Sinh Viên Khoa Kinh Tế Hiến Kế Phục Hồi Kinh Tế Sau đại Dịch COVID ...

Một trong nhiều đề tài rất thời sự, đối tượng nghiên cứu là một (trong những) lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng, được chọn báo cáo tại SR-ICYREB 2022 là Đánh giá tác động của Covid-19 đối với các lĩnh vực thương mại và dịch vụ ở Đà Nẵng (Investigate the impact of Covid-19 on commercial and service sectors in Danang).

Nhóm tác giả đề tài nghiên cứu “Đánh giá tác động của Covid-19 đối với các lĩnh vực thương mại và dịch vụ ở Đà Nẵng”. Ảnh Thanh Hoàng.

Nhóm tác giả gồm các bạn Trần Thị Huyền Trang, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Phương Dung, Nguyễn Tiên Vương (chuyên ngành Kinh tế Đầu tư thuộc khoa Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng).

“Sau nhiều chủ đề được nhóm đưa ra và thảo luận, chúng em nhận ra mỗi ý tưởng (đề tài) đều có những bất cập riêng. Sau đó, Thầy cô trực tiếp hướng dẫn đã gợi ý và phân tích cho nhóm chúng em thấy vấn đề cấp bách tại thời điểm đó là đại dịch Covid-19.

Và khi đã chọn được chủ đề trọng tâm (tác động của Covid-19), chúng em đã hướng tới là tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Đà Nẵng…

Nhưng khi phân tích sâu về số liệu và thực hiện chạy mô hình kinh tế lượng, nhóm đã gặp nhiều khó khăn về số liệu và sự phù hợp của mô hình, nhiều nội dung đã phải quay trở lại tìm cơ sở lý luận. Nhóm vừa tìm cách giải quyết, vừa nghĩ đến sẽ phải thay đổi hướng đi của đề tài. Có thể nói đây cũng là giai đoạn rất khó khăn của nhóm.

Rất đáng quý, khi các Thầy cô trong hội đồng phản biện (tại phiên bảo vệ đề tài nghiên cứu cấp Khoa) đã hướng chúng em thu hẹp phạm vi nghiên cứu và chỉ chọn 2 lĩnh vực Thương mại – Dịch vụ ở Đà Nẵng, xem đây là đối tượng chính.

Rõ ràng, có một thực tại mà chính chúng em cũng đã cảm nhận được, đó là Đà Nẵng – một thành phố du lịch, đã phải gánh chịu nhiều hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, thương mại và dịch vụ là hai lĩnh vực liên quan rất cụ thể đến hoạt động du lịch, chịu ảnh hưởng rất lớn.

Chúng em đã quyết định nghiên cứu theo hướng tập trung, đánh giá chính xác về tác động của đại dịch. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị, chính sách phù hợp cho thành phố Đà Nẵng” – bạn Trần Thị Huyền Trang và bạn Nguyễn Thị Phương Dung, chia sẻ.

Do thay đổi đối tượng nghiên cứu, nhóm đã phải lên ý tưởng mới, tiến hành sửa lại hầu như toàn bộ đề cương thực hiện.

Thêm một khó khăn nữa, đó là đề tài nghiên cứu khá mới (tác động của đại dịch Covid-19 lên 2 lĩnh vực thương mại và dịch vụ), khâu tìm kiếm cơ sở lý luận từ những bài nghiên cứu trước, cũng như thu thập thông tin và xử lý số liệu là những một chướng ngại không nhỏ. Khó khăn nữa là phải đầu tư công phu, chuyển từ một báo cáo nghiên cứu khoa học sang một bài báo khoa học đúng nghĩa để tham dự hội thảo quốc tế sinh viên nghiên cứu khoa học, các trường đại học Kinh tế và Kinh doanh (SR-ICYREB)

Đại diện Nhóm tác giả trình bày đề tài nghiên cứu sáng 30/78/2022. Ảnh: Thanh Hoàng.

Rồi giai đoạn chính thức bắt tay thực hiện đề tài (từ cuối tháng 5/2022 đến giữa tháng 6/2022), cũng trùng với thời gian diễn ra kỳ thi kết thúc học phần, cả nhóm đã phải cố gắng tối đa, cân bằng thời gian để có thể vừa hoàn thiện bài báo, vừa đảm bảo kết quả của kỳ thi.

“Do diễn biến phức tạp của Covid-19 nên nhóm bắt buộc phải làm việc với nhau trên các nền tảng trực tuyến (suốt từ tháng 10/2021 đến giữa tháng 2/2022). Điều này cũng gây ra khá nhiều khó khăn trong làm việc nhóm. Ngoài ra, giai đoạn đầu, chúng em đều chưa được tiếp xúc với học phần “Nghiên cứu khoa học” nên đã phải nỗ lực rất nhiều. Một thách thức khác, chỉ còn một tháng trước khi báo cáo đề tài, các thành viên nhóm bị nhiễm Covid-19. Tiến độ hoàn thành bài báo trở nên gánh nặng rất lớn” – bạn Nguyễn Tiên Vương chia sẻ thêm.

Bù đắp cho nhiều thử thách cam go, trong quá trình thực hiện, Nhóm cũng gặp rất nhiều thuận lợi. Thầy Nguyễn Danh Khôi và cô Trần Thị Hoàng Yến (giảng viên khoa Kinh Tế – Trường Đại học Kinh Tế – Đại học Đà Nẵng) là hai Giảng viên hướng dẫn tuyệt vời.

Suốt quá trình nghiên cứu, hai Thầy cô, có những hôm đã quá giờ làm việc, thậm chí đã là giờ thầy cô nghỉ ngơi, nhưng cả Nhóm đều nhận được lời giải đáp cho những thắc mắc. Có hôm là những nhận xét và góp ý rất sâu, giúp cả nhóm đi đúng hướng và sớm hoàn thiện công trình nghiên cứu của mình.

“Sự hướng dẫn rất tâm huyết của thầy cô đã cùng đồng hành và động viên, tiếp thêm tinh thần, sức mạnh, cổ vũ cho Nhóm vượt qua khá nhiều khó khăn”- cả nhóm cùng chia sẻ.

Theo bạn Nguyễn Thị Phương Anh, một thuận lợi lớn nữa chính là cả nhóm cùng học chung một lớp, “tới nay cũng đã đồng hành cùng nhau được 3 năm, tụi em cùng học cùng chơi cùng làm bài tập nhóm cùng chạy deadline. Hẳn nhiên, trong quá trình làm việc, cũng có những lúc cả Nhóm đã tranh luận thẳng thừng, vì mục tiêu chung là hoàn thiện bài báo một cách tốt nhất. Cái hay là mỗi thành viên đều tôn trọng tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến nổi trội và xác đáng. Nên mọi vấn đề đã được giải quyết một cách nhất trí, đồng thuận rất cao.

“Ngoài việc được tiếp cận với nhiều kiến thức mới lạ, em cảm thấy thực sự may mắn khi được đồng hành cùng các bạn, mọi người luôn cổ vũ, chia sẻ và hơn hết chính là lắng nghe và tôn trọng ý kiến của từng cá nhân” – bạn Phương Anh cho biết.

Được biết, để có ngày hôm nay, tự tin báo cáo đề tài trước Hội đồng phản biện, “phân nửa quá trình làm việc, tụi em “bên nhau” qua màn hình máy tính, những cuộc họp meet kéo dài hàng tiếng đồng hồ”. Đến giai đoạn nước rút, gần tới hạn phải nộp bài báo, cả nhóm đã nói đùa “Thời gian cả nhóm ở thư viện, ở trường còn nhiều hơn ở nhà (trọ) nữa”.

Để thực hiện thành công đề tài nghiên cứu “Đánh giá tác động của Covid-19 đối với các lĩnh vực thương mại và dịch vụ ở Đà Nẵng, nhóm đã áp dụng các cách phân tích từ các học phần được học để nghiên cứu đề tài, cụ thể: nhóm đã kết hợp phương pháp phân tích định tính và định lượng để giúp cho việc đánh giá tác động của Covid-19 đến lĩnh vực thương mại và dịch vụ được được khách quan hơn – bạn Phương Dung phân tích.

“Khi biết cách vận dụng thành công những kiến thức đã học vào bài nghiên cứu, em đã hiểu sâu hơn, nắm chắc hơn những điều đã học” – bạn Tiên Vương nhìn nhận.

Còn với Phương Dung, tham gia nghiên cứu khoa học mang lại cho chính bản thân bạn cơ hội được tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu. Bạn đã học hỏi thêm cách tư duy và nhìn nhận vấn đề một cách khoa học, khách quan. Liên hệ với những nội dung mà Thầy cô truyền tải, bạn rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc định hình tư duy cũng như cách làm việc.

Ở góc nhìn một bài báo khoa học, dưới góc nhìn của sinh viên (năm thứ ba), nhưng các tác giả cũng mạnh dạn đưa ra đề xuất những đề xuất.

“Với những phân tích và đánh giá của nhóm, em hy vọng rằng, kết quả nghiên cứu sẽ là nền tảng dữ liệu cho quá trình nghiên cứu sâu hơn của nhóm hoặc có thể hỗ trợ thông tin, số liệu,… cho các nghiên cứu khác.

Mặt khác, dựa vào kết quả nghiên cứu, chính quyền thành phố Đà Nẵng có thể tham khảo và cân nhắc ra quyết định cho các chính sách trong tương lai để phục hồi lĩnh vực thương mại và dịch vụ nói riêng và toàn nền kinh tế Đà Nẵng nói chung, khi “sự cố phi hệ thống tương tự” Covid-19 xảy ra” – bạn Phương Anh dẫn chứng.

Trong khi đó, theo bạn Tiên Vương, tác động của Covid tiêu cực đối với lĩnh vực này, nhưng lại có ý nghĩa tích cực ở lĩnh vực khác. Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm đã đề xuất chính quyền thành phố Đà Nẵng vừa tập trung khôi phục các ngành bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 để phục hồi, cũng cần chú ý đầu tư những ngành có sức chống chịu tốt, ít bị tác động tiêu cực để phát triển bền vững nền kinh tế./.

Theo "SR-ICYREB 2022: Sinh viên hiến kế phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19"

Xem bài viết tại https://tapchidongnama.vn/sr-icyreb-2022-sinh-vien-hien-ke-phuc-hoi-kinh-te-sau-dai-dich-covid-19/

Từ khóa » đề Tài Nghiên Cứu Khoa Học Kinh Tế Covid