Sợ Lỡ Mùa Cúc Hoạ Mi Hà Nội - VnExpress Đời Sống

8h sáng 7/11, Phan Hải Anh di chuyển từ quận Cầu Giấy đến bãi đá sông Hồng, quận Tây Hồ. Cô gái 20 tuổi nói, hoạ mi là loài hoa biểu trưng của Hà Nội, báo hiệu sự chuyển giao khi thu đi, đông về. Mỗi mùa chỉ kéo dài từ cuối tháng 10 đến hết tháng 11. Hoa chóng nở nhưng mau tàn khiến người yêu hoa phải tranh thủ tìm mua tại các gánh bán rong hoặc đến các nhà vườn ở làng Nhật Tân, Tây Tựu hay thảo nguyên hoa Long Biên để chụp ảnh.

Là tín đồ của cúc hoạ mi, mỗi khi đến mùa, Hải Anh đều thực hiện một bộ ảnh để ghi dấu. Nhưng năm nay cô đi chụp sớm, khi toàn vườn chỉ có sáu luống trồng trước bắt đầu nở. "Cúc năm nay nở muộn và không đẹp bằng mọi năm, nhưng sợ các khu vui chơi phải đóng cửa trong thời gian tới vì dịch, tôi vẫn đi", cô nói. Chi phí cho một tiếng chụp tại vườn khoảng một triệu đồng cho thợ chụp và 50.000 đồng tiền vé vào cổng.

Sau mỗi shot ảnh cô gái đã tiêm đủ hai mũi vaccine đeo lại khẩu trang và chọn chỗ vắng người để tạo dáng. "Giờ chỉ có cách chủ động bảo vệ bản thân. Dịch bệnh ai cũng sợ, nhưng không thể trốn mãi trong nhà", cô nói.

Hải Anh chụp ảnh tại vườn cúc hoạ mi tại bãi đá sông Hồng vào sáng 7/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Hải Anh chụp ảnh cùng cúc hoạ mi ở bãi đá sông Hồng sáng 7/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Cách chỗ chụp của Hải Anh chừng 20 m, Kim Ngân, 29 tuổi, ở huyện Đông Anh đang tạo dáng trước ống kính. Ngân từng tính lùi sang tuần sau khi thấy hoa chưa nở rộ, nhưng khi nghe tin có không khí lạnh tăng cường gây mưa và lạnh từ chiều 7/11, cô vội đặt lịch. Việc liên hệ thợ chụp ảnh năm nay cũng đơn giản, không phải xếp hàng chờ.

"Từ đầu vụ đến nay tôi chỉ có khoảng 10 khách đặt chụp, giảm 60% so với mọi năm", anh Nguyễn Văn Hậu, 26 tuổi, thợ chụp ảnh, nói. Lượng khách chụp cúc hoạ mi giảm hơn nửa, đa phần do tâm lý e ngại đến chỗ đông người.

Trước khi nhận khách, Hậu thường hỏi thông tin về tiêm vaccine, cấp độ dịch nơi ở, đồng thời tuân thủ quy định 5K trong quá trình chụp. Ngoài lúc chụp, anh luôn nhắc khách đeo khẩu trang. "Liên tục đeo, cởi bỏ khẩu trang sẽ khiến lớp trang điểm của mẫu bị mờ, nhưng vì dịch phải chấp nhận", anh nói.

Anh Hậu chụp ảnh cho Kim Ngân tại vườn hoa vào sáng 7/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Anh Hậu chụp ảnh cho Kim Ngân tại vườn hoa vào sáng 7/11. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Tại vườn hoa ở bãi đá sông Hồng, khách phải khai báo y tế trước khi mua vé vào cổng. Trong quá trình chụp, bảo vệ liên tục nhắc nhở khách đeo khẩu trang, đứng giãn cách. Lượng khách đến vườn sau 9 giờ sáng khá đông. Ngoài các bạn trẻ, không ít gia đình có con nhỏ cũng đến vườn như gia đình chị Ánh Dương, 34 tuổi, trú tại quận Long Biên.

"Ở nhà lâu bí bách", chị Dương nói. Thay vì ghé trung tâm thương mại hay những nơi đông người, người phụ nữ 34 tuổi cho rằng chụp ảnh trong không gian rộng, giữ khoảng cách cũng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

Cô gái 22 tuổi Hoàng Anh, quận Thanh Xuân cũng chung suy nghĩ tranh thủ chụp sớm vì sợ bỏ lỡ mùa hoa và lo ngại giãn cách. Cô cho rằng, khi thành phố chuyển sang giai đoạn bình thường mới, nhu cầu giải trí của người dân "ắt sẽ lại trở".

"Riêng tôi đang dần thích ứng với việc sống chung với dịch", Hoàng Anh nói.

Còn Ngọc Minh, 27 tuổi, ở phường Phú La, quận Hà Đông, nơi ghi nhận ca nhiễm mới, từ chối khi được bạn rủ đi chụp ảnh, để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng.

"Không chụp năm nay thì sang năm", Minh, người đã tiêm vaccine, nói.

Người Hà Nội chụp cúc hoạ mi sớm Người Hà Nội chụp cúc hoạ mi sớm

Người Hà Nội chụp hình với cúc hoạ mi đầu mùa. Video: Thế Quỳnh.

Quỳnh Nguyễn

Từ khóa » Cúc Họa Mi Ha Noi