Sổ đỏ đứng Tên Một Người Và đứng Tên Hộ Gia đình Khác Gì Nhau?

Hiện nay, đang có không ít người thắc mắc về việc sổ đỏ đứng tên một người (cá nhân) và đứng tên hộ gia đình có gì khác nhau? Để hiểu hơn về vấn đề này, xin mời các bạn cùng tham khảo bài viết dưới đây của Homedy để có thể phân biệt sổ đỏ hộ gia đình và cá nhân!

Mục lục

  • Khái niệm sổ đỏ hộ gia đình, sổ đỏ cá nhân
    • Sổ đỏ hộ gia đình là gì?
    • Sổ đỏ cá nhân là gì?
  • Hình ảnh sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân
  • Quyền sử dụng đất, nhà đất thuộc về ai?
  • Thông tin ghi tại trang 1 sổ đỏ hộ gia đình, sổ đỏ cá nhân
  • Mua bán, chuyển nhượng cần sự đồng ý của những ai?
  • Mua bán, chuyển nhượng cần chữ ký của những ai?
  • Thủ tục mua bán nhà đất?

Trước khi tìm hiểu sổ đỏ đứng tên một người và sổ đỏ đứng tên hộ gia đình khác gì nhau, bạn cần hiểu rõ khái niệm sổ đỏ là gì?

Khái niệm sổ đỏ hộ gia đình, sổ đỏ cá nhân

Sổ đỏ là loại mẫu cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, phần ngoài bìa có màu đỏ với tiêu đề ghi “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Các loại đất được ghi nhận sở hữu có thể bao gồm đất ở các loại, đất sản xuất nông nghiệp, đất vườn, ao, đất rừng, ruộng...

Theo tìm hiểu của nền tảng kết nối bất động sản Homedy, đây là một loại giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để xác nhận quyền của chủ sử dụng đất, cũng như bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất (theo khoản 20 Điều 4 Luật Đất đai 2003).

Sổ đỏ hộ gia đình là gì?

Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Lưu ý: Không phải cứ có tên trong hộ khẩu là có chung quyền sử dụng đất, mà phải có đủ 02 điều kiện sau:

  • Một là, có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng.

  • Hai là, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Như vậy, con mà sinh ra sau thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất thì không có chung quyền sử dụng đất.

Sổ đỏ đứng tên một người và và sổ đỏ đứng tên hộ gia đình khác gì nhau?

Sổ đỏ cá nhân là gì?

Cá nhân sử dụng đất là người có quyền sử dụng đất do được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất bằng các hình thức như: Nhận chuyển nhượng (mua đất), nhận tặng cho, nhận thừa kế, chuyển đổi quyền sử dụng đất với người khác.

Hình ảnh sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân

Sổ đỏ cấp cho cá nhân tức là trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng ghi rõ tên của một hoặc nhiều người đồng sở hữu nhà, đất. 

so-do-ho-gia-dinh-va-so-do-ca-nhan-1
Hình ảnh sổ đỏ cá nhân

Ngược lại, sổ đỏ cấp cho hộ gia đình sẽ chỉ ghi tên một người đại diện (thường là chủ hộ).

so-do-ho-gia-dinh-va-so-do-ca-nhan-2
Hình ảnh sổ đỏ hộ gia đình

Quyền sử dụng đất, nhà đất thuộc về ai?

Căn cứ theo quy định tại Luật đất đai 2013 và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật này có quy định:

Giấy chứng nhận bất động sản ghi tên cá nhân: Loại giấy chứng nhận ghi tên cá nhân (tức ghi rõ tên của một hoặc nhiều người) thì chỉ người (những người) có tên trên giấy chứng nhận mới là chủ sở hữu, chủ sử dụng tài sản được chứng nhận, ngoại trừ trường hợp tài sản được xác định là tài sản chung vợ chồng theo Luật Hôn nhân và gia đình. Thông thường, loại giấy này hay được cấp ở khu vực đô thị.

Giấy chứng nhận sở hữu bất động sản ghi tên hộ gia đình: Người đứng tên trên giấy chỉ là người đại diện cho hộ gia đình đó (thường là chủ hộ). Tất cả những người có tên trong sổ hộ khẩu gia đình không phân biệt đã thành niên hay chưa thành niên đều có quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với tài sản được ghi trên giấy chứng nhận.

Cá biệt vẫn có trường hợp hộ gia đình dù chỉ có một người nhưng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hình thức hộ gia đình. Thông thường, loại giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình thường được cấp ở khu vực nông thôn.

Thông tin ghi tại trang 1 sổ đỏ hộ gia đình, sổ đỏ cá nhân

Đối với sổ đỏ hộ gia đình đứng tên, thì ghi "Hộ ông" (hoặc "Hộ bà"), sau đó ghi đầy đủ thông tin họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân) của chủ hộ; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình, thì ghi người đại diện là thành viên khác trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

Đối với sổ đỏ cá nhân đứng tên, thì ghi “ông” (hoặc “bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân). Trường hợp chưa có chứng minh thư hoặc thẻ căn cước thì ghi “Giấy khai sinh số…”, tiếp đến ghi địa chỉ thường trú của cá nhân.

>>> Có thể bạn muốn biết:

  • Số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các quy định và cách tra cứu cần biết
  • Cách xem sơ đồ thửa đất, cách đọc thông số trên sổ hồng, sổ đỏ

Mua bán, chuyển nhượng cần sự đồng ý của những ai?

Khi muốn chuyển nhượng, cho tặng, sổ đỏ ghi tên hộ gia đình thì cần có sự bàn bạc, thống nhất chung của mọi thành viên trong hộ gia đình. Còn với sổ đỏ ghi tên cá nhân thì cá nhân đứng tên có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, cho tặng.

Mua bán, chuyển nhượng cần chữ ký của những ai?

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 64 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì “Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên”. 

Tuy nhiên, người có tên ghi trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền chỉ được chuyển nhượng khi có văn bản đồng ý của các thành viên trong hộ gia đình sử dụng đất. Văn bản đó có chữ ký của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất và đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Đối với sổ đỏ cá nhân thì cá nhân có tên trên sổ đỏ có toàn quyền quyết định trong việc chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho. Vì vậy, chỉ cần chữ ký của người đứng tên sổ đỏ trên hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Thủ tục mua bán nhà đất?

Theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được công chứng/chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Do đó, việc bán đất của hộ gia đình được thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1: Ký hợp đồng mua bán/chuyển nhượng đất đai có công chứng/chứng thực

Sau khi đã xác nhận cụ thể bên bán gồm những ai, các bên tiến hành thủ tục ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại văn phòng công chứng hoặc Ủy ban Nhân dân cấp xã nơi có đất. 

Các bên cần lưu ý chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ theo quy định của pháp luật khi thực hiện công chứng/chứng thực hợp đồng chuyển nhượng (sổ hồng bản chính, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận tình trạng hôn nhân, căn cước công dân,...)

>>> Xem ngay: Những mẫu giấy chuyển nhượng đất viết tay được pháp luật công nhận

Bước 2: Đăng ký biến động/đăng ký sang tên quyền sử dụng đất

Sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, các bên thực hiện thủ tục đăng ký biến động, sang tên quyền sử dụng đất tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất theo quy định của pháp luật.

Đối với sổ đỏ đứng tên cá nhân, khi mua bán nhà đất thì thủ tục thực hiện tương tự với hộ gia đình. Tuy nhiên trên hợp đồng chuyển nhượng, bên bán chỉ cần duy nhất chữ ký của cá nhân đứng tên trên sổ đỏ.

Bài viết trên đây đã giúp người đọc phân biệt sổ đỏ hộ gia đình và sổ đỏ cá nhân thông qua khái niệm, hình ảnh, thủ tục mua bán. Để hiểu rõ hơn vấn đề vui lòng tìm hiểu thêm tại Luật đất đai 2013 và một số văn bản hướng dẫn thi hành. Hi vọng rằng những thông tin chia sẻ trên đây sẽ giúp ích cho bạn!

Ngoài ra, nếu bạn có nhu cầu mua bán nhà đất hoặc cho thuê nhà đất, hãy truy cập website Homedy và đăng tin ngay để tiếp cận tới đông đảo khách hàng quan tâm!

Trần Dung

Tham khảo các tin liên quan:
  • Mẫu hợp đồng hứa mua hứa bán nhà đất được pháp luật công nhận
  • Mẫu đơn xin tách hộ khẩu đúng quy định, mới nhất
  • Quy trình cưỡng chế thu hồi đất mới nhất 2024

Từ khóa » Hình ảnh Sổ đỏ Hộ Gia đình