Singapore “lao đao” đối Mặt Với Tình Trạng Dân Số Giảm Kỷ Lục Và ...

Theo kết quả điều tra dân số mới nhất được công bố tại Singapore, trong thập kỷ qua, dân số nước này chỉ tăng khoảng 1,1% mỗi năm và đây là tốc độ tăng trưởng dân số chậm nhất kể từ khi Singapore giành được độc lập hồi năm 1965 do việc người dân nước này sinh ít con và việc chính quyền Singapore thắt chặt chính sách nhập cư.

Số liệu cho thấy năm nay Singapore giảm tới 10,7% số người không phải là công dân và thường trú nhân Singapore tại nước này. Tính đến tháng 6/2021, số lượng nhóm người này tại Singapore là 1,47 triệu người, năm 2020 con số này là 1,64 triệu người.

Sự suy giảm trong bộ phận dân số này diễn ra mạnh nhất đối với những người làm việc trong ngành xây dựng, sửa chữa đóng tàu biển và lĩnh vực chế biến (chiếm tới 20%); sau đó là những người có thẻ cư trú phụ thuộc - Dependent Pass (18%), người giúp việc nước ngoài (16%), người có thẻ lao động - Employment Pass (11%) và thẻ S Pass (11%).

Số lượng công dân Singapore cũng giảm 0,7%, xuống còn 3,5 triệu người; trong khi đó, số lượng thường trú nhân giảm mạnh hơn, ở mức 6,2%, xuống còn 0,49 triệu người. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1970, cả hai nhóm người này đều có sự suy giảm trên cơ sở so sánh theo từng năm.

Báo cáo cho biết những hạn chế trong việc đi lại, di chuyển trong thời kỳ đại dịch COVID-19 là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm dân số tại Singapore, vì nhiều công dân và thường trú nhân đã ở nước ngoài liên tục từ 12 tháng trở lên và những người này không được tính vào dân số của Singapore.

Bởi vậy, Singapore đang phải ứng phó với những ảnh hưởng do tỷ lệ sinh thấp và tình trạng già hóa dân số giống như nhiều quốc gia phát triển khác.

photo-1637719993100

Tỉ lệ sinh ở Singapore giảm xuống mức quá thấp. Ảnh: cnn.com

Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỉ lệ sinh hiện tại ở quốc gia này chỉ ở mức 1,14 ca sinh trên một phụ nữ. Tỉ lệ đó ngang bằng với Hong Kong (Trung Quốc) và chỉ đứng trên Hàn Quốc và lãnh thổ Puerto Rico của Mỹ.

Tỉ lệ sinh thay thế tại một quốc gia được coi là đạt chuẩn khi ở mức 2,1 con/phụ nữ. Tuy nhiên, tại Singapore cũng như các quốc gia phát triển, tỷ lệ sinh của họ đều thấp hơn mức đó do tỉ lệ kết hôn giảm.

Trong năm 2020, số người ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm 15,2% dân số nước này, tăng so với mức 9% của năm 2010.

Từ năm 2010 đến năm 2020, người có quốc tịch Singapore đã tăng từ mức 3,23 triệu lên 3,52 triệu người, nhưng ngày càng có thêm nhiều người sống độc thân và thêm nhiều cặp vợ chồng sinh ít con.

Cũng trong thời gian này, số trẻ em trung bình do một phụ nữ đã kết hôn, ở độ tuổi từ 40 đến 49 tuổi, cư trú tại Singapore sinh ra đã giảm từ mức 2,02 trẻ xuống mức 1,76 trẻ.

Cũng theo cuộc điều tra trên, tuổi trung bình của những người cư trú tại Singapore bao gồm các công dân và thường trú nhân đã tăng tới 41,5 tuổi trong năm ngoái so với 37,4 tuổi của năm 2010.

Nhà xã hội học Tan Ern Ser (Trường Đại học Quốc gia Singapore) cho biết, xu hướng giảm tử lệ sinh sẽ còn tiếp tục. Đây là điều đáng lo ngại, bởi dân số cần được bổ sung để đảm bảo duy trì nền kinh tế sôi động, có thể hỗ trợ cho dân số già.

Trong khi đó, Phó Giáo sư Kang Soon-Hock (Trường Đại học Khoa học Xã hội Singapore) cho rằng, những số liệu về tỷ lệ sinh phản ánh các xu hướng kinh tế - xã hội hiện nay, như ngày càng có nhiều người trẻ chọn lối sống độc thân và nhiều cặp đôi trì hoãn việc kết hôn và sinh con cái.

Bên cạnh đó, những bất ổn gia tăng do các yếu tố như sự gián đoạn kỹ thuật số, sự thay đổi của nền kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng là một phần của những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên – theo Giáo sư Jean Yeung, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu về Gia đình và Dân số, thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore. "Những yếu tố này có thể khiến các cặp vợ chồng suy nghĩ kỹ hơn về việc có nên sinh con hay không", bà nói.

Trước thực trạng báo động này, Chính phủ Singapore cho biết sẽ hỗ trợ các cặp đôi một khoản phí nếu như họ sinh con để giúp các gia đình an tâm về mặt tài chính khi phải đối mặt với sự bấp bênh trong công việc vì đại dịch COVID-19, từ đó đẩy mạnh tỷ lệ sinh ở nước này.

Tại Việt Nam, trong vòng 30 năm qua, mức sinh đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019. Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn là phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình đối với mục tiêu giảm sinh.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với thách thức già hóa dân số. Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, từ 2054 - 2069, Việt Nam sẽ trải qua giai đoạn dân số rất già, khi người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20 - 29,9%. Việt Nam cũng được xem là quốc gia có thời gian chuyển từ "già hóa dân số" sang "dân số già" vào nhóm nhanh trên thế giới, dự báo là 20 năm, trong khi Nhật Bản và Trung Quốc là 26 năm, Anh và Tây Ban Nha 45 năm...

Bởi vậy, ngay từ lúc này, Việt Nam cũng cần có những chính sách thiết thực để hạn chế tốc độ già hóa dân số, duy trì mức sinh thay thế, không để lâm vào tình trạng mức sinh quá thấp như Singapore.

Trịnh Hồng

Từ khóa » Dân Số Singapore 2019