Shinzo Abe - Thủ Tướng Nỗ Lực Hồi Sinh Nhật Bản - VnExpress

Các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Nara hôm nay cho biết cựu thủ tướng Shinzo Abe qua đời lúc 17h03 (15h03 giờ Hà Nội) do vết thương quá nặng sau khi bị bắn. Đây là vụ ám sát đầu tiên nhằm vào một cựu thủ tướng Nhật Bản kể từ thập niên 1930 tới nay.

Ông Abe sinh ngày 21/9/1954 trong một gia đình có truyền thống chính trị nổi tiếng tại Tokyo, Nhật Bản. Ông nội Kishi Nobusuke từng là thủ tướng Nhật Bản giai đoạn 1957-1960. Sato Eisaku, chú của ông Abe, cũng từng giữ chức vụ này từ 1964 tới 1972.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Seike ở Tokyo năm 1977, ông Abe tới Mỹ, theo học ngành khoa học chính trị tại Đại học Nam California ở Los Angeles. Năm 1979, ông trở về Nhật Bản và gia nhập tập đoàn Kobe Steel.

Ông sau đó trở thành thành viên tích cực trong đảng Dân chủ Tự do (LDP) và được bầu vào Hạ viện Nhật Bản năm 1993, trước khi giữ loạt chức vụ trong chính phủ. Ông nhận được nhiều ủng hộ nhờ lập trường cứng rắn với Triều Tiên, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng năm 2002 tiết lộ đã bắt 13 công dân Nhật Bản trong thập niên 1970-1980. Shinzo Abe, khi đó là phó chánh văn phòng nội các, giám sát các cuộc đàm phán liên quan tới vấn đề này.

Năm 2003, ông Abe được bổ nhiệm làm tổng thư ký đảng LDP. Khi Koizumi Junichiro rời ghế thủ tướng và lãnh đạo LDP năm 2006, Abe, lúc đó 52 tuổi, trở thành người kế nhiệm, trở thành thủ tướng đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến II, cũng là lãnh đạo chính phủ trẻ nhất của nước này.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau, Thủ tướng Abe thông báo từ chức vào tháng 9/2007 sau khi thất bại trong cuộc bầu cử tại Thượng viện và tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp. Fukuda Yasuo trở thành người kế nhiệm ông.

Ông Abe vẫn giữ ghế trong Hạ viện, nhưng nhiều năm sau đó giữ im lặng về chính trị, đặc biệt sau khi một liên minh do đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo nắm quyền kiểm soát chính phủ vào năm 2009.

Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi vào tháng 9/2012, khi ông một lần nữa được bầu làm lãnh đạo LDP. Một trong những hành động đầu tiên của ông sau đó là đến thăm đền Yasukuni ở Tokyo, đài tưởng niệm quân nhân Nhật Bản đã chết trong Thế chiến II, gồm cả những người bị kết án tội ác chiến tranh.

Hành động đó đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ngoài ra, ông cũng gây tranh cãi về quan điểm với các đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở Thái Bình Dương, cũng như lập trường ủng hộ sửa đổi điều khoản hòa bình trong hiến pháp Nhật Bản.

Tuy nhiên, LDP vẫn giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 12/2012, mở đường để ông Abe trở lại làm Thủ tướng thay thế Noda Yoshihiko của đảng DPJ.

Ông Abe trở lại chính trường với những chính sách đối nội và đối ngoại quyết liệt hơn, nhằm "hồi sinh" Nhật Bản sau thời gian dài trì trệ về kinh tế.

Thủ tướng Shinzo Abe họp báo thông báo từ chức ở Tokyo hồi tháng 8/2020. Ảnh: NY Times.

Thủ tướng Shinzo Abe họp báo thông báo từ chức ở Tokyo hồi tháng 8/2020. Ảnh: NY Times.

Về đối ngoại, ông Abe theo đuổi đường lối cứng rắn với Triều Tiên, ủng hộ các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Bình Nhưỡng sau khi nước này thử hạt nhân. Ông cũng áp hàng loạt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng, trong đó có lệnh cấm tất cả tàu Triều Tiên cập cảng Nhật Bản.

Ông tìm cách cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng chuyến thăm của ông tới đền Yasukuni đã gây căng thẳng với hai nước láng giềng. Trong những năm sau đó, ông không trực tiếp đến thăm đền, mà chỉ gửi lễ viếng.

Trong quan hệ với Mỹ, ông Abe cố gắng tận dụng quan hệ cá nhân thân thiết với tổng thống Donald Trump trong nỗ lực bảo vệ liên minh quan trọng của Nhật Bản, trong bối cảnh Trump ưu tiên "Nước Mỹ trên hết".

Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Trump vẫn yêu cầu Nhật Bản phải trả tiền nhiều hơn cho quân đội Mỹ đồn trú ở nước này, trong khi kế hoạch mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản không thành hiện thực.

Thủ tướng Abe cũng tìm cách tăng cường sức mạnh quân sự cho Nhật Bản bằng cách thúc đẩy sửa đổi hiến pháp hòa bình, đồng thời hợp tác với các quốc gia khác ở châu Á để đối phó với Trung Quốc ngày càng quyết liệt trong tranh chấp trên biển.

Ông vận động để Nhật Bản thông qua luật cho phép Tokyo thực thi "quyền phòng vệ tập thể", có thể triển khai lực lượng quân sự để hỗ trợ đồng minh khi bị tấn công, đồng thời tăng ngân sách quốc phòng cho lực lượng phòng vệ.

Về đối nội, ngay từ khi lên nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đã khởi động chương trình kinh tế đầy tham vọng nhằm kích thích nền kinh tế Nhật Bản đình trệ và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi khu vực phía đông bắc đảo Honshu, nơi từng bị tàn phá bởi thảm họa kép động đất sóng thần năm 2011.

Chương trình được gọi là "Abenomics", bao gồm các biện pháp như tăng tỷ lệ lạm phát, giảm giá trị đồng yên so với USD và các loại ngoại tệ khác, đồng thời tăng cung tiền và chi tiêu chính phủ cho các dự án công cộng lớn.

Chương trình "Abenomics" dường như đã phát huy tác dụng với sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Nhật Bản trong năm 2013 và nửa đầu năm 2014, cùng tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, đợt tăng thuế tiêu dùng quốc gia lần thứ 2 trong kế hoạch ba bước vào tháng 4/2014 đã góp phần làm suy giảm nền kinh tế Nhật Bản trong thời gian còn lại của năm.

Đến mùa thu năm 2014, Nhật Bản rơi vào suy thoái với tỷ lệ ủng hộ của ông Abe giảm mạnh. Ông quyết định giải tán Hạ viện, tổ chức bầu cử quốc hội sớm, giúp đảng LDP giành chiến thắng với cách biệt lớn. Tháng 9/2015, ông được bầu làm lãnh đạo đảng thêm một nhiệm kỳ mà không vấp sự phản đối đáng kể nào.

Một loạt bê bối vào đầu năm 2017 đã khiến mức ủng hộ của Thủ tướng Abe giảm xuống mức thấp kỷ lục, nhưng đã phục hồi vào cuối mùa hè, khi LDP giành thế đa số ở cả Thượng viện và Hạ viện. Nhiều người kỳ vọng chiến thắng này sẽ giúp ông Abe thúc đẩy quá trình sửa đổi hiến pháp hòa bình, nhưng sự phản đối của dư luận khiến nó bị trì hoãn vô thời hạn.

Ông Abe trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất ở Nhật Bản vào tháng 11/2019, khi vượt qua thời gian tại vị của thủ tướng Koshaku Katsura Taro, người từng phục vụ 3 nhiệm kỳ không liên tiếp vào đầu thế kỷ 20.

Tới tháng 8/2020, ông Abe thông báo sẽ từ chức do tái phát bệnh viêm loét đại tràng mạn tính, nhưng vẫn tại vị cho tới khi LDP tìm được người kế nhiệm. Vào ngày 14/9/2020, Yoshihide Suga, chánh văn phòng nội các của ông Abe, được chọn làm lãnh đạo mới của LDP và nhậm chức Thủ tướng hai ngày sau đó.

Dù không còn giữ chức thủ tướng, ông Abe vẫn có nhiều ảnh hưởng trong đảng LDP cầm quyền. Ông bị ám sát khi đang vận động tranh cử cho đảng trước cuộc bầu cử Thượng viện diễn ra ngày 10/7.

"Sức mạnh của Abe là ông có một tầm nhìn dài, đầy tham vọng đối với Nhật Bản và vị thế toàn cầu của nước này. Ngoài việc thúc đẩy Nhật Bản là nước đi đầu về tự do thương mại và chủ nghĩa đa phương, ông ấy cũng muốn đất nước khẳng định lại vị thế quân sự và đóng vai trò lớn hơn trong an ninh khu vực", Shihoko Goto, nhà phân tích của Trung tâm Wilson, từng nhận xét về thành tựu của ông Shinzo Abe.

Thanh Tâm (Theo Britannica)

  • 8 năm thăng trầm của Thủ tướng Abe
  • Những khoảnh khắc gây chú ý của Shinzo Abe
  • Cuộc gặp củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật của Trump và Abe

Từ khóa » Tổng Thống Nhật Từ Chức