Smarthome Là Gì? Đâu Là Hệ Sinh Thái Nhà Thông Minh Phổ Biến Nhất?

Trong sự kiện WWDC 2022 vừa rồi, Apple đã cho ra mắt hàng hoạt các sản phẩm phần cứng và phần mềm hướng tới hệ sinh thái HomeKit. Ngoài ra, những thương hiệu khác như Xiaomi, Google, Amazon cũng liên tục giới thiệu tới người dùng các sản phẩm phục vụ cho hệ sinh thái riêng của họ. 

SmartHome đang dần trở thành xu hướng công nghệ mới, nơi người dùng có thể điều khiển các hoạt động trong ngôi nhà chỉ với một chiếc điện thoại hay thậm chí là giọng nói. Vậy SmartHome có thể thay đổi cuộc sống của bạn ra sao, cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!

  1. 1. SmartHome là gì?
  2. 2. Những hệ sinh thái SmartHome phổ biến
    1. 2.1. Amazon Alexa
    2. 2.2. Google Home
    3. 2.3. Apple HomeKit
    4. 2.4. Mi Home

1. SmartHome là gì?

SmartHome là một hệ thống bao gồm nhiều sản phẩm thông minh được kết nối với nhau qua hệ điều hành chung. Nó có thể bao gồm TiVi, loa, đèn, robot hút bụi, rèm cửa, camera… Sử dụng các hệ sinh thái SmartHome sẽ giúp đồng bộ hóa và tối ưu hoạt động cho các thiết bị trong nhà, từ đó nâng cao trải nghiệm sống tiện nghi, an toàn cho người dùng.

2. Những hệ sinh thái SmartHome phổ biến

2.1. Amazon Alexa

Amazon Alexa phát hành năm 2014 và là một trong những “chiến binh” xuất hiện sớm nhất trên thị trường. Do đó, nó tương thích với rất nhiều thiết bị thông minh trong nhà. Là một hệ sinh thái mở nhưng Amazon Alexa lại có khả năng bảo mật khá cao với các cam kết về dữ liệu cá nhân cho người dùng. Hơn nữa, các thiết bị tương thích cũng có mức giá ở tầm trung, phù hợp với đa số khách hàng. 

Cho đến nay Amazon Alexa mới chỉ tích hợp 8 ngôn ngữ phổ biến, trong khi Google Home đã có thể hiểu tới hơn 20 ngôn ngữ bao gồm cả Tiếng Việt. Ngoài ra, hệ sinh thái này cũng được một số người nhận xét là khá phức tạp, khó sử dụng.

2.2. Google Home

Google Home với trái tim là trợ lý ảo Google Assistant cũng đang là lựa chọn hàng đầu cho khách hàng. Hệ sinh thái này có khả năng đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của bạn một cách nhanh chóng và chính xác do hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có của hãng. 

Nhờ việc phát triển hệ thống ra lệnh bằng giọng nói sớm, Google cũng có thể xử lý các thao tác lệnh dễ dàng và ít gặp phải lỗi. Đồng thời, do sử dụng hệ điều hành Android nên sẽ thích hợp với khá nhiều thiết bị thông minh của các hãng khác, giảm chi phí đáng kể cho người dùng khi muốn thiết lập một ngôi nhà thông minh.

Như đã đề cập phía trên, khả năng nhận diện giọng nói là một thế mạnh của Google Home. Bản thử nghiệm tiếng Việt đã bị ngưng phát hành nhưng nhiều khả năng đó là động thái để hãng có thời gian sửa lỗi và cho ra mắt phiên bản hoàn thiện hơn.

Ngoài ra, những tự động hóa (Automation) mà hệ sinh thái này cung cấp cũng không quá nhiều và vấn đề bảo mật do cơ chế mở là những lý do khiến không ít khách hàng phân vân khi chọn Google Home.

2.3. Apple HomeKit

Apple HomeKit đặt chân vào thị trường nhà thông minh khá muộn nhưng đã bứt phá rất nhanh nhờ các lợi thế cạnh tranh. Đây là hệ sinh thái có khả năng bảo mật cao do sử dụng hệ điều hành riêng biệt. Chất lượng âm thanh của HomePod Mini và hình ảnh của Apple TV 4K cũng liên tục được nâng cấp để tối ưu trải nghiệm người dùng. 

Thị phần của iPhone trong năm vừa qua tại Việt Nam cũng đã tăng rất nhanh. Điều này cho thấy xu thế sử dụng iOS đang tăng mạnh và các sản phẩm như iPhone có thể dễ dàng tương thích để sử dụng trong hệ sinh thái Apple HomeKit. Đặc biệt, chức năng Automation giúp người dùng thiết lập các chuỗi mệnh lệnh phức tạp. Điều này làm đơn giản hóa quá trình điều khiển, cho phép bạn thực hiện một loạt thao tác chỉ với một câu lệnh.

Các sản phẩm của Apple luôn có giá thành cao hơn so với những đối thủ khác. Đồng nghĩa với việc mức giá để bạn bỏ ra cho các thiết bị thông minh HomeKit là không hề rẻ. Nhưng trong một năm trở lại đây, những món đồ này đã có thể mua dễ dàng hơn tại Việt Nam với các thương hiệu đa dạng như Aqara, Yeelight, August, Philips Hue… Tuy nhiên so sánh về độ đa dạng thì Google Home và Amazon Alexa vẫn có nhiều lựa chọn hơn.

2.4. Mi Home

Hệ sinh thái Mi Home đã và đang thâm nhập mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam do chiến lược về giá của hãng. Các sản phẩm thông minh trong hệ sinh thái này đều có mức giá từ vài trăm cho tới vài triệu đồng – thấp hơn nhiều so với HomeKit. Điểm đặc biệt là Mi Home có thể dễ dàng kết nối với cả 3 hệ sinh thái trên, điều này giúp khách hàng có nhiều lựa chọn và tiện ích khi sử dụng.

Mi Home thường phát hành song song các sản phẩm dành cho thị trường nội địa Trung Quốc và Quốc tế, để tăng độ đa dạng và tiếp cận được nhiều thị phần hơn. Đồng thời, Xiaomi cũng mở rộng ra nhiều thương hiệu con như Aqara hay Yeelight để phủ sóng hệ sinh thái của mình.

Dù vậy, hệ sinh thái này không hề phát triển mạnh về trợ lý giọng nói như 3 cái tên kể trên. Hầu hết người dùng đều phải cần đến sự giúp đỡ của các trợ lý đến từ Apple, Google hay Amazon khi có nhu cầu ra lệnh bằng giọng nói.

Công nghệ luôn cập nhật và thay đổi, những ưu nhược điểm trên chỉ mang tính tức thời. Do đó, người dùng sẽ cần liên tục theo dõi các nguồn tin tức, thông tin khác nhau. Và tất cả bạn đều có thể nắm bắt đầy đủ qua những bài viết của Gu Công Nghệ.

5/5 - (2 bình chọn)

Từ khóa » Thiết Lập Smarthome Cơ Bản