Siêu âm Ruột Thừa Và Những ưu điểm Trong Chẩn đoán Bệnh

Viêm ruột thừa cấp tính là một bệnh cấp cứu ngoại khoa luôn chiếm tỉ lệ rất cao: 4-5 ca/1000 dân và có tới khoảng 6% dân số phải mổ ruột thừa trong cuộc đời của họ. Siêu âm ruột thừa góp phần quan trọng trong việc chẩn đoán, đưa ra kết luận và chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Menu xem nhanh:

Toggle
  • 1. Tổng quan về viêm ruột thừa
  • 2. Kỹ thuật siêu âm ruột thừa
    • 2.1. Khi nào cần thực hiện siêu âm ruột thừa?
    • 2.2. Kỹ thuật siêu âm ruột thừa và những ưu điểm trong chẩn đoán bệnh
      • Ưu điểm của siêu âm viêm ruột thừa:
  • 3. Hậu quả viêm ruột thừa nếu không được can thiệp kịp thời
    • 3.1. Viêm phúc mạc toàn bộ
    • 3.2. Áp xe ruột thừa
    • 3.3. Đám quánh ruột thừa

1. Tổng quan về viêm ruột thừa

Ruột thừa là phần ruột ở phần bụng dưới, phía bên phải có một đoạn ruột nhỏ dạng túi hẹp với chiều dài khoảng vài cm được dính liền với manh tràng.

Theo sinh lý bình thường, đoạn ruột này không tham gia vào các chức năng của cơ thể nhưng lại rất dễ bị tổn thương và gây nên bệnh viêm ruột thừa cấp tính, ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh và sẽ rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Viêm ruột thừa cấp tính là một bệnh cấp cứu ngoại khoa có tỷ lệ cao nhất. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 20-30 và không phân biệt giới tính. Trong đó khoảng 70% người bệnh có dấu hiệu điển hình, phần không điển hình còn lại sẽ cần thực hiện các chẩn đoán hình ảnh và phổ biến nhất là siêu âm ruột thừa.

Viêm ruột thừa và siêu âm ruột thừa

Viêm ruột thừa là một trong những loại bệnh lý phổ biến và thường gặp nhất

2. Kỹ thuật siêu âm ruột thừa

2.1. Khi nào cần thực hiện siêu âm ruột thừa?

Người bệnh có thể được chỉ định siêu âm viêm ruột thừa trong các trường hợp sau đây:

– Khi khám lâm sàng, người bệnh có đau hố chậu phải, sốt 38-39 độ và thường kèm theo phản ứng thành bụng (đây là một trường hợp điển hình).

– Một số đối tượng không có dấu hiệu lâm sàng điển hình như người người già yếu, trẻ em, người suy giảm hệ miễn dịch hoặc người bệnh đã dùng thuốc giảm đau kháng sinh,… Những trường hợp này khi người bệnh này bắt buộc cần thực hiện siêu âm ổ bụng để tránh trường hợp bác sĩ bỏ sót hoặc bị các triệu chứng lâm sàng đánh lừa.

Khi nào cần siêu âm ruột thừa

Siêu âm ruột thừa là phương pháp được sử dụng phổ biến trong chẩn đoán bệnh viêm ruột thừa. 

2.2. Kỹ thuật siêu âm ruột thừa và những ưu điểm trong chẩn đoán bệnh

Kỹ thuật siêu âm viêm ruột thừa đã xuất hiện từ năm 1986 và ngày một phát triển, đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán sớm và điều trị cấp cứu kịp thời viêm ruột thừa cấp tính.

Tương tự như siêu âm các vị trí khác, siêu âm ruột thừa cũng sử dụng sóng âm tần số cao được phát ra từ đầu dò và nhận về những sóng phản hồi thông qua hình ảnh giúp khảo sát và đánh giá tình trạng của ruột thừa.

Sự kết hợp giữa việc thăm khám lâm sàng và chẩn đoán hình ảnh viêm ruột thừa qua siêu âm giúp khả năng kết luận bệnh chính xác rất cao, lên đến 98%.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, vẫn có những trường hợp không có dấu hiệu điển hình, khi siêu âm sẽ gặp nhiều khó khăn để ghi nhận chính xác tình trạng ruột thừa, khi đó người bệnh cần được thực hiện thêm việc cắt lớp vi tính ổ bụng để chẩn đoán được rõ ràng hơn.

Ưu điểm của siêu âm viêm ruột thừa:

Siêu âm là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến nhất hiện nay. Hình ảnh viêm ruột thừa qua siêu âm sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán và xác định giai đoạn bệnh một cách chính xác với nhiều ưu điểm như sau:

– Không xâm lấn

– Giá thành thấp

– Cho kết quả nhanh

– Có thể được thực hiện ở hầu hết tất cả các cơ sở y tế hiện nay

Tuy nhiên, siêu âm vẫn tồn tại những bất cập như phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn của người đọc kết quả và khả năng chẩn đoán bệnh sẽ bị hạn chế trong các trường hợp như người béo phì, phụ nữ mang thai hoặc bụng chướng hơi…

Siêu âm ruột thừa như thế nào

Khi phát hiện có các dấu hiệu nghi ngờ viêm ruột thừa, cần nhanh chóng tới bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

3. Hậu quả viêm ruột thừa nếu không được can thiệp kịp thời

Viêm ruột thừa cấp tính khi không được phát hiện và can thiệp đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

3.1. Viêm phúc mạc toàn bộ

Viêm phúc mạc toàn bộ là loại biến chứng nguy hiểm thường gặp nhất, xảy ra khi ruột thừa bị vỡ chảy vào ổ bụng.

Trên lâm sàng có thể dễ dàng quan sát thấy dấu hiệu nhiễm trùng toàn bộ tiến triển nghiêm trọng. Về các triệu chứng tại chỗ, người bệnh có biểu hiện đau khắp ổ bụng, cảm giác tiêu khó, chướng bụng do liệt ruột, trung tiện khó, phản ứng ở thành bụng rồi lan rộng ra khắp ổ bụng.

3.2. Áp xe ruột thừa

Nếu ruột thừa bị viêm và vỡ nhưng chưa tràn vào ổ bụng vì có phần mạc nối và các quai ruột bao bọc xung quanh như một hàng rào khu trú vùng viêm và tạo thành khối áp xe ruột thừa.

Trên lâm sàng người bệnh vẫn bị đau hố chậu phải và sốt cao. Khi thực hiện thăm khám hố chậu phải, có thể thấy một khối không di động, mặt nhẵn, ấn vào sẽ có cảm giác căng đau. Tiến hành xét nghiệm, số lượng bạch cầu tăng cao. Nếu áp xe ruột thừa vỡ vào ổ bụng sẽ gây viêm phúc mạc thì hai.

3.3. Đám quánh ruột thừa

Đây là biến chứng viêm ruột thừa xảy ra trong trường hợp người bệnh có sức đề kháng tốt, nhờ đó các quai ruột và mạc nối có khả năng bao bọc kín ruột thừa, ngăn cản sự phát triển lan rộng.

Triệu chứng lâm sàng là người bệnh thường đau và sốt nhưng không nhiều, hố chậu phải xuất hiện một khối chắc, không di động, ấn vào sẽ đau nhẹ, không có phản ứng ở thành bụng. Khi xét nghiệm thấy lượng bạch cầu giảm dần và trở lại bình thường.

Đám quánh ruột thừa thông thường sẽ có nguy cơ tiến triển theo hai hướng, hoặc là tan dần hoặc là tạo thành áp xe ruột thừa.

Siêu âm ruột thừa là cách tốt nhất, nhanh nhất trong việc chẩn đoán bệnh khi nhận thấy những triệu chứng khác thường. Tuy nhiên để có được kết quả siêu âm chính xác nhất, người bệnh nên tìm các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cùng đội ngũ bác sĩ chuyên môn giỏi và có hệ thống máy móc hiện đại hỗ trợ.

Từ khóa » Cách Siêu âm Ruột Thừa