Sở Công Thương Thực Hiện 16 Nhiệm Vụ, Quyền Hạn

Sở Công Thương thực hiện 16 nhiệm vụ và quyền hạn - Ảnh 1.

Sở Công Thương thực hiện 16 nhiệm vụ và quyền hạn

Theo Thông tư, Sở Công Thương là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công thương, bao gồm các ngành và lĩnh vực: Cơ khí; luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; dầu khí (nếu có); hoá chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản (trừ vật liệu xây dựng thông thường); công nghiệp tiêu dùng; công nghiệp thực phẩm; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp môi trường; công nghiệp chế biến khác; tiểu thủ công nghiệp; khuyến công; hoạt động thương mại và lưu thông hàng hoá trên địa bàn; sản xuất và tiêu dùng bền vững; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới (đối với các tỉnh có biên giới); xúc tiến thương mại; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại; quản lý cạnh tranh; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; phòng vệ thương mại; hội nhập kinh tế quốc tế; quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn.

Sở Công Thương có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của UBND cấp tỉnh, đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Công Thương.

16 nhiệm vụ và quyền hạn

Sở Công Thương thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn gồm:

1. Trình UBND cấp tỉnh: Dự thảo quyết định của UBND cấp tỉnh liên quan đến ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương; dự thảo kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực; chương trình, dự án, đề án; biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về ngành, lĩnh vực trên địa bàn cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của Sở Công Thương…

2. Trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh: Dự thảo quyết định, chỉ thị và các văn bản khác về công thương thuộc thẩm quyền ban hành của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo phân công.

3. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các văn bản khác trong lĩnh vực công thương được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

4. Về công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp bao gồm: Công nghiệp cơ khí, luyện kim và công nghiệp điện tử; công nghiệp hỗ trợ; điện lực, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…

5. Về thương mại gồm có: Thị trường trong nước; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại điện tử và kinh tế số; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quản lý thị trường…

6. Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về giám định, đăng ký, cấp giấy phép, văn bằng, chứng chỉ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của Sở Công Thương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh.

7. Giúp UBND cấp tỉnh quản lý, khuyến khích, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân hoạt động trên địa bàn trong lĩnh vực công thương; quản lý các hội, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương theo quy định của pháp luật.

8. Hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật; quản lý hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài công lập thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực công thương.

9. Thực hiện hợp tác quốc tế về công thương theo quy định của pháp luật và theo phân công hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh;

10. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý đối với Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng và chức danh chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã.

11. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ; xây dựng hệ thống thông tin, lưu trữ phục vụ công tác quản lý nhà nước về công thương.

12. Kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thi hành pháp luật thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương.

13. Quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của các phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Thanh tra và Văn phòng thuộc Sở Công Thương; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức, cơ cấu ngạch công chức; vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập; thực hiện chế độ tiền lương và chính sách, chế độ đãi ngộ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Công Thương theo quy định của pháp luật…

14. Quản lý và chịu trách nhiệm về tài chính, tài sản được giao theo quy định của pháp luật và theo phân công, phân cấp hoặc ủy quyền của UBND cấp tỉnh.

15. Thực hiện công tác thông tin, thống kê, tổng hợp, báo cáo định kỳ và đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác được giao với UBND cấp tỉnh, Bộ Công Thương.

16. Thực hiện nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và phân công, phân cấp của UBND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và cơ quan nhà nước cấp trên.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/3/2022.

Lan Phương

Từ khóa » Tìm Hiểu Về Sở Công Thương