Sinh Con Nhẹ Nhàng Bằng Phương Pháp Gây Tê Ngoài Màng Cứng Tại ...
Với mỗi người phụ nữ thì việc làm mẹ là điều thiêng liêng và tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Có nhiều phụ nữ muốn có con, muốn sinh con thật nhiều nhưng lại sợ cảm giác đau đớn lúc vượt cạn như nhiều người vẫn truyền tai nhau câu cửa miệng rằng “không có gì đau bằng đau…đẻ”. Thấu hiểu nỗi niềm đó của các sản phụ cũng như để người phụ nữ hưởng trọn niềm vui được nhìn thấy con yêu khi chào đời, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã áp dụng thành công kỹ thuật “giảm đau trong đẻ” bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng ngay từ khi thành lập Bệnh viện vào năm 2010. Đến nay Bệnh viện đã thực hiện được trên 200 ca đẻ an toàn nhờ phương pháp này và để đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân đến sinh nở, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang đã mở rộng các buồng đẻ không đau và đầu tư trang thiết bị cơ sở hiện đại dưới sự hỗ trợ của các bác sỹ và nữ hộ sinh được đào tạo bài bản tại Bệnh viện Phụ Sản Trung ương theo Đề án Bệnh viện vệ tinh.
Bác sỹ CKI Nguyễn Minh Cường thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng cho sản phụ
Tuy nhiên có nhiều sản phụ vẫn còn băn khoăn về phương pháp gây tê ngoài màng cứng này và thắc mắc liệu rằng phương pháp này có phù hợp với mình hay không. Bác sỹ CKI Nguyễn Minh Cường, Trưởng Khoa Dịch vụ Y tế tự nguyện – người trực tiếp thực hiện phương pháp gây tê ngoài màng cứng để giảm cơn đau cho các sản phụ có những trao đổi cụ thể về kỹ thuật “giảm đau trong đẻ” này.
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng là gì và có lợi gì trong quá trình chuyển dạ?
Bác sỹ CKI Nguyễn Minh Cường cho biết: Kỹ thuật “Giảm đau trong đẻ” bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng từ lâu đã được áp dụng ở các nước tiên tiến trên Thế giới và hiện được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam. Gây tê ngoài màng cứng được bác sỹ thực hiện khi cổ tử cung của sản phụ mở được khoảng 02 - 03 cm để giảm đau do cơn co thắt tử cung trong chuyển dạ. Khi thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, sản phụ sẽ được tiêm thuốc tê vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống, gọi là khoang ngoài màng cứng, bác sỹ Gây mê hồi sức sẽ đặt một ống thông catheter rất nhỏ vào khoang ngoài màng cứng ở cột sống lưng. Ống thông catheter này sau đó được dán cố định bằng băng keo dọc theo lưng về phía vai của sản phụ. Thuốc gây tê sẽ được truyền liên tục qua ống thông này để ngăn chặn sự dẫn truyền thần kinh, làm tê liệt những bộ phận chịu nhiều áp lực nhất khi chuyển dạ. Dưới tác dụng của thuốc gây tê ngoài màng cứng, sản phụ sẽ giảm được khoảng 70 % - 80% cơn đau.
Với phương pháp đẻ thường mà không dùng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, tử cung của sản phụ co bóp mạnh, cổ tử cung mở ra để sinh em bé và sự giãn nở tầng sinh môn tạo ra những cơn đau dữ dội đôi khi quá mức chịu đựng của người mẹ, khiến người mẹ lo lắng, mệt mỏi, sợ hãi và em bé có thể bị thiếu oxy. Tuy nhiên với phương pháp gây tê ngoài màng cứng sẽ giúp ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ, lúc này sản phụ vẫn ý thức được mọi việc chỉ là cơn đau đã được giảm bớt rất nhiều, cuộc chuyển dạ và sinh nở trở nên dễ dàng hơn vì gây tê ngoài màng cứng bác sỹ sản khoa sẽ chỉ huy cuộc đẻ theo hướng tốt nhất cho mẹ và em bé khiến sản phụ cảm thấy hoàn toàn toàn thoải mái và không bị mất sức. Dễ nhận thấy rằng giảm đau trong đẻ không chỉ xoa dịu về thể xác mà còn nâng đỡ về tinh thần giúp sản phụ lấy lại cân bằng tâm, sinh lý, hợp tác tốt với nhân viên y tế trong quá trình chuyển dạ, thậm chí không còn cảm thấy ám ảnh về mặt tâm lý để sẵn sàng cho những lần sinh nở tiếp theo. Đặc biệt phương pháp này còn thích hợp với các mẹ có bệnh tăng huyết áp, hen suyễn và một số bệnh tim mạch.
Sản phụ được theo dõi sát sao cuộc chuyển dạ sau khi thực hiện Kỹ thuật Gây tê ngoài màng cứng
Phương pháp gây tê ngoài màng cứng có ảnh hưởng tới mẹ và em bé không?
Với thai nhi thì việc sử dụng nồng độ thuốc giảm đau thấp hoàn toàn không ảnh hưởng tới bé.
Với sản phụ thì bên cạnh tác dụng ngăn chặn cơn đau trong quá trình chuyển dạ thì phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có thể gây nên những tác dụng phụ không mong muốn như: Thuốc gây tê có thể gây giãn mạch, tụt huyết áp, nhưng đề phòng được bằng truyền dịch trước, trong khi gây tê. Cơn co tử cung có thể ảnh hưởng phần nào bởi thuốc gây tê nhưng hoàn toàn khắc phục được bằng việc theo dõi tần số tim thai và cường độ cơn co nhờ monitor sản khoa và điều chỉnh bằng thuốc oxytocin giúp thúc đẩy cơn co tử cung tốt hơn. Sau khi đẻ một số sản phụ cho biết có cảm giác đau mỏi ở vùng lưng, nhưng đây là cảm giác thường có ở sản phụ ngay cả khi không áp dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng. Lý do nhiều bà mẹ đau lưng sau sinh là do tư thế sai khi ngồi cho bé bú, thay tã, thức chăm bé, ngồi nhiều hơn là nằm nghỉ ngơi...
Đau đầu sau đẻ cũng là một trong số những tác dụng phụ của phương pháp giảm đau trong đẻ nhưng thường là sẽ tự khỏi sau một thời gian, trường hợp đau nhiều thì sẽ được bác sỹ điều trị triệt để mà không để lại di chứng gì. Một số tai biến có thể xảy ra như: Nhiễm trùng khoang ngoài màng cứng cũng có thể xảy ra nhưng hiếm gặp; phương pháp này cũng có thể có tai biến là thủng màng cứng có thể nhận biết ngay trong quá trình làm bởi có dịch não tủy chảy ra. Tuy nhiên các tai biến này có thể phòng được bằng cách tuân thủ tuyệt đối các nguyên tắc vô trùng và thực hành đúng quy trình kỹ thuật. Tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, các bác sỹ chưa từng để xảy ra tai biến y khoa nào khi thực hiện phương pháp Gây tê ngoài màng cứng.
Những sản phụ nào thích hợp đẻ không đau?
Những sản phụ mà theo dõi đẻ thường được đều có thể dùng kỹ thuật “Giảm đau trong đẻ” khi có nhu cầu, chỉ trừ những sản phụ mắc một số bệnh lý như: gù vẹo cột sống thắt lưng, dị ứng thuốc tê, nhiễm trùng toàn thân và rối loạn đông máu.
Sản phụ cần làm gì khi tham gia đẻ không đau?
Như mọi cuộc đẻ khác sản phụ đều được theo dõi trong suốt thời gian chuyển dạ, nếu tiến triển tốt các mẹ sẽ đẻ thường, nhưng nếu khó khăn các mẹ sẽ được mổ đẻ và kỹ thuật Giảm đau trong đẻ sẽ được dùng để giảm đau trong mổ và sau mổ khoảng 03 ngày để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé.
Chị Hoàng Thị Thương (19 tuổi, trú tại phường Thọ Xương, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) “vượt cạn” thành công bằng phương pháp gây tê ngoài màng cứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên em sinh bé, trước khi sinh em cũng được nghe mọi người truyền tai nhau là khi sinh con thì sẽ bị đau nhiều lắm, em cứ nghĩ là chắc mọi người nói quá lên thôi nhưng không ngờ là đau nhiều như vậy. Em lại chịu đau không tốt, trước khi sinh bé 01 ngày là em đã cảm thấy đau bụng rồi, các cơn đau tăng dần đến nỗi mà em còn nghĩ tới chuyện sinh mổ. May sao em lại biết tới dịch vụ “Giảm đau trong đẻ” ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang nên gia đình em liền đăng ký luôn.Khi được Bác sỹ Cường tiêm thuốc tê vào vùng lưng thì mấy phút sau em thấy cơn đau giảm dần, cảm thấy người dễ chịu hơn trước đó nhiều, thậm chí em còn có cảm giác buồn ngủ khi nằm trên bàn chờ sinh bé nữa. Được tiêm thuốc vào, em thấy sinh bé không bị mệt mỏi hay đau đớn như những hình ảnh em thường thấy trên tivi và cơ thể phục hồi cũng nhanh hơn vì không mất sức nhiều khi sinh. Sau này sinh bé thứ hai em cũng sẽ lựa chọn phương pháp giảm đau trong đẻ này để sinh con nhẹ nhàng”.
Chị Hoàng Thị Thương tràn ngập hạnh phúc khi con yêu chào đời sau khi dùng phương pháp giảm đau trong đẻ
Hiền Chúc - Bệnh viện Sản Nhi
Từ khóa » Tiêm Gây Tê Ngoài Màng Cứng Là Gì
-
Gây Tê Ngoài Màng Cứng: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
Phân Biệt Gây Tê Ngoài Màng Cứng Và Gây Tê Tủy Sống | Vinmec
-
BÁC SĨ SẢN KHOA NÓI GÌ VỀ GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG ( ĐẺ ...
-
Tác Dụng Phụ Của Phương Pháp Gây Tê Ngoài Màng Cứng
-
Gây Tê Ngoài Màng Cứng: Phương Pháp Giảm đau Trong Chuyển Dạ
-
“Đẻ Không đau” Bằng Phương Pháp Gây Tê Ngoài Màng Cứng
-
Gây Tê Ngoài Màng Cứng - Bệnh Viện Quân Y 103
-
Gây Tê Ngoài Màng Cứng Trong Quá Trình Chuyển Dạ
-
Tác Dụng Phụ Của Gây Tê Ngoài Màng Cứng đối Với Mẹ Bầu Và Em Bé
-
Mẹ Bầu Hiểu Về Gây Tê Màng Cứng Và Gây Tê Tủy Sống
-
Gây Tê Ngoài Màng Cứng Và 6 điều Mẹ Bầu Cần Biết
-
GÂY TÊ NGOÀI MÀNG CỨNG TRONG QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ ...
-
Gây Mê Ngoài Màng Cứng (P2) - Bệnh Viện Nguyễn Tri Phương
-
Lợi ích Của Phương Pháp Gây Tê Ngoài Màng Cứng Mẹ Bầu Cần Biết