Sinh Lý Tuyến Giáp - Thầy Thuốc Việt Nam

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng, và lớn nhất trong cơ thể. Tuyến này nằm phía trước cổ, lượng khoảng 10-20 gram, hình dạng như con bướm, ngang hàng với các đốt xương sống C5 – T1, phía trước có lớp da và cơ thịt, phía sau giáp khí quản. Hormon tuyến giáp tác động đến nhiều cơ quan và hoạt động của cơ thể

Những Nội Dung Cần Lưu Ý

1. Tác dụng lên chuyển hóa tế bào

T4, T3 làm tăng tiêu thụ O2 ở hầu hết các mô trong cơ thể nên làm tăng chuyển hóa cơ sở (CHCS), ngoại trừ não, tinh hoàn, tử cung, lách, bạch huyết, tiền yên. CHCS có thể tăng từ 60-100% trên mức bình thường khi một lượng lớn hormon được bài tiết.

Tăng kích thước và số lượng ty lạp thể, do đó tăng ATP để cung cấp năng lượng cho các hoạt động chức năng của cơ thể.

Khi T3, T4 tăng quá cao (cường giáp), các ty lạp thể càng tăng hoạt động, năng lượng không tích lũy hết dưới dạng ATP mà thải ra dưới dạng nhiệt.

Hormon giáp có tác dụng hoạt hoá men Na+ -K+ -ATPase do đó làm tăng vận chuyển ion Na+ và K+ qua màng tế bào một số mô, quá trình này cần sử dụng năng lượng và tăng sinh nhiệt nên được coi đây là cơ chế làm tăng chuyển hoá của cơ thể.

2. Tác dụng trên sự tăng trưởng

Thể hiện rõ ở thời kỳ đang lớn của đứa trẻ, cùng với GH làm cơ thể phát triển. Đặc biệt có tác dụng phát triển bộ não thai nhi và những năm đầu sau sinh.

3. Tác dụng trên chuyển hóa 

Glucid: hormon giáp tác dụng hầu hết các giai đoạn của quá trình chuyển hoá glucid, bao gồm tăng thu nhận glucose ở ruột, tăng tạo đường mới, tăng phân hủy glycogen thành glucose ở gan, do đó gây tăng glucose máu nhưng chỉ tăng nhẹ.

Lipid: tăng thoái hóa lipid ở mô mỡ dự trữ, gây tăng nồng độ acid béo tự do huyết tương và tăng oxy hóa acid béo tự do ở mô để cho năng lượng. Giảm lượng cholesterol, phospholipid, triglycerid huyết tương, do đó người nhược năng tuyến giáp có thể có tình trạng xơ vữa động mạch.

Protid: ở liều sinh lý, T3,T4 làm tăng tổng hợp protein giúp cho sự phát triển và tăng trưởng cơ thể, nhưng ở liều cao, tác dụng dị hóa nổi bật, gây mất protein ở mô, vì vậy người bệnh cường giáp thường gầy.

4. Tác dụng trên chuyển hóa vitamin 

T3,T4 cần cho sự hấp thu vitamin B12 ở ruột và chuyển caroten thành vitamin A.

Tác dụng trên hệ thần kinh cơ

Hormon giáp thúc đẩy phát triển trí tuệ, liều cao gây hoạt bát, bồn chồn, kích thích;  nhược năng ở trẻ gây chậm phát triển về trí tuệ.

Hoạt hóa synap, làm ngắn thời gian dẫn truyền qua synap, do đó ở bệnh nhân cường giáp, thời gian phản xạ gân xương ngắn, đồng thời, tăng hoạt động các synap thần kinh ở vùng tủy chi phối trương lực cơ gây dấu hiệu run cơ.

5. Tác dụng lên tim mạch

Trên tim làm tăng số lượng (-receptor ở tim, do đó tim nhạy cảm với catecholamin nhiều hơn, làm nhịp tim nhanh.

Trên mạch máu: tăng chuyển hóa và tăng các sản phẩm chuyển hóa ở mô gây dãn mạch, làm tăng lưu lượng tim, có khi tăng trên 60% trong cường giáp và giảm chỉ còn 50% so với bình thường trong nhược năng giáp.

Tác dụng lên cơ quan sinh dục

Sự hoạt động bình thường của tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển bình thường của bộ máy sinh dục. Ở nam giới, thiếu hormon giáp gây mất dục tính nhưng bài tiết nhiều có thể gây bất lực. Ở nữ giới, thiếu hormon giáp gây rong kinh, đa kinh nhưng thừa hormon gây ít kinh, vô kinh hoặc giảm dục tính.

Lê Quốc Tuấn – Đại học Y dược TP HCM

Nguồn Nội khoa Việt Nam

Lượt xem: 9.353

Từ khóa » Sinh Lý Tuyến Giáp Thầy Kiên