Sinh Hoạt Khoa Học “Đặc Tính Ngữ Nghĩa Của Thành Ngữ Tiếng Anh ...

 

TS. Đặng Nguyên Giang thuyết trình về đề tài nghiên cứu “Đặc tính ngữ nghĩa của thành ngữ tiếng Anh theo quan điểm truyền thống”

 

         Trong báo cáo của mình, diễn giả đã chỉ rõ theo quan điểm truyền thống, nghĩa của một thành ngữ không phải là kết quả của việc kết hợp nghĩa của các thành tố cấu tạo. Tức là về mặt cú pháp, nó không có sự tương liên và nghĩa có được là nghĩa bóng trên cơ sở hình ảnh biểu trưng được thiết lập qua các thành tố cấu tạo. Đơn giản hơn, chúng ta có thể coi thành ngữ là một từ vị (hàm chỉ một đơn vị ngữ nghĩa nhỏ nhất và không thể thay đổi dù được biểu đạt bằng các hình vị từ đơn, các hình vị từ phức hay các biểu thức). Về cấu trúc nghĩa: các thành ngữ và từ vị không phải là hai đơn vị có thể hoán đổi cho nhau. Trong báo cáo cũng chỉ rõ, một ngữ mang tính thành ngữ thường chứa một lớp nghĩa đen bề mặt được suy ra từ sự tương liên cú pháp. Một người đọc bất cẩn có thể bị cuốn theo sự biểu hiện bề mặt có nguồn gốc từ sự tương liên cú pháp và quên đi nghĩa thành ngữ, song nghĩa thành ngữ chỉ xuất hiện khi mặt biểu hiện nghĩa đen mất đi. Nghĩa có được của một ngữ hình thành từ những từ vị đơn giản là phép cộng của các thành tố từ vị. Dần dần qua nhiều quá trình tạo nghĩa đa dạng, những ngữ này đã mang những nghĩa thành ngữ mới và được cú pháp hoá.

        Nghĩa của thành ngữ ngày nay được diễn đạt bằng cách thức của một lời diễn giải. Thực tế thì các từ vị gốc bây giờ hoàn toàn bị mờ đi và chúng không còn mang nghĩa riêng biệt của chúng nữa. Chính vì vậy, việc đưa ra nghĩa đơn lập cho từng thành tố riêng lẻ của thành ngữ mà không phải là toàn bộ đơn vị sẽ là không hợp lý.

Trong thành ngữ có xuất hiện các ‘biến thể thành ngữ’, việc xuất hiện này đã dẫn đến việc nghi ngờ nguyên tắc của tính hoàn chỉnh ngữ nghĩa của toàn bộ thành ngữ. Tuy nhiên, hiện tượng biến thể thành ngữ tồn tại không phải là một bằng chứng phủ nhận bản chất từ vị của thành ngữ; biến thể âm vị và hình vị không ảnh hưởng đến khái niệm âm vị hay hình vị. Thành tố của một thành ngữ không mang nghĩa độc lập, nếu một thành tố của một thành ngữ còn đang nghi ngờ có thể được chỉ ra để tái hiện đâu đó với một nghĩa tương tự thì ngữ đó tốt nhất chỉ mang tính chất gần thành ngữ mà thôi.

Các cử tọa tham dự buổi sinh hoạt khoa học

 

Về sự hình thành của các thành ngữ, trong báo cáo của mình, diễn giả đã chứng minh rằng quá trình ‘thành ngữ hoá’ nằm ở vòng quay lịch đại, do vậy tính thành ngữ không thể được giải thích một cách thoả đáng bằng các nguyên tắc phát sinh. Không phải một nghĩa hay một cấu trúc cú pháp được đưa ra tự nó đã tạo thành một thành ngữ, mà đó là sự kết hợp thường xuyên của một với nhiều yếu tố khác là nguồn gốc của tính thành ngữ. Sự kết hợp đó là sản phẩm của việc mở rộng theo ngữ cảnh trong các tình huống giao tiếp hằng ngày qua một khoảng thời gian nhất định. Phần lớn các thành ngữ đã phô bày được những giai đoạn nào đó trong sự phát triển của chúng. Trên thực tế, một số nhà ngôn ngữ đã coi yếu tố không hợp lý, phi lô gíc và ngớ ngẩn là các nhân tố quan trọng trong nguồn gốc của nhiều thành ngữ.

         Những hình thái không có giai đoạn ẩn dụ dường như chiếm số lượng rất nhỏ. Trong những trường hợp này, sự cố định của hình thái xuất hiện thay vì một sự ổn định chậm thông qua quá trình sử dụng lặp đi lặp lại và thường đi kèm hoặc kéo theo sự thay đổi về nghĩa. Ở đâu có sử dụng phép ẩn dụ thì ngữ được bàn đến có thể trải qua nhiều quá trình phổ biến của việc mở rộng ngữ nghĩa, chuyển hoá... và chính điều này có tác dụng đến bất kỳ sự thay đổi nào của nghĩa. Ngữ có được có thể trở thành một thành ngữ mà không có mối liên hệ nào với nghĩa đen trước đó (cái mà tất nhiên trong phần lớn các trường hợp vẫn tồn tại một cách độc lập). Thực tế cũng có thể có sự dịch chuyển từ từ vựng cố định của ngữ mang nghĩa đen đến nghĩa trừu tượng hơn. Sự cụ thể và hữu hình thường liên kết với một động từ hoạt động để trở thành trừu tượng, và vô hình từ lâu đã được quan sát trong mối quan hệ với tục ngữ. Điều này đặc biệt có lý bởi vì nhiều tục ngữ đã được coi là các thành ngữ. Chính vì vậy mà ở bất kỳ thời điểm cụ thể nào cũng đồng thời có: (i) những ngữ nghĩa đen (rõ), (ii) những ngữ ẩn dụ có nghĩa liên quan mật thiết với nghĩa đen (bán rõ), (iii) những ngữ khác có tính mờ hơn về nghĩa nhưng có thể làm sáng rõ (bán mờ), và (iv) những thành ngữ (mờ).

         Như vậy, thành ngữ thuần tuý là những thành ngữ phải có những thành tố cấu tạo mà không thể suy ra nghĩa thành ngữ từ các thành tố này. Quan điểm này không chỉ đưa ra vấn đề liên kết giữa thành ngữ với các phép ẩn dụ mà còn với nhiều vấn đề khác. Mối quan hệ giữa tục ngữ và thành ngữ được minh hoạ như hai vòng tròn gối lên nhau. Trong khi một số tục ngữ biến động từ bán mờ đến mờ.

Trong báo cáo cũng đề cập đến vấn đề nhóm thành ngữ, trong đó các nhóm thành ngữ có thể được phân loại theo hai chủ đề chính mặc dù trong thực tế ở một chừng mực nào đó chúng vẫn đan cài lên nhau: nhóm thành ngữ chính thức và nhóm thành ngữ khái niệm. Nhóm thành ngữ thứ nhất bao gồm những thành ngữ có cùng mô hình cú pháp và ít nhất một thành tố thực từ. Nhóm thứ hai, thành ngữ khái niệm - việc tạo lập mới được thực hiện lệch nhau ở một thời điểm khi mà phép ẩn dụ gốc vẫn còn tồn tại và duy trì cho việc mở rộng và vận dụng xa hơn. Các phép ẩn dụ xuất hiện thường tạo ra những cái mới. Theo quy tắc thường lệ thì nhóm thành ngữ khái niệm có giới hạn nhất định với những cụm từ ẩn dụ ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Theo quan điểm thống nhất hiện nay thì vẫn có các phép ẩn dụ trong các nhóm và các phép ẩn dụ có được này đã bị cố định hoặc đang trong quá trình phát triển ít nhất là đối với các thành ngữ bán mờ.

         Báo cáo đã khảo sát một số vấn đề và chú tâm tới việc coi thành ngữ là một từ vị đơn lập không có mối liên hệ với cú pháp và do đó, không mang nghĩa thực ở bình diện thành tố cấu tạo. Tiêu chí thoả đáng nhất để thiết lập tính thành ngữ chính là ngữ nghĩa. Ngữ nghĩa được xem là có vị thế đứng đầu trong tiêu chí thiết lập tính thành ngữ cho bất kỳ ngữ nào.

                                                           

           Tin: Bích Hạnh, Ảnh: Nguyễn Quân

Từ khóa » đặc Ngữ Nghĩa Là Gì