Sinh Vật Diệt Rêu Hại Trong Bể Thủy Sinh, Sử Dụng Sao Cho đúng?

Trước tiên bouaqua xin khẳng định lại một lần nữa: rêu hại là vấn đề hết sức bình thường trong một bể thủy sinh, không có bể thủy sinh nào là không có rêu hại, chỉ là người chơi có thể ức chế chúng ở mức tối thiểu hay không mà thôi. Để hiểu thêm về rêu hại trong bể thủy sinh, các bạn có thể tham khảo tại http://bouaqua.net/…

Các bạn mới chơi bể thủy sinh thường có những thắc mắc khó nhận được câu trả lời thỏa đáng về rêu hại, đại loại như “sử dụng loài nào để ăn rêu nào?”, “số lượng bao nhiêu là đủ?”, “sao cá nhà tôi không chịu ăn rêu?”… và khi câu trả lời không được đáp ứng tất yếu họ sẽ tìm đến các sản phẩm thuốc diệt rêu trên thị trường. Thuốc diệt rêu không xấu, chúng ta cũng không bàn về chất lượng các loại thuốc diệt rêu ở đây, tuy nhiên đừng lạm dụng thuốc, hãy cân nhắc sử dụng chúng một cách đúng đắn, trong những hoàn cảnh phù hợp.

Có rất nhiều loài sinh vật có thể xử lý được rêu hại trong bể thủy sinh và chúng ta có thể chia chúng thành những loại sau:

Cá ăn rêu

cá otto ăn rêu hại trong bể thủy sinh
Một cá thể Otto

Các loại cá ăn rêu khá đa dạng, thông tin về chúng có rất nhiều trên internet để các bạn tham khảo. Và các bạn cần lưu ý một điều: chúng hầu hết là các loài cá sống theo đàn. Hãy để ý chúng trong bể thủy sinh của mình, chúng có xu hướng bơi và tập hợp theo đám đông. Vậy chúng ta cần tôn trọng điều đó, nuôi chúng theo đàn để giúp chúng không bị stress và phát huy được tác dụng. Với cá bút chì, có thể bạn chỉ cần nuôi một đôi cũng sẽ thấy chúng tung tăng bơi lội một cách thoải mái, nhưng với otto bạn sẽ phải nuôi một bầy khoảng 4 đến 8 con trở lên để chúng bớt nhát và hoạt động tự nhiên hơn. Đó cũng là thắc mắc của nhiều bạn về cá otto, cho rằng chúng không chịu làm việc và đó thật là một tiếng xấu không đáng có của loài cá hiền lành và chăm chỉ này. Cá mún và bảy màu ăn rêu cũng rất tốt, ngoài ra chúng còn giúp giảm đáng kể váng và bụi trên mặt nước nữa đấy!

Ốc ăn rêu

Sử dụng ốc để ăn rêu chúng ta còn được “khuyến mại” thêm một tác dụng nữa là dọn thức ăn thừa hoặc xác động vật chết trong hồ. Ốc ăn rêu có lợi thế là cực kỳ chăm chỉ, chúng có thể ăn rêu 24/7 và không biết mệt mỏi, ngoài ra thì chúng còn có thể sinh sản trong hồ nữa. Tuy nhiên sự chậm chạp khiến cho rêu mọc còn nhanh hơn tốc độ ăn của chúng. Một điểm cần lưu ý là môi trường nước nên cứng một chút để vỏ ốc có thể cứng cáp hơn, không bị mẻ hoặc dễ vỡ dẫn đến những tổn thương cho loài thân mềm này.

Tép ăn rêu

Tép nào cũng có thể ăn rêu hại, sự thật là như vậy bởi môi trường sống nguyên thủy của chúng trong tự nhiên chỉ có rêu hại là nguồn thức ăn chính và phổ biến. Sử dụng tép để ăn rêu bạn sẽ được dọn dẹp sạch sẽ các ngóc ngách mà cá và ốc không thể mò tới được. Nhiều loài tép ăn rêu cũng có thể sinh sản khá dễ dàng trong bể thủy sinh. Việc bổ sung khoáng là cần thiết để quá trình lột vỏ của tép được diễn ra thuận lợi. Tép ăn rêu cần phải được đầu tư với số lượng lớn để có thể áp đảo được rêu hại trong hồ và duy trì được lực lượng khi mà hầu hết các loại cá cảnh đều lựa chọn tép là món ăn tươi bổ dưỡng!

Bao nhiêu là đủ?

3 cá thể tép yamato
Tép yamato

Rêu hại luôn hiện diện và sẽ phát triển rất nhanh nếu môi trường thuận lợi, các loài sinh vật ăn rêu được đưa vào bể thủy sinh với mong muốn đẩy lùi chúng. Đây là một cuộc chiến và yếu tố số lượng cần được lưu ý để giúp đạt được chiến thắng. Số lượng này lại phụ thuộc vào việc bạn đang “phòng bệnh” hay “chữa bệnh”.

Nếu để phòng ngừa rêu hại, số lượng sinh vật ăn rêu không cần phải quá đông nhưng cũng không được quá ít, dưới khả năng tạo đàn của chúng (nên từ 04 con trở lên với hồ 60cm). Số lượng này cũng còn tùy thuộc vào việc bể thủy sinh của bạn trồng nhiều hay ít cây nữa. Nếu nhiều cây thì sẽ có nhiều việc để làm hơn, từng con đơn lẻ có thể sẽ cảm thấy stress khi không nhìn thấy các thành viên khác trong bầy. Nếu cây trồng ít nhưng bạn có một thảm nền cần chăm sóc thì số lượng cũng cần phải nhiều hơn. Việc đi tìm số lượng loài nào phù hợp với hồ kích thước bao nhiêu sẽ không có lời giải bởi nó còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố ngoại cảnh.

Trường hợp rêu hại đã bùng phát rồi và bạn cần một đội quân tinh nhuệ để trấn áp chúng thì số lượng chắc chắn sẽ phải ở mức cao, có khi là gấp đôi (thậm chí gấp ba lần) bình thường. Tuy nhiên bạn cần quan tâm đến 2 điều cơ bản khác để giành chiến thắng: cắt nguồn viện trợ của kẻ thù và lấy khí thế cho quân ta!.

  • – Cắt nguồn viện trợ của kẻ thù tức là tạo môi trường bất lợi cho rêu hại, hãy tìm hiểu một chút về nguyên nhân xuất hiện (trên internet có rất nhiều nhé) của loại rêu hại bạn đang gặp và điều chỉnh các phụ kiện thủy sinh một chút để tạo sự bất lợi cho việc phát triển của chúng. Có như vậy thì đạo quân diệt rêu của bạn mới nhanh chóng giành thắng lợi, tránh tình trạng rêu “kháng chiến”, làm tiêu hao sinh lực quân ta.
  • – Lấy khí thế cho đội quân diệt rêu bằng cách tạo môi trường phù hợp cho chúng làm việc. Các loài cá ăn rêu đôi khi rất nhát, hay lẩn trốn và giật mình khi có bóng người đi ngang qua bể thủy sinh của bạn. Một mẹo nhỏ để xử lý vấn đề này: dán giấy kín các mặt của bể, giúp chúng có không gian riêng tư để thỏa sức tung hoành và tập trung tin thần vào nhiệm vụ. Các loại tép thì mạnh dạn hơn, tuy nhiên chúng cũng thích ánh sáng mờ ảo để tự tin mò ra các khoảng trống, đặc biệt là phần thảm nền.
  • – Một yếu tố nữa là việc bỏ đói! Nghe thì có vẻ tàn nhẫn nhưng cuộc chiến nào cũng cần có sự hy sinh, nếu bể của bạn có nuôi các loài làm cảnh, hãy cố gắng bắt chúng ra bể khác để cho ăn riêng. Các sinh vật diệt rêu của chúng ta sẽ dễ bị sao nhãng nhiệm vụ để quay ra đánh chén các loại thức ăn công nghiệp mà chúng ta bỏ vào. Chắc chắn không loài nào có thể làm ngơ trước những bữa ăn có mùi vị hấp dẫn và sẽ tạm gác món rêu hại chán ốm sang một bên!

Đến đây có lẽ các bạn cũng đã mường tượng được về việc sử dụng các sinh vật ăn rêu sao cho đúng đắn, tránh tình trạng “tiền mất tật mang” và có những đánh giá sai lầm về các loài thiên địch của rêu hại này. Quan điểm của các bạn thế nào, hãy chia sẻ ở phần bình luận bên dưới nhé.

-bouaqua-

5/5 - (3 bình chọn)

Từ khóa » Cá Nào ăn Rêu Hại