SKCĐ-Có Nên Sử Dụng Rau Ngót Nhật Thường Xuyên Hay Không?

CÓ NÊN SỬ DỤNG RAU NGÓT NHẬT THƯỜNG XUYÊN HAY KHÔNG?

Bài đăng báo Sức khỏe cộng đồng số 39 ngày 14/11/2018

Những năm gần đây, cùng với phong trào “Hãy để thức ăn là thuốc, đừng biến thuốc thành thức ăn”, ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác đã xuất hiện một loại rau mới, gọi là "ngót nhật". Thứ rau này nấu canh với thịt lợn, với tôm, với hến ... rất ngon. Phần lớn các tài liệu trên mạng cho rằng: Ngót nhật là cây dân Việt ta vẫn gọi là “lá diễn” và tên khoa học là Dicliptera chinensis (L.)  Ness, thuộc họ Ô rô.  

Có điều, lá diễn là vị thuốc Nam, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, viêm gan, tiểu tiện nhỏ giọt… Nói cách khác, lá diễn không phải là một vị thuốc bổ, nghĩa là chỉ sử dụng khi bị mắc bệnh. Vậy cây Ngót Nhật có phải là cây Lá Diễn? và sử dụng ngót nhật - lá diễn làm thức ăn thường xuyên thì sẽ ra sao?  Quan sát hình dạng khóm ngót nhật khi chưa ra hoa,  thì thấy có nhiều điểm giống cây lá diễn: cũng có thân hình vuông với những đốt phồng to tựa như đầu gối, lá cũng mọc đối và có hình trứng  thuôn... 

Thế nhưng khi cây ra hoa, thì ngót nhật và lá diễn có những điểm  khác biệt rõ ràng: (1) Hoa lá diễn mọc ở nách lá hoặc đầu cành, còn hoa ngót nhật chỉ mọc ở đầu cành.  (2) Cụm hoa, tức cách sắp xếp hoa trên cành, của hai cây cũng không giống nhau: Cụm hoa của lá diễn có dạng "xim" (cyme), nghĩa là  giới hạn bởi một bông ở đỉnh, còn cụm hoa ngót nhật có dạng "chùm" (raceme), nghĩa là cụm hoa dài gồm những bông nở từ dưới lên trên và đỉnh ngọn tiếp tục sinh trưởng (không bị giới hạn). (3) Tràng hoa của lá diễn thuộc dạng  "hai môi", còn tràng hoa của rau ngót nhật có dạng "hơi 2 môi", nghĩa là hai môi không tách biệt rõ ràng.

Sau khi quan sát tỉ mỉ, đối chiếu tài liệu, tham vấn chuyên gia, chúng tôi nhận thấy: Tên khoa học chính xác của rau ngót nhật là Asystasia gangetica  (L.) T. Anderson, cũng thuộc họ Ô rô, nhưng không phải lá diễn. Trong dân gian, ngót nhật đã được sử dụng làm thuốc dong y từ lâu đời. Theo "Từ điển cây thuốc Việt Nam": Ngót nhật có tác dụng trừ giun, tiêu sưng, trừ thấp. Ở Ấn Độ, người ta dùng dịch lá làm thuốc trừ giun, xoa trị sưng viêm và đau thấp khớp. Theo “Trung Hoa bản thảo”: Ngót nhật có vị cay, tính bình, đi vào 2 kinh Tâm và Can.  Có công năng giải độc, tán ứ, tiêu thũng, tiếp cốt (nối liền xương), chỉ huyết (cầm máu). Chủ trị đòn ngã sưng đau, gãy xương, ngoại thương xuất huyết. Thường dùng 15-30g sắc uống. Dùng ngoài giã đắp, với lượng thích hợp. 

Công dụng làm rau ăn của ngót nhật được phát hiện muộn hơn là công dụng làm thuốc. Theo kết quả nghiên cứu những năm gần đây, "ngót nhật" vốn là  một loài cây nguyên sinh, mọc hoang dã tại ở khắp các khu vực Xích đạo trên khắp thế giới, như tại Kenya, Uganda... ở Châu Phi,  tại Ấn Độ, Việt Nam, Malaixia...  Những năm gần đây, cây đã được thuần hóa và trồng ở nhiều nơi. Đồng thời đã được nghiên cứu khá đầy đủ trên nhiều phương diện. 

Theo kết quả nghiên cứu của "Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Rau quả Châu Á" (AVRDC): Trong mỗi 100g cành lá non có 3,96 g protein, 3,36 mg carotenoid, 4,4 mg vitamin E và 5,7 mg sắt. Căn cứ vào nhu cầu trung bình về chất dinh dưỡng, có thể thấy: Với 100 g rau ngót nhật, lượng carotenoid đã đạt khoảng 90%, còn lượng vitamin E và lượng sắt đã đạt khoảng 40% nhu cầu hàng ngày của một người trưởng thành. Ngoài ra, rau ngót nhật còn có chứa nhiều nguyên tố vi lượng và có hoạt  tính chống ô-xy hóa cao.  Đặc biệt, thành phần dinh dưỡng của rau ngót nhật tương đối ổn định và ít phụ thuộc vào thời vụ thu hái;  lại có thể bảo quản trong tủ lạnh tương đối dài ngày mà vẫn xanh tươi, không bị biến chất. 

AVRDC là một Tổ chức Quốc tế, thành lập  từ năm 1973, có chức năng thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các loại rau quả có giá trị dinh dưỡng cao, nhằm khắc phục tình trạng thiếu dinh dưỡng trong dân cư ở vùng sâu vùng xa. Tháng 10/2006, AVRDC đã tổ chức cuộc Hội thảo đầu tiên, để giới thiệu về giá trị của rau ngót nhật. Tiếp sau đó, AVRDC đã thường xuyên tổ chức các hội thảo, tập huấn, hướng dẫn cách trồng và sử dụng, nhằm xúc tiến việt sản xuất và tiêu thụ loại rau mới này .

Theo AVRDC: Ngót nhật không kém đất, với độ chiếu sáng đầy đủ, cây có thể sinh trưởng tốt trên đất màu pha cát  Ngót nhật có thể trồng bằng hạt hoặc là giâm cành. Nhiệt độ gieo hạt thích hợp nhất là 30oC /25oC (nhiệt độ ban ngày/ nhiệt độ ban đêm). Sau khi gieo 7 ngày, hạt bắt đầu nảy mầm, sau 8 tuần có thể  đánh cây con ra  ruộng trồng. Khi cây cao khoảng 35 cm,  cành nhánh đang mọc thẳng bắt đầu có xu hướng chuyển sang mọc bò. Sau khi cắt ngọn non, cành nhánh lại mọc lên theo phương thẳng đứng. Nếu trồng bằng cách giâm cành, thì nên tiến hành vào các mùa xuân, hè. Có thể cắt những đoạn cành già, dài chừng 10 cm đem cắm, vùi xuống đất, bảo đảm độ ẩm; Sau khi cây mọc cao khoảng 30 cm, có thể đánh ra trồng cố định ở ngoài vườn, ngoài ruộng. Khoảng 8 tuần sau, là có thể bắt đầu thu hái. Có thể dùng tay ngắt hoặc dùng kéo cắt những đoạn ngọn non dài 5-10 cm. Sau khi hái lần đầu, sau khoảng 2 tuần lại  có thể tiếp tục thu hái. Sản lượng mỗi lần thu hái khoảng  2500 kg/héc-ta. Trong điều kiện thời tiết thuận lợi (nhiệt độ bình quân ngày/đêm là 32,7 oC /25,2oC, sản lượng có thể đạt 4000 kg/hecta)

Hiện tại, ngót nhật đã trở thành một loài rau sạch, được trồng phổ biến và có bán trong các siêu thị, ở nhiều nước vùng Đông - Nam - Á. Do đó, chúng ta có thể hoàn toàn yên tâm sử dụng nó như một thứ rau sạch, để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Lương  y Huyên Thảo

Từ khóa » Thành Phần Của Rau Ngót Nhật