Siết Chặt Quản Lý đất đai, Không để Giới đầu Cơ “thổi Giá” Thu Lợi Bất ...

Lành mạnh hóa thị trường đất đai - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại đối thoại-Ảnh: VGP

Nông dân Hoàng Đình Quê (Bắc Giang) nêu vấn đề giá đất đai tại nhiều nơi đã tăng "nóng", dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất đai. Việc tăng giá đất dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp cũng như bảo đảm an ninh, trật tự ở nhiều địa phương.

Siết chặt quản lý đất đai và thị trường bất động sản

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết thời gian gần đây các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh giá đất ở một số khu vực tăng đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo làm ảnh hưởng đến điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an ninh ở địa phương.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất và thị trường bất động sản.

Thời gian tới Bộ sẽ siết chặt quản lý, xử lý nghiêm đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án theo quy định của pháp luật…

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung, trong đó có kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin để tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính và có biện pháp quản lý sau quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt.

Vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất phổ biến, nhất là phân lô bán nền đất nông nghiệp

Ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thời gian qua vi phạm trong quản lý sử dụng đất đai rất phổ biến, đặc biệt nổi lên là tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, đất quy hoạch, trồng cây lâu năm, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Thực trạng này gây nên nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư, người mua đất, cản trở các nhà đầu tư, ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội.

Theo ông Hùng, qua tìm hiểu thấy nổi lên các thủ đoạn: Chủ đầu tư rao bán đất khi chưa có quy hoạch cụ thể. Đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô bán nền trái pháp luật, đặc biệt là mua bán trên các sàn thương mại trái phép, gây hậu quả nghiêm trọng.

Nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã đánh vào tâm lý hám lợi của người mua để thực hiện các hành vi lừa đảo.

Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp ngành thường xuyên cập nhật các thủ đoạn, đặc biệt là của các đối tượng xã hội đen, các nhóm giang hồ liên kết với nhau vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân.

Chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp giải quyết ngay từ đầu, từ sớm từ xa, hạn chế tập trung đông người khiếu kiện về đất đai, tránh khiếu kiện từ xa hay tập trung tới các cơ quan công quyền để khiếu kiện về đất.

Sửa đổi Luật Đất đai, phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch

Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần phát huy tốt nhất hiệu quả sử dụng đất, hạn chế tối đa tiêu cực.

Về chính sách đất đai, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang làm việc rất tích cực, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm các sai phạm…

Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế, vừa phải có giải pháp lâu dài.

Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng…

Từ khóa » Siết Ga