Sếp FPT Telecom: Chúng Tôi Không Quá Chú Trọng Về Marketing

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom. Ảnh: T.L.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom. Ảnh: T.L.

Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và internet hàng đầu khu vực, thuộc tập đoàn FPT, thành lập từ năm 1997.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Giám đốc FPT Telecom cho biết, trong lĩnh vực viễn thông mà đơn vị này đang theo đuổi, không có quá nhiều đối thủ trên thị trường, nhưng không vì thế mà sự cạnh tranh bớt khốc liệt. Do vậy, FPT Telecom phải dành rất nhiều nguồn lực để đầu tư cho công nghệ, hạ tầng và đây cũng được xem là dòng máu để duy trì sự sống cho các công ty viễn thông mà theo ông Linh, nếu dòng máu này không được nuôi dưỡng tốt thì FPT Telecom khó có thể cạnh tranh trên thị trường.

Vì vậy, tại FPT Telecom, ngân sách đầu tư cho marketing không lớn. Ông Linh cho biết, làm marketing tại đơn vị này khá “khó nhằn” bởi đứng dưới góc độ tổ chức, FPT Telecom phải tập trung đầu tư cho các mảng công nghệ khác nhau, nên khi đầu tư cho marketing sẽ lựa chọn sự an toàn, bởi “không muốn quá nhiều xáo trộn trong mô hình kinh doanh bởi một ý tưởng nào mới”.

Nhưng ở phía nhân sự, ông Linh thấy rằng các ứng viên làm marketing khi gia nhập FPT Telecom luôn có sự nôn nóng khẳng định mình, nôn nóng muốn sử dụng kinh nghiệm thành công của mình ở công ty cũ để áp dụng vào tổ chức. Thế nhưng, những công cụ mà dân marketing coi đó là át chủ bài như digital marketing (tiếp thị kĩ thuật số - PV) thì khi vào FPT Telecom sẽ phải điều chỉnh rất lớn bởi bản thân FPT Telecom đã có những dịch vụ internet.

Vì có sự “vênh” nhất định giữ tổ chức và nhân sự nên sếp của FPT Telecom cho rằng, đây cũng là một hạn chế của đơn vị này khi triển khai các chiến lược marketing.

FPT Telecom áp dụng mô hình kinh doanh trực tiếp với mỗi nhân viên là người quảng bá thương hiệu. Ảnh: T.L.

FPT Telecom áp dụng mô hình kinh doanh trực tiếp với mỗi nhân viên là người quảng bá thương hiệu. Ảnh: T.L.

Thế nhưng, dù không chọn cách truyền thông, marketing rầm rộ như các đơn vị khác, nhưng ngay từ ngày đầu thành lập, FPT Telecom sử dụng ngay nguồn nhân lực tại chỗ, áp dụng mô hình kinh doanh trực tiếp, thông qua đội ngũ kinh doanh để mở rộng tệp khách hàng.

“FPT Telecom hiện có hơn 3.000 nhân viên kinh doanh chính thức. Quan niệm của chúng tôi là mỗi một nhân viên kinh doanh thì chính là một người làm marketing. Vì vậy tất cả những khoản đầu tư của chúng tôi về marketing phần lớn cung cấp ngay, đầu tư ngay công cụ, dụng cụ cho đội ngũ nhân viên kinh doanh để giúp chúng tôi lan tỏa dịch vụ, thương hiệu với cộng đồng”, ông Linh cho biết.

Nhờ kiên định với chiến lược kinh doanh trực tiếp, sau 23 năm hoạt động, FPT Telecom đã có hơn 9000 nhân viên chính thức với hơn 220 văn phòng giao dịch thuộc gần 90 chi nhánh và có mặt trên 59 tỉnh thành. Ngoài ra, FPT Telecom đã phát triển 12 chi nhánh trải dài khắp Campuchia và 1 chi nhánh tại Myanmar.

Năm 2020, FPT Telecom báo doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 11.466 tỷ đồng và 1.664 tỷ đồng, tăng 10% và 14% so năm trước, ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục.

Trong năm 2021, FPT Telecom đặt mục tiêu doanh thu là 12.700 tỷ đồng, tăng trưởng 10,8% so với con số thực hiện năm 2020, trong đó doanh thu từ dịch vụ viễn thông là 12.000 tỷ đồng, tăng trưởng 10,4% và doanh thu từ dịch vụ nội dung số là 700 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 2.380 tỷ đồng, tăng trưởng 14,8%.

Từ khóa » Chiến Lược Của Fpt Telecom Là