli — The Official DVD Website”. Disney. Lưu trữ bản gốc 1 tháng 8 năm 2013. Truy cập 1 tháng 12 năm 2016.
  64. ^ “BBC Collective — Spirited Away”. BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 30 tháng 11 năm 2005. Truy cập 30 tháng 11 năm 2018.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  65. ^ “Spirited Away (2 Discs) (Studio Ghibli Collection)”. Play. Bản gốc lưu trữ ngày 19 tháng 7 năm 2013. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  66. ^ “Optimum Releasing — Spirited Away”. Optimum Releasing. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 10 năm 2013. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  67. ^ “Amazon.co.jp: 千と千尋の神隠し [Blu-ray]: 宮崎駿: DVD”. Amazon.com. Truy cập 28 tháng 5 năm 2016.
  68. ^ “Amazon.com: Spirited Away (2-Disc Blu-ray + DVD Combo Pack): Daveigh Chase, Lauren Holly, Michael Chiklis, Suzanne Pleshette, Jason Mardsen, Tara Strong, Susan Egan, John Ratzenberger, David Ogden Stiers, Hayao Miyazaki, Original Story And Screenplay By Hayao Miyazaki: Movies & TV”.
  69. ^ Carolyn Giardina (17 tháng 7 năm 2017). “Gkids, Studio Ghibli Ink Home Entertainment Deal”. The Hollywood Reporter. Truy cập 17 tháng 7 năm 2017.
  70. ^ “Spirited Away Movie Reviews”. Rotten Tomatoes. Flixster. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 1 năm 2012. Truy cập 23 tháng 1 năm 2017.
  71. ^ “Spirited Away”. Metacritic. Lưu trữ bản gốc 19 tháng 9 năm 2012. Truy cập 30 tháng 9 năm 2012.
  72. ^ Ebert, Roger (ngày 20 tháng 9 năm 2002). “Spirited Away”. Chicago Sun-Times. Bản gốc lưu trữ ngày 27 tháng 9 năm 2011. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2011.
  73. ^ Mitchell, Elvis (ngày 20 tháng 9 năm 2002). “Movie Review - Spirited Away”. The New York Times. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2011.
  74. ^ Turan, Kenneth (ngày 20 tháng 9 năm 2002). “Under the Spell of 'Spirited Away'”. Los Angeles Times. Lưu trữ bản gốc ngày 19 tháng 6 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 9 năm 2018.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  75. ^ Boyar, Jay (ngày 11 tháng 10 năm 2002). “`Spirited Away' -- A Magic Carpet Ride”. Orlando Sentinel. Bản gốc lưu trữ ngày 4 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 1 tháng 9 năm 2011.
  76. ^ “Best Animated Films – Spirited Away”. Rotten Tomatoes. Flixster. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 12 năm 2012. Truy cập 6 tháng 5 năm 2016.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  77. ^ “Best Animated Films”. Rotten Tomatoes. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 1 năm 2018. Truy cập 2 tháng 2 năm 2018.
  78. ^ Persons, Dan. “The Americanization of Anime: 10 Essential Animations (2004)”. Cinefantastique. 36 (1): 48. Lưu trữ bản gốc 28 tháng 4 năm 2017. Truy cập 28 tháng 4 năm 2017.
  79. ^ “The Top 25 Animated Movies of All-Time”. IGN Entertainment. News Corporation. Truy cập ngày 6 tháng 5 năm 2016.
  80. ^ “The 100 Best Films Of World Cinema - 10. Spirited Away”. Empire. Lưu trữ bản gốc 18 tháng 10 năm 2012.
  81. ^ a b “【ジブリ】 「千と千尋の神隠し」 再上映決定(9/16まで)”. Matome.naver.jpg (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2020. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  82. ^ “Bản sao đã lưu trữ”. eiga.com (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2013. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019. Đã định rõ hơn một tham số trong |tiêu đề= và |title= (trợ giúp)Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  83. ^ “第56回 日本映画大賞 千と千尋の神隠し”. mainichi.jp (bằng tiếng Nhật). Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  84. ^ a b “List of award-winning films at the 25th Japan Academy Awards”. Japan Academy Awards Association (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc 5 tháng 3 năm 2012. Truy cập 14 tháng 5 năm 2016.
  85. ^ “Prizes & Honours 2002”. Berlinale. Lưu trữ bản gốc 15 tháng 10 năm 2013. Truy cập 9 tháng 8 năm 2013.
  86. ^ 'Bird,' 'Spirited' nab kid kudos”. Variety. Lưu trữ bản gốc 21 tháng 11 năm 2015. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  87. ^ “第21屆香港電影金像獎得獎名單 List of Award Winner of The 21st Hong Kong Film Awards”. Hong Kong Film Awards. Lưu trữ bản gốc 5 tháng 8 năm 2013. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  88. ^ “「第10回 東京アニメアワード」受賞作品が決定 アリエッティ、けいおん!!も”. News ameba.jpg (bằng tiếng Nhật). Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập 23 tháng 6 năm 2018.
  89. ^ “Utah Film Critics Association Awards 2002”. Hiệp hội phê bình điện ảnh Utah. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  90. ^ “Spirited Away - Searching”. Ủy ban Quốc gia về Phê bình Điện ảnh. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  91. ^ “The 75th Academy Awards (2003) Nominees and Winners”. Academy of Motion Picture Arts and Sciences. Lưu trữ bản gốc 30 tháng 11 năm 2011. Truy cập 9 tháng 8 năm 2016.
  92. ^ “30th annual Annie award Nominees and Winners (2002)”. annieawards.org. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 1 năm 2013. Truy cập ngày 23 tháng 6 năm 2019. Chú thích có tham số trống không rõ: |3= (trợ giúp)Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  93. ^ “ハウルにNY映画批評家協会アニメーション賞(12/13)”. Animeanime.jpg (bằng tiếng Nhật). Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
  94. ^ “米サターン賞にバイオハザード、コープスブライド”. Animeanime.jpg (bằng tiếng Nhật). Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  95. ^ “Satellite Awards - 2003 awards”. Internet Movie Database. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  96. ^ “Amsterdam Fantastic Film Festival - 2003 awards”. Internet Movie Database. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  97. ^ “Christopher Award - 2003 awards”. Internet Movie Database. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.
  98. ^ “2004 British Academy Film Awards - Best Film Not in the English Language”. Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh Quốc. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 6 năm 2019. Truy cập 23 tháng 6 năm 2019.Quản lý CS1: bot: trạng thái URL ban đầu không rõ (liên kết)
Đọc thêm
  • Fox, Kit. “Spirited Away”. Animerica. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 4 năm 2004. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2016.
  • Matthews, Kate (2006), “Logic and Narrative in 'Spirited Away'”, Screen Education (43): 135–140, ISSN 1449-857X
  • Knox, Julian (ngày 22 tháng 6 năm 2011), “Hoffmann, Goethe, and Miyazaki's Spirited Away.(E.T.A. Hoffmann, Johann Wolfgang von Goethe, and Hayao Miyazaki)(Critical essay)”, Wordsworth Circle, Wordsworth Circle, 42 (3): 198(3), ISSN 0043-8006
  • “Forest Spirits, Giant Insects and World Trees: The Nature Vision of Hayao Miyazaki”, Journal of Religion and Popular Culture, Journal of Religion and Popular Culture, 10, ngày 22 tháng 6 năm 2005, ISSN 1703-289X
  • Cooper, Damon (ngày 1 tháng 11 năm 2010), “Finding the spirit within: a critical analysis of film techniques in spirited Away.(Critical essay)”, Babel, Australian Federation of Modern Language Teachers Associations, 45 (1): 30(6), ISSN 0005-3503
  • Cavallaro, Dani (2006). The animé art of Hayao Miyazaki. Jefferson, N.C.: McFarland & Co. ISBN 9780786423699.
  • Cari Callis (2010). “Nothing that Happens is ever Forgotten”. Trong Josef Steiff, Tristan D. Tamplin (biên tập). Anime and Philosophy. New York: Open Court. ISBN 9780812697131.
  • Andrew Yang (2010). The Two Japans of 'Spirited Away'. 12. International Journal of Comic Art. tr. 435-452.
  • Ayumi Suzuki, "A nightmare of capitalist Japan: Spirited Away", Jump Cut, A Review of Contemporary Media, no 51, 2009
  • James W. Boyd; Tetsuya Nishimura (tháng 10 năm 2004). Shinto Perspectives in Miyazaki's Anime Film "Spirited Away". 8. The Journal of Religion and Film. Bản gốc lưu trữ ngày 1 tháng 5 năm 2016. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2019.
  • Osmond, Andrew (2008). Spirited away = Sen to Chihiro no kamikakushi. Basingstoke [England]: Palgrave Macmillan on behalf of the British Film Institute. ISBN 1844572307.
  • Shiro Yoshioka (2008). “Heart of Japaneseness: History and Nostalgia in Hayao Miyazaki's Spirited Away”. Trong Mark W. MacWilliams (biên tập). Japanese Visual Culture. M.E. Sharpe. ISBN 9780765633088.
  • Broderick, Mick (2003). “Intersections Review, Spirited Away by Miyazaki's Fantasy”. Intersections: Gender, History and Culture in the Asian Context (9). Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2016.
  • Coyle, Rebecca (2010). Drawn to Sound: Animation Film Music and Sonicity. Equinox Publishing. ISBN 978-1-84553-352-6. Drawn to Sound focuses on feature-length, widely distributed films released in the period since World War II, from producers in the USA, UK, Japan and France-from Animal Farm (1954) to Happy Feet (2006), Yellow Submarine (1968) to Curse of the Were-Rabbit (2005), Spirited Away (2001) and Les Triplettes de Belleville (2003).
  • Denison, Rayna (2008). “The global markets for anime: Miyazaki Hayao's Spirited away (2001)”. Trong Phillips, Alastair; Stringer, Julian (biên tập). Japanese Cinema: Texts and Contexts. Routledge. ISBN 978-0-415-32847-0.
  • Fielding, Julien R. (2008). Discovering World Religions at 24 Frames Per Second. Scarecrow Press. ISBN 978-0-8108-5996-8. Several films with a 'cult-like' following are also discussed, such as Fight Club, Princess Mononoke, Spirited Away, and Jacob's Ladder.
  • Galbraith IV, Stuart (2008). The Toho Studios Story: A History and Complete Filmography. Scarecrow Press. ISBN 978-0-8108-6004-9. Since its inception in 1933, Toho Co., Ltd., Japan's most famous movie production company and distributor, has produced and/or distributed some of the most notable films ever to come out of Asia, including Seven Samurai, Godzilla, When a Woman Ascends the Stairs, Kwaidan, Woman in the Dunes, Ran, Shall We Dance?, Ringu, and Spirited Away.
  • Geortz, Dee (2009). “The hero with the thousand-and-first face: Miyazaki's girl quester in Spirited away and Campbell's Monomyth”. Trong Perlich, John; Whitt, David (biên tập). Millennial Mythmaking: Essays on the Power of Science Fiction and Fantasy Literature, Films and Games. McFarland. ISBN 978-0-7864-4562-2.
  • Hooks, Ed (2005). “Spirited Away”. Acting in Animation: A Look at 12 Films. Heinemann Drama. ISBN 978-0-325-00705-2.
  • Napier, Susan J. (2005). Anime from Akira to Howl's Moving Castle: Experiencing Contemporary Japanese Animation. Palgrave Macmillan. ISBN 978-1-4039-7051-0.
  • Yoshioka, Shiro (2008). “Heart of Japaneseness: History and Nostalgia in Hayao Miyazaki's Spirited Away”. Trong MacWilliams, Mark W (biên tập). Japanese Visual Culture: Explorations in the World of Manga and Anime. M.E. Sharpe. ISBN 978-0-7656-1601-2.

Liên kết ngoài

[sửa | sửa mã nguồn] Wikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Sen và Chihiro ở thế giới thần bí. Wikiquote có sưu tập danh ngôn về: Sen và Chihiro ở thế giới thần bí
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí trên Internet Movie Database
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại TCM Movie Database
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí trên trang AllRovi
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Big Cartoon DataBase
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí (anime) tại từ điển bách khoa của Anime News Network
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Box Office Mojo
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Metacritic
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Rotten Tomatoes
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí tại Japanese Movie Database (tiếng Nhật)
  • x
  • t
  • s
Miyazaki Hayao
Phong cách và đề tài
Đạo diễn
Phim dàiLâu đài của Cagliostro • Nausicaä của Thung lũng gió • Laputa: Lâu đài trên không • Hàng xóm của tôi là Totoro • Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki • Porco Rosso • Công chúa Mononoke • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí • Lâu đài bay của pháp sư Howl • Cô bé người cá Ponyo • Khi gió lên • Thiếu niên và chim diệc
Phim ngắnOn Your Mark • Kujiratori • Koro no Daisanpo • Kūsō no Sora Tobu Kikaitachi • Looking for a Home • Hoshi o Katta Hi • Mizugumo Monmon • Pandane to tamago hime
Kịch bảnPanda Kopanda • Lời thì thầm của trái tim • Thế giới bí mật của Arrietty • Ngọn đồi hoa hồng anh
Đạo diễn TV & OVALupin đệ tam Lupin III's Greatest Capers • Conan – Cậu bé tương lai • Meitantei Holmes
MangaNausicaä của Thung lũng gió • Chuyến phiêu lưu Shuna • Hikōtei Jidai • Ghi chép mơ mộng của Miyazaki Hayao • Những chú hổ nhuốm bùn • Kaze Tachinu
  • x
  • t
  • s
Ghibli
Nhân sự
Sáng lập
  • Miyazaki Hayao
  • Suzuki Toshio
  • Takahata Isao
Khác
  • Hisaishi Joe
  • Kondō Katsuya
  • Kondō Yoshifumi
  • Kōsaka Kitarō
  • Miyazaki Gorō
  • Nishimura Yoshiaki
  • Oga Kazuo
  • Ōtsuka Yasuo
  • Kanada Yoshinori
  • Yonebayashi Hiromasa
Phim
Phim hoạt hình
  • Lâu đài trên không Laputa (1986)
  • Hàng xóm của tôi là Totoro (1988)
  • Mộ đom đóm (1988)
  • Dịch vụ giao hàng của phù thủy Kiki (1989)
  • Ngày hôm qua (1991)
  • Porco Rosso (1992)
  • Ocean Waves (1993)
  • Pom Poko (1994)
  • Lời thì thầm của trái tim (1995)
  • Princess Mononoke (1997)
  • Gia đình nhà Yamada (1999)
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí (2001)
  • Loài mèo trả ơn (2002)
  • Lâu đài bay của pháp sư Howl (2004)
  • Huyền thoại đất liền và đại dương (2006)
  • Ponyo on the Cliff by the Sea (Nàng tiên cá phương Đông) (2008)
  • Thế giới bí mật của Arrietty (2010)
  • Ngọn đồi hoa hồng anh (2011)
  • Kaze Tachinu (Gió nổi) (2013)
  • Kaguya-hime no Monogatari (Nàng tiên trong ống tre) (2013)
  • Hồi ức về Marnie (2014)
  • Earwig and the Witch (2020)
  • Thiếu niên và chim diệc (2023)
Phim ngắn
  • Nandarō
  • On Your Mark
  • Ghiblies
  • Ghiblies Episode 2
  • Kūsō no Sora Tobu Kikaitachi
  • Mei to Konekobasu
  • Kujiratori
  • Yadosagashi
  • The Day I Harvested a Planet
  • The Night of Taneyamagahara
  • Mizugumo Monmon
  • Iblard Jikan
  • Pandane to tamago hime
Video game
  • Jade Cocoon: Story of the Tamamayu
  • Jade Cocoon 2
  • Magic Pengel: The Quest for Color
  • Ni no Kuni
    • Dominion of the Dark Djinn
    • Wrath of the White Witch
Sản phẩm khác
  • Shiki-Jitsu (Studio Kajino)
  • Ghost in the Shell 2: Innocence
  • Ronja, con gái kẻ trộm
  • Rùa đỏ
Bài viết có liên quan
  • Catbus
  • Bảo tàng Ghibli
  • Thư viện Bảo tàng Ghibli
  • Vương quốc của những giấc mơ và sự điên rồ
  • Mary và Đóa hoa phù thủy
  • Nausicaä của Thung lũng Gió
  • Nausicaa.net
  • Studio Kajino
  • Studio Ponoc
  • Susuwatari
  • Topcraft
Giải thưởng cho Sen và Chihiro ở thế giới thần bí
  • x
  • t
  • s
Giải Oscar cho phim hoạt hình hay nhất
Thập niên 2000
  • Shrek – Aron Warner (2001)
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí – Miyazaki Hayao (2002)
  • Đi tìm Nemo – Andrew Stanton (2003)
  • Gia đình siêu nhân – Brad Bird (2004)
  • Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit – Nick Park và Steve Box (2005)
  • Happy Feet – George Miller (2006)
  • Chuột đầu bếp – Brad Bird (2007)
  • Rô-bốt biết yêu – Andrew Stanton (2008)
  • Vút bay – Pete Docter (2009)
Thập niên 2010
  • Câu chuyện đồ chơi 3 – Lee Unkrich (2010)
  • Rango – Gore Verbinski (2011)
  • Công chúa tóc xù – Mark Andrews và Brenda Chapman (2012)
  • Nữ hoàng băng giá – Chris Buck, Jennifer Lee và Peter Del Vecho (2013)
  • Biệt đội Big Hero 6 – Don Hall, Chris Williams và Roy Conli (2014)
  • Những mảnh ghép cảm xúc – Pete Docter và Jonas Rivera (2015)
  • Phi vụ động trời – Byron Howard, Rich Moore, và Clark Spencer (2016)
  • Coco – Lee Unkrich và Darla K. Anderson (2017)
  • Người Nhện: Vũ trụ mới – Bob Persichetti, Peter Ramsey, Rodney Rothman, Phil Lord và Christopher Miller (2018)
  • Câu chuyện đồ chơi 4 – Josh Cooley, Jonas Rivera và Mark Nielsen (2019)
Thập niên 2020
  • Cuộc sống nhiệm màu – Pete Docter và Dana Murray (2020)
  • Encanto: Vùng đất thần kỳ – Jared Bush, Byron Howard, Yvett Merino và Clark Spencer (2021)
  • Pinocchio của Guillermo del Toro – Guillermo del Toro, Mark Gustafson, Gary Ungar, và Alex Bulkley (2022)
  • Thiếu niên và chim diệc – Miyazaki Hayao và Suzuki Toshio (2023)
  • x
  • t
  • s
Giải Viện Hàn lâm Nhật Bản – Phim điện ảnh hay nhất của năm
Thập niên 1970
  • The Yellow Handkerchief (1977)
  • Jiken (1978)
  • Vengeance Is Mine (1979)
Thập niên 1980
  • Zigeunerweisen (1980)
  • Station (1981)
  • Fall Guy (1982)
  • The Ballad of Narayama (1983)
  • The Funeral (1984)
  • Gray Sunset (1985)
  • House on Fire (1986)
  • A Taxing Woman (1987)
  • Tonkō (1988)
  • Kuroi ame (1989)
Thập niên 1990
  • Childhood Days (1990)
  • My Sons (1991)
  • Sumo Do, Sumo Don't (1992)
  • A Class to Remember (1993)
  • Crest of Betrayal (1994)
  • A Last Note (1995)
  • Shall We Dance? (1996)
  • Công chúa Mononoke (1997)
  • Begging for Love (1998)
  • Poppoya (1999)
Thập niên 2000
  • Sau cơn mưa (2000)
  • Sen và Chihiro ở thế giới thần bí (2001)
  • Kiếm sĩ cơ hàn (2002)
  • When the Last Sword Is Drawn (2003)
  • Nửa lời thú tội (2004)
  • Always Sanchōme no Yūhi (2005)
  • Hula Girls (2006)
  • Tokyo Tower: Mom and Me, and Sometimes Dad (2007)
  • Người tiễn đưa (2008)
  • Shizumanu Taiyō (2009)
Thập niên 2010
  • Kokuhaku (2010)
  • Yōkame no Semi (2011)
  • The Kirishima Thing (2012)
  • Người đan chữ xếp thuyền (2013)
  • Eien no Zero (2014)
  • Umimachi Diary (2015)
  • Shin Godzilla (2016)
  • Sandome no Satsujin (2017)
Cổng thông tin:
  • icon Anime
  • flag Nhật Bản
  • Điện ảnh
Tiêu đề chuẩn Sửa dữ liệu tại Wikidata
  • BNF: cb16189315v (data)
  • GND: 4819494-3
  • LCCN: no2003059333
  • NDL: 001218973
  • NKC: unn2008436927
  • SUDOC: 162085087
  • VIAF: 316752071
  • WorldCat Identities (via VIAF): 316752071
Bài viết tốt "Sen và Chihiro ở thế giới thần bí" là một bài viết tốt của Wikipedia tiếng Việt.Mời bạn xem phiên bản đã được bình chọn vào ngày 6 tháng 7 năm 2019 và so sánh sự khác biệt với phiên bản hiện tại.

Từ khóa » Vô Diệm Anime