Sơ đồ Tư Duy, 1 ảo Tưởng, 2 Sai Lầm, 3 Giải Pháp! - FuSuSu

các sách về sơ đồ tư duy của Tony Buzan

Sau một thời gian…

1 – Tôi cảm thấy vẽ Sơ đồ tư duy tốn gấp đôi thời gian so với cách cũ.2 – Nhiều lúc vẽ xong cái Sơ đồ tư duy thật là đẹp, nhưng chỉ nhớ… mỗi hình trung tâm.3 – Khi so sánh với những Sơ đồ tư duy đẹp của người khác, tôi thấy hoa tay của mình… chưa nở.

Và thế là tôi bỏ bẵng sơ đồ tư duy một thời gian. Cho tới một ngày đẹp trời, tôi đọc được cuốn sách Tôi Tài Giỏi Bạn Cũng Thế. Với cách viết đơn giản mà sinh động, Adam Khoo không chỉ tạo cảm hứng, mà còn giúp tôi hiểu hơn các nguyên lý trí nhớ. Nhờ đó, tôi tự tạo ra một loại sơ đồ tư duy cho riêng mình để vượt qua môn Triết Học với điểm số như mơ (so với bạn bè) là 8.5/10!

Bản chất của Sơ đồ tư duy là gì?

Ngay khi ra đời, Sơ đồ tư duy đã được PR một cách mạnh mẽ nhờ cha đẻ Tony Buzan, và đã trở thành một hiện tượng. Song hầu hết mọi người dùng nó một cách gượng ép, dẫn tới không hiệu quả. Suy cho cùng, bản chất của Sơ đồ tư duy là một cách sắp xếp lại thông tin, thay vì ghi chép theo từng dòng, thì bây giờ bạn viết từ… giữa tờ giấy ra!

Ban đầu dùng Sơ đồ tư duy, nếu bạn cảm thấy ghi nhớ tốt hơn thì thực ra là do:

1 – Do phương pháp mới, nên cảm giác hào hứng kích thích não bộ, góp phần tăng khả năng ghi nhớ.2 – Khi vẽ bạn sử dụng màu sắc, kích thích thị giác và não bộ, làm tăng mạnh khả năng ghi nhớ.3 – Sắp xếp hết thông tin lên một tờ giấy sẽ giúp bộ não có cái nhìn toàn cảnh, nên dễ nhớ hơn.

Tuy vậy, khi số lượng bài trở nên nhiều hơn, khi bạn phải vẽ nhiều sơ đồ tư duy hơn, yếu tố số 1 sẽ không còn hữu hiệu như trước nữa. Song yếu tố số 2 và 3 vẫn có thể bền vững, nếu bạn biết các bước vẽ hiệu quả.

Clip Loading... Vui lòng chờ chút hoặc F5 tải lại...
10s 00:00 / 00:00 x1 x1.25 x1.5 x2
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Nếu xem Clip trên, bạn sẽ nắm được cơ bản các bước vẽ Sơ đồ tư duy. Vậy còn 2 sai lầm làm giảm hiệu quả của Sơ đồ tư duy, cũng như 3 giải pháp để nhân đôi sức mạnh của nó là gì? Hãy tiếp tục khám phá.

Sai lầm #1 – Sơ đồ tư duy, càng đẹp càng tốt.

Trong khóa học, tôi từng tổ chức một thí nghiệm có tên gọi là bí mật “hình gợi nhớ”. Nó giúp nhiều bạn thêm tin vào khả năng của mình khi vẽ sơ đồ tư duy, cũng như giúp bạn rút ngắn thời gian vẽ. Tin vui là ngay tại đây, ngay lúc này, bạn cũng có thể được tham gia thí nghiệm khoa học này. Hãy dành ít phút để xem bạn nhé!

Clip Loading... Vui lòng chờ chút hoặc F5 tải lại...
10s 00:00 / 00:00 x1 x1.25 x1.5 x2
Lưu ý: Nên dùng trình duyệt Chrome. Để xem Fullscreen, hãy Play Clip 5 giây, chọn .

Kết quả của bạn thế nào? Bạn có thể tham khảo thêm kết quả của các độc giả khác tại đây. Theo đó thì có môt tin vui cho những ai tự tin rằng “mình vẽ xấu”.

Sơ đồ tư duy đẹp lung linh chỉ thích hợp để trưng bày trong các cuộc thi. Còn để ghi nhớ thì bạn không cần đẹp, song cần những hình ảnh loại 3 – ký hiệu đơn giản mà ấn tượng. Tôi gọi chúng là những hình gợi nhớ, vì chúng gợi bạn nhớ ra từ cần nhớ. Còn hình vẽ đẹp, thường chỉ mang tính minh họa, và bạn chỉ nhớ hình hơn là nhớ từ.

Bên cạnh đó, nhiều người khuyên dùng càng nhiều màu càng tốt. Đồng ý rằng màu sắc sẽ tăng khả năng ghi nhớ, nhưng nếu bạn dùng quá nhiều thì sẽ mất thời gian để đổi bút, mở nắp, đóng nắp. Với tôi, chỉ cần 4 màu, với sự đan xen hợp lý là ổn. Ví dụ dưới đây là một sơ đồ nói về các bước vẽ sơ đồ tư duy.

sơ đồ tư duy về các bước vẽ sơ đồ tư duy chi tiết

Trông nó khá sặc sỡ, nhưng thực ra chỉ có 4 màu chủ đạo: Đỏ, Tím, Xanh lá, Xanh biển. Và bạn nên dùng bút nước thì tốt hơn là bút chì màu, và nét nhỏ hơn bút dạ nên dễ vẽ.

Sai lầm #2 – Chỉ có một dạng Sơ đồ tư duy?

Nếu phải vẽ sơ đồ tư duy cho nội dung dưới đây, bạn sẽ vẽ như thế nào?

bạn có vẽ sơ đồ tư duy cho bài này được không?

Với bài trên, sẽ càng rối hơn nếu bạn vẽ một sơ đồ tư duy với hình trung tâm là con cọp, và các nhánh tỏa ra xung quanh. Thật ra, bạn chỉ cần vẽ một sơ đồ đơn giản như bên dưới, là có thể hiểu và nhớ được toàn bộ. Thậm chí còn biết thêm là con cọp nào bị cắn hai lần ^^!

Sơ đồ tư duy vs sơ đồ quan hệ

Đáp án là 9 con cọp. 5 con trong bài và 4 con ở background ^^!

Dạng sơ đồ đó Fususu gọi là sơ đồ quan hệ, biểu diễn mối quan hệ giữa các từ khóa. Và sai lầm thứ hai là mọi người thường áp dụng một dạng sơ đồ duy nhất với hình trung tâm ở chính giữa cho bất cứ đoạn văn bản nào. Nhưng sự thật là nếu dùng sai dạng sơ đồ, sẽ chỉ làm cho thông tin trở nên rối bời.

Kinh nghiệm là nếu văn bản có các ý chính độc lập với nhau, bạn có thể dùng sơ đồ tư duy với hình trung tâm ở giữa, các nhánh tỏa ra như bạch tuộc, mỗi tua nói về một ý. Còn nếu đoạn văn bản có các ý liên quan chặt chẽ tới nhau, mô tả một tiến trình, một khái niệm nào đó, thì nên dùng sơ đồ quan hệ.

sơ đồ tư duy vs sơ đồ quan hệ

Vậy là bạn đã hiểu bản chất, cũng như biết được hai sai lầm phổ biến đang khiến nhiều người áp dụng sơ đồ tư duy không hiệu quả. Vậy giải pháp để khắc phục và nâng cao hiệu quả vẽ sơ đồ tư duy là gì?

Giải pháp #1 – Lọc khóa và định dạng sơ đồ tư duy

Lọc từ khóa là bước quan trọng, nhưng lại hay bị bỏ qua nhất khi vẽ sơ đồ tư duy. Lợi ích đầu tiên, nó sẽ giúp bạn hiểu bài hơn, từ đó xác định được dạng sơ đồ cần vẽ, cũng như các bố trí và phân vùng hợp lý.

nên lọc khóa trước khi làm sơ đồ tư duy nhé bạn!

Thứ hai, lọc khóa sẽ làm giảm số chữ trên sơ đồ của bạn. Khi nhìn thấy _________________ bộ não sẽ được kích thích, khoảng trống giữa các từ sẽ khiến bộ não phải suy nghĩ về sự liên kết giữa các từ đó. Điều này giúp gia tăng hiệu quả ghi nhớ. Thứ ba, khi bạn chỉ dùng từ khóa, bạn sẽ có thêm không gian để vẽ hình, một yếu tố rất quan trọng giúp tăng khả năng ghi nhớ của sơ đồ tư duy.

Làm sao để lọc từ khóa trong sơ đồ tư duy?

Tôi thường coi đoạn văn bản là một bộ phim ngắn, và bắt đầu đi tìm các nhân vật chính, nhân vật phụ và khoanh tròn chúng lại. Khi xác định được chúng và hiểu sự kết nối giữa chúng, tôi mới bắt đầu vẽ. Ngoài ra còn có một cách khá đơn giản nữa để xác định từ khóa là bỏ đi các từ thừa, bạn có thể tham khảo ví dụ cụ thể về việc lọc khóa trong bài viết “Làm phao câu nghệ thuật”

lọc khóa cho sơ đồ tư duy

Giải pháp #2 – Dùng hình gợi nhớ trên sơ đồ tư duy.

Một lần nữa, bạn có ghi nhớ tốt hay không phụ thuộc rất nhiều vào các hình ảnh trên sơ đồ tư duy. Nếu như bạn muốn nhớ tất cả nội dung trên sơ đồ tư duy, thì có một nguyên tắc cực kỳ quan trọng là: 1 từ – 1 hình. Tức là mỗi một từ phải có một hình ảnh đi kèm (hoặc thay thế bằng ký hiệu).

Khi thực hiện thí nghiệm “bí mật hình gợi nhớ” online và theo dõi kết quả, tôi thấy cũng tương tự như offline. Hầu hết mọi người đều nhớ được các từ như tư cách, tính cách, mối tình, v.v… bởi vì tôi đã sử dụng những hình ảnh gợi nhớ. Bản chất là nâng cấp game “đuổi hình bắt chữ” lên một tầm mới.

sơ đồ tư duy đẹp

Để tạo ra hình gợi nhớ, bạn hãy chọn bất cứ một chữ nào dễ liên tưởng trong từ đó. Rồi vẽ ký hiệu cho nó, và giữ nguyên từ còn lại. Ví dụ “xích đạo”, hãy vẽ sợi xích và để nguyên chữ đạo. Hoặc nếu bạn tự tin, thì có thể chế biến luôn cả hai chữ. Ví dụ “thảo nguyên”, tôi vẽ một đám cỏ (thảo) và ký hiệu 100% (nguyên chất).

Với cách làm đó, bạn có thể nhớ được chính xác từng vị trí của từng từ trên sơ đồ. Còn với những con số như ngày tháng lịch sử, bạn có thể tham khảo cách nhớ số trong bài “Chinh phục đỉnh pi” hoặc cuốn sách Numagician, nơi tôi dành 5 năm để biến hóa những con số thành hình ảnh thú vị.

sách Numagician cũng có nói về sơ đồ tư duy nhé!

Giải pháp #3 – Vẽ nhiều lần để ôn tập sơ đồ tư duy

Với cách học truyền thống, thì để ôn lại bạn cứ đọc đi đọc lại nhiều lần. Nhưng với sơ đồ tư duy, thì cách ôn lại hiệu quả nhất không phải là bạn đọc đi đọc lại sơ đồ đó, mà là vẽ đi vẽ lại nó nhiều lần. Chính vì thế, tôi mới khuyên bạn không nên vẽ quá đẹp, mà hãy luyện tập tạo ra những ký hiệu gợi nhớ như trên, để khi vẽ lại bạn sẽ vẽ rất nhanh!

Ngoài ra, nhiều bạn cũng gặp một tình trạng là vẽ sơ đồ tư duy hay bị lệch chứ không cân đối. Chẳng có gì là hoàn hảo trong lần đầu tiên, nên cách khắc phục hiệu quả nhất của những sơ đồ vẽ lệch này là bạn… vẽ lại một lần nữa. Cách này vừa giúp sơ đồ cân đối hơn, vừa giúp bạn thuộc luôn (thường vẽ khoảng 3 lần là thuộc).

Mi lần vẽ lại, bạn cũng nên vẽ trên một tờ giấy nhỏ hơn. Điều này không những giúp giảm thời gian vẽ, mà còn kích thích bộ não phải sáng tạo hơn khi: bỏ bớt những từ khóa không cần thiết; tạo ra những hình gợi nhớ đơn giản và gọn gàng hơn. Nhờ đó mà hiệu quả sẽ lại được nâng cao hơn nữa.

Kết luận về sơ đồ tư duy

Tóm lại khi bạn áp dụng sơ đồ tư duy vào việc học, bạn chớ bắt tay vào vẽ ngay, hãy thực hiện các bước theo đúng nguyên lý trí nhớ. Tìm từ khóa, xác định dạng sơ đồ và khi vẽ hãy sử dụng các hình gợi nhớ. Và sơ đồ bạn tạo ra không nhất thiết phải giống sơ đồ tư duy với hình trung tâm ở giữa, nhưng nó sẽ giúp bạn ghi nhớ tốt hơn!

phần mềm xmind sơ đồ tư duy

Bonus: Một vài phần mềm vẽ sơ đồ tư duy trên máy tính miễn phí và hiệu quả

Với bạn nào thích các phần mềm sơ đồ tư duy dùng trên máy tính, bạn có thể tham khảo bên dưới. Dùng phần mềm có thể hạn chế khả năng ghi nhớ bài, nhưng nếu bạn ứng dụng trong công việc, phát triển ý tưởng, xây dựng mục tiêu, quản lý dự án… thì vô cùng tiện dụng.

X-mind – Một công cụ miễn phí với đầy đủ những chức năng chuyên nghiệp. Tôi vẫn hay dùng công cụ này để phát triển ý tưởng và quản lý nội dung những cuốn sách mình đang viết. Tải phần mềm FREE tại đây.

Mindomo.com – Đây là một phần mềm hỗ trợ bạn vẽ sơ đồ tư duy và chia sẻ cho mọi người online. Hãy đăng ký một tài khoản FREE tại đây.

phần mềm sơ đồ tư duy

Chúc bạn áp dụng tốt và sớm thành thục sơ đồ tư duy!

Từ khóa » Hãy Sắp Xếp Các Bước Tạo Sơ đồ Tư Duy Lớp 6