Siết Tín Dụng Vào Bất động Sản: Ngân Hàng Nhà Nước Nói Gì?

Siết tín dụng vào bất động sản: Ngân hàng Nhà nước nói gì? - Ảnh 1.

Rất nhiều người có nhu cầu nhà ở thực cần vay ngân hàng để hiện thực hóa ước mơ. Trong ảnh: gia đình một công nhân may mặc ở khu nhà trọ tại phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ hôm 3-5, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước - cho biết tín dụng của nền kinh tế đến cuối tháng 4 tăng trưởng 6,75% so với cuối năm ngoái.

Tín dụng vào BĐS có thể sẽ kiểm soát chặt hơn

Theo ông Tú, con số này cho thấy nhu cầu tín dụng rất lớn của nền kinh tế. Tốc độ tín dụng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái là tín hiệu khả quan, chứng tỏ hoạt động sản xuất kinh doanh đang phục hồi tích cực.

Riêng tín dụng vào bất động sản (BĐS) không có biến động nhiều kể từ đầu năm nay tới nay, chiếm gần 20% trong tổng dư nợ. Ông Tú công nhận con số này không cao mà thấp hơn so với giai đoạn trước (tăng 28%).

Về việc một số khách vay bị chậm giải ngân khoản vay mua nhà do NH chờ cấp hạn mức tín dụng, ông Tú giải thích quan điểm của NH Nhà nước là kiểm soát tín dụng NH để vốn phải phục vụ cho hoạt động sản xuất, những lĩnh vực ưu tiên để khôi phục nền kinh tế.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong cả năm, NH Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo vừa đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, vừa kiểm soát lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

"Thời gian qua, tín dụng vào BĐS đã được kiểm soát rất chặt chẽ, tới đây có thể sẽ kiểm soát chặt hơn nữa. Tuy nhiên, vốn vẫn ưu tiên phục vụ nhu cầu chính đáng cho người dân mua nhà, đất để ở thật; hạn chế đáp ứng cho mục đích đầu cơ", ông Tú nói.

Thực tế theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, không chỉ có một NH bất ngờ "phanh gấp" mà nhiều NH đã hạn chế tín dụng vào BĐS hơn một tháng qua.

Cẩn thận tác dụng ngược

Theo ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, sau khi xảy ra một số vụ án liên quan đến huy động tín dụng BĐS, NH Nhà nước có chỉ đạo siết tín dụng với BĐS, tới thời điểm này, một số NH đã điều chỉnh, thông báo vẫn tiếp tục cho người dân có nhu cầu mua nhà, sửa nhà được vay.

Tuy nhiên, sẽ khó để các NH xác định ai có nhu cầu thật, ai vay để đầu tư. Dẫn đến người dân khó tiếp cận tín dụng và với những người có nhu cầu thật, người dân buộc phải nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn trong xã hội như người thân, gia đình, thậm chí cả "tín dụng đen" rất nguy hiểm.

Thời điểm này, theo ông Châu, các NH phải kiểm soát được mục đích sử dụng của người vay tiền để hỗ trợ người vay, phải đánh giá đúng nhu cầu vay của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn hậu COVID-19, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh kiến nghị các dự án tốt có phương án kinh doanh, khả năng trả nợ gốc và lãi rõ ràng, minh bạch thì NH nên xem xét cấp tín dụng kịp thời. Bởi, dự án BĐS được triển khai sẽ thúc đẩy các ngành vật liệu, xây dựng duy trì sản xuất và phát triển.

Một lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng nhấn mạnh BĐS là đầu ra của nhiều ngành nghề khác: ximăng, sắt thép cũng như việc làm... Nếu siết BĐS chắc chắn những nhóm trên sẽ bị chững lại. Phát triển thị trường BĐS là hợp lý. Vấn đề cần kiểm soát là tiền đầu cơ đất đai để tránh tạo ra bong bóng.

Lãnh đạo một doanh nghiệp BĐS tại Bà Rịa - Vũng Tàu thì cảnh báo việc siết tín dụng BĐS cần tính toán để tránh bị tác dụng ngược.

Phải xem xét nhu cầu thực về nhà, đất. Nếu siết quá, doanh nghiệp khó vay vốn phát triển dự án, giá BĐS sẽ tăng. Như vậy vô tình những người có nhu cầu thực về nhà ở bị gom chung vào những người đầu cơ BĐS.

Ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - nêu quan điểm: với cho vay dự án, các NH chỉ loại trừ những dự án không đảm bảo pháp lý, kiểu "xí chỗ" để đó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về sau như không thể ra sổ cho người mua. Còn với dự án đảm bảo pháp lý, bán được hàng thì chẳng có lý do gì NH không cho vay.

Ông Lê Hoàng Châu (chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM):

Lo cả nhà đầu tư và người tiêu dùng đều thiệt

bds

Khách xem dự án bất động sản ở quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chúng tôi cũng đề nghị các cơ quan nhà nước xem xét xây dựng lộ trình từng bước kiểm soát hiệu quả hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của nước ta, có thể áp dụng kể từ đầu năm 2023 để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh lại hoạt động đầu tư kinh doanh, huy động vốn.

Nếu ngay lập tức "siết chặt" cả nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS, các nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả các tổ chức tín dụng đều có thể gặp khó khăn, rủi ro.

Siết vốn, vay mua nhà thêm khó Siết vốn, vay mua nhà thêm khó

TTO - Dù âm thầm, nhưng nhiều ngân hàng đang siết dần cho vay bất động sản bằng nhiều cách. Động thái này khiến cho người có nhu cầu vay tiền mua nhà vất vả xoay trở.

Từ khóa » Siết Lại