Siêu âm Trong Phụ Khoa Và Sản Khoa: Siêu âm Quí Một Thai Kì (Phần 1)
Có thể bạn quan tâm
GIỚI THIỆU
Siêu âm quí 1 thai kì thường được thực hiện nhằm mục đích xác định vị trí thai và cũng là thời điểm giao nhau giữa siêu âm phụ khoa và siêu âm sản khoa. Việc thực hiện siêu âm thai trong 3 tháng đầu đòi hỏi sự chính xác vì nó thực sự quan trọng trong việc xác định túi thai nằm trong tử cung, số lượng, sự sống phôi thai và đánh giá tuổi thai một cách chính xác, tất cả yếu tố này có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi thai kì.
Những mục tiêu chủ yếu của siêu âm quí 1 được liệt kê trong bảng 4.1. Những mục tiêu này có thể thay đổi tuỳ theo tuổi thai trong 3 tháng đầu, như lúc 6 tuần, 9 tuần hay 12 tuần, nhưng những mục tiêu chính thì giống nhau. Trong chương này, chúng tôi sẽ bàn luận về hướng tiếp cận siêu âm 3 tháng đầu, sau đó là những chỉ định siêu âm thai trong giai đoạn sớm. Những mốc siêu âm theo thứ tự thời gian trong 3 tháng đầu ở một thai kì bình thường và những dấu hiệu siêu âm của một thai ngừng tiến triển cũng sẽ được trình bày, cũng như một số trường hợp bất thường thai có thể phát hiện qua siêu âm 3 tháng đầu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đề cập đến tầm quan trọng của việc đánh giá bánh nhau trong song thai ở quý 1 thai kì.
BẢNG 4.1: Những mục tiêu chính trong siêu âm 3 tháng đầu |
Xác định có thai. Sự xác định vị trí túi thai nằm trong tử cung Xác định sự sống của phôi thai (xác định tim thai) Phát hiện những dấu hiệu của thai ngưng tiến triển sớm. Xác định đơn thai hay đa thai (xác định số bánh nhau trong đa thai) Đánh giá tuổi thai. Đánh giá phôi thai bình thường và túi thai trước 10 tuần. Đánh giá giải phẫu thai cơ bản sau 11 tuần. |
SIÊU ÂM QUA NGÃ ÂM ĐẠO TRONG 3 THÁNG ĐẦU THAI KÌ
Ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhiều tác giả đã đồng thuận rằng siêu âm qua ngã âm đạo nên được thực hiện trong 3 tháng đầu. So với siêu âm ngã bụng, siêu âm qua ngã âm đạo có nhiều thuận lợi và vị trí đầu dò gần với tử cung, túi thai và các cơ quan vùng chậu. Điều này cho phép người siêu âm có thể đánh giá những chi tiết giải phẫu tốt hơn trong 3 tháng đầu (Hình 4.1). Khi thao tác nhẹ nhàng, đa số sản phụ không gặp trở ngại với đầu dò âm đạo. Trong bảng 4.2 khuyến cáo những bước thực hiện siêu âm qua ngã âm đạo.
Hình 4.1: Mặt cắt dọc giữa của một thai kì 12 tuần khi siêu âm ngã âm đạo cho phép đánh giá những cấu trúc giải phẫu của thai rõ ràng hơn(chú thích).
BẢNG 4.2: Những bước thực hiện siêu âm ngã âm đạo |
Trước khi làm thủ thuật, thông báo cho bệnh nhân biết và được sự chấp thuận của bệnh nhân (bằng miệng). Bàng quang của bệnh nhân phải trống. Bệnh nhân nằm ở tư thế sản khoa hay tư thế nằm ngửa 2 chân duỗi thẳng, phần mông được nâng lên bởi miếng lót đệm. Dùng khăn che chắn kín đáo cho bệnh nhân và nếu có thể, ngoài bệnh nhân và bác sĩ, khuyến cáo nên chỉ có thêm một người thứ 3 trong phòng . Kiểm tra đầu dò sạch sẽ (theo y văn), kiểm tra sự kết nối đường truyền tín hiệu giữa đầu dò và máy siêu âm trước khi làm thủ thuật. Cho chất bôi trơn vào bề mặt đầu dò, vào mặt trong và mặt ngoài của bao caboth, chú ý không để không khí lọt vào. Đưa đầu dò vào ống âm đạo một cách nhẹ nhàng và về phía trước (về phía ruột già) để làm giảm sự khó chịu cho bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện, trò chuyện với bệnh nhân, giải thích những gì bạn đang làm và hỏi cảm giác khó chịu của bệnh nhân nếu có. |
Khi bắt đầu vào thực hiện, nên nhìn một cách tổng thể, quan sát tử cung về vị trí, kích thước, hình dáng, cấu trúc của nó, cũng như các cơ quan lân cận, như hai phần phụ, bàng quang và túi cùng. Sau đó, những vùng cần khảo sát, ví dụ như thai, nên được phóng to nhằm đạt được hình ảnh rõ nhất và có thể đánh giá một cách chi tiết.
CHỈ ĐỊNH SIÊU ÂM 3 THÁNG ĐẦU
Nhiều nơi trên thế giới, siêu âm 3 tháng đầu thường không được chỉ định thường qui (1) như đối với 3 tháng giữa để khảo sát hình thái thai nhi. Những chỉ định siêu âm 3 tháng đầu rất khác nhau nhưng nhìn chung có liên quan đến triệu chứng của người mẹ. Bảng 4.3 liệt kê những chỉ định thường thấy cho siêu âm 3 tháng đầu.
BẢNG 4.3: Những chỉ định thường thấy cho siêu âm 3 tháng đầu. |
Mất kinh (bệnh nhân không biết có thai) Đau vùng chậu Xuất huyết âm đạo Bệnh nhân quên ngày kinh. Cảm giác chủ quan của thai phụ. Tử cung lớn hơn hay nhỏ hơn so với ngày của đánh giá lâm sàng. Xét nghiệm giá trị của hCG tăng hay dương tính. Đo độ mờ da gáy. |
CÁC ĐẶC ĐIỂM CỦA SIÊU ÂM 3 THÁNG ĐẦU
Một thai bình thường trong tử cung trải qua một quá trình biến đổi quan trọng và nhanh chóng trong giai đoạn sớm, từ một tập hợp các tế bào không biệt hoá thành một phôi thai nằm trong túi ối kết nối với bánh nhau và túi noãn hoàng. Tất cả sự thay đổi này xảy ra trong khoảng 3-4 tuần. Điều này có thể được nhìn thấy trên siêu âm: khởi đầu là túi màng đệm, bằng chứng đầu tiên của thai trên siêu âm, đến phôi thai với hoạt động của tim. Nhận diện được các đặc điểm của siêu âm trong 3 tháng đầu thai kì và hiểu được tiến trình bình thường của thai sẽ giúp chẩn đoán xác định thai và chẩn đoán các trường hợp các thai ngừng tiến triển.
Túi thai (Gestational age)
Túi thai, hay còn gọi là khoang màng đệm, là bằng chứng đầu tiên của thai trên siêu âm. Ban đầu, túi thai nằm hơi lệch tâm trong màng rụng, hay còn gọi là "dấu hiệu túi thai trong màng rụng" (Intradecidual sac sign), túi thai nằm vùi vào trong niêm mạc (Hình 4.2). Không nên lầm lẫn túi thai với ứ dịch (máu) nằm giữa hai lớp màng rụng (Hình 4.3 A và B). Túi dịch giữa hai lớp màng rụng này được gọi là “Túi thai giả”, gặp trong thai ngoài tử cung. Túi thai nhìn thấy trên siêu âm ngã âm đạo vài ngày sau khi trễ kinh, khoảng 4 đến 4.5 tuần tính từ ngày đầu của kì kinh cuối. Hình ảnh của túi thai trên siêu âm giai đoạn sớm có thể khó nhìn thấy nhưng phát triển khá nhanh khoảng 1mm mỗi ngày. Khi túi thai có đường kính trung bình 2 – 4 mm, bờ của nó có phản âm dày, giúp cho sự chẩn đoán dễ dàng hơn (Hình 4.4). Vòng phản âm dày của túi thai là một dấu hiệu siêu âm quan trọng, giúp phân biệt túi thai thật với túi thai giả, chính là sự tụ dịch hay máu trong lòng tử cung. Ban đầu túi thai có dạng hình tròn nhưng với sự xuất hiện của túi noãn hoàng và phôi thai, túi thành trở thành dạng elip (Hình 4.5). Kích thước, hình dáng của túi thai có thể thay đổi và đường kính trung bình của túi thai (MSD: mean sac diameter) được tính bằng trung bình của ba đường kính lớn nhất trên mặt cắt dọc, ngang và đứng ngang. Khi MSD ≥25 mm mà không có sự hiện diện của phôi thai được chẩn đoán là thai ngừng tiến triển (Hình 4.6). Ngưỡng Cut-off này có độ đặc hiệu và giá trị tiên đoán dương là 100% (2). Khi MSD ở khoảng 16 mm – 24 mm, không thấy phôi thai thì chỉ nên nghi ngờ chứ không nên đưa ra chẩn đoán chắc chắn thai ngừng phát triển (2).
Hình 4.2: Mặt cắt dọc giữa của tử cung cho thấy túi thai 4.5 tuần (mũi tên). Lưu ý vòng phản âm dày bao quanh túi thai. Vòng phản âm dày này giúp phân biệt túi thai thật và tuí thai giả.
Hình 4.3 A & B: Mặc cắt dọc giữa (A) và mặt cắt ngang (B) của vùng ứ dịch trong lòng tử cung (dấu sao) với vòng sáng (túi thai giả). Không nên nhầm lẫn dấu hiệu này với túi thai thật trong long tử cung.
Hình 4.4: Mặt cắt dọc của tử cung với túi thai 4.5 tuần. Chú ý viền bờ dày sang (mũi tên) của túi thai. Bờ dày sáng (dạng vòng nhẫn) của túi thai giúp chẩn đoán phân biệt với tụ dịch hay máu trong lòng tử cung.
Hình 4.5: Mặt cắt dọc giữa của tử cung có túi thai 6 tuần. Chú ý sự hiện diện của túi noãn hoàng (mũi tên) và một phôi thai nhỏ (mũi tên). Hình dạng của túi thai dạng ellip hơn là dạng tròn.
Hình 4.6: Một túi thai lớn (MSD > 25 mm), không nhìn thấy phôi thai. Chẩn đoán là thai ngừng tiến triển.
Túi noãn hoàng (Yolk Sac)
Túi noãn hoàng được nhìn thấy lúc thai 5 tuần (theo ngày kinh cuối) trên siêu âm ngã âm đạo, là một vòng nhỏ nằm trong túi thai với viền bờ dày sáng (Hình 4.7). Túi noãn hoàng thấy rõ lúc thai 5 tuần + 5 ngày, đường kính khoảng 2 mm lúc thai 6 tuần và tăng chậm đến 6 mm lúc thai 12 tuần. Phôi thai được nhìn thấy đầu tiên là nằm gần với thành tự do của túi noãn hoàng và kết nối với túi noãn hoàng qua ống vitelline (Hình 4.8). Túi noãn hoàng có đường kính < 3mm khi thai 6-10 tuần hoặc đường kính > 7 mm lúc thai < 9 tuần nên nghi ngờ đến một thai kì bất thường, cần phải theo dõi bằng siêu âm để đánh giá tình trạng thai (Hình 4.9 A và B).
Hình 4.7: Mặt cắt dọc giữa của tử cung có túi thai 5.5 tuần. Chú ý túi noãn hoàng nằm trong túi thai (mũi tên) với đường bờ echo dày sáng.
Hình 4.8: Túi thai 6 tuần. Chú ý vị trí của phôi (mũi tên) nằm gần sát thành tự do của túi noãn hoàng (mũi tên). Phôi thai bị dính vào túi noãn hoàng thông qua ống vitelline (không nhìn thấy được). Túi noãn hoàng và phôi thai có hình ảnh giống như chiếc nhẫn có gắn hột kim cương.
Hình 4.9 A & B: Hình 4.9 A và B cho thấy 2 túi thai có kích thước túi noãn hoàng bất thường: túi nhỏ trong hình A (mũi tên liên tục) và túi lớn trong hình B (mũi tên đứt quãng). Kích thước bất thường của túi noãn hoàng nghi ngờ tới một thai kì bất thường.
Túi ối
Túi ối là một đường viền echo dày bao quanh phôi (hình 4.10). Túi ối xuất hiện sau túi noãn hoàng và trước khi phôi thai được nhìn thấy. Trong khi túi thai có nhiều biến đổi về hình dạng và kích thước, thì sự phát triển của túi ối liên lại quan mật thiết với sự phát triển của phôi từ 6 tuần đến 10 tuần.
Hình 4.10: Túi thai 7 tuần. Túi ối (có chú thích) được nhìn thấy là một màng vòng tròn phản âm mỏng. Túi noãn hoàng và ống noãn hoàng nằm bên ngoài túi ối (có chú thích).
Phôi thai
Phôi thai được nhìn thấy lần đầu qua siêu âm ngã âm đạo là một điểm sự dày lên ở đỉnh túi noãn hoàng, tương tự như hình ảnh “nhẫn kim cương” (hình 4.8), ở thời điểm khoảng 5 tuần. Hoạt động tim thai đầu tiên nhìn thấy lúc thai 6 đến 6.5 tuần. Phôi thai kích thước 2-3 mm có thể nhìn thấy bằng đầu dò siêu âm ngã âm đạo có độ phân giải cao (Hình 4.11), nhưng hoạt động tim thai chỉ chắc chắn khi chiều dài phôi ≥ 5 -7 mm. Nhịp tim thai tăng nhanh trong giai đoạn sớm của thai kì từ khoảng 100 – 115 nhịp/phút thời điểm < 6 tuần, đến 145 – 170 nhịp/phút lúc 8 tuần và giảm xuống 137 - 144 nhịp/phút từ 9 tuần trở đi. Chiều dài phôi tăng nhanh khoảng 1mm mỗi ngày. Đo chiều dài phôi thai, chiều dài đầu-mông (CRL: the Crown-Rump-Length), đươc tính bằng mm. Đó là khoảng cách dài nhất theo đường thẳng từ đầu thai đến phần đuôi tận cùng của thai và đây cũng là sự đánh giá tuổi thai chính xác nhất. Những nghiên cứu gần đây khuyến cáo sử dụng ngưỡng cut-off CRL ≥ 7 mm (thay vì ≥ 5 mm) mà không có hoạt động tim thai để chẩn đoán thai ngừng tiến triển. Dấu hiệu này có độ đặc hiệu và giá trị tiên đoán dương là 100% (gần như có thể xác định). Vì chúng ta thường nhìn thấy hoạt động tim thai thường thấy ngay khi phát hiện phôi thai, việc không có nhịp tim khi CRL < 7 mm thì chỉ nên nghi ngờ, không nên đưa ra chẩn đoán(2, 3).
Hình 4.11: Siêu âm ngã âm đạo túi thai có phôi thai (chú thích) dài 1,8 mm. Ghi nhận vị trí phôi gần túi noãn hoàng (không chú thích).
Chú ý rằng phôi thai phát triển ở trong khoang ối (intraamniotic), trong khi túi noãn hoàng nằm ngoài khoang ối (extraamniotic) (hình 4-10). Dịch chứa trong túi noãn hoàng là khoang ngoài phôi.
Sự xuất hiện của phôi thai trên siêu âm thay đổi từ 6 đến 12 tuần. Lúc thai 6 tuần, phôi thai có dạng hình trụ mỏng và chưa thấy các phần cơ thể, “sự xuất hiện của hạt gạo” (Hình 4.12). Khi tuổi thai tăng lên, phôi thai phát triển những đường cong cơ thể và hình thành rõ ràng trên siêu âm những phần như đầu, ngực, bụng và tứ chi: “sự xuất hiện của gấu Gummy”(Hình 4.13, 4.14 và 4.1). Quan sát kỹ những chi tiết giải phẫu qua siêu âm ngã âm đạo ở thai 12 tuần cho phép chẩn đoán những bất thường lớn. Điều này đòi hỏi người có trình độ chuyên môn cao và có lẽ vượt qua phạm vi của cuốn sách này. Chúng tôi cung cấp bảng bất thường thai chính (Bảng 4.4) có thể được chẩn đoán từ thời điểm 12 tuần trở đi. Hình 4.15 – 4.18 cho thấy những ví dụ bất thường thai trước hay tại thời điểm thai 12 tuần.
Hình 4.12: Túi thai lúc 6 tuần có phôi thai , CRL= 5.1 mm. Ghi nhận hình dạng phôi thai thẳng, giống hạt gạo
Hình 4.13 (trái) : Túi thai có phôi thai 8 tuần. Ghi nhận sự xuất hiện những đường cong cơ thể của phôi thai (chú thích), giống hình dạng gấu Gummy. Túi noãn hoàng cũng được chú thích
Hình 4.14 (phải): Túi thai có phôi thai 10 tuần. Ghi nhận sự phác hoạ rõ ràng phần đầu, ngực, bụng và tứ chi.CRL (Crown-Rump Length): chiều dài đầu mông
Bảng 4.4. Những bất thường có thể chẩn đoán được trong giai đoạn sớm của thai kì. |
Thai vô sọ - lồi não Holoprosencephaly thể Alobar và semilobar Thoát vĩ nào lớn Ngũ chứng Cantrell (bất thường khiếm khuyết thành bụng-ngực nghiêm trọng với thoát vị rốn và tim lạc chỗ) Hở thành bụng Thoát vị rốn lớn ( chú ý trường hợp thoát vị chứa ruột có thể là sinh lý) Bất thường phức hợp cơ thể (Limb-body-wall complex hay body-stalk anomaly) Cystic hygroma Bất thường chi lớn Phù thai Frank |
Hình 4.15: Mặt cắt dọc giữa của thai 11 tuần bị chứng thai vô sọ. Chú ý hình dạng đầu thai bị mất hộp sọ (mũi tên).
Hình 4.16: Mặt cắt trán của thai 10 tuần có nang bạch huyết cystic hygroma. Chú ý chỗ sưng phồng lên dưới da (mũi tên). CRL = Crown-Rump Length.
Hình 4.17: Thai mắc ngũ chứng Cantrell lúc 12 tuần. Chú ý khiếm khuyết lồng ngực và thành bụng (mũi tên), với khối thoát vị rốn lồi ra.
Hình 4.18: Hở thành bụng (chú thích) ở thai 12 tuần ở mặt cắt ngang bụng. Chú ý nơi dây rốn cắm vào nằm bên trái chỗ khiếm khuyết (chú thích).
Xem tiếp phần 2
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Hình ảnh Túi Thai 5 Tuần
-
TUẦN THAI THỨ 5: GIAI ĐOẠN QUAN TRỌNG BẮT ĐẦU HÌNH ...
-
Khám Thai 5 Tuần Tuổi: 7 Kiến Thức Hữu ích Mẹ Bầu Nên Biết
-
Sự Phát Triển Của Thai Nhi Tuần 5 | Vinmec
-
Thai 5 Tuần Chưa Có Phôi Liệu Có Dễ Bị Sẩy Thai? - Suckhoe123
-
Siêu âm Chẩn đoán Thai Sớm - Bệnh Viện Trung ương Quân đội 108
-
Siêu âm Thai 5 Tuần Tuổi đã Có Tim Thai Chưa? | TCI Hospital
-
Siêu âm Có Túi Thai Nhưng Chưa Thấy Phôi Thai Do Nguyên Nhân Gì?
-
Tham Khảo 5 điều Về Siêu âm Thai 6 Tuần
-
Siêu âm 5 Tuần Chưa Có Tim Thai Liệu Bé Có đang Khỏe Mạnh | Medlatec
-
Sức Khỏe Thai Nhi Tuần 4 đến 7 - Bobby
-
Thai 6 Tuần Kích Thước Bao Nhiêu? Đã Có Tim Thai Hay Chưa? • Hello ...
-
Thai 6 Tuần: Sự Phát Triển Mẹ Cần Biết để Dưỡng Thai Tốt Hơn
-
2. Sieu Am Thai Quy I, GS Michel Collet - Slideshare