Siết Chặt Hoạt động Livestream

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Muốn livestream phải đăng ký

Theo Bộ TT-TT, từ khi Nghị định 72/NĐ-CP ban hành năm 2013 đến nay, các loại hình thông tin cung cấp trên mạng xã hội càng trở nên phong phú. Các loại hình báo chí không còn giữ vị trí độc tôn, người dùng dần chuyển sang các mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok, Twitter, Instagram... để phục vụ nhu cầu giải trí, mua sắm. Tuy nhiên, sự phát triển của mạng xã hội bộc lộ những hạn chế, bất cập, trong đó có hoạt động livestream tràn lan trên mạng.

Trên thực tế, nhiều cá nhân bán hàng online sử dụng hình thức livestream như một công cụ hữu hiệu để quảng cáo sản phẩm, giới thiệu hàng hóa với người mua và "chốt đơn" bán hàng ngay trong quá trình phát trực tiếp. Khi livestream bán hàng trở nên phổ biến thì nạn bán hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu kém chất lượng cũng biến tướng theo. Thậm chí, không ít nghệ sĩ lợi dụng tên tuổi của mình để livestream bán hàng "nhái", giả nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài để trục lợi bất chính.

Để siết chặt hoạt động livestream, trong dự thảo Nghị định, Bộ TT-TT đề xuất các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Với các trang web, ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 người truy cập thường xuyên mỗi tháng phải thông báo, xác nhận thông báo hoạt động với Bộ TT-TT.

Đối với các tài khoản Facebook, YouTube có lượt theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên, phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT (có biểu mẫu kèm theo dự thảo). Còn các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài có lượt theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người, chỉ phải thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT khi muốn sử dụng dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu.

Như vậy, chỉ các tài khoản đã đăng ký thông tin với cơ quan quản lý nhà nước mới được sử dụng hình thức livestream. Trong khi đó, hiện nay, các tài khoản Facebook, YouTube đều có thể phát trực tiếp hoặc có doanh thu khi đáp ứng các điều kiện của các mạng xã hội, mà không cần quan tâm đến các điều kiện khác.

Siết chặt hoạt động livestream - Ảnh 1.

Hoạt động livestream bán hàng ngày càng phổ biến

Loại bỏ "bán hàng bằng chửi bậy"

Luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng việc siết hoạt động livestream là cần thiết, phải thực hiện sớm khi hoạt động này đang bùng nổ và gây ra không ít hệ lụy. Theo LS Ứng, với việc thả nổi hoạt động livestream như hiện nay, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể "phát trực tiếp" trên mạng xã hội thì thứ gì cũng được mang lên mạng, không chỉ bán hàng gian, hàng giả mà còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác, nhất là hành vi làm nhục, xúc phạm người khác. "Với quy định mới, cơ quan quản lý không cấm livestream, mà yêu cầu phải đăng ký, thông báo để phục vụ công tác quản lý, truy xét khi xảy ra các sự cố trên không gian mạng. Việc này sẽ khiến người dùng mạng tuân thủ pháp luật, ý thức hơn, trách nhiệm hơn với các nội dung phát trực tiếp" - LS Ứng phân tích thêm.

Đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đồng tình với quy định: Chỉ cho phép các tài khoản đã thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT mới được sử dụng dịch vụ livestream và tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu. Theo vị đại diện này, đây là quy định nâng cao trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội. Đối với các nội dung livestream vi phạm pháp luật, dự thảo nghị định cũng đưa ra quy định cần thiết, đó là: Phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của cơ quan quản lý; trong trường hợp nội dung vi phạm nghiêm trọng thì phải gỡ bỏ ngay.

Ông Đào Đức Tiến, Giám đốc phát triển Công ty CP Thương mại máy tính An Phát, nêu quan điểm: Chúng ta không để đứng ngoài cuộc của sự phát triển về công nghệ, thương mại điện tử và việc livestream bán hàng là một phần của hướng đi này. Vấn đề là cần có khung pháp lý mới cho quản lý mạng xã hội, để hoạt động này đi vào khuôn khổ, loại bỏ việc "bán hàng bằng chửi bậy" trên mạng; từ đó cũng sẽ quản lý về chất lượng hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh trực tuyến lành mạnh.

Mạng xã hội xuyên biên giới chiếm ưu thế

Theo Bộ TT-TT, đến hết tháng 6-2021, có 829 trang mạng xã hội trong nước được cấp phép nhưng số lượng mạng có từ 1 triệu người sử dụng thường xuyên trở lên chỉ chiếm dưới 5%. Mức độ ảnh hưởng và phổ biến của các mạng xã hội trong nước vẫn rất hạn chế so với mạng xã hội nước ngoài như Facebook (khoảng 65 triệu người dùng), YouTube (60 triệu người dùng), TikTok (20 triệu người dùng)... Các mạng xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam, trong khi quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định xã hội, gây bất bình đẳng với DN trong và ngoài nước.

Từ khóa » Siết Chặt Việc Livestream