Sơ đồ Tư Duy Tây Tiến - Quang Dũng - Đọc Tài Liệu

Bài viết này Đọc tài liệu cung cấp những mẫu sơ đồ tư duy Tây Tiến chi tiết đầy đủ các dạng đề với hệ thống luận điểm, luận cứ chi tiết nhằm giúp các em hệ thống lại kiến thức đã học và tiếp thu, vận dụng vào làm bài một cách dễ dàng. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong môn Văn.

Hướng dẫn xây dựng sơ đồ tư duy Tây Tiến tổng quát

Để xây dựng được sơ đồ tư duy tổng quát cho bài thơ Tây Tiến các em có thể tham khảo các bước sau:

1. Xác định chủ đề trung tâm

- Ghi tên bài thơ "Tây Tiến" ở trung tâm sơ đồ.

2. Phân chia các nhánh chính

- Nhánh 1: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

+ Tác giả Quang Dũng (1921 - 1988)...

+ Bài thơ Tây Tiến (1947) viết về những kỷ niệm của tác giả với trung đoàn Tây Tiến.

- Nhánh 2: Phân tích nội dung

+ Nỗi nhớ về những chặng đường hành quân gian khổ.

+ Vẻ đẹp thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, dữ dội.

+ Những kỷ niệm đẹp về tình quân dân.

+ Chân dung người lính Tây Tiến.

- Nhánh 3: Đặc sắc nghệ thuật

+ Sự kết hợp hài hòa giữa giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn.

+ Từ ngữ in đậm dấu ấn đời lính tạo nên tính chân thực, cụ thể, vừa sinh động vừa hấp dẫn.

+ Sử dụng nhiều từ Hán Việt, địa danh tạo màu sắc riêng cổ kính.

+ Giọng điệu thay đổi theo dòng cảm xúc, khi hào hùng, bi tráng, khi trữ tình, lãng mạn.

3. Phát triển các nhánh phụ

- Các em có thể chia mỗi nhánh chính thành nhiều nhánh phụ nhỏ hơn để làm rõ các ý một cách chi tiết.

Ví dụ:

Nhánh "Chân dung người lính Tây Tiến" có thể có các nhánh con: "điều kiện sống và chiến đấu", "tâm hồn lãng mạn", "vẻ đẹp bi tráng",...

Nhánh "Những kỷ niệm đẹp về tình quân dân" có thể có các nhánh con: "đêm liên hoan thắm tình quân dân", "khung cảnh sông nước, con người",...

- Mỗi nhánh phụ có thể được chia nhỏ hơn nữa để làm rõ các ý cụ thể trong từng đoạn thơ.

* Lưu ý: Sơ đồ tư duy trên chỉ mang tính chất gợi ý, các em có thể tùy chỉnh để phù hợp với cách hiểu và ghi nhớ của mình. Nên tập thói quen sử dụng sơ đồ tư duy trong quá trình học tập và ôn thi để hệ thống hóa kiến thức một cách hiệu quả nhất.

4. Mẫu sơ đồ tư duy Tây tiến tổng quát

Từ những gợi ý trên đây, ta có mẫu sơ đồ tư duy tổng quát Tây Tiến ngắn gọn và bám sát theo những luận điểm chính sau đây:

Luận điểm 1: Thiên nhiên Tây Bắc và hình ảnh người lính trên con đường hành quân gian khổ.

Luận điểm 2: Kỉ niệm đẹp về tình quân dân gắn bó, vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc.

Luận điểm 3: Bức chân dung người lính Tây Tiến.

Luận điểm 4: Lời hẹn ước, lời thề gắn bó với đoàn quân Tây Tiến và miền Tây Bắc.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến cả bài

Cái dữ dội, hoang dã của thiên nhiên trong hai khổ thơ đầu như biến mất đi sau những kỉ niệm vui của đoàn quân Tây Tiến. Nét nghịch ngợm, vui tươi của những chàng thanh niên Hà Nội xúng xính trong xiêm áo giả làm con gái, cùng tiếng nhạc và vẻ e ấp giả vờ. Câu thơ với hai chữ “kìa em” vừa mang vẻ ngạc nhiên vừa mang nụ cười thoải mái của người chiến sĩ. Những kỉ niệm vui đó hẳn sẽ không quên trong lòng người cũng như vẫn còn nguyên vẹn trong lòng Quang Dũng vậy. Cùng với sự vui tươi, người lính Tây Tiến còn sống với bản lĩnh lãng mạn, với tâm hồn giàu chất thơ, giàu cảm xúc của mình. Một dáng người trên độc mộc vào buổi chiều sương, một khóm hoa đong đưa trên dòng nước lũ… tất cả đi vào nhẹ nhàng cho cả đoạn thơ. Quang Dũng xa Tây Tiến nhưng khoảng thời gian ấy chưa lâu nên kỉ niệm Tây Tiến vẫn như nguyên vẹn. Nỗi nhớ “chơi vơi” trải khắp bài thơ nhưng cô đọng vẫn là ở nỗi nhớ về người lính Tây Tiến. Có lẽ người lính Tây Tiến, hình ảnh của họ đã ăn sâu tận trong máu thịt tác giả.

Xem dàn ý chi tiết và bài văn mẫu hay: Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

Sơ đồ tư duy Tây Tiến theo các dạng đề

Dưới đây là tổng hợp những mẫu sơ đồ tư duy Tây tiến sáng tạo giúp các em phân tích bài thơ một cách toàn diện và sâu sắc, từ những dạng đề phân tích bài thơ và từng đoạn thơ, phân tích vẻ đẹp người lính Tây Tiến, cảm hứng lãng mạn và bi tráng,...

Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Tây Tiến

Luận điểm 1: Đường hành quân của đoàn quân Tây Tiến giữa thiên nhiên Tây Bắc

Luận điểm 2: Kỉ niệm đẹp về tình quân dân, vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc

Luận điểm 3: Hình tượng người lính Tây Tiến

Luận điểm 4: Lời hẹn ước, gửi gắm tình cảm của tác giả

Sơ đồ tư duy cảm nhận bài thơ Tây Tiến

Người đọc “Tây Tiến” làm sao quên được chữ “nhớ chơi vơi”. “Chơi vơi” là trạng thái của nỗi nhớ hay của cảnh vật được nhớ? Nó là cái chông chênh hụt hẫng của kẻ đang phải lìa xa nơi mình từng gắn bó hay là cái trập trùng xa ngát của núi rừng miền Tây? Thật khó tách bạch! Cả hai chủ thể và đối tượng dường như đã trộn lẫn vào nhau mà đồng hiện trong một chữ “chơi vơi” ấy. Có phải đó là cái trạng thái chập chờn rất riêng của nỗi nhớ chăng?

Mạch thơ chủ yếu là sự đan dệt của kỉ niệm, của những sực nhớ miên man, của những vụt hiện bất ngờ mà ở đó các địa danh có khi chỉ thoáng một dòng tên, có khi chỉ là một điểm nhấn nào đó của kỉ niệm. Còn kỉ niệm bao giờ cũng chan hòa cảnh với người, cùng song hành và đan dệt cả hai mạch: vừa gian khổ vừa thơ mộng.

Xem bài văn mẫu hay: Cảm nhận về bài thơ Tây tiến của Quang Dũng

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Luận điểm 1: Trải qua nhiều gian khổ nhưng vẫn lạc quan, kiên cường

Luận điểm 2: Tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính

Luận điểm 3: Sự hi sinh cao cả, vẻ đẹp bi tráng, hào hùng của người lính.

Sơ đồ tư duy phân tích hình tượng người lính Tây Tiến

Những gian nan khó khăn mở nguồn cho hình ảnh đẹp bi tráng của những người lính Tây Tiến. Cũng có những lúc sự hồn nhiên của người lính được thể hiện qua những giây phút mệt mỏi, gục lên ba lô và ngủ, bỏ lại sau đó những khó khăn vất vả, những hiểm nguy của kháng chiến. Hình ảnh người lính gục lên súng mũ dãi dầu không bước nữa là một hình ảnh đẹp. Câu thơ nhằm nói giảm đi cái chết, cái hi sinh của những người chiến sĩ ấy. Đó là một vẻ đẹp bi tráng, cái hi sinh kia là bi nhưng trong cái bi ấy ta lại thấy một cái tráng lệ vô cùng. Họ có thể hi sinh nhưng trong một tư thế rất nhẹ nhõm, “bỏ quên đời” những kí ức về những lúc dừng chân mệt mỏi, những kỉ niệm với những buổi chiều và ban đêm với những con thú dữ gầm rú lên, nhớ những đêm mùa nếp xôi ở Mai Châu.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 1 (14 câu thơ đầu)

Luận điểm 1: Ký ức về núi rừng Tây Bắc và đoàn quân Tây Tiến.

Luận điểm 2: Hình ảnh núi rừng Tây Bắc, con đường hành quân gian khổ của những người lính, sự hy sinh cao cả của người lính và niềm xót xa của tác giả dành cho đồng đội.

Luận điểm 3: Nỗi nhớ đồng đội, nhớ Tây Bắc da diết và những kỷ niệm tình quân dân ngày còn chiến đấu.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 1 (14 câu thơ đầu)

Phân tích đoạn 1 bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng từ sơ đồ tư duy cho ta thấy khung cảnh thiên nhiên hiện lên ở Tây Tiến thật hoang sơ, kỳ vĩ. Trên cái nền thiên nhiên dữ dội có hình ảnh đoàn quân Tây Tiến thật nhỏ bé nhưng chính sự đối lập tương phản đó càng làm tăng khí phách anh hùng, kẻ thù cũng như gian khổ không gì khuất phục nổi.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 2 (8 câu thơ tiếp theo)

Luận điểm 1: Thiên nhiên và con người miền Tây Bắc (4 câu đầu)

- Bức tranh thiên nhiên Tây Bắc vừa phong phú về màu sắc, đường nét, vừa đa dạng về âm thanh.

- Hình ảnh “một đêm liên hoan văn nghệ” tưng bừng rộn rã gắn kết tình quân dân.

Luận điểm 2: Cảnh sông nước Tây Bắc vừa thực vừa mộng hiện lên qua tâm hồn lãng mạn của nhà thơ (4 câu tiếp theo)

- Cảnh sông nước Tây Bắc vừa thực vừa mộng.

- Tâm hồn lãng mạn mộng mơ, vẻ đẹp tâm hồn của một thi sĩ tài hoa.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 2

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 2, tám câu thơ của khổ 2 bài thơ đã vẽ nên khung cảnh thiên nhiên, con người miền Tây Bắc với vẻ đẹp mĩ lệ, thơ mộng, trữ tình. Chất nhạc, chất họa, chất mơ mộng hòa quyện chặt chẽ với nhau trong đoạn thơ tạo nên một thế giới của cái đẹp. Từng nét vẽ của Quang Dũng đều mềm mại, tinh tế, uyển chuyển. Đây là đoạn thơ bộc lộ rõ nhất sự tài hoa, lãng mạn của Quang Dũng trong tổng thể bài thơ.

Sơ đồ tư duy Tây Tiến khổ 3

Luận điểm 1: Bức chân dung tự họa độc đáo, lạ thường của người lính Tây Tiến với những chi tiết tả thực sống động.

Luận điểm 2: Vẻ đẹp tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính Tây Tiến giữa chiến tranh ác liệt

Luận điểm 3: Lí tưởng sống cao đẹp, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

Sơ đồ tư duy khổ 3 Tây Tiến

Phân tích khổ thơ thứ 3 bài thơ Tây Tiến, từ sự kết hợp một cách hài hòa giữa cái nhìn hiện thực với cảm hứng lãng mạn, tác giả Quang Dũng đã dựng lên một bức chân dung, bức tượng đài người lính cách mạng vừa chân thực vừa có sức khái quát, tiêu biểu cho vẻ đẹp sức mạnh dân tộc ta trong thời đại mới, thời đại cả dân tộc đứng lên làm cuộc kháng chiến vệ quốc thần kỳ chống thực dân Pháp. Bức tượng đài ấy được kết tinh từ âm hưởng bi tráng của cuộc kháng chiến, được khắc tạc bằng cả tình yêu của tác giả đối với những người đồng đội và với đất nước của mình. Vì thế từ bức tượng đài đã vút lên khúc hát ngợi ca của tác giả cũng như của cả đất nước về những người con anh hùng ấy.

Sơ đồ tư duy 4 câu thơ cuối Tây Tiến

Luận điểm 1: Tinh thần của đoàn quân (2 câu đầu)

Luận điểm 2: Tấm lòng gắn bó, giữ trọn lời thề với quê hương tổ quốc (2 câu cuối)

Sơ đồ tư duy 4 câu thơ cuối Tây Tiến

Phân tích bốn câu thơ cuối bài thơ Tây Tiến có thể thấy “mùa xuân” có nhiều nghĩa, đó cũng chính là mùa đẹp nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm thành lập đoàn quân Tây Tiến. Mùa xuân còn là mùa của đất nước. Nó cũng ẩn dụ cho tuổi trẻ của người chiến sĩ đã một đi không trở lại. Họ mang theo sức trẻ nhiệt huyết cháy bỏng của mình lên đường hành quân chiến đấu. Tuy nhiên, họ đã hi sinh nhưng hồn của họ không về quê hương vội mà vẫn còn lượn lờ sang nước bạn hợp lực tác chiến với quân dân Lào chống Pháp. Họ quyết tâm thực hiện lí tưởng đến cùng nên kể cả khi họ đã ngã xuống nhưng hồn của họ vẫn chiến đấu tới cùng, vẫn đi cùng đồng đội, sống trong lòng họ mãi mãi. Đó cũng mang tính sử thi cao. Cả tuổi trẻ của họ chỉ với mục tiêu chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Họ vẫn rong ruổi chiến đấu trên suốt cuộc hành trình khó khăn ấy của mình. Phải chăng tình yêu quê hương đất nước của họ sâu đậm thấm nhuần vào máu thịt đến nhường nào mới có thể bất diệt như vậy?

Sơ đồ tư duy vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến

Luận điểm 1: Trải qua nhiều gian khổ nhưng vẫn lạc quan, kiên cường.

Luận điểm 2: Tâm hồn lãng mạn, hào hoa của người lính.

Luận điểm 3: Sự hi sinh cao cả, vẻ đẹp bi tráng, hào hùng của người lính.

Sơ đồ tư duy vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến

Với lớp ngôn từ tinh tế, chan chứa tình cảm cảm xúc, Quang Dũng đã tái hiện chân thực vẻ đẹp hình tượng người lính Tây Tiến với những nét vẽ vừa chân thực, vừa lãng mạn, tài hoa. Nhưng nổi bật hơn cả là lòng yêu nước, sự anh dũng sẵn sàng hi sinh cho độc lập của đất nước. Vẻ đẹp của người lính Tây Tiến cũng chính là vẻ đẹp chung của những người lính trong thời kì kháng chiến chống Mĩ oanh liệt, hào hùng.

Sơ đồ tư duy bức tranh thiên nhiên Tây Tiến

Luận điểm 1: Thiên nhiên Tây Tiến hùng vĩ, dữ dội, hoang dã:

- Hiểm trở, núi trùng điệp, độ cao ngất trời: khúc khuỷu, thăm thẳm, cồn mây, súng ngửi trời, ngàn thước lên cao ngàn thước xuống.

- Linh thiêng, huyền bí, dữ dội, hoang vu: gầm thét, oai linh.

Luận điểm 2: Thiên nhiên Tây Tiến thơ mộng, trữ tình:

Mường Lát hoa về trong đêm hơi,

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Sơ đồ tư duy bức tranh thiên nhiên Tây Tiến

Triển khai bài văn phân tích phân tích Tây Tiến từ sơ đồ tư duy

1. Giới thiệu tác giả Quang Dũng và bài thơ Tây Tiến

a) Tác giả Quang Dũng

- Quang Dũng sinh năm 1921, mất năm 1988, tên khai sinh là Bùi Đình Diệm

- Quê quán: Làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội)

- Ông học đến bậc Trung học ở Hà Nội. Sau cách mạng tháng Tám ông tham gia quân đội

- Từ sau năm 1954, ông là Biên tập viên Nhà xuất bản Văn học

- Quang Dũng là một nghệ sĩ đa tài: viết văn, làm thơ, vẽ tranh và soạn nhạc

- Tác phẩm chính: Mây đầu ô (thơ, 1986), Thơ văn Quang Dũng (tuyển thơ văn, 1988)

- Phong cách sáng tác: hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn, tài hoa – đặc biệt là khi ông viết về người lính Tây Tiến của mình

- Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật

b) Tác phẩm Tây tiến

* Hoàn cảnh ra đời

- Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947:

+ Nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào

+ Địa bàn hoạt động rộng: Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Sầm Nứa

+ Lính Tây Tiến chủ yếu là người Hà Nội, trẻ trung, yêu nước

- Năm 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến, là đại đội trưởng

- Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển về đơn vị mới, nhớ đơn vị cũ, ông đã viết bài thơ tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây)

- Bài thơ ban đầu có tên là “Nhớ Tây Tiến”. Đến năm 1957, in lại bỏ từ “nhớ”, in trong tập “Mây đầu ô”

* Bố cục bài thơ Tây Tiến (4 phần)

- Phần 1 (14 câu đầu): Khung cảnh thiên nhiên miền Tây và những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến

- Phần 2 (8 câu tiếp theo): Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng

- Phần 3 (8 câu tiếp theo): Chân dung người lính Tây Tiến

- Phần 4 (còn lại): Lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây.

* Giá trị nội dung và nghệ thuật

- Nội dung: Với cảm hứng lãng mạn và ngòi bút tài hoa, Quang Dũng đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến trên cái nền thiên nhiên núi rừng miền Tây hùng vĩ, dữ dội và mĩ lệ. Hình tượng người lính Tây Tiến mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng.

- Nghệ thuật:

+ Cảm hứng và bút pháp lãng mạn

+ Cách sử dụng ngôn từ đặc sắc: các từ chỉ địa danh, từ tượng hình, từ Hán Việt..

+ Kết hợp chất nhạc và chất họa.

>> Tham khảo thêm giá trị nội dung và nghệ thuật trong tác phẩm Tây Tiến

2. Phân tích nội dung bài thơ Tây Tiến

a) Giới thiệu khái quát về đoàn quân Tây Tiến

- Tây Tiến là tên gọi của trung đoàn Tây Tiến, được thành lập năm 1947

- Nhiệm vụ phối hợp với bộ đội Lào, bảo vệ biên giới Việt Lào

- Địa bàn hoạt động rộng: Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Sầm Nứa

- Lính Tây Tiến chủ yếu là người Hà Nội, trẻ trung, yêu nước

b) Khung cảnh thiên nhiên miền Tây và những cuộc hành quân gian khổ của đoàn quân Tây Tiến

- Cảm xúc chủ đạo “nhớ chơi vơi”, đó là nỗi nhớ da diết, bao trùm, mênh mang, đầy ắp lên mọi cảnh vật, con người.

- Cảnh thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hiện lên hoang sơ, dữ dội và hiểm trở:

+ Hình ảnh thơ "sương lấp, mây, mưa, thác, cọp..." gợi nên sự gian nan, vất vả.

+ Địa danh: Sài Khao, Mường Lát gợi sự xa xôi, cách trở.

+ Sử dụng từ láy giàu giá trị tượng hình: khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút, điệp từ dốc gợi sự quanh co, gập ghềnh, địa hình hiểm trở.

+ Hình ảnh thơ độc đáo “súng ngửi trời” vừa diễn tả độ cao của địa hình vừa diễn tả nét tinh nghịch, ngộ nghĩnh của những người lính.

+ Hình ảnh nhân hóa: “cọp trêu người”, “thác gầm thét” gợi sự hoang sơ, man dại; thời gian: “chiều chiều”, “đêm đêm” những người lính phải thường xuyên đối mặt với điều hiểm nguy chốn rừng thiêng nước độc.

+ Sử dụng các câu thơ dày đặc thanh trắc có tác dụng to lớn trong việc diễn tả sự gập ghềnh, trắc trở của địa hình.

- Cảnh thiên nhiên miền Tây lãng mạn, bình dị, mang lại hương vị ngọt ngào, nồng ấm:

+ Hoa về trong đêm hơi

+ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

+ Cơm lên khói, nhà em thơm nếp xôi

- Hình ảnh người lính Tây Tiến: “dãi dầu không bước nữa”, “gục lên súng mũ bỏ quên đời”. Đó có thể là giây phút nghỉ ngơi của những người lính sau chặng đường hành quân vất vả, song đó cũng có thể là sự nghỉ ngơi vĩnh viễn của các anh.

=> Bằng bút pháp hiện thực mạnh bạo, khỏe khoắn, miêu tả xen kẽ hài hòa… đoạn thơ phác họa bức tranh núi rừng vừa hiểm trở, hoang vu, dữ dội vừa lãng mạn, bình dị.

c) Những kỉ niệm đẹp về tình quân dân trong đêm liên hoan và cảnh sông nước miền Tây thơ mộng

* Cảnh đêm liên hoan văn nghệ

- Không khí đêm liên hoan tưng bừng, cả doanh trại như một ngày hội, một lễ cưới: doanh trại bừng lên hội đuốc hoa

- Hình ảnh trung tâm: các cô gái với trang phục cổ truyền lộng lẫy, e thẹn, tình từ trong các điệu múa (qua hình ảnh xiêm áo, nàng e ấp)

- Hình ảnh những người lính trẻ: bay bổng, say mê trong không khí ấm áp tình người: “Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ”.

=> Bốn câu thơ miêu tả vẻ đẹp tình tứ của các cô gái miền Tây, tình quân dân thắm thiết và tinh thần lạc quan, yêu đời của những người lính.

* Cảnh sông nước miền Tây

- Cảnh sắc thiên nhiên:

+ Chiều sương ấy: màn sương mờ ảo, mang đậm màu sắc huyền thoại, cổ tích.

+ Hồn lau: cây lau phất phơ như có hồn.

-> Thiên nhiên đẹp, huyền ảo, hoang dại, thiêng liêng.

- Con người:

+ Dáng người trên độc mộc: dáng điệu mềm mại, uyển chuyển mà hiên ngang, khỏe mạnh.

=> Bằng bút pháp lãng mạn, Quang Dũng đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên thơ mộng, cuộc sống sinh hoạt đầm ấm và hình ảnh con người duyên dáng của vùng Tây Bắc.

d) Chân dung người lính Tây Tiến

- Ngoại hình: “không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”, “mắt trừng gửi mộng”.

-> Hình ảnh người lính Tây tiến được miêu tả chân thực, vừa thể hiện hiện thực khốc liệt, gian khổ của cuộc chiến tranh vừa thể hiện niềm tự hào về dáng vẻ kì dị nhưng gân guốc, độc đáo của người lính.

- Tâm hồn:

+ Hào hoa, lãng mạn - nét đặc trưng của những chàng trai Hà thành: “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

+ Ý chí sẵn sàng hiến dâng cả sự sống, tuổi trẻ cho tổ quốc: “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”

=> Lí tưởng xả thân vì đất nước của thế hệ trẻ sau cách mạng tháng Tám.

- Sự hi sinh của người lính Tây tiến thể hiện qua:

+ Hình ảnh thơ “biên cương”, “mồ viễn xứ”, “áo bào”, “về đất”, “khúc độc hành”.

+ Nghệ thuật sử dụng từ Hán Việt, nói giảm nói tránh.

-> Người lính xem cái chết, sự hi sinh rất nhẹ nhàng, thanh thản, với họ cái chết không phải là sự ra đi mà là sự trở về với đất mẹ yêu thương.

=> Vẻ đẹp bi tráng của những người lính Tây Tiến.

e) Lời thề gắn bó với Tây Tiến và miền Tây

- "Mùa xuân ấy" là thời điểm lịch sử khó khăn, gian khổ mà lãng mạn, hào hùng.

- Hồn về Sầm Nứa, chẳng về xuôi: Lời thề của người lính Tây Tiến vẫn gắn bó máu thịt với đoàn quân Tây Tiến và miền Tây.

3. Đánh giá đặc sắc nghệ thuật của bài thơ

- Những sáng tạo nghệ thuật của Quang Dũng với bút pháp tạo hình đa dạng đã dựng nên bức tranh thiên nhiên Tây Bắc hùng vĩ, thơ mộng và hình ảnh của người lính Tây Tiến với những đường nét khỏe khoắn, mạnh mẽ.

- Ngôn ngữ vừa quen thuộc vừa độc đáo, vừa có nét cổ kính, vừa mới lạ.

- Bút pháp lãng mạn kết hợp với tinh thần bi tráng tạo nên giọng điệu riêng cho thơ Quang Dũng.

Một số đề văn liên hệ so sánh bài thơ Tây tiến:

  • Hình tượng người chiến sĩ cách mạng trong bài thơ Tây Tiến và Từ ấy
  • Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên trong Tây Tiến và Đây thôn Vĩ Dạ
  • Tuyển tập các mở bài hay về hình tượng người lính Tây Tiến
  • So sánh hình ảnh đoàn quân trong Tây Tiến và Việt Bắc

Trên đây là các mẫu sơ đồ tư duy Tây Tiến ngắn gọn nhất do Đọc tài liệu tổng hợp và biên soạn. Hy vọng đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các em học và ôn tập môn Văn tốt hơn. Đừng quên tham khảo thêm nhiều bài văn mẫu 12 được cập nhật đầy đủ tại doctailieu.com. Chúc các em luôn học tốt!

Từ khóa » Sơ đồ Tư Duy Tây Tiến Khổ 2