Sengoku Otogizōshi InuYasha/ Chiến Quốc Ngự Già Thảo Tử ...

Thời Chiến quốc loạn lạc; những cuộc chiến đấu ác liệt không hồi kết để giành lấy sức mạnh, quyền lực, sự sống, tình yêu của hầu hết mọi sinh vật; cuộc giao tranh bất phân thắng bại giữa thiện và ác; những thông điệp đậm tính nhân văn, giàu chất triết lí về tình bạn, tình yêu, tình người; sự lồng ghép đầy tự nhiên mà không kém phần sắc sảo những truyền thuyết ma mị, những yếu tố tâm linh kì ảo mang đậm phong vị Nhật Bản nói riêng và Á Đông nói chung của tác giả Takahashi Rumiko đã khiến cho bộ manga, anime dài kì InuYasha được các độc giả trên toàn thế giới đón nhận nồng nhiệt hơn bao giờ hết.

Đôi nét về tác giả và tác phẩm

Takahashi Rumiko (tên Hán Việt: Cao Kiều Lưu Mỹ Tử) hẳn không còn là cái tên xa lạ với các “đồng chí” đam mê manga, anime, đặc biệt là các fan của thể loại shounen manga. Dành cho những bạn chưa biết thì shounen manga là dòng truyện tranh chủ yếu nhắm tới đối tượng độc giả là nam giới, ở độ tuổi thanh thiếu niên. Tại Nhật Bản, việc các nữ mangaka tham gia sáng tác shounen manga không phải là điều quá hiếm hoi nhưng những người có thể đạt được thành tựu sự nghiệp rực rỡ như Takahashi Rumiko thì rất ít. Bà được mệnh danh là “công chúa manga”, “họa sĩ truyện tranh được yêu thích nhất Nhật Bản” và là một trong những mangaka xuất sắc cũng như giàu có nhất Nhật Bản hiện nay.

Tình yêu cháy bỏng dành cho shounen manga từ thuở thiếu thời đã thôi thúc Rumiko quyết định đăng kí theo học trường Gekiga Sonjuku, một trường học nổi tiếng lẫy lừng về mảng đào tạo họa sĩ truyện tranh theo trường phái kịch họa do mangaka “lão làng” Koike Kazuo sáng lập. Chính ngôi trường này đã “ươm mầm” tài năng, định hình một phần phong cách sáng tác, tôi luyện và rèn giũa các kĩ năng cần thiết của Takahashi Rumiko. Bà luôn được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ truyện tranh tài hoa khi vừa có thể xây dựng nên những cốt truyện cuốn hút, chặt chẽ, vừa  có nét vẽ thanh lịch, ưa nhìn, vừa tự tô và phối màu cho các bản thảo của mình. Đừng thắc mắc tại sao truyện tranh của Takahashi-sensei thường phảng phất nét rùng rợn, bí ẩn. Bà đã từng là trợ lí của Umezu Kazuo, một mangaka nổi tiếng về dòng truyện kinh dị và bà cũng là bạn thân của tiểu thuyết gia Hikawa Reiko.

Thế nhưng, những điều đặc biệt kể trên vẫn chưa đủ sức để cấu thành nên một tài năng manga khiến biết bao thế hệ độc giả yêu mến. Chính khả năng xây dựng hình tượng, tích cách nhân vật thú vị, độc đáo, “rất đời” và tài năng lột tả tâm trạng nhân vật một cách nhất quán, chân thực mới chính là nét đặc trưng trứ danh cũng như đặc sắc nhất trong các tác phẩm do sensei chắp bút.

Các tác phẩm của Takahashi Rumiko

InuYasha là bộ manga lớn thứ tư của Rumiko-sensei. Đây được xem là tác phẩm đánh dấu sự chuyển mình trong nội dung, phong cách sáng tác của bà. Trước đó, sensei thường theo đuổi phong cách hài hước, điều đó được chứng thực khi các tác phẩm của sensei luôn mang lại tiếng cười cho các độc giả. Thế nhưng, trong InuYasha, nét gây cười đã được tiết chế một cách tối thiểu, mà thay vào đó, những giá trị cốt lõi của cuộc đời, sự phức tạp mà thống nhất của tâm lí con người được miêu tả chi tiết hơn bao giờ hết. InuYasha được đánh giá là mốc son chói lọi trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của Takahashi Rumiko khi nó giúp bà chiếm lĩnh được thị phần anime, manga lớn ở thị trường phương Tây, đạt nhiều giải thưởng danh giá trong lĩnh vực sáng tác truyện tranh.

Bộ manga ra mắt vào năm 1996 và kết thúc vào năm 2008. Amine chuyển thể cùng tên được thực hiện bởi Sunrise vào năm 2000, một công ty đã thực hiện rất thành công anime Thám tử lừng danh Conan thời bấy giờ. Công ty này cũng bám rất sát cốt truyện gốc của tác giả, tuy đôi lúc công ty này cũng “thêm thắt” nhiều nhân vật, tình tiết không có trong bản manga nhưng nhìn chung không làm thay đổi, ảnh hưởng đến mạch anime. Hãng Viz Media, một công ty con của Sunrise ở thị trường nước ngoài, cũng nhanh chóng mua bản quyền và cho ra mắt anime InuYasha phiên bản lồng tiếng Anh và đạt được thành công vang dội. Có thể nói, anime InuYasha chính là bước ngoặt lớn nhất nâng cao vị thế của Rumiko Takahashi trong lòng các otaku trên toàn thế giới.

Takahashi và InuYasha

Tại Việt Nam, InuYasha là một trong những bộ truyện ăn khách nhất của nhà xuất bản Trẻ. Cứ mỗi lần được phát hành hay tái bản là InuYasha lại trong tình trạng “cháy hàng”. Nhà xuất bản Trẻ cũng là “chủ thầu” của “nhiều công trình ở Việt Nam” do “kiến trúc sư” Takahashi Rumiko “thiết kế”. Các “công trình” ấy đều gây tiếng vang với các bạn đọc trong nước như: Ranma 1/2 (Một nửa Ranma), Maison Ikkoku (Nhà trọ Nhất Khắc), Kyoukai no Rinne (Rinne – Cảnh giới luân hồi),…

(Phần tiếp theo của bài viết mang tính chủ quan của người viết, hi vọng các bạn không ném đá mà hãy góp ý để chúng ta cùng có cái nhìn hoàn thiện hơn.)

Khi khởi nguồn của mọi bi kịch xuất phát từ sự “thương cảm”

Trước hết, phải nói rằng các tác phẩm của Rumiko-sensei thường không phân chia thiện-ác, trắng-đen một cách quá rạch ròi mà thường mang gam màu xám, đan xen lẫn lộn “rất đời” nhiều mặt tốt-xấu. Trong InuYasha, điều này càng được thể hiện rõ rệt, nhất là trong những tập đầu tiên, các tuyến nhân vật không được phân chia rõ ràng. Chỉ đến khi nhân vật phản diện lớn nhất Naraku xuất hiện thì phe chính nghĩa và tà ác mới được hoạch định rõ nét hơn. Có thể nhiều bạn cho rằng chính lòng tham vô đáy và ham muốn chiếm hữu Ngọc Tứ Hồn để thỏa mãn bản thân của các sinh vật mới là sự bắt đầu của bi kịch. Điều đó đúng, mình không phủ nhận hay bác bỏ nhưng hãy để mình dẫn dắt các bạn khám phá một quan điểm thú vị: chính lòng “thương cảm” cũng là một trong những căn nguyên của bi kịch.

Lạ lùng thay, trước giờ chúng ta vẫn biết đến yêu thương người khác là một đức tính tốt đẹp và đức tính ấy sẽ giúp chúng ta tạo nên những câu chuyện “cổ tích”, những cái kết đẹp đẽ. Thế nhưng, trong InuYasha, tác giả đã khai thác một khía cạnh khác, một khía cạnh mà chúng ta ít được biết về lòng “thương cảm”. Hãy bắt đầu từ Naraku, nhân vật phản diện “sống dai” và nguy hiểm nhất của series này. Tiền thân của Naraku là Nhện Quỷ (Onigumo), hắn là một tên sơn tặc gian ác và làm nhiều việc xấu. Trong một lần trốn chạy, hắn đã bị thương rất nặng và hầu như không còn khả năng phục hồi. Vì có khát khao được trở thành người lành lặn để cùng chung sống hạnh phúc bên Kikyo mà hắn chấp nhận bán rẻ linh hồn và thể xác của mình cho một đạo quân yêu quái. Cuối cùng, hắn trở thành Naraku, một tên bán yêu hèn hạ, thủ đoạn, thích bỡn cợt trên sự đau khổ của người khác.

Đọc đến đây, có thể nhiều bạn đã vội cho rằng quá trình “hắc hóa hoàn toàn” của Nhện Quỷ là do chính bản thân hắn vốn đã tà ác, là do hắn ghen tị với InuYasha, là do ước muốn ở bên Kikyo và những dục vọng thấp hèn của hắn. Điều đó hoàn toàn chính xác, nhưng nhìn xa hơn, que diêm nào đã thắp sáng ngọn lửa dục vọng đen tối ấy của hắn? Que diêm ấy chính là lòng thương hại mà Kikyo dành cho Nhện Quỷ. Thứ lòng thương mà Kikyo dành cho Nhện Quỷ chỉ là sự thương hại, không hơn không kém. Nếu nhìn thấy một người bị thương nặng đến vậy, có lẽ chúng ta cũng sẽ mủi lòng giúp đỡ hết sức, huống chi là đối một nữ pháp sư tốt bụng, mang trọng trách cứu giúp người khác như Kikyo. Trong những năm tháng vô vọng, tăm tối nhất của cuộc đời, một Kikyo thánh thiện, thanh khiết đã làm lay động trái tim hắn. Lòng thương hại của Kikyo như một que diêm nhỏ bé nhưng lại đủ sức thổi bùng lên một đám cháy dục vọng mãnh liệt xuất phát từ thứ tình cảm đớn hèn của Nhện Quỷ để rồi thiêu rụi tất cả.

Nhưng như thế không có nghĩa là Kikyo không nên cứu giúp người khác hay đã phạm sai lầm khi giúp đỡ mọi người. Điều mà Kikyo phạm phải ở đây chính là sự sai sót, thiếu cẩn trọng đối với một kẻ hèn hạ như Nhện Quỷ. Có lẽ vì thấy hắn không còn khả năng tự sinh hoạt, sống khổ sở không bằng chết nên Kikyo không mảy may đề phòng. Dù được em gái Kaede nhắc nhở, dù bị trúng lời nguyền mất mạng vì đàn ông của pháp sư phép thuật đen Tsubaki, Kikyo vẫn đối đãi bình thường với Nhện Quỷ mà không ngờ được rằng chính kẻ mà mình cưu mang sẽ hại chết mình.

Nhưng bi kịch khởi nguồn từ lòng thương cảm trong tác phẩm InuYasha vẫn chưa dừng lại ở đây. Tình yêu đầy đau khổ của Kikyo và Inuyasha, nhìn xa hơn, cũng bắt nguồn từ sự đồng cảm đấy thôi. Kikyo vốn rất sát phạt trong việc diệt trừ yêu quái, thế nhưng khi nhìn thấy InuYasha, cô đã tha cho cậu. Phải chăng cô thấy đồng cảm với thân phận dị biệt của InuYasha, vì chính cô cũng là một kẻ khác biệt. InuYasha khác biệt về chủng loài còn Kikyo lạc lõng vì chức phận và năng lực của mình. Khi những cô gái đồng trang lứa khác đang chăm chút cho vẻ ngoài, chìm đắm trong tình cảm lứa đôi thì Kikyo lại phải thân chinh chiến đấu bảo vệ Ngọc Tứ Hồn và dân làng.

InuYasha cũng cảm động, thấu hiểu với hoàn cảnh của cô. Hai con người thoạt nhìn  như hai đường thẳng song song không có điểm chung lại vô tình giao nhau ở điểm tâm hồn lạc lõng, cô đơn. Thế nhưng, sự tin tưởng – một yếu tố vô cùng trọng yếu, một tiền đề vững chắc để xây dựng các mối quan hệ, đặc biệt là tình cảm lứa đôi – mà họ dành cho nhau vẫn chưa đủ lớn để dẫn lối họ thoát khỏi cạm bẫy chia cắt đầy hiểm độc của Naraku. Bi kịch tình yêu của họ vẫn chưa kết thúc tại đây, lòng trắc ẩn mà người con gái dành cho người mình yêu có lẽ lại xuất hiện một lần nữa, Kikyo đã phong ấn InuYasha trên cây Thời Đại chứ không giết anh. Có lẽ là do lúc đó cô đã “sức cùng lực kiệt” nên không thể giết anh hoặc cũng có thể đó là sự vị tha, nét dịu dàng cuối cùng trong đời mà cô dành cho anh, ngụ ý rằng cô không muốn anh chết nhưng anh cũng không được phép sống mà không có cô và chỉ có cô mới có thể phá giải phong ấn để đem lại sự sống cho anh. Dù là lí lẽ nào đi chăng nữa thì chuyện tình của họ cũng quá sức đau buồn, đến lúc ra đi họ vẫn ôm mối hận không đáng có và vẫn không biết được sự thật tàn nhẫn đằng sau.

Thay vì chọn ước điều ước kéo dài sự sống với Ngọc Tứ Hồn, Kikyo đã chọn cùng viên ngọc biến mất khỏi thế gian này. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, nữ pháp sư vẫn mong muốn được gặp lại InuYasha một lần nữa. Ngọc Tứ Hồn đã lợi dụng mong ước này để khiến Kikyo tái sinh thành Kagome và quay về thời Chiến quốc. Và từ đây, bi tình (chủ yếu là) tay ba giày vò trái tim họ. InuYasha vì quá áy náy với cái chết năm xưa của KiKyo nên anh luôn mong muốn bù đắp bất chấp cô có ý định làm hại anh hay không. Đối với câu chuyện tình của Kikyo và InuYasha, sự đồng cảm là chất xúc tác giúp họ tìm thấy nhau và đến bên nhau, đó là một dấu hiệu tích cực. Nhưng về sau, tình yêu này lại gây nên những vết thương lòng rỉ máu, những vòng cảm xúc luẩn quẩn, u ám, chua chát, âm ỉ không hồi kết cho nhiều nhân vật nên mình mạn phép xếp nó vào trường hợp “tình thương” góp phần tạo nên bi kịch.

Thêm một câu chuyện buồn nữa, cũng có sự liên quan đến “lòng thương”, đó chính là bi kịch tình chị em của Sango và Kohaku. Dù Kohaku có yêu và nhớ chị mình da diết như thế nào, cậu vẫn nhất quyết không kề vai sát cánh bên cạnh chị gái . Bởi lẽ cậu cho rằng một kẻ phạm tội ngộ sát toàn bộ người thân, dân làng như cậu không xứng đáng nhận được tình cảm, sự thương hại từ chị. Sango càng thật lòng tha thứ, yêu thương, cậu lại càng tự trách, căm ghét bản thân mình. Đây là một tình huống hết sức éo le, tác giả đã đặt hai nhân vật vào hai mạch cảm xúc gần như không thể đổi khác được. Hay thánh Hakushin, vị Phật sống tạo ra kết giới bất khả xâm phạm ở Bạch Linh Sơn, cũng phạm phải sai lầm vì trót yếu lòng nghe theo những lời thấu cảm “đường mật”  của Naraku.

Ông không thể “hóa Phật” vì sự mặc cảm của bản thân nên ông chấp nhận “chở che cho kẻ duy nhất thương hại mình”. Bạn còn nhớ linh hồn bé gái thường xuyên quấy phá mẹ và cậu em trai không. Vì quá yêu mẹ cùng sự hiểu lầm tai hại mà cô bé suýt chút nữa đã hại chết em trai và trở thành ác linh. Quả thật, những màn bi kịch bắt nguồn từ “tình thương” mà tác giả khai thác trong InuYasha đã khiến không ít người phải dừng lại suy ngẫm một chút đúng không nào.

Kikyo và Nhện Quỷ (Naraku)

Bi kịch tình yêu

Khi “tình thương” là khởi nguồn của những điều tuyệt diệu nhất

Các bạn thân mến, trong cuộc sống, mọi thứ đều có tính tương đối, “tình thương” đôi khi cũng gây nên những ngoại lệ tiêu cực nhưng nó cốt yếu vẫn là đức tính mang giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần tạo nên những điều tươi đẹp. Những “sự cố” tiêu cực, bi thiết, hệ trọng có liên quan đến “tình thương” như mình đưa ra ở trên chỉ chiếm một phần nho nhỏ thôi nên các bạn đừng vội nhìn nhận “tình thương” một cách phiến diện nha.

Trong InuYasha, chính tình yêu thương đã giúp hội bạn InuYasha gặp gỡ, gắn kết lại với nhau, cùng nhau đồng hành tiêu diệt cái ác. Để từ đó chúng ta được chứng kiến một tình bạn ngày một trưởng thành, ngày một đơm hoa kết trái. Và lòng nhân ái cũng đã giúp đỡ rất nhiều nhân vật trong series này trở nên tự tin, mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn như nhờ tâm hồn trong sáng và sự quan tâm của Rin khi thấy Sesshomaru bị thương mà một mối duyên đẹp được “ra đời”. Rất nhiều mẩu chuyện nhỏ đong đầy ý nghĩa và cảm xúc mà tác giả gửi gắm trong InuYasha đang chờ các bạn độc giả khám phá đó.

Tình bạn đẹp của hội InuYasha

Cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã không quản ngại mà dành thời gian đọc hết bài viết dài của mình. Mình xin thông báo một tin cực vui đến các fans của Takahashi Rumiko, đó là: “Ngày 13/12/2021, nhà xuất bản Trẻ sẽ ra mắt tập 29 in nối của “Rinne Cảnh giới luân hồi””  “Mermaid Saga cũng đã được Trẻ mua bản quyền”. Mời quý bạn đọc gần xa cùng nhanh tay “hốt” Rinne và đón chờ ngày Mermaid Saga được xuất bản. Còn bây giờ thì, mình mời các bạn cùng “cụng ly” theo đúng tinh thần của “quán bia” và chúc các bạn có một ngày mới tốt lành, những phút giây thư giãn thật trọn vẹn. Đây là bài viết debut của mình nên sai sót là điều khó tránh khỏi, mình mong các bạn góp ý, mình sẽ lắng nghe và thay đổi tích cực hơn, chân thành cảm ơn mọi người rất nhiều. Mình cũng có sáng tác một bài thơ nói về một phần cuộc đời của Nhện Quỷ (Naraku) để gửi tặng các bạn, hi vọng mọi người sẽ thích.

KHỞI SINH   

Phận làm ác bá, đam mê giết chóc,

Vô định tung hoành, quật cường phóng túng

Bỗng mơ thấy ta gục trên vách đá

Chống tay lên cố nghe tiếng hồn kêu

Muôn vật đắm trong màn đêm u tối

Khi nắng hồng thiêng lướt cạnh đồi

Vẻ đẹp giai nhân, đắm đuối rỡ ràng,

Tuyệt đỉnh thanh khiết, thoáng nét lạnh lùng

Nàng đến với ta bằng chút thương hại

Ta đến với nàng khát cầu tha thiết

Trên nền đất, than ôi, thân kiến muỗi

Ta muốn lịm đi tìm giấc cầu yên

Choàng tỉnh dậy, nhìn khắp chốn mênh mông

Yêu nghiệt, súc sinh lũ lượt kéo đến

Ta cùng chúng thực hiện cuộc giao dịch

Chợt gượng cất tiếng cười che tiếng khóc …

Tác giả: Umine

Từ khóa » Dạ Xoá Xuyên Khởi Hoạ