Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt
Có thể bạn quan tâm
Để giúp các bạn học sinh 12 học tốt hơn môn Ngữ văn, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn tài liệu Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt, qua bộ sơ đồ tư duy Ngữ văn 12 bài Vợ Nhặt các bạn học sinh sẽ có kết quả cao hơn trong học tập. Mời các bạn học sinh cùng thầy cô tham khảo.
Ngữ văn 12: Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt
- I. Khái quát chung về tác giả Kim Lân
- III. Khái quát chung về truyện ngắn Vợ nhặt
- III. Tóm tắt truyện ngắn Vợ nhặt
- IV. Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt
- 1. Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt mẫu 1
- 2. Sơ đồ tư duy nhân vật Tràng mẫu 2
- 3. Sơ đồ tư duy nhân vật Tràng mẫu 3
- 4. Sơ đồ tư duy nhân vật vợ Tràng mẫu 1
- 5. Sơ đồ tư duy nhân vật vợ Tràng mẫu 2
- 6. Sơ đồ tư duy nhân vật bà cụ Tứ
- 7. Sơ đồ tư duy Vợ nhặt
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt để bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết cho bạn đọc thấy rõ được nội dung cũng như biện pháp nghệ thuật sử dụng trong bài viết một cách dễ hiểu nhất. Bài viết gồm sơ đồ tư duy về tác phẩm Vợ nhặt, sơ đồ tư duy về các nhận vật trong truyện như nhật vật Tràng, nhân vật vợ nhặt, nhân vật cụ Tứ. Mời bạn đọc cùng tham khảo chi tiết tại đây.
- So sánh đoạn kết hai tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao và Vợ nhặt - Kim Lân
- So sánh hình ảnh bát cháo hành trong Chí Phèo và cháo cám trong Vợ nhặt
- Phân tích hình ảnh nồi cháo cám trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân
- Sơ đồ tư duy Vợ Chồng A Phủ
I. Khái quát chung về tác giả Kim Lân
Kim Lân (1920 - 2007) tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Do hoàn cảnh khó khăn, ông chỉ được học hết tiểu học, rồi vừa làm thợ sơn guốc, khắc tranh bình phong vừa viết văn. Năm 1944, Kim Lân tham gia Hội Văn hóa cứu quốc, sau đó liên tục hoạt động văn nghệ phục vụ kháng chiến và cách mạng (viết văn, làm báo, diễn kịch, đóng phim).
Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân. Ông có những trang viết đặc sắc về phong tục và đời sống làng quê - những thú chơi và sinh hoạt văn hóa cổ truyền của người nông dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, được gọi là “những thú đồng quê”, “phong lưu đồng ruộng như: chơi núi non bộ, thả chim, đánh vật, chọi gà,… Ông viết chân thật, xúc động về cuộc sống và người dân quê mà ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ và tâm lí của họ - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng. Dù viết về phong tục hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống và con người của làng quê Việt Nam nghèo khổ, thiếu thốn mà vẫn yêu đời; thật hà, chất phác mà thông minh, hóm hỉnh, tài hoa. Năm 2001, Kim Lân được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn năm 1955), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn năm 1962).
Truyện ngắn Vợ nhặt được rút từ tập truyện Con chó xấu xí.
III. Khái quát chung về truyện ngắn Vợ nhặt
1. Hoàn cảnh sáng tác truyện ngắn Vợ nhặt
Truyện "Vợ nhặt" có tiền thân từ tiểu thuyết "Xóm ngụ cư". Tác phẩm được viết ngay sau cách mạng tháng Tám nhưng còn dang dở và mất bản thảo. Sau hoà bình lập lại (1954) Kim Lân dựa vào phần cốt truyện cũ và viết lại thành truyện "Vợ nhặt". Tác phẩm được in trong tập truyện "Con chó xấu xí". Truyện tái hiện lại bức tranh nạn đói năm 1945. Qua đó, thể hiện tấm lòng cảm thông sâu sắc của nhà văn đối với con người trong nạn đói.
2. Bố cục bài Vợ nhặt (4 phần)
Phần 1 (từ đầu đến “hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần”): cảnh Tràng dẫn vợ về nhà.
Phần 2 (tiếp đó đến “cùng đẩy xe bò về”): Lí giải việc Tràng nhặt được vợ.
Phần 3 (tiếp đó đến “nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”): Cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.
Phần 4 (còn lại): Cảnh buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.
3. Giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo truyện ngắn Vợ nhặt
Giá trị hiện thực: Truyện đã dựng lại một cách chân thực những ngày tháng bi thảm trong lịch sử dân tộc, đó là khoảng thời gian diễn ra nạn đói năm 1945 và phơi bày bản chất tàn bạo của thực dân Pháp và phát xít Nhận đã gây ra nạn đói năm 1945. Tuy nhiên, còn có một hiện thực được phản ánh trong tác phẩm: hiện thực mang tính xu thế, đó là tấm lòng của người dân khi đến với cách mạng.
Giá trị nhân đạo: Thái độ đồng cảm xót thương với số phận của người lao động nghèo khổ, lên án tội ác dã man của thực dân Pháp và phát xít Nhật đã gây ra nạn đói khủng khiếp đồng thời trân trọng tấm lòng nhân hậu, niềm khao khát hạnh phúc bình dị những người lao động nghèo và đưa ra dự báo cho những người nghèo khổ con đường đấu tranh để đổi đời, vươn tới tương lai tươi sáng.
III. Tóm tắt truyện ngắn Vợ nhặt
Tràng là chàng trai xấu xí sống với mẹ ở xóm ngụ cư. Giữa nạn đói khủng khiếp, anh phải làm nghề kéo xe thóc thuê lên tỉnh để lấy tiền trang trải qua ngày. Ở đây, qua vài câu nói bông đùa và bốn bát bánh đúc, anh với cô thị đanh đá chỏng lỏn đã trở thành vợ chồng với nhau mà không cưới hỏi hay yêu đương gì. Cô thị theo không anh về làm vợ, trên đường về khác với vẻ đanh đá thường thấy, khi bị trêu, cô thị tỏ ra ngượng ngùng. Về đến nhà, cô khép nép khác thường. Khi bà cụ Tứ - mẹ anh Tràng về đến nhà, bà vừa ngạc nhiên, sững sờ vì có người gọi mình là mẹ; vừa đau buồn, tủi hổ, xót thương vì con mình lấy vợ đúng lúc khó khăn nhất không biết có qua nổi giai đoạn này không và người ta lấy con mình vì cái đói, cái khổ. Gạt đi những giọt nước mắt đau buồn, bà động viên các con yêu thương nhau và lạc quan hơn trong cuộc sống. Cuộc sống từ khi có nàng dâu thay đổi hoàn toàn, sự bừa bộn của căn nhà được dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp, tươm tất. Bữa ăn đầu tiên khi về nhà chồng của cô thị chỉ vỏn vẹn là rau chuối và cám lợn, mọi người ăn trong nghẹn ngào, không ai nói với ai câu nào. Cô thị kể những mẩu chuyện người đi phá kho thóc Nhật cho anh Tràng và bà cụ Tứ, tưởng chừng chỉ là những câu chuyện vô thưởng vô phạt nhưng nó lại là chìa khóa, mở ra trong đầu anh Tràng lá cờ của Đảng và một cuộc sống mới trong tương lai hứa hẹn sẽ tốt đẹp và no đủ hơn hiện tại.
IV. Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt
1. Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt mẫu 1
2. Sơ đồ tư duy nhân vật Tràng mẫu 2
Với tình huống truyện độc đáo, xây dựng trên nghịch lý éo le là nhân vật Tràng - một anh nông dân ngụ cư nghèo khổ, thô kệch, ế vợ tự nhiên lại lấy được vợ một cách dễ dàng, nhanh chóng trong năm đói khủng khiếp năm 1945 cùng với ngôn ngữ đối thoại tự nhiên, hấp dẫn, nhà văn đã thành công trong việc xây dựng nhân vật Tràng - một người nông dân nghèo khổ mà tình nghĩa, biết nâng niu, trân trọng hạnh phúc, có ý thức, trách nhiệm với gia đình, niềm tin hy vọng vào tương lai. Qua nhân vật, tác giả vừa phản ánh và tố cáo hiện thực xã hội nạn đói trước Cách mạng tháng Tám vừa phát hiện và khẳng định phẩm chất tốt đẹp của con người giữa hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.
3. Sơ đồ tư duy nhân vật Tràng mẫu 3
*Tràng là người dân lao động nghèo, “nhặt” được vợ trong thời buổi đói khát:
- Bản thân anh là dân ngụ cư, dân ăn nhờ, ở đậu.
- Tràng sống với mẹ già trong một căn nhà xiêu vẹo trên bãi đất hoang mọc lổn nhổn những búi cỏ dại.
- Hoàn cảnh xuất thân : khó lấy được vợ.
- Tuy nhiên, giữa cái khung cảnh tối sầm lại vì đói khát, Tràng bỗng nhiên “nhặt” được vợ.Cuộc gặp gỡ giữa Tràng và người đàn bà không tên diễn ra thât chóng vánh chỉ qua hai lần gặp mà chỉ gặp ở đường và chợ để rồi “nên vợ, nên chồng”:
+ Lần gặp thứ nhất: Trên đường kéo xe thóc lên tỉnh, Tràng hò chơi cho đỡ mệt “Muốn….”. Không ngờ, thị ra đẩy xe cho anh và còn liếc mắt cười tít nữa. Tràng thích lắm vì từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ mới có một người con gái cười với hắn tình tứ đến như thế.
+ Lần gặp thứ 2, ở quán nước ngoài chợ. Ban đầu, Tràng không nhận ra vì thị khác quá, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn hai con mắt. Khi nhận ra rồi, trong lời đáp “ăn gì thì ăn, chả ăn giầu” Tràng sẵn sàng đãi thị bốn bát bánh đúc. Trong bối cảnh mà người ta lo thân không xong, ai cũng đứng trên miệng vực thẳm của cái chết hành động mà Tràng đãi thị bốn bát bánh đúc chứng tỏ rằng Tràng là một người khá tốt bụng và cởi mở. Chính sự tốt bụng và cởi mở của Tràng đã đem đến cho Tràng hạnh phúc, Tràng nói đùa với thị “Này … rồi cùng về”, nhưng thị đã theo Tràng về thật. Khi quyết định “đèo bòng” Tràng cảm thấy “chợn” nhưng “chậc kệ”.
4. Sơ đồ tư duy nhân vật vợ Tràng mẫu 1
- Cũng giống như Tràng, khung cảnh Kim Lân để cho nhân vật này xuất hiện là một không gian tối sầm vì đói khát. Cũng giống như bao người khác, thị ngồi vêu cùng với mấy chị em gái nơi cửa nhà kho. Chị không có tên, không tuổi tác, không cha mẹ, không gia đình… môt con số không tròn trĩnh đang bao trùm lên lá số tử vi của chị. Cái đói đã cướp đi của thị tất cả.
- Khi chưa theo Tràng về làm vợ cái đói đã để lại “dấu tích” ghê gớm trên dáng hình và tính cách của chị:
+ Lần gặp thứ nhất: có vẻ táo tợn, ăn nói mạnh mẽ “Có khối cơm trắng mấy giò mà ăn đấy! “Này nhà tôi ơi! Nói thật hay nói khoác đấy”.
+ Lần gặp thứ 2: chân dung của thị khiến Tràng không nhận ra, gầy (dẫn chứng)…Thị cong cớn trong lời nói, vô duyên trong hành động “sà xuống đánh… cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc… ăn xong cầm đôi đũa quệt ngang miệng, thở: Hà ngon! Về chị thấy hụt tiền thì bỏ bố”. Tuy nhiên, ẩn đằng những lời nói và hành động ấy là khát vọng về hạnh phúc và sự sống.
- Kim Lân không có ý chê bai người vợ nhặt kia, dù thực tế cũng có những người phụ nữ không đẹp. Điều mà nhà văn muốn nhấn mạnh ở đây là: sức hủy hoại khủng khiếp của cái đói đối với hình hài và tính cách của con người. Vì đói mà thị cố tạo ra cái vẻ cong cớn, chao chát, chỏng lỏn như là để thách thức với số phận. Vì đói mà thị quên đi cả sĩ diện của mình, quên đi cả lòng tự trọng theo không một người đàn ông về làm vợ trong khi chẳng biết tí gì về anh ta. Vì đói mà thị đánh liều nhắm mắt đưa chân, đánh liều với hạnh phúc cả đời mình. Thị thật đáng thương. Nhưng đằng sau sự liều lĩnh ấy của thị, người đọc hiểu rằng, thị là người có ý thức bám lấy sự sống mãnh liệt.
- Miêu tả nhân vật thị, Kim Lân không chú trọng nhiều đến diễn biến tâm trạng bên trong mà Kim Lân chú ý nhiều đến hành động:
+ Thị bước sau Tràng chừng 3-4 bước, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che đi nửa mặt, mặt cúi xuống, chân nọ bước díu cả vào chân kia. Thị đã ý thức được về bản thân, cái dáng cúi mặt kia phải chăng đó là sự tủi phận.
+ Về đến nhà, trông nếp nhà rẹo rọ của Tràng, thị nén tiếng thở dài, tiếng thở dài chấp nhận bước vào cuộc đời của Tràng.+ Hành động khép nép, tay vân vê tà áo khi đứng trước mặt bà cụ Tứ, thị thật đáng thương.
-Tuy nhiên, ở sâu thẳm bên trong con người này vẫn có một niềm khát khao mái ấm gia đình thực sự. Thị đã trở thành một con người hoàn toàn khác khi là một người vợ trong gia đình. Hạnh phúc đã làm cho thị thay đổi từ một người phụ nữ cong cớn, đanh đá bỗng trở thành một người đàn bà hiền hậu đúng mực, mái ấm gia đình đã đủ sức mạnh làm thay đổi một con người.
- Hình tượng chị vợ nhặt thể hiện rất rõ tư tưởng nhân đạo của Kim Lân.
+ Một mặt nhà văn đã lên án tội ác dã man của phát xít Nhật và TDP. Nạn đói do chúng gây ra đã cướp đi mọi giá trị của con người, và biến người con gái như một thứ đồ rẻ rúng có thể nhặt được.
+ Mặt khác vợ Tràng đã nói lên một sự thật ở đời đó là trong đói khổ, hoạn nạn, kề bên cái chết nhưng con người vẫn khát khao được sống, vẫn sống ngay khi cả cuộc đời không thể chịu được nữa. Những con người nghèo khổ vẫn thương yêu đùm bọc, và cùng nhau vun đắp hạnh phúc để vượt qua những thử thách khắc nghiệt.
5. Sơ đồ tư duy nhân vật vợ Tràng mẫu 2
Sự xuất hiện của người vợ nhặt vô danh nhưng không hề vô nghĩa đã đem lại cho xóm ngụ cư nói chung và gia đình Tràng nói riêng một luồng sinh khí mới. Nghe tiếng trống thúc thuế thị đã nói với mẹ chồng rằng "Trên mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu. Người ta còn phá cả kho thóc của Nhật, chia cho người đói nữa đấy". Sự hiểu biết này của thị như truyền lửa, truyền niềm tin cách mạng cho người chồng. Thị đã đem tới sự mát lành, ấm áp cho thiên truyện để xua đi sự u ám, tối tăm, chết chóc đang bủa vây không khí xóm làng. Người vợ nhặt là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo của nhà văn Kim Lân. Thông qua nhân vật này, nhà văn thể hiện tiếng nói nhân đạo sâu sắc, cao đẹp. Đó là dù trong hoàn cảnh nào, có tối tăm hay tương sáng, con người luôn hướng về tương lai, về niềm tin chiến thắng và sự sống.
6. Sơ đồ tư duy nhân vật bà cụ Tứ
- Nhà văn Kim Lân tâm sự: “ Phần gây xúc động lớn nhất cho tôi khi đọc lại truyện ngắn Vợ nhặt đó là đoạn bà cụ Tứ - mẹ Tràng trở về”. Thông điệp nghệ thuật về bản chất nhân đạo trong tâm hồn người Việt ở hình tượng nhân vật bà cụ Tứ đã được Kim Lân thể hiện thành công qua diễn biến tâm trạng của người mẹ nghèo ấy khi nhìn thấy chị vợ nhặt xuất hiện trong nhà mình cho đến buổi sáng ngày hôm sau.
- Bao giờ Tràng mong ngóng mẹ về đến thế đâu, nhất định là phải chuyện gì quan trọng, khác thường. Chân bước theo con nhưng lòng bà đang phấp phỏng. Rồi “đứng sững lại” khi bà nhìn thấy một người phụ nữ đứng ở đầu giường con trai bà , mà lại chào bà bằng u. Ngạc nhiên đã làm cho bà lão không còn tin vào cảm giác của bà nữa, tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn đi thì phải. Nhưng thực sự mắt bà không nhoèn, và tai bà cũng không đến mức điếc lác như chị vợ nhặt nghĩ ban đầu. Bà chưa thể tin, không thể tin rằng con mình lại có người theo và lại chưa bao giờ hình dung nhận dâu trong một tình cảnh trớ trêu, tội nghiệp đến thế.
- Bà lão cúi đầu nín lặng, đằng sau cái cúi đầu nín lặng ấy là dòng cảm xúc tuôn trào, là cơn bão lòng đang cuộn xoáy với tình thương con vô bờ bến. Bây giờ thì bà không chỉ biết sự việc “Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ” như lời Tràng thưa gửi mà bà còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp của con trai mình. Bà tủi thân, tủi phận, bà so sánh người ta với mình “người ta dựng vợ gả chồng cho con những lúc nhà ăn lên làm nổi, còn mình thì…”. Bà lão chua chát, tự trách bản thân mình, càng thương con bao nhiêu bà lại càng tủi phận bấy nhiêu. Bà lão đã khóc, những giọt nước mắt hiếm hoi của người già dưới ngòi bút nhạy cảm của Kim Lân đã gieo vào lòng người đọc biết bao thương xót, tủi buồn.
- Bà đã chấp nhận nàng dâu không phải chỉ bằng tình mẫu tử mà lớn hơn đó là tình người, là sự cảm thông với chị vợ nhặt từ cái nhìn của người cùng giới, cùng là phụ nữ. Câu nói đầu tiên mà bà cụ Tứ dành cho chị vợ nhặt “Ừ thôi các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”, lời nói của bà như trút đi biết bao gánh nặng tâm trạng đang đè nặng trong Tràng, lời nói ấy như một sự chiêu tuyết cho giá trị của cô vợ nhặt. Câu nói ấy của bà làm cuộc hôn nhân của Tràng và thị không còn là chuyện nhặt nhau ở đường và chợ nữa mà là duyên phận. Cách nói giản dị mà chan chứa tình người quả thực đã làm ấm lòng những số phận tội nghiệp. Thị và Tràng dường như cũng sẽ ấm lòng hơn khi kinh nghiệm của một người mẹ từng trải nói “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà động viên an ủi con trai và con dâu cùng nhau bước qua khó khăn đói khổ trước mắt mà lòng đầy thương xót.
- Nhưng sau những lời động viên ấy ta lại thấy Kim Lân để nhân vật bà cụ Tứ quay về với chính cuộc đời mình để mà lo lắng cho hạnh phúc thực tại của hai con. Điều mà bà lo không phải là “sự hợp nhau hay không hợp nhau” giữa hai người mà điều mà người mẹ ấy lo lắng đó là, cái đói đang đe dọa hạnh phúc của con bà. Trong bóng tối, bà nghĩ về cuộc đời dài dằng dặc của đời mình, cuộc đời của những người thân để mà thấu hiểu, thương xót rồi “nghẹn lời” chỉ có dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng.
- Hạnh phúc mới của con làm bà cụ Tứ được vui lây, bà động viên an ủi các con, nghĩ về một tương lai tươi sáng phía trước:
+ Khuôn mặt của bà nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, bà xăm xắn quét dọn, giẫy những búi cỏ dại nham nhở trong vườn, thu dọn nhà cửa cho quang quẻ với hy vọng đời sẽ có cơ khấm khá.
+ Trong bữa ăn đầu tiên, mâm cơm ngày đói sao thảm hại: chỉ có một lùm rau chuối thái rối, một đãi muối, một niêu cháo lõng bõng toàn nước và món chính là chè khoán – cháo cám nhưng không khí gia đình thật ấm áp, tình chồng vợ, tình mẹ con- những nguồn động lực lớn lao ấy giúp họ tăng thêm sức mạnh để vượt qua thực tại.
+ Bà cụ Tứ toàn nói chuyện của tương lai, toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau. Bà lão bàn với con tính chuyện nuôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại sẽ có đàn gà cho mà xem. Câu chuyện của bà lão bất giác làm cho ta nhớ lại bài ca dao miền Trung- mười cái trứng. Cũng giống như tất cả những người bình dân xưa, bà lão đang gieo vào lòng các con bà niềm lạc quan, niềm tin và hi vọng. Từ đàn gà mà có tất cả. Khát vọng sống bật lên ngay cả trong hoàn cảnh khốn cùng nhất “chớ than phận khó ai ơi- Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”.
- Song niềm vui của bà cụ Tứ cũng thật tội nghiệp. Miếng cháo cám đắng chát và tiếng trống thúc thuế dồn dập vội vã đưa bà cụ Tứ trở về với thực tại với tiếng nói xen lẫn cả hơi thở dài trong lo lắng: “Đằng thì nó bắt giồng đay, đằng thì nó bắt đóng thuế. Giời đất này không chắc đã sống được qua được đâu các con ạ”! Và bà lại khóc, tình thương con lại hiện hình qua những giọt nước mắt lặng lẽ tuôn rơi.
- Với sự thấu hiểu, với sự đồng cảm, Kim Lân đã dựng lên hình ảnh bà cụ Tứ- người mẹ thương con, nhân hậu, bao dung. Trong hoàn cảnh đói nghèo, bà vẫn dang rộng cánh tay đón nhận người con dâu mặc dù trong lòng còn nhiều xót xa, tủi cực, vẫn gieo vào lòng các con ngọn lửa sống trong hoàn cảnh tối tăm của xã hội lúc bấy giờ.
7. Sơ đồ tư duy Vợ nhặt
Nhà văn Kim Lân đã lấy bối cảnh là nạn đói năm 1945 để phản ánh tình cảnh xã hội, cuộc sống con người trong hoàn cảnh lúc bấy giờ qua truyện ngắn Vợ nhặt, tham khảo sơ đồ tóm tắt nạn đói năm 1945 để thấy được tình cảnh khốn cùng của con người và hiểu hơn về nội dung tác phẩm.
Bà cụ Tứ là một nhân vật tiêu biểu, đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất vô cùng đáng quý, đó là tình thương yêu con người trong hoàn cảnh đầy éo le, khốn khó của nạn đói khủng khiếp năm 1945; là một người mẹ hiền hậu, vô cùng yêu thương con cái và là người gieo niềm tin cho những đứa con lúc khốn cùng nhất.
Kim Lân đã khắc họa thành công nhân vật Tràng - một anh nông dân nghèo, ngoại hình xấu xí, lại là dân ngụ cư nên không lấy nổi vợ, chỉ đến khi nạn đói năm 1945 xảy ra, anh ta mới "nhặt được vợ". Vậy nhưng, khi càng tìm hiểu sâu hơn về tác phẩm, ta càng thấy ngời lên trong nhân vật này là những phẩm chất tốt đẹp: Một người giàu tình yêu thương, sống có trách nhiệm và cũng có những ước mơ bình dị hướng về một tương lai tốt đẹp.
Có lẽ chỉ khi đọc tác phẩm của Kim Lân, ta mới cảm nhận được hết nỗi khốn khổ, số phận bất hạnh đến cùng cực của con người trong hoàn cảnh lúc bấy giờ. Cảnh đói rách đã khiến con người trở nên vô cùng thảm hại nhưng cũng từ hoàn cảnh này, ta mới khám phá ở họ những giá trị sống đích thực. Cùng tìm hiểu những điều này qua sơ đồ phân tích nhân vật thị (người vợ nhặt).
Ngoài bài Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt, mời các bạn tham khảo thêm bài Phân tích tác phẩm vợ nhặt để học tốt môn Ngữ văn lớp 12.
---------------------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Sơ đồ tư duy Vợ Nhặt. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 12, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, đề thi học kì 1 lớp 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.
Từ khóa » Sơ đồ Tư Duy Nhân Vật Tràng Chi Tiết
-
Sơ đồ Tư Duy Nhân Vật Tràng Trong Vợ Nhặt Lớp 12 Ngắn Gọn Nhất
-
Sơ đồ Tư Duy Nhân Vật Tràng Trong Vợ Nhặt - Khoa Học
-
Sơ đồ Tư Duy Bài Phân Tích Nhân Vật Tràng (năm 2022) Dễ Nhớ
-
Sơ đồ Tư Duy Tác Phẩm Vợ Nhặt Của Kim Lân Chi Tiết Nhất - HocThatGioi
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt, Nhân Vật Tràng - Thủ Thuật
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt Chi Tiết Nhất
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt Chi Tiết đầy đủ Nhất: Nhân Vật Tràng, Bà Cụ Tứ ...
-
Hướng Dẫn Cách Vẽ Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt Ngắn Gọn Nhất
-
Sơ đồ Tư Duy Nhân Vật Tràng | KHOA KHOA HOC CO BAN
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt Chi Tiết Nhất
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt, Nhân Vật Vợ Tràng - THPT Sóc Trăng
-
Sơ đồ Tư Duy Vợ Nhặt đầy đủ Nhất - CungHocVui