“Số Liệu Thống Kê Phải Là Con Số Thực, Con Số Biết Nói”

(ĐCSVN)Theo Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, sửa đổi Luật thống kê lần này phải giải quyết được bài toán số liệu thống kê phải là con số thực, con số biết nói, phản ánh đúng thực trạng đất nước, làm cơ sở khoa học để hoạch định chính sách cho đúng đắn.

Sáng ngày 4/11, Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề còn khác nhau của Dự án Luật Thống kê (sửa đổi). Bên lề Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh Dự thảo Luật này.

Phóng viên (PV): Đồng chí đánh giá như thế nào về hoạt động thống kê nhà nước thời gian qua?

ĐB Bùi Sĩ Lợi: Hoạt động thống kê là phải được công bố rộng rãi, công khai minh bạch. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều khi các số liệu này là số liệu ảo, và tai hại của các số liệu này dẫn đến nguy cơ khi chúng ta hoạch định chính sách mà lại dựa vào những số liệu thống kê không đúng, báo cáo không chuẩn thì các hoạch định chính sách sẽ bị tác động bởi yếu tố khách quan.

Tôi lấy ví dụ như số liệu doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh năm 2015, nếu theo số liệu các cơ quan thống kê, báo cáo là rất cao, không phải 600 ngàn DN mà có thể lên đến 800 ngàn DN, nhưng thực chất có những người đăng ký nhiều DN, là DN ảo. Xét lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân của chúng ta hiện nay năm 2015 chỉ có 525.000 DN, là con số đã khác so với số đăng ký rồi.

Điều đáng buồn cho chính sách an sinh xã hội của chúng ta là trong số 320.000 DN nộp thuế, nhưng chỉ có khoảng 197.000 DN nộp BHXH, như vậy quyền lợi của người lao động bị bỏ rơi. Đây là số liệu cho thấy vai trò của thống kê rất quan trọng. Một là nó phản ánh toàn bộ thực trạng của nền kinh tế, mà không đúng thì chúng ta không hoạch định được chính sách. Nên lần này sửa Luật Thống kê phải giải đáp được câu hỏi hệ thống thống kê Nhà nước là chủ đạo, kèm theo là hệ thống thống kê ngoài Nhà nước để phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế, thực trạng về các số liệu thống kê, là cơ sở căn bản để hoạch định chính sách, đánh giá được thực trạng về các hoạt động. Lần này phải làm sao đó để số liệu thống kê chính xác, kịp thời, minh bạch, công khai và quyền của mọi người đều được tiếp cận thông tin thống kê.

ĐB Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội.(Ảnh: TH).

PV: Thực tế cho thấy thời gian qua, vẫn còn sự chênh lệch số liệu thống kê giữa Tổng cục Thống kê với bộ, ngành và giữa trung ương với địa phương. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng sỡ dĩ có số liệu khác nhau vì căn bệnh thành tích?

ĐB Bùi Sĩ Lợi: Vấn đề đó hiện nay có hay không, rõ ràng thống kê của các địa phương để thực hiện các mục tiêu khác nhau thì khác nhau, là thành tích thì số liệu thông thoáng và được bôi vẽ đẹp hơn, còn số liệu để thực hiện các chính sách có ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước thì lại tăng vống lên. Các số liệu khi xây dựng các báo cáo để thực hiện thi đua khen thưởng thì càng khác biệt xa.

Đây là thực trạng mà hiện nay phải xử lý làm sao cho các số liệu này phải là con số thực, con số biết nói, phản ánh đúng thực trạng đất nước. Đó không chỉ là đánh giá đúng chúng ta làm được gì, tình hình như thế nào?. Quan trọng là số liệu đó làm cơ sở khoa học để hoạch định chính sách cho đúng đắn. Sửa đổi Luật Thống kê lần này phải giải quyết được bài toán đó.

PV: Cụ thể, để giải quyết bài toàn này cần có giải pháp gì, thưa đồng chí ?

ĐB Bùi Sĩ Lợi: Tôi cho rằng, tất cả số liệu thống kê của các địa phương, cơ quan thống kê Trung ương phải thẩm định lại, thẩm định về tính đúng đắn, độ chính xác, thời điểm và nếu không đúng thì có quyền yêu cầu báo cáo thẩm định lại chính xác. Dự thảo lần này cần bổ sung cơ chế quan trọng để xử lý sự chính xác của các cơ quan thống kê địa phương.

Còn đối với Tổng cục Thống kê và thống kê Nhà nước ở Trung ương thì nên bổ sung cơ chế tư vấn giúp Thủ tướng Chính phủ xem xét lại số liệu thống kê của cơ quan Trung ương có chính xác không? Cơ quan thống kê Trung ương thì thẩm tra thống kê của địa phương, các ngành, nhưng ai thẩm tra độ chính xác và tin cậy của thống kê Trung ương? Rõ ràng phải có Hội đồng tư vấn thống kê quốc gia, tôi thấy Hội đồng này không ảnh hưởng gì đến bộ máy, là cơ quan tư vấn cho Chính phủ, mục tiêu là thẩm định, đánh giá độ chính xác của số liệu thống kê, thứ hai là Hội đồng này có thể hoàn toàn do Thủ tướng thành lập, có cơ quan thống kê Trung ương, có các bộ, ngành tham gia. Chủ tịch Hội đồng này do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm. Hội đồng này không quyết định số liệu thống kê nhưng tư vấn về tính chính xác, về yếu tố tác động làm cho số liệu này đáp ứng được yêu cầu.

PV: Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là việc thực thi Luật chưa nghiêm, chế tài xử lý vi phạm chưa đủ mạnh. Có ý kiến cho rằng nên bổ sung chế tài hình sự để xử lý hành vi điều chỉnh, làm sai lệch số liệu thống kê, thưa đồng chí?

ĐB Bùi Sĩ Lợi: Về cơ bản, các số liệu phải được bảo đảm, nếu cố tình không báo cáo trung thực, cơ bản là xử lý hành chính. Nhưng có những chỉ tiêu hết sức quan trọng, liên quan đến kinh tế chính trị xã hội, quốc phòng, an ninh, nếu như cố tình thay đổi, công bố không đúng, thì tôi cho rằng đó cũng là một yếu tố vụ lợi, mà có hại đến kinh tế, chính trị, xã hội thì cũng nên hình sự hóa nội dung này.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Từ khóa » Các Số Liệu Thống Kê Là Gì