Sợ Lạnh Là Bệnh Gì? - Tuổi Trẻ Online

Khoảng 5 - 6 năm nay tôi bị bệnh sợ lạnh, sợ gió, đặc biệt rất lạnh lúc nằm ngủ, quanh năm đắp mền dày 2, 3 cái kể cả buổi trưa. Lạnh nhất hai bàn chân và chân trái, luôn mang vớ loại dày, trong khi đó lại nóng ở vùng cổ, thường đổ mồ hôi chỉ ở cổ. Đã khám, xét nghiệm và uống thuốc đông, tây y nhưng không khỏi và chưa biết chính xác là bệnh gì. (TRÚC QUỲNH)

- Cao huyết áp là một bệnh có nguyên nhân (do thận, do nội tiết, do xơ mỡ động mạch...) nhưng cũng có thể là vô căn (không có nguyên nhân). Có người vì cuộc sống căng thẳng, bị stress triền miên, sống ở vùng chiến sự cũng gây tăng huyết áp. Khi huyết áp cao, vận mạch không điều hòa, bình thường động mạch vùng chi dưới đập cùng với sự co cơ có tác dụng đẩy máu tĩnh mạch chảy về tim. Nay động mạch bị xơ hóa, khả năng đè ép vào tĩnh mạch kém, dinh dưỡng vùng chi dưới bị hạn chế. Lượng máu đến chi dưới khó khăn, thần kinh nơi đây cũng bị “suy dinh dưỡng” lại thêm gai đôi đốt sống thắt lưng, tức là gai chèn vào rễ thần kinh tủy sống nên chị bị tê chân.

Phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh bị cao huyết áp lại sợ lạnh, sợ gió, lạnh chân theo đông y đó là chứng “âm hư”. Theo qui luật, phụ nữ trên 45 tuổi thì nước thiên quí (thận) đã hết, tức là hết đường kinh thủy. Đông y cho rằng âm hư nhiều nên hỏa bốc lên trên mà gây cao huyết áp. Các triệu chứng thường thấy là hoa mắt, chóng mặt, ù tai, hay cáu gắt, nóng giận, mất ngủ, hay quên, họng khô, lòng bàn tay nóng, bàn chân lạnh. Như chị có thể là can thận âm hư.

Chị có thể dùng bài thuốc “lục vị qui thược” gồm có: thục địa 10g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, phục linh 8g, trạch tả 8g, đan bì 8g, đương qui 8g, bạch thược 8g. Lưu ý các chị nào không bị cao huyết áp thì dùng bài lục vị (sáu vị đầu) và thêm phụ tử, quế chứ không dùng bài này.

Theo tôi, chị cứ đông tây y kết hợp. Sáng ngủ dậy chị uống thuốc hạ áp của tây y, sau đó sắc thuốc đông y uống. Chế độ ăn nên hạn chế muối (mỗi ngày chỉ nên dùng < 6g muối kể cả muối trong nước mắm). Tốt nhất chị hạn chế các món kho, nên ăn canh rau, thịt nạc luộc hay cá nấu canh, thịt nạc nấu canh. Chị nên tập thể dục để cột sống không tiếp tục thoái hóa. Chẳng hạn tập dưỡng sinh hoặc đi bộ nhẹ nhàng mỗi ngày. Một điều không thể thiếu được là cuộc sống gia đình vui vẻ, các thành viên thương yêu nhau, hai cháu ngoan, học giỏi, “một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ” sẽ giúp chị yêu đời, tăng khả năng đề kháng với bệnh tật.

Từ khóa » Người Bị Sợ Lạnh