​Sinh Vật Biến đổi Gen, Nên Hay Không? - Tuổi Trẻ Online

Nông dân ở Xuân Lộc, Đồng Nai bên ruộng bắp biến đổi gen - Ảnh: T.Mạnh

* GS.TS LÊ ĐÌNH LƯƠNG (chủ tịch Hội Di truyền học VN):

Thành quả của khoa học công nghệ

Sinh vật biến đổi gen (GMO) là phương thức hết sức hữu hiệu để con người có thể chủ động tạo ra các giống mới theo yêu cầu của thực tiễn sản xuất tại từng địa phương cụ thể, lại có thể kiểm soát được từng gen cần đưa vào sinh vật mới để tạo giống.

Một sinh vật bất kỳ có một hoặc một vài gen hay vài đoạn phân tử ADN được biến đổi bằng công nghệ sinh học hiện đại thì gọi là GMO.

Những gen hoặc đoạn ADN biến đổi đó có mang những chức năng có lợi cho con người như kháng sâu, kháng thuốc diệt cỏ, chịu hạn, chịu mặn... hoặc những gen tổng hợp các chất hữu ích, cần thiết cho con người như vitamin, protein, insulin... 

Nói nôm na, công nghệ sinh học dùng những “cái kéo” chuyên dụng để cắt sợi ADN mạch dài tại những điểm mong muốn để tạo thành những đoạn có chiều dài và vị trí mà nhà nghiên cứu đã định trước.

Sau đó dùng một chất “keo dán” đặc biệt để gắn đoạn ADN này vào bộ gen chung của một sinh vật, tạo ra GMO. Bản thân các gen, các sợi ADN, “cái kéo” và “keo dán” nói trên đều bắt nguồn từ sinh vật hoặc tế bào sống tự nhiên. Như vậy, bản chất của vật liệu và công nghệ là tự nhiên.

Nếu so sánh với các giống cây trồng được tạo ra trong thời kỳ “cách mạng xanh” những năm 1960 thì những giống cây trồng đó đã được tạo ra bằng cách lai tạo hay gây đột biến đã thay đổi đồng thời một lúc hàng nghìn gen và gần như vô định hướng, không kiểm soát được.

Xác suất may rủi rất cao. Những tác động đó đưa lại những tác hại không thể đo đếm hết được. Thế nhưng, khi đó không ai có ý kiến gì về những “rủi ro tiềm ẩn có thể có” của các giống cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật này.

Có một sự nhất trí rộng rãi trên cơ sở khoa học rằng thực phẩm bắt nguồn từ GMO có tính an toàn đối với sức khỏe con người không kém các thực phẩm truyền thống. Ngoài ra, các giống biến đổi gen còn đưa lại nhiều lợi ích cho môi trường.

Cho đến nay, 610 công trình đã được công bố chứng minh cho tính vô hại của sinh vật biến đổi gen, trong khi không có công trình đủ tiêu chuẩn khoa học nào chứng minh cho điều ngược lại. Tôi cho rằng VN nên tận dụng thành quả của khoa học công nghệ trong nghiên cứu GMO để ứng dụng trong nước.

* PGS.TS LÊ HUY HÀM (viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp VN):

VN đủ điều kiện để trồng bắp biến đổi gen

GMO được thương mại hóa từ năm 1996, tức là cách đây 19 năm rồi, nhưng từ đó đến nay chưa có một văn y thế giới nào ghi nhận những nguy hiểm của cây trồng biến đổi gen hay thực phẩm biến đổi gen gây ra.

Ngược lại, cây trồng biến đổi gen có tiềm năng rất lớn để nâng cao năng suất, tăng thu nhập của nông dân và giảm lượng nhập khẩu.

VN đã nhập khẩu rất nhiều bắp và đậu tương về sản xuất thức ăn chăn nuôi. Trong khi đó 80% đậu tương trên thế giới là biến đổi gen, còn lại ở các nước nhỏ lẻ dành cho tiêu thụ tại chỗ. Như vậy, hàng chục năm nay VN đã nhập khẩu thực phẩm biến đổi gen về chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng không phát hiện gì bất thường.

Thực tế chúng ta đã sử dụng như vậy thì việc đưa thực phẩm biến đổi gen vào ứng dụng và quản lý chính thức là điều cần thiết phải làm.

Ngay từ năm 2005, nghị quyết 50 của Ban Bí thư đã có nội dung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, cây trồng biến đổi gen tại VN. Suốt 10 năm qua chúng ta đã xây dựng hệ thống quy chế tương đối hoàn chỉnh giữa năm bộ gồm Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Công thương, Bộ Khoa học - công nghệ và Bộ Y tế.

Theo quy định của VN, một loại cây trồng GMO nào muốn trồng đại trà trong nước thì phải được ít nhất năm quốc gia phát triển (thuộc khối OECD) chấp nhận ứng dụng trước đó. Do đó, việc chấp thuận bắp biến đổi gen tại VN vừa qua đã trải qua các quá trình khảo nghiệm và đánh giá nghiêm túc của cơ quan chức năng, các nhà khoa học trong nước.

Có nhiều ý kiến lo ngại về việc các công ty cung cấp hạt giống sẽ thao túng thị trường, thao túng nông dân. Theo tôi, đây là lo ngại chính đáng nhưng cũng không đủ cơ sở.

Nông dân là người chịu trách nhiệm hạch toán lời lỗ trên mảnh ruộng của mình, họ có quyền mua hạt giống của công ty nào có lợi cho họ nhất. Nếu vì lý do nào đó công ty bán giá hạt giống, giá thuốc trừ cỏ quá cao đến mức vượt quá lợi ích của nông dân, họ sẽ bỏ công ty sang mua sản phẩm của công ty khác.

Hơn nữa, cây bắp cũng phải cạnh tranh với các loại cây trồng khác. Nếu giá đầu vào của cây bắp quá cao dẫn đến lợi nhuận giảm, nông dân sẽ từ bỏ cây bắp để chuyển sang cây trồng khác. 

* TS PHAN THẾ ĐỒNG (nguyên trưởng khoa công nghệ thực phẩm ĐH Nông  lâm TP.HCM):

Cần dán nhãn thực phẩm biến đổi gen

Đến nay, phần lớn các quốc gia vẫn chưa cho phép trồng đại trà các cây trồng biến đổi gen. Các quốc gia cho phép sử dụng thực phẩm biến đổi gen cũng rất thận trọng và yêu cầu phải có dán nhãn để người tiêu dùng biết và lựa chọn.

Với việc nhập khẩu các loại đậu nành, dầu đậu nành biến đổi gen về VN sử dụng trong nhiều năm qua và cho phép trồng đại trà bắp biến đổi gen vừa qua, VN cũng cần sớm hoàn thiện quy định về dán nhãn thực phẩm biến đổi gen đối với các sản phẩm này.

* GS VÕ TÒNG XUÂN (chuyên gia nông nghiệp):

Nông dân sẽ tự quyết định

Tôi cho rằng giống cây trồng biến đổi gen là một tiến bộ của khoa học đã được nghiên cứu và ứng dụng từ nhiều năm qua tại nhiều quốc gia. Thế nhưng, tranh cãi về tính an toàn của thực phẩm biến đổi gen từ lâu nay vẫn chủ yếu xoay quanh vấn đề “nguy cơ”, tức là điều có thể xảy ra ở tương lai.

Cũng như máy bay có nguy cơ bị rơi, nhưng nếu muốn đi xa đi nhanh mà không dùng máy bay thì biết bao giờ mới tới.

Với những tiềm năng về năng suất, giảm sâu bệnh và kháng thuốc trừ cỏ, những vấn đề cốt yếu trong sản xuất nông nghiệp như vậy, nông dân VN cũng cần được tiếp cận với những tiến bộ khoa học mới. Nông dân sẽ quyết định xem họ cần loại giống nào để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.

Năng suất cây bắp biến đổi gen không cao hơn cây bắp lai thông thường. Như vậy, ở những vùng ít cỏ dại và quản lý sâu bệnh tốt, loại cây trồng này với giá bán hạt giống cao chưa hẳn đã mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho nông dân.

* Bác sĩ TRẦN VĂN KÝ (phụ trách văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN):

Có thể ảnh hưởng đến giống nòi

Hiện chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh được việc sử dụng thực phẩm này an toàn, không có hại. Trong khi đó việc sử dụng thực phẩm biến đổi gen không chỉ tác động trực tiếp đến người sử dụng mà về lâu dài (nếu có hại) có thể ảnh hưởng cho nhiều thế hệ mai sau và ảnh hưởng đến giống nòi. Do vậy cơ quan chức năng cần xem xét hết sức cẩn trọng.

Không thể không công nhận thực phẩm biến đổi gen là một thành tựu khoa học, giúp nâng cao năng suất nhưng chỉ nên áp dụng ở những nơi nào thiếu thực phẩm và điều kiện đất đai, khí hậu khó khăn chứ không nên sử dụng đại trà. VN không phải là nơi thiếu lương thực, thực phẩm.

Trường hợp bắt buộc phải sử dụng tại VN cũng phải hết sức hạn chế và cơ quan thẩm quyền phải ban hành những chính sách, quy định cụ thể về việc công bố sản phẩm, thực phẩm biến đổi gen cũng như những quy định cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý nghiêm vấn đề này nếu vi phạm.

Do năng suất cao, giá thành giảm nên thực phẩm biến đổi gen bằng cách này hay cách khác đã nhập vào VN rất nhiều thời gian qua. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy sản phẩm nào đóng mác là biến đổi gen hoặc công bố hàm lượng thực phẩm biến đổi gen vì lo ngại người tiêu dùng không sử dụng.

Điều này không chỉ tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng giữa những sản phẩm làm từ thực phẩm biến đổi gen và thực phẩm cùng loại thông thường. Chưa kể người tiêu dùng bị “lừa” khi phải mua thực phẩm biến đổi gen với giá cao mà họ không hề biết. Tôi nghĩ vấn đề này chính người tiêu dùng cũng cần có ý kiến.

Trên thế giới, việc sử dụng sản phẩm biến đổi gen ở nhiều nơi rất dè dặt. Ở Mỹ, thực phẩm biến đổi gen được trồng, tiêu thụ nhưng số lượng rất hạn chế và việc dán nhãn mác, công bố hàm lượng thực phẩm biến đổi gen cũng như việc giám sát rất nghiêm ngặt. Trong khi đó ở châu Âu rất thận trọng khi sử dụng sản phẩm biến đổi gen.

Tiếp tục tranh cãi về cây biến đổi gen

Hôm 20-2, ngay trước ngày khai mạc Hội chợ nông nghiệp ở Pháp, Tổng thống Pháp François Hollande tuyên bố ủng hộ nghiên cứu về cây biến đổi gen để “tìm cách đưa các tiến bộ công nghệ vào ngành nông nghiệp”.

Thông điệp này lại làm dấy lên các tranh cãi lâu nay khá mạnh ở Pháp, nơi mà 79% dân chúng và 52% nông dân vẫn tiếp tục chống lại cây biến đổi gen.

Theo thống kê năm 2014, diện tích trồng cây biến đổi gen trên thế giới là 181 triệu ha, tức tương đương 11,6% tổng diện tích đất nông nghiệp, trong khi loại hình nông nghiệp sinh học chỉ chiếm 0,5%. Thị trường giống cây biến đổi gen được cho là trị giá đến 14,5 tỉ USD.

Theo báo cáo thường niên của Cơ quan quốc tế vì ứng dụng công nghệ sinh học của Pháp, diện tích đất trồng cây biến đổi gen trên thế giới đã tăng 3,6% trong năm 2014 (so với năm 2013). Có 18 triệu nông dân ở 28 quốc gia đang trồng cây biến đổi gen. 

Hôm 2-3, Hội đồng châu Âu phải chọn giải pháp trung dung cho các quốc gia thành viên được phép tự quyết về chuyện cây biến đổi gen.

Hiện trong số tám quốc gia công nghiệp hóa đang tham gia trồng cây biến đổi gen có năm nước thuộc EU là Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, CH Czech, Romania và Slovakia.

Ngay tại Tây Ban Nha, vẫn tiếp tục còn những tranh cãi nảy lửa. Hồi đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp vùng Aragon (bắc Tây Ban Nha), nơi trồng nhiều cây biến đổi gen nhất ở Tây Ban Nha, đã công bố báo cáo nghiên cứu trong nhiều năm về hàng chục giống bắp biến đổi gen đã trồng ở địa phương này.

Kết quả cho thấy không có khác biệt đáng kể về năng suất giữa các giống bắp biến đổi gen với các giống bắp truyền thống vẫn trồng ở địa phương này.

Kết luận đưa ra là thế thì tại sao nông dân Tây Ban Nha phải trả tiền đắt thêm (15-20%) cho những loại giống không đem lại năng suất cao đáng kể.

N.QUÂN

 

Người Nhật sống thọ nhờ “nói không với sinh vật biến đổi gen”

Người Nhật xưa nay được xem là có tuổi thọ bình quân cao nhất thế giới. Nhiều nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra một số nguyên nhân giúp người Nhật sống lâu, ví dụ sống bình thản, lạc quan, không uống rượu và sử dụng các chất kích thích, đặc biệt là vấn đề ăn uống.

Người ta đã kết luận rằng hai nguyên tắc quan trọng nhất trong chuyện ăn uống giúp người Nhật sống thọ chính là nguyên tắc hara hachi bu (chỉ ăn no 80%) và chủ yếu chỉ sử dụng nguồn thực phẩm lành mạnh, tự nhiên.

Vì vậy, một khi có sự nghi ngờ về ảnh hưởng không tốt của thực phẩm biến đổi gen, người Nhật rất thận trọng với nó. Do đó từ năm 1996, đa số người Nhật đều ủng hộ chiến dịch “Nói không với sinh vật biến đổi gen” (No-GMO campaign), khi cây trồng biến đổi gen bắt đầu được trồng đại trà trên thế giới. 

Chiến dịch No-GMO campaign đã đặt ra năm yêu cầu sau: 1/ Không mua, không ăn, không bán và không nuôi trồng GMO. 2/ Yêu cầu ghi nhãn phù hợp với GMO. 3/ Thúc đẩy tự túc lương thực và hỗ trợ nông nghiệp địa phương. 4/ Khuyến khích nông dân Nhật Bản lưu trữ hạt giống nhằm duy trì đa dạng sinh học của Nhật Bản. 5/ Phát triển nguồn tài nguyên di truyền nông nghiệp.

Xưa nay, những ai ủng hộ thực phẩm biến đổi gen thường cho rằng thế giới này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt lương thực. Vì vậy, phát triển sinh vật biến đổi gen nhằm giải quyết nạn thiếu hụt lương thực. Người ta thường dẫn ra những hình ảnh đói nghèo ở châu Phi để minh chứng cho điều này.

Tuy nhiên, các tổ chức phản ứng với phong trào nuôi trồng sinh vật biến đổi gen cũng đã chứng minh rằng câu chuyện của loài người hiện nay và tương lai trong chuyện an ninh lương thực là nằm ở khâu phân phối, lưu thông chứ không phải thiếu hụt.

Người ta đã chứng minh rằng lượng cơm thừa bỏ đi mỗi ngày ở Nhật (các loại cơm nắm để ăn nhanh được sản xuất rất nhiều và phải bỏ đi vào cuối ngày) là đủ cho cả châu Phi.

Vì vậy, nếu tìm giải pháp là phải tìm cách làm sao hạn chế tối đa lượng lương thực bị đổ bỏ do tình trạng sản xuất công nghiệp (làm càng nhiều thì giá thành càng thấp), chứ không phải đua nhau nuôi trồng sinh vật biến đổi gen.

H.H.T.

Từ khóa » Gen Kháng Thuốc Từ Sinh Vật Biến đổi Gen Có Thể Phát Tán Sang Sinh Vật Hay Người Không