Số Phận Một Tác Phẩm

S Phn Mt Tác Phm

Nguyn Quc Tr

          Người viết còn nhớ, vào thập niên 1960, trong một cuộc họp bàn tròn trên tờ Sáng Tạo, một thành viên trong nhóm đã phát biểu, nếu một độc giả của ngày hôm nay, đọc văn chương của ngày hôm qua (đọc Hồn Bướm Mơ Tiên, hay Nửa Chừng Xuân chẳng hạn), như vậy là đã sống lùi thời đại của mình.

          Người viết lẩn quẩn mãi với chuyện "sống lùi thời đại", nhân đọc Lạc Đạn, của Trần Thị NgH (nhà xuất bản Thời Mới, Canada. Đây là tác phẩm thứ nhì của bà, gồm Lạc Đạn và 10 truyện ngắn, sau tập truyện do nhà Văn Nghệ, Cali, xuất bản, 1999.)

          Lạc Đạn được viết cách đây 31 năm (1969-1973), nhưng vẫn nằm trong ngăn kéo của nhà văn. Vì nhiều lý do, trong đó có thời cuộc (biến cố 1975). Tên truyện như mang sẵn trong nó một định mệnh, và từ đó, một ẩn dụ. Liệu những độc giả của ngày hôm nay, đã sống lùi thời đại, khi đọc Lạc Đạn?

          Chẳng cần tới Lạc Đạn, Trần Thị NgH đã nổi tiếng. Trong một bài viết cuối năm, Nhìn lại văn chương hải ngoại năm 1999, người viết có đưa ra nhận xét, đây là một năm được mùa. Mùa gặt mới trong đó có cả lúa chín muộn: sự góp mặt của một tác giả như Trần Thị NgH. Một tác giả trước 1975 tại Miền Nam, vừa xuất hiện đã gây chấn động giới viết lách ở Sài Gòn, với truyện ngắn Nhà Có Cửa Khoá Trái. Cũng trong bài viết tôi cho rằng, nếu trí nhớ không phản bội, hình như truyện đầu tay của bà là về một người đàn ông có vợ, đến gặp một người đàn bà không chồng, nhưng có con; thằng nhỏ bữa đó bị đau, anh chàng đi mua thuốc cho đứa nhỏ. Chuyện chỉ có vậy, nhưng tôi vẫn còn nhớ cái cảnh cô đơn của người đàn ông gầy còm ốm yếu, ngơ ngơ ngác ngác trước tiệm thuốc tây, trước cuộc chiến, và trước cuộc tình vụng trộm.

          Và vẫn nếu trí nhớ không phản bội tôi, truyện ngắn này không có cái chất ngổ ngáo, "rất NgH" như "nguời ta" thường nhận định về bà. Lý do nào, tác giả-độc giả bỏ qua truyện này, khi chọn truyện kia (Nhà Có Cửa Khoá Trái), như là truyện đầu tay, và là truyện ngắn tiêu biểu cho giọng văn của bà?

          Giữa những truyện ngắn ngổ ngáo, gây chấn động một thời như "Nhà có cửa khóa trái", và truyện dài Lạc Đạn, có gì không ăn khớp với nhau, và liệu có phải đây là một trong những duyên do Lạc Đạn cứ thế nằm trong ngăn kéo của nhà văn, theo nghĩa: tác giả của nó đã say men chiến thắng, và cứ tiếp tục cái giọng văn ngổ ngáo, cái con người (một người nữ gốc miền nam) ngổ ngáo, giấu biệt đi một cái tôi khác (giấu biệt đi một miền nam khác?). Tại sao bây giờ tác giả quyết định in nó? Liệu chính sự thành công của những truyện ngắn đã kết án Lạc Đạn phải nằm trong ngăn kéo một thời gian dài 31 năm? Đã biến lạc đạn thành lạc đạn hay lạc đàn, biến tác giả thành một nhà văn khác, "khác" với tác giả Lạc Đạn? Liệu có hai nhà văn ở đây, một tác giả những truyện ngắn ăn khách, và một tác giả một truyện dài để trong ngăn kéo?

          Lạc Đạn liệu mang bóng dáng định mệnh văn chương Việt Nam: chật chìa, loạng quạng, chưa bao giờ tìm thấy chính nó, và sau cùng là... lưu vong?

          Khi nhìn lại văn học Miền Nam trước 1975, chúng ta không thể không đặt nó trong bối cảnh lịch sử 1954. Văn chương Miền Nam trước 1975 tưởng như hiền hòa, nhưng ở bên dưới nó, là những đợt sóng ngầm của những tranh chấp, khác biệt. Không phải tự nhiên mà nhóm Sáng Tạo hô hào đổi mới khi nhắm thẳng vào nhóm Tự Lực Văn Đoàn: họ muốn từ biệt một quá khứ văn chương cũng như một quá khứ của một miền đất, trước khi bắt đầu một cuộc hành trình đầy bất trắc, và cũng đầy cao ngạo: khởi từ ca dao qua tự do, đối diện với lịch sử, đối diện với một cuộc chiến mà họ tự nhủ: không thể trốn chạy. Sống lùi thời đại ở đây, theo tôi, chỉ có nghĩa: không đối diện với thời cuộc, ở thời điểm thật nóng bỏng của nó.

          Cũng không phải tự nhiên khi Võ Phiến có những nhận định "tối tăm, rắm rối, õng ẹo" - hay mượn chữ của ông "khó bảo là tuyệt đẹp", khi nhận xét về thái độ của nhóm Sáng Tạo đối với Tự Lực Văn Đoàn - khi nhận định về nhóm Sáng Tạo mà đa số là từ Miền Bắc di cư vào Sài Gòn. Ngay cả cuộc tranh luận đôi khi vượt quá phạm vi văn học hiện đang xẩy ra ở hải ngoại, giữa một số cây viết, liên quan tới địa vị của Võ Phiến, giá trị bộ sách viết về văn học Miền Nam trước 1975 của ông, cũng không phải tự nhiên phát sinh, mà có ngấm ngầm từ trước.

          Cũng không phải tự nhiên, khi nhân vật lịch sử Nguyễn Huệ được hết ông nhà văn này tới nhà văn khác cho đội mồ sống dậy...

          Cũng không phải tự nhiên khi Nguyễn Huy Thiệp có những dòng ưu ái dành cho ông vua bị nhà nước Cộng Sản coi là "cõng rắn cắn gà nhà" (Gia Long): giấc mơ Nguyễn Huệ ra Bắc, đại thắng quân Thanh, giấc mơ một người miền Nam (Gia Long) thống nhất đất nước là một giấc mơ nhằm đảo ngược định mệnh lịch sử, căn cước quốc gia: "bắt buộc, bị kết án phải Nam tiến".

          Khởi từ ý tưởng trên, chúng ta có thể đọc những tác giả miền nam như Thụy Vũ, Trần Thị NgH, bằng cách đặt kế bên những tác phẩm của họ, với của một Võ Phiến, khi so sánh những nhân vật dám sống hết mình, dám ngỗ ngáo... với những nhân vật sống quay vào nội tâm, sống với những ý nghĩ cố định, và thường chịu thua hoàn cảnh... hay một Thanh Tâm Tuyền: giọng văn trong Lạc đạn mang hơi hướng một Cát Lầy. Cô gái trong đó như một em gái miền nam của nhân vật tên Trí (?) trong Cát Lầy. Chúng ta cũng có thể so sánh với một Miền Nam Sâu Thẳm của một Faulkner, nếu đặt tất cả trong bối cảnh lịch sử dẫn tới Cuộc Bỏ Chạy Tán Loạn.

          Bạn có thể đọc Lạc Đạn, khi so sánh với những nhà văn Miền Nam thuộc những thế hệ trước.

Và mỗi cách đọc như thế, sẽ mở ra những vấn đề khác nhau.

          Trong những kỳ tới, người viết sẽ cố gắng đưa ra một vài "cách đọc" Lạc Đạn, khi để nó kế bên những tác phẩm của một số nhà văn tiêu biểu cho văn chương Miền Nam trước 1975, từ đó, biết đâu, chúng ta có thể có được một cái nhìn tổng quát về một thời đại văn học, tạm coi là 'tự do, cởi mở', sau 1954 tại một miền đất nước, và, biết đâu, nhìn ra được những thành công, và thất bại của nó.

NGUYỄN QUỐC TRỤ

(trích Văn, Xuân Tân Tỵ 2001

Từ khóa » Truyện Ngắn Miền Nam