Sơ Lược Lịch Sử Và Phân Loại Kí Sinh Trùng Sốt Rét | BvNTP

SƠ LƯỢC LỊCH SỬ

Năm 1880, ở tỉnh Constantin (Angieri), Laveran (bác sĩ người Pháp) lần đầu tiên phát hiện ra mầm bệnh sốt rét ở người và đặt tên là Oscillaria malariae.

Năm 1886, Golgi (người Italia) quan sát thấy kí sinh trùng phân chia vô giới và cơn sốt ăn khớp với lúc phân chia.

Năm 1890, hai tác giả Grassi và Feletti đã mô tả một cách riêng rẽ mầm bệnh Plasmodium vivax và Plasmodium malariae.

Năm 1891, Romanovski (người Nga) tìm được phương pháp nhuộm kí sinh trùng sốt rét (KSTSR), đã giúp cho việc nghiên cứu mầm bệnh được dễ dàng.

Từ năm 1895 - 1897, Ronald Ross (người Anh) đã nghiên cứu thực nghiệm sốt rét trên người và chim, đã chứng minh được muỗi chính là vector truyền bệnh sốt rét.

Năm 1897, Welch đặt tên cho mầm bệnh sốt rét nhiệt đới là Plasmodium falciparum. Sau đó nhiều tác giả đã công nhận phát minh của R.Ross, Ông đã được nhận giải thưởng Nobel.

Năm 1922, Stephens đã mô tả mầm bệnh sốt rét thứ 4 gây bệnh cho người là Plasmodium ovale.

Năm 1948 - 1953, Garnham, Shortt tìm ra và mô tả thể ngoài hồng cầu ở trong tế bào gan người của kí sinh trùng sốt rét.

Năm 1976, hai tác giả Trager và Jensen (người Mỹ) đã nuôi cấy liên tục thành công KSTSR trong ống nghiệm.

Năm 1987 - 1992, một số vaccin phòng sốt rét đã được thử trên người (ở Colombia) và tại thực địa (ở Thái Lan); bước đầu đã đem lại kết quả nhất định.

Năm 2002, một nhóm gồm 150 nhà khoa học Mĩ và Anh đã lập được bản đồ gen của kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum. Bản đồ gen này cung cấp một công cụ và một cách nhìn mới, đưa đến các đích mới đầy triển vọng cho các thuốc, vaccin và mang lại hy vọng tìm ra phương pháp điều trị mới.

Từ lâu các bộ tộc người da đỏ ở Peru đã biết dùng vỏ cây Canhkina để điều trị bệnh sốt rét. Năm 1620, Don Francisco (người Tây Ban Nha) đã đưa cây Canhkina về châu Âu, Indonesia... và dùng vỏ cây để chữa bệnh sốt rét. Chính từ vỏ cây Canhkina, Pelletier và Caventon (người Pháp) đã chiết xuất ra quinin (1820), là thuốc chủ yếu để điều trị sốt rét trong những năm trước 1930. Sau đó nhiều loại thuốc hoá học được tổng hợp: atebrin (1930), chloroquin (1934), proguanil (1945), amodiaquin (1946), primaquin (1950), pyrimethamin (1951), mefloquin (1972), artemisinin (1972)…

Để diệt muỗi trung gian truyền bệnh, trước đây người ta dùng pyretrum, chiết xuất từ một loại hoa cúc. Năm 1939, Muller (người Đức) tổng hợp được DDT (Dichloro Diphenyl Trichloroethane) là hoá chất diệt côn trùng nói chung và diệt muỗi rất có hiệu quả.

Do có những thuốc diệt kí sinh trùng đặc hiệu, nhất là chloroquin (có tác dụng diệt kí sinh trùng không kém quinin, ít độc, rẻ tiền và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới) cùng với DDT. Một số quốc gia đã tuyên bố tiêu diệt được bệnh sốt rét: Venezuela (1945), Italia (1946), Mĩ, Srilanca (1947)… tiếp theo là Bungari, Rumani…

Từ những kết quả đó, năm 1955 Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề ra chương trình thanh toán bệnh sốt rét toàn cầu. Nhiều quốc gia thông báo nhờ có chương trình đã làm giảm tỉ lệ mắc và tỉ lệ chết do sốt rét tới mức đáng kể. Thành tựu trên đã hướng cho WHO chỉ tập trung nghiên cứu những vấn đề về chiến thuật tiêu diệt bệnh sốt rét, ít chú ý đến nghiên cứu cơ bản về sinh học của kí sinh trùng sốt rét trong thập kỉ 50.

Từ năm 1960 đã có hiện tượng Plasmodium falciparum kháng chloroquin ở nhiều nơi trên thế giới. Sau đó nhiều thông báo Plasmodium falciparum kháng với nhiều loại thuốc khác như amodiaquin (1961), fansidar (1968), mefloquin (1982)… và kháng với cả quinin (từ năm 1910). Bên cạnh đó, nhiều loại muỗi truyền bệnh sốt rét chủ yếu cũng kháng với DDT (nhất là các nước ở khu vực nhiệt đới). Những trở ngại này đã phá vỡ chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét trên toàn cầu. Bệnh sốt rét đã quay trở lại ở đa số các quốc gia. WHO buộc phải thay đổi chiến lược sang phòng chống bệnh sốt rét ở một số nước (1968) và toàn cầu năm 1979. Y học lại phải chuyển hướng nghiên cứu tìm các thuốc mới, thay thế các thuốc đã bị kháng như mefloquin (1972), artemisinin (1972) và dẫn chất những năm sau đó... thay thế các thuốc đã bị kháng và sản xuất ra nhiều loại hoá chất thay thế DDT đã cũng bị muỗi sốt rét kháng và có tính độc hại cao bằng các nhóm hoá chất như pyrethroid, lân hữu cơ… Đồng thời đi sâu vào nghiên cứu sinh lí, sinh hoá, kháng nguyên kí sinh trùng sốt rét… Hy vọng tạo ra được vaccin có hiệu quả chống sốt rét.

PHÂN LOẠI KÍ SINH TRÙNG SỐT RÉT

Kí sinh trùng sốt rét thuộc ngành đơn bào (Protozoa), lớp trùng bào tử (Sporozoa), lớp phụ Haemosporina, Thuộc 2 họ Haemoproteidae và Plasmodiidae.

Trong đó họ Plasmodiidae có 9 chi phụ:

3 chi phụ kí sinh động vật có vú.

3 chi phụ kí sinh loài chim.

3 chi phụ kí sinh loài bò sát.

Có khoảng 120 loài kí sinh trùng gây bệnh sốt rét cho người và các động vật có xương sống, một số loài tiêu biểu như sau:

Kí sinh loài khỉ: P.cynomolgi, P.rhodhaini, P.knowlesi, P.simii, P.inui…

Kí sinh loài gặm nhấm: P.berghei, P.gonderi...

Kí sinh loài chim: P.gallinaceum, P.lophurae, P.relictum, P.cathemerium…

Kí sinh loài bò sát: P.mexicanum…

Kí sinh loài lưỡng thê: P.bufonis, P.catesbiana...

Kí sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người thuộc chi Plasmodium:

Cho đến nay mới tìm được 4 loài kí sinh trùng sốt rét gây bệnh cho người:

Plasmodium falciparum (Welch, 1897).

Plasmodium vivax (Grassi và Feletti, 1890).

Plasmodium malariae (Laveran, 1880, Grassi và Feletti, 1890).

Plasmodium ovale (Stephens, 1922).

Tuy nhiên do tác động bởi các chương trình phòng chống sốt rét dẫn đến tính chất gây bệnh và tính nhạy cảm với các thuốc của kí sinh trùng sốt rét có nhiều biến đổi khác nhau. Một số loài kí sinh trùng sốt rét xuất hiện các phân loài (chủng) mới:

P.vivax có các chủng:

Chủng Chesson (chủng Thái Bình Dương), ủ bệnh ngắn, tái phát nhiều.

Chủng P.vivax vivax (chủng Phương Nam), ủ bệnh ngắn, thời kì tiềm tàng kéo dài, tái phát muộn.

Chủng P.vivax hibernans (chủng phương Bắc), ủ bệnh kéo dài 6 tháng hoặc hơn.

P.falciparum có các chủng:

Ấn Độ, Nigieria, Italia... trong đó chủng Italia gây bệnh nặng nhất.

Chủng Malayan (Bắc Mã Lai).

Chủng Campuchia 1, 2, 3.

Chủng miền Nam, Việt Nam (Cv, Sn).

Ở Việt Nam cũng đã xác định có cả 4 loài kí sinh trùng sốt rét: P.falciparum, P.vivax, P.malariae và P.ovale. Nhưng chủ yếu là P.falciparum và P.vivax.

Tùy theo từng vùng có tỉ lệ khác nhau, nhìn chung tỉ lệ P.falciparum: 70 - 90%. P.vivax: 10 - 30%. P.malariae : 1 - 3%. P.ovale mới được phát hiện bằng kĩ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) ở một số vùng sốt rét lưu hành nặng.

Gần đây bằng kĩ thuật PCR (Polymerase Chain Reaction) đã phát hiện được cả 4 loài kí sinh trùng sốt rét ở một số vùng sốt rét lưu hành nặng tại Việt Nam (Khánh Hoà, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Gia Lai) có P.malariae chiếm 3,2 - 6,3% và P.ovale chiếm 1,3 - 2,8%. Đặc biệt cho thấy trên một lam máu có phối hợp của 2, 3 và 4 loại kí sinh trùng sốt rét (tỉ lệ từ 24 - 81%).

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

facebook.com/BVNTP

youtube.com/bvntp

Từ khóa » Nơi Ký Sinh Của Trùng Sốt Rét Là