Sinh Viên Phương Tây "nợ Như Chúa Chổm" - Báo Giáo Dục Thời đại

Nhiều sinh viên đã tốt nghiệp hàng chục năm nhưng vẫn không thể thanh toán khoản vay khổng lồ. Áp lực đè nặng lên họ dù đã có gia đình riêng.

Mỹ đứng đầu thế giới về nợ học phí

Vay tiền để học đại học rồi dành phần lớn thời gian đi làm để trả nợ là vòng luẩn quẩn mà hàng triệu người Mỹ phải đối mặt. Tại Mỹ, sinh viên không đủ tiền học đại học có thể đăng ký nhận các khoản vay từ chính phủ liên bang.

Hệ thống cho vay quy định thời hạn trả nợ là 10 năm nhưng ngày càng nhiều người đăng ký chương trình vay dài tới 20, 25 năm. Tuy nhiên, thời hạn trả nợ càng cao, tiền lãi cộng dồn tiền gốc khiến khoản nợ ngày một tăng dần.

Năm 2020, sinh viên tốt nghiệp đại học tại Mỹ vay trung bình 30 nghìn USD (khoảng 680 triệu đồng), tăng từ mức 16 nghìn USD vào đầu những năm 1990. Sự gia tăng này tiếp tục diễn ra trong năm học 2021 - 2022 ở cả trường công lập lẫn tư thục.

Đến nay, Cục Dự trữ Liên bang ước tính tổng khoản nợ sinh viên ở Mỹ là 1,75 nghìn tỷ USD. Con số này sẽ không thể giảm nếu học phí của các trường không ngừng tăng cao như hiện nay.

Gánh nặng nợ nần của các tân cử nhân Mỹ đã bùng nổ trong những năm gần đây. Nợ sinh viên hiện là loại nợ tiêu dùng cao thứ hai tại Mỹ, đứng trước nợ tín dụng và chỉ sau nợ thế chấp.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ sinh viên tăng cao. Trong thập kỷ qua, thị trường lao động không ngừng biến đổi và gia tăng áp lực cạnh tranh về chất lượng nguồn nhân lực.

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, ngày càng nhiều người trẻ chọn học đại học khiến học phí các trường tăng. Trong khi đó, nhiều sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp, trung bình không thể kham nổi các khoản học phí đắt đỏ nên buộc phải vay nợ từ chính phủ liên bang.

Một trong những tác động phổ biến nhất từ khủng hoảng trên là khiến người vay trì hoãn các mốc thời gian truyền thống. Một cuộc khảo sát chỉ ra 21% người vay nợ sinh viên đã trì hoãn kết hôn, 26% trì hoãn sinh con và 36% từ bỏ việc mua nhà.

Không có gì lạ khi hai thế hệ trong một gia đình đều chịu gánh nặng nợ sinh viên hay hai vợ chồng cùng nhau trả nợ trong khi cố gắng ổn định cuộc sống.

Các khoản nợ ngày càng phình to khi trường tăng học phí trong đại dịch Covid-19. Bà Stacey MacPhetres, Giám đốc cấp cao về Tài chính giáo dục tại Tổ chức Giáo dục Bright Horizons College Coach, cho biết, tương tự các doanh nghiệp phải đối mặt với tổn thất từ Covid-19, các trường cao đẳng, đại học “không còn lựa chọn nào khác ngoài tăng học phí để trụ vững”.

Trước những thách thức tài chính do Covid-19 gây ra, chính phủ liên bang đã tung ra nhiều chính sách, gói hỗ trợ sinh viên. Tháng 3/2020, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế, gọi tắt là Đạo luật CARES.

Theo đó, đình chỉ hầu hết các khoản vay sinh viên liên bang, miễn lãi và tạm dừng thu các khoản nợ không thể trả cho đến tháng 9/2020.

Ngày 19/4 vừa qua, Bộ Giáo dục Mỹ thông báo xóa nợ cho 40 nghìn công dân và cung cấp các khoản tín dụng giúp 3,6 triệu người khác trả các khoản vay của họ.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng gia hạn gần như tất cả các khoản vay nợ của người dân và mong muốn xóa bỏ hoàn toàn các khoản vay của sinh viên nhưng không được thông qua.

Những hành động trên thể hiện phần nào cam kết của ông Biden trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2020 khi muốn giải quyết khủng hoảng nợ sinh viên đã đeo bám nước Mỹ hàng thập kỷ qua.

Sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp phải gánh trên vai khoản nợ trị giá trung bình 30.000 USD.
Sinh viên Mỹ sau khi tốt nghiệp phải gánh trên vai khoản nợ trị giá trung bình 30.000 USD.

Nợ nần chồng chất

Bà Stacey cho biết: “Trong một vài năm trở lại đây, nhiều trường đại học đã đóng băng học phí hoặc áp dụng mức học phí tiêu chuẩn nhằm ổn định vấn đề nợ học phí. Nhưng khi dịch Covid-19 xuất hiện, các trường phải tăng học phí trở lại để đuổi kịp chi phí của mình. Dự kiến, mức học phí đại học tại Mỹ sẽ tiếp tục tăng”.

Trên thực tế, Mỹ không phải nước duy nhất tồn tại nợ sinh viên nhưng là quốc gia đứng thứ nhất về tổng khoản nợ.

Ở Canada, nợ học phí cũng là vấn đề gây đau đầu không kém so với Mỹ. Dựa trên đánh giá thống kê của Chương trình Hỗ trợ Tài chính sinh viên Canada từ năm 2019 đến năm 2020, khoản nợ sinh viên có giá trị lên tới 22,3 tỷ USD, tăng 7% so với năm năm trước đó.

Tổng số sinh viên vay nợ là khoảng 1,8 triệu người, trong đó hơn 200 nghìn người không thể trả nợ đúng hạn.

Sinh viên Canada vay học phí phải hoàn trả bắt đầu từ 6 tháng sau khi tốt nghiệp hoặc khi chuyển từ học toàn thời gian sang bán thời gian. Sinh viên nghỉ học hoặc bỏ dở việc học vẫn phải hoàn trả các khoản vay đã đăng ký.

Từ tháng 4/2021, Thủ tướng Canada Justin Trudeau quyết định giảm lãi suất cho vay xuống 0% nhằm hỗ trợ sinh viên trong giai đoạn dịch. Chính phủ cũng tiến hành xóa nợ cho cựu sinh viên nếu không hoàn trả đúng hạn trong vòng 15 năm.

Tại Thụy Điển, dù các trường đại học miễn học phí, sinh viên thường vay nợ để trang trải chi phí sinh hoạt. Trung bình khoản vay nợ của một sinh viên Thụy Điển là 21 nghìn USD.

Lãi suất cho vay nước này tương đối thấp, với tỷ lệ là 0,13 vào năm 2018. Tuy nhiên, người Thụy Điển có thể yêu cầu giảm các khoản thanh toán xuống thấp nhất là 5% thu nhập trong trường hợp gặp khó khăn tài chính. Mọi khoản nợ còn lại sẽ được xóa khi họ 68 tuổi.

Còn tại Anh, hầu hết các trường đại học tính học phí tối đa cho vay là 12.900 USD. Khoản nợ trung bình sau khi tốt nghiệp của mỗi sinh viên là hơn 60 nghìn USD. Ước tính, mỗi năm khoảng 1,5 triệu sinh viên vay nợ để trả học phí và chi phí sinh hoạt.

Sinh viên Anh phải thanh toán khoản vay kể từ khi kiếm được ít nhất 27 nghìn USD một năm. Nếu đạt mức này, mỗi năm, người Anh phải trích ít nhất 9% tiền lương để trả nợ.

Quy định này giúp người vay đủ khả năng trả nợ khi mới bắt đầu đi làm. Sau 30 năm nếu không trả hết, khoản nợ được xóa bỏ. Ước tính, 3/4 người vay nợ sinh viên tại Anh không thể trả hết nợ trong vòng 30 năm.

Tuy nhiên, từ năm học 2023 - 2024, Chính phủ Anh gia hạn thời gian trả khoản vay nợ từ 30 năm lên 40 năm. Quy định này hiện đang bị chỉ trích vì gây tác động đến phụ nữ, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thay vì hỗ trợ họ.

Từ khóa » Nợ Sinh Viên ở Việt Nam