Sinh Kế Từ Bảo Tồn Tê Giác Sumatra | Con Người Và Thiên Nhiên

Đầu tháng 12/2020, Sujiono tất bật cắt tỉa cành cây sung trong làng ở tỉnh Lampung thuộc đảo Sumatra. Đó không phải là buổi cắt tỉa thông thường: người đàn ông 41 tuổi này đang gom lá cho tê giác tại trung tâm nuôi nhốt ở VQG Way Kambas gần đó.

“Công việc của tôi là tìm kiếm thức ăn cho tê giác tại trung tâm”, Sujiono nói đến Khu bảo tồn tê giác Sumatra (SRS) – nơi sinh sống của 7 cá thể cực kỳ nguy cấp.

Cộng đồng địa phương ở Lampung điêu khắc gỗ thành tê giác Sumatra. (Ảnh: Agus Susanto/Mongabay)

Tê giác Sumatra (Dicerorhinus sumatrensis) là loài duy nhất còn sống thuộc giống tê giác nguyên thủy nhất – một loài đã tiến hóa cách đây 15 – 20 triệu năm.

Mất và phân mảnh sinh cảnh do khí hậu cùng nạn săn trộm đã làm giảm đáng kể quần thể loài, ước tính hiện chỉ còn chưa đầy 80 cá thể. Một trong những thành trì cuối cùng của loài là VQG Way Kambas, nơi SRS thực hiện chương trình sinh sản nuôi nhốt để củng cố quần thể hoang dã.

Sujianto, sống ở làng Labuhan Ratu IX gần VQG chuyên tìm kiếm những loại lá cây là thức ăn chính của tê giác kể từ năm 2006 khi khu bảo tồn chỉ có ba con cá thể. Mỗi buổi sáng, trước giờ ăn sáng vào 11 giờ, anh giao ít nhất 90 kg lá sung, mít, thầu dầu, xa kê, keo dậu và xoài. Anh được trả tiền nhưng nói rằng “sự sống sót của tê giác là điều chúng tôi hy vọng và chân thành cầu nguyện”.

Một dân làng khác tên Kasturi thu gom những gộc cây lớn hơn còn sót lại từ những gì Sujianto cắt tỉa để tạo ra những bức tranh khắc gỗ và tượng bán thân tê giác.

“Cần kiên nhẫn để tạo ra chúng vì tôi vẫn đang học nghề”.

Lampung cũng là nơi có truyền thống lâu đời làm lụa batik thủ công và một số cộng đồng địa phương sản xuất quần áo batik có họa tiết tê giác.

Basuki Rahmat, người đứng đầu nhóm nghệ nhân batik địa phương cho biết: “Chúng tôi muốn quảng bá để niềm tự hào và biểu tượng của tỉnh Lampung được biết đến rộng rãi hơn. Nghề này mang lại việc làm, đặc biệt là cho những phụ nữ không có nguồn thu nhập chính”.

Lụa batik theo họa tiết tê giác Sumatra. (Ảnh: Agus Susanto/Mongabay)

Các nghệ nhân bán quần áo với giá 11-32 đô la tùy thuộc vào độ phức tạp của thiết kế.

Đối với nhiều người sống trong quanh khu bảo tồn tê giác, nơi này đã mở ra nguồn thu nhập mới và thậm chí là cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ban quản lý VQG Way Kambas và SRS hợp tác với các cộng đồng lân cận để phát triển nền kinh tế sáng tạo lấy cảm hứng từ tê giác.

Junaidi, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lampung chia sẻ: “Lợi ích của tê giác Sumatra đã khơi dậy nguồn cảm hứng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các làng gần VQG”.

Nhật Anh (Theo Mongabay)

Nguồn: BVR&MT

Bài liên quan:

  1. Đánh giá dịch vụ hệ sinh thái với phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam
  2. Nhâm Dần 2022: Năm Hổ và câu chuyện nuôi hổ để “bảo tồn” tại Việt Nam
  3. Tình nguyện trồng cây bản địa ở New Zealand
  4. Tham vấn công chúng và phát huy dân chủ
  5. Indonesia phát hiện hổ Sumatra lang thang trên đường
  6. Xu hướng áp dụng thuế carbon và bài học cho Việt Nam
  7. Phát huy giá trị di sản từ công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại VQG Phong Nha – Kẻ Bàng
  8. Sự suy giảm của loài tê giác ảnh hưởng đến đa dạng thực vật rừng

Từ khóa » Các Loại Tê Giác Sumatra