Sơ đồ Tư Duy Người Lái đò Sông đà đầy đủ Nhất - CungHocVui

"Người lái đò sông Đà" là một tùy bút xuất sắc của Nguyễn Tuân. Cunghocvui xin gửi tới các bạn sơ đồ tư duy Người lái đò sông Đà nhằm khái quát lại nội dung chính một cách đầy đủ, ngắn gọn và chi tiết nhất, giúp các bạn nắm chắc tác phẩm, thuận tiện hơn trong quá trình học tập môn Ngữ văn 12. Hy vọng với tài liệu tham khảo "Sơ đồ tư duy Người lái đò sông Đà lớp 12" này sẽ giúp ích thầy cô và các bạn.

A. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm

1. Nhà văn Nguyễn Tuân

nhà văn nguyễn tuân

Nguyễn Tuân là một trong những cây bút xuất sắc nhất trong nền văn học Việt Nam hiện đại với phong cách tài hoa, uyên bác, lịch lãm, là định nghĩa về người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái thật, cái đẹp ở đời. Trước cách mạng, ông là nhà văn lãng mạn với những sáng tác xoay quanh ba chủ đề chính là chủ nghĩa xê dịch (chủ trương đi tìm cảm giác mới lạ "tôi muốn thay đổi thực đơn cho giác quan hàng ngày" với các tác phẩm như "Một chuyến đi", "Thiếu quê hương"), vang bóng một thời (viết về những gì đã qua đi, nay chỉ còn lại trong vang bóng) và đời sống trụy lạc. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân tuyên bố "lột xác" để trở thành nhà văn nhân dân, nhà văn chiến sĩ.

Nét bao trùm trong phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân là nét tài hoa, uyên bác mà nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh thâu tóm trong một chữ "ngông". Tài hoa thể hiện ở sự sáng tạo mới mẻ trong cách dựng người, dựng cảnh; uyên bác thể hiện ở sự hiểu biết sâu rộng về những ngành nghề văn hóa - nghệ thuật. Luôn khao khát đi tìm những cảm giác mới lạ nên trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân thường có những phong cảnh tuyệt đẹp, những con người phi thường. Cá tính tự do, phóng khoáng và ý thức sâu sắc về cái tôi cá nhân khiến Nguyễn Tuân tìm tới thể tùy bút như một lẽ tất yếu và với thể loại này, ông đã đạt được độc tấu trên văn đàn.

2. Tác phẩm "Người lái đò sông Đà"

Trước cách mạng, Nguyễn Tuân là nhà văn của chủ nghĩa xê dịch, muốn thay đổi thực đơn cho giác quan hàng ngày. Sau cách mạng, ông muốn vẫn đi tới những vùng đất khác nhau để phát hiện và tự hào về vẻ đẹp của nhân dân, đất nước. Sau chuyến đi đến Tây Bắc, đặc biệt là sau chuyến đi thực tế năm 1958, Nguyễn Tuân đã phát hiện ra vẻ đẹp của núi sông và con người Tây Bắc. Đó là cảm hứng chính để ông viết trong tùy bút "Sông Đà" (1960) gồm mười lăm tác phẩm mà trong đó "Người lái đò sông Đà" là đặc sắc nhất. Mục đích của tập tùy bút là để khám phá, phát hiện "chất vàng mười của núi rừng Tây Bắc" và "chất vàng mười" trong hồn con người đã qua thử lửa. Trong đó, nổi bật lên là hình tượng sông Đà và hình tượng người lái đò.

B. Sơ đồ tư duy văn Người lái đò sông Đà

1. Hình tượng sông Đà

người lái đò sông đàTrong "Người lái đò sông Đà", sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác mà là một sinh thể có tâm hồn và tính cách riêng. Với sông Đà hung bạo, bằng trí tưởng tượng phong phú, kiến thức uyên bác của nhiều ngành nghề văn hóa, nghệ thuật khác nhau, Nguyễn Tuân làm sống dậy hình ảnh một con sông hung bạo, dữ dội kết hợp với sóng gió, thác nước, hút nước và đá, con sông Tây Bắc hiện lên ác hiểm như kẻ thù số một của con người. Không chỉ thế, sông Đà còn trở thành công trình mỹ thuật kỳ vĩ của tạo hóa, khơi gợi cảm giác vừa hãi hùng, ghê sợ vừa ngưỡng mộ, đắm say.

Bên cạnh con sông hung bạo, nhà văn còn khắc họa đậm nét vẻ đẹp thơ mộng, trữ tình của Đà giang. Sau khi vặn mình vào một bến cát thì sự dữ dội của sóng gió thượng nguồn xèo xèo tan biến để nhà văn dẫn người đọc đến với một con sông êm đềm như trong cổ tích. Làm nên vẻ đẹp trữ tình đầu tiên là hình ảnh con sông Đà tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc, bung nở trong hoa nở tháng hai. Trong áng tóc ấy có màu xanh biếc của bầu trời, màu đỏ của hoa gạo, màu trắng của hoa ban. Tất cả gợi lên một sức sống thanh xuân tươi trẻ. Hơn nữa, vẻ đẹp trữ tình ấy còn gợi ra qua màu sắc biến ảo. Nguyễn Tuân phát hiện nước Đà giang thay đổi theo mùa: mùa xuân dòng xanh ngọc bích, mùa thu nước sông Đà lừ lừ chín đỏ và chưa bao giờ có màu đen như "thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra mà đổ mực Tây vào". Câu văn ngắn nhưng chất chưa biết bao yêu thương, tự hào mà Nguyễn Tuân dành cho thiên nhiên, đất nước.

Khi khắc họa hình ảnh của Đà giang, tác giả còn đặc biệt chú ý tới sức mạnh tiềm ẩn của thiên nhiên: "Một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa...cỏ gianh đồi núi đang ra những búp non...một đàn hươu ngốn búp cỏ đẫm sương đêm...con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi những áng cỏ sương". Đây là những hình ảnh non tơ đầy sức sống. Nguyễn Tuân đã phát hiện ra con sông Tây Bắc đang chắt chiu nuôi dưỡng sự sống dọc đôi bờ sông nước. Đắm say trong cảnh thiên nhiên thơ mộng, bình yên tác giả chợt nhận ra đàn cá dầm xanh quẫy đuôi vọt lên mặt sông và bỗng bừng tỉnh từ dòng sông thần thoại cổ tích để trở về dòng sông hiện tại. Đà giang đâu chỉ làm mình làm mẩy với con người mà cũng có lúc nó dịu dàng, đằm thằm, biết thủy chung, mong nhớ.

Bằng nhiều góc độ và điểm nhìn nghệ thuật khác nhau, Nguyễn Tuân khám phá vẻ đẹp đa dạng của sông nước miền Tây qua những câu văn biến hóa độc đáo, giàu sức gợi tả, gợi cảm. Hình tượng sông Đà hiện lên sống động với hai tính cách hùng vĩ, hung bạo và thơ mộng, trữ tình khiến người đọc không thể không đắm say, tự hào trước vẻ đẹp của non sông. Khắc họa hình ảnh của Đà giang, Nguyễn Tuân thể hiện rõ nét phong cách tài hoa, uyên bác của mình trong cách tô đậm vẻ đẹp của một công trình nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

2. Hình tượng người lái đò

người lái đò sông đàNếu trước cách mạng, Nguyễn Tuân thường say mê miêu tả vẻ đẹp tài hoa của những con người "đặc tuyển", vì thế cái đẹp và người tài thường cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời thì sau cách mạng, quan niệm thẩm mĩ nhà văn có sự thay đổi: bất cứ người lao động bình dị, vô danh nào khi đạt tới trình độ điêu luyện trong cuộc việc của họ đều được tôn vinh là người nghệ sĩ tài hoa. Trong tùy bút này, Nguyễn Tuân khám phá chất vàng mười của ông lái đò. Đó là sự dũng cảm, khôn khéo, tài hoa của người anh hùng và người nghệ sĩ trên sông nước. Như vậy, cái đẹp nghệ thuật đâu chỉ xuất hiện trong môi trường tao nhã, cao sang mà còn hiện diện trong đời sống nhiều mồ hôi, nước mắt của những con người bình dị. Phẩm chất anh hùng đâu chỉ tỏa sáng nơi chiến trường khốc liệt mà còn khẳng định trong cuộc chiến với thác dữ Đà giang.

"Người lái đò sông Đà" là một tùy bút đặc sắc, thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nhà văn tài hoa, uyên bác luôn quan sát, miêu tả thiên nhiên ở phương diện văn hóa thẩm mĩ, con người ở phương diện tài hoa. Với quan niệm nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Tuân, hình tượng sông Đà trở thành công trình văn hóa nghệ thuật, hình tượng người lái đò trở thành người nghệ sĩ và anh hùng trên sông nước. Từ bài tùy bút, mỗi người như bồi đắp thêm tình yêu cái đẹp, thiên nhiên, đất nước và con người Việt Nam.

Xem thêm >>> Soạn văn Người lái đò sông Đà đầy đủ nhất

Giới thiệu nhà văn Nguyễn Tuân và phong cách nghệ thuật của ông

Với sơ đồ tuy duy Người lái đò sông Đà, Cunghocvui đã đem lại cho các bạn bài viết tham khảo đầy đủ và chi tiết nhất. Nếu có đóng góp gì cho bài sơ đồ tư duy bài Người lái đò sông Đà, hãy để lại ở phần bình luận nhé!

Tags sơ đồ tư duy người lái đò sống đà sơ đồ tư duy bài người lái đò sông đà sơ đồ tư duy văn người lái đò sông đà sơ đồ tư duy người lái đò sông đà lớp 12

Từ khóa » Sơ đồ Tư Duy Người Lái đò Sông đà Thầy Nhật