SƠ CỨU TRẺ BỊ SẶC SỮA KHI MẸ CHO CON BÚ - TT Y TẾ QUẬN 6

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến bé vài ngày tuổi ọc sữa là do tư thế bú mẹ và việc trẻ bị đặt nằm xuống quá sớm hay bế sai cách sau bú. Khi cho con bú, người mẹ nên bế con sao cho đầu bé luôn cao hơn so với các phần khác trên cơ thể, dùng chính cánh tay mình để nâng đỡ đầu bé.

Cũng như người lớn, bé không nên nằm ngay sau khi bú vì như vậy không tốt cho tiêu hóa, dễ ọc sữa. Nên bế bé ở tư thế ngồi, vỗ nhè nhẹ lên lưng bé. Thường sau 5-10 phút, bé sẽ ợ lên một tiếng. Lúc đó các bạn mới nên đặt bé nằm xuống.

Nên lưu ý là trẻ dưới 6 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn thì không cần uống thêm nước.

Trong trường hợp bé sặc sữa nhưng còn thở, còn khóc, các bạn nên đặt bé nằm nghiêng cho sữa chảy từ từ ra; dùng khăn liên tục thấm ở mũi, miệng để hút hết sữa. Tránh dùng miệng người lớn hút vì đã nhiều trường hợp trong cơn hoảng loạn, người lớn thổi một ít hơi ngược vào miệng bé. Với bé vài ngày tuổi, như vậy đủ để bé sặc nặng thêm.

Nếu sau khi ọc sữa mà thấy bé sặc đến tím tái, ngạt thở, nhanh chóng thực hiện vỗ lưng, ấn ngực như sau:

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, bàn tay giữ chặt đầu và cổ bé, dùng gót bàn tay còn lại vỗ lưng trẻ 5 cái thật mạnh ở khoảng giữa 2 bả vai.

- Lật ngửa trẻ sang tay phải, dùng 2 ngón tay ấn mạnh ở vùng nửa dưới xương ức 5 cái.

Lặp lại chu kỳ vỗ lưng, ấn ngực cho đến khi nào trẻ khóc lên, tức đã hết ngạt.

Việc bị ọc sữa, sặc sữa thường xuyên có thể khiến bé bị viêm đường hô hấp. Khi đó nên đưa bé đi bác sĩ kiểm tra. Nếu đã cho bé bú đúng tư thế, đã bế ngồi, vỗ lưng, chờ bé ợ… mà bé vẫn sặc sữa thường xuyên, thì cũng nên đưa đi bác sĩ vì có thể bé có chứng trào ngược dạ dày thực quản. Một số nghiên cứu sau này cũng cho thấy các trẻ có vấn đề mềm sụn thanh quản cũng hay sặc sữa.

Trung tâm y tế Quận 6 - Khoa CSSKSSNguồn tin : Theo Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng Thành phố (TP HCM)

Từ khóa » Cách Vỗ Sặc Sữa