Số Phận Những Bản đồ Dữ Liệu Của Đức Quốc Xã - Công An Nhân Dân
Có thể bạn quan tâm
- Vũ khí lợi hại của Na Uy chống Đức Quốc xã
- Sự phản bội của trùm tình báo Đức quốc xã Wilhelm Franz Canaris
- Bí ẩn nghĩa địa Đức Quốc xã ở rừng Amazon
Tác giả Greg Miller (người Mỹ, nhân vật xưng tôi), một nhà báo khoa học và cũng đồng thời là một nhà thần kinh học, sẽ hé lộ nhiều tình tiết chưa từng được công bố về một trong những sứ mạng tình báo quan trọng từ trước đến nay.
Đội tình báo quân sự đặc biệt
Cuộc chiến tại Aachen rất khốc liệt. Máy bay và pháo kích Mỹ tấn công vào khu vực phòng thủ của Đức Quốc xã (ĐQX) trong nhiều ngày. Xe tăng chạy trên các con phố hẹp của khu thành cổ, nơi Hitler hạ lệnh phải bảo vệ nó bằng mọi giá.
Những tòa nhà loang lổ cho đến ngày 21 tháng 10 năm 1944 khi Aachen trở thành thành phố đầu tiên của Đức rơi tay quân Đồng Minh. Khi thiếu tá Floyd W. Hough và 2 đồng đội tiến vào Aachen vào đầu tháng 11, ông Hough nhớ lại: “Cổ thành bị phá hủy đến 98%”.
Bản đồ các khu vực chiếm đóng thời hậu chiến ở Đức. Ảnh nguồn: Guilbert Gates. |
Trước chiến tranh, người đàn ông 46 tuổi đã dẫn đầu các nhóm thám hiểm ở miền Viễn Tây cho chính phủ Mỹ và lập bản đồ các cánh rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ cho các công ty dầu khí. Giờ đây, Hough đang là thủ lĩnh của một đội tình báo quân sự được thành lập bởi Tổng hành dinh tối cao các lực lượng viễn chinh (SHAEF), nó cho phép Hough và đồng đội tự do đi vào vùng chiến sự. Sứ mạng của Hough được đóng dấu “tuyệt mật”.
Mục tiêu của nhóm Hough là một thư viện ở Aachen. Đội tình báo quân sự được thành lập từ 19 người được chọn lựa kỹ càng; trong đó có 4 người là dân thường học thức cao: 1 kỹ sư, 1 nhà địa lý (người quản lý bản đồ tại Đại học Chicago), 1 nhà ngôn ngữ biết nói 5 thứ tiếng và người con trai lanh lợi của một vị Chuẩn tướng đóng vai trò như là một ủy viên quân sự.
Còn có một thông dịch viên tiếng Nhật được mượn từ Cục Tình báo chiến lược (OSS, tiền thân của Cục tình báo trung ương, CIA). Trong số những thành viên này cũng có một số người là dân Châu Âu trốn sang Mỹ để thoát khỏi ách đàn áp của Đức Quốc xã.
Tại trại Ritchie, nhóm người của Hough sẽ thường xuyên thẩm vấn thường dân Châu Âu để biết về sự di chuyển của lính Đức, dịch các tài liệu bắt được và thẩm vấn tù chiến tranh. Cùng với các camera và thiết bị khác dùng để tạo ra các hồ sơ Microfilm, nhóm của thiếu tá Hough cũng mang theo 11 thẻ chỉ số liệt kê chi tiết về Cục bản đồ quân sự (AMS) cũng như liệt kê chi tiết các đại học công nghệ, cơ quan chính phủ, thư viện,…
Các danh sách cũng liệt kê tên các nhà khoa học Đức – những người có thiện chí muốn hợp tác, cũng như những người không đáng tin cậy. Nơi mà nhóm Hough muốn nhắm đến ở Aachen là thư viện của Đại học Kỹ thuật (Technische Hochschule).
Dù bị bom Mỹ oanh tạc, nhưng hàng ngàn quyển sách ở đó vẫn còn nguyên vẹn. Các gói thư mục xếp bên ngoài cũng được nhóm Hough để mắt đến. Các tài liệu bị bỏ rơi gồm nhiều bản khảo sát đặc biệt chính xác trên lãnh thổ Đức mà quân Đồng Minh chưa tiếp cận được cũng là thứ mà Hough khao khát có được.
Nhóm Hough đã sao chép các tài liệu và gửi nó ra mặt trận để những đơn vị pháo binh của quân Đồng Minh dễ dàng triệt hạ các mục tiêu. Rất ít người biết về phạm vi thông tin mà nhóm Hough thực hiện, hoặc sự khéo léo của họ trong việc bảo vệ chúng bởi vì sứ mạng của họ nằm trong vòng bí mật, và các tài liệu mà họ có được chỉ nằm trong số các chuyên gia tình báo quân sự và giới học giả.
Có khả năng nó là bộ nhớ dữ liệu địa lý lớn nhất mà Hoa Kỳ thu được từ tay địch vào thời chiến. Trong chiến tranh ở thế kỷ 20, con người và máy móc không đạt được độ chính xác cao về dữ liệu để hướng dẫn các bên hành động đúng.
Nhưng người Mỹ biết được người Đức đạt được thành tựu này và rất có thể phía Đức đã có nhiều dữ liệu hơn từ những quốc gia mà họ xâm lược bao gồm cả Liên Xô. Nếu Hough và nhóm của ông có thể tiếp cận những tài liệu này thì họ không chỉ kết liễu ĐQX mà còn giúp người Mỹ một lợi thế chắc thắng trong bất kỳ cuộc xung đột toàn cầu nào trong tương lai.
Quân đội Mỹ đã phóng vệ tinh định vị GPS đầu tiên vào năm 1978 nhằm thu thập và tổng hợp dữ liệu địa lý quốc gia. Bản chất chiến đấu trong thời kỳ Chiến tranh thế giới lần thứ II đã mang đến yếu tố khẩn cấp về mặt trắc địa, vì nó đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của các lực lượng không quân, bộ binh và hải quân trên các mặt trận rộng lớn. Người Mỹ luôn nuôi một tham vọng lớn: tạo ra mạng lưới trắc địa thống nhất phổ quát khắp toàn cầu.
Khả năng trắc địa này sẽ rất hữu ích cho các nỗ lực tầm xa của con người, bao gồm các loại tên lửa dẫn đường có thể nhắm trúng mục tiêu ở bất kỳ châu lục nào và thực tế đó cũng là tham vọng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Không lâu sau khi cổ thành Aachen “thất thủ”, tình hình quân Đồng Minh rơi vào thế kẹt. Tháng 12 năm 1944, quân Đức phản công, đẩy quân Đồng Minh về mạn Nam Bỉ và Luxembourg trong một thế trận gọi là Trận chiến Bulge. Hough ngóng đợi ở Paris. Thời tiết khắc nghiệt khiến cho cả nhóm người phải dùng lò sưởi để sưởi ấm. Cả nhóm làm việc 6 ngày/ tuần để tận dụng tối đa thời gian chết.
Cuối cùng, vào đầu tháng 3 năm 1945, quân Đồng Minh đã nối lại tiến trình hướng Đông của họ, họ vượt sông Rhine để tiến vào lãnh thổ Đức. Cánh cửa hy vọng đã mở ra cho nhóm của Hough.
Vận chuyển “núi” tài liệu vô giá
Ở Wiesbaden, thành phố phía Tây Berlin, vận may của nhóm Hough đã bắt đầu được cải thiện. Dưới tầng hầm của một tòa nhà, họ đã tìm thấy 18 bó dữ liệu khảo sát nằm giấu đằng sau một chồng rác. Được đánh dấu là “Bí mật” hay “Mật” bằng tiếng Đức, các tờ giấy bao phủ hàng ngàn điểm khảo sát ở Tây Nam nước Đức.
Cỗ máy Stereoplanigraph dùng để làm ra các tấm bản đồ, được chế tạo bởi hãng quang học danh tiếng Đức, Zeiss. Ảnh nguồn: The National Archives. |
Dữ liệu đã có giá trị ngay lập tức cho Quân đội Hoa Kỳ Châu Âu (thuộc Bộ Tư lệnh quân đội Hoa Kỳ). Hough quyết định rút ngắn khẩu lệnh để đưa thông tin mật trực tiếp cho các đơn vị pháo binh. Hough cũng lấy tài liệu từ một sĩ quan Đức bị bắt từ Cơ quan khảo sát quốc gia Đức (Reichsamt für Landesaufnahme, RfL).
Tại các thị trấn nhỏ Friedrichroda và Waltershausen, nhóm của Hough đã tìm thấy toàn bộ kho lưu trữ RfL: nơi đại diện cho dữ liệu khảo sát tinh tế nhất của chính phủ Đức. Các tài liệu được in ra ở Berlin và được cất giấu bí mật. “Không thể ước tính được có bao nhiêu tài liệu như thế, nhưng tin rằng chúng rất đồ sộ”, thiếu tá Hough viết.
Những ngày sau đó, nhóm của thiếu tá Hough đã tiến hành thẩm vấn vài sĩ quan RfL bị bắt, bao gồm cả chủ tịch của cơ quan này là Wilhelm Vollmar. Những người bị bắt đã miễn cưỡng hợp tác.
Cuối cùng họ đã thốt ra một cái tên: Saalfeld. Saalfeld nằm cách nơi nhóm của thiếu tá Hough đứng khoảng 50 dặm về hướng Đông Nam. Nơi đó, nhà ga đường sắt và các nhà máy lân cận đó đã bị bom phá, còn nhiều xe chở hàng hóa đã bị cướp phá. Ở Saalfeld, nhóm của Hough được dẫn xuống một nhà kho, trong đó có nhiều hàng kệ từ sàn nhà đụng tới trần và chất cơ man nào là những chồng giấy.
Họ đã tìm thấy những dữ liệu trắc địa vượt khỏi biên giới Đức tiến sang Đông Âu và Liên Xô. Núi hồ sơ này đã được chuyển khỏi Berlin và nó sống sót trước các đợt oanh tạc của quân Đồng Minh. Hough viết một lá thư khẩn cấp cho Tham mưu trưởng quân đoàn với lời đề nghị cần ít nhất 150 người để bảo đảm trật tự trị an ở Saalfeld.
Lúc này đây, Hồng quân Liên Xô đang tấn công Berlin. Chiến tranh sẽ sớm kết thúc, nhưng vấn đề mà thiếu tá Hough hết sức lo lắng là Saalfeld nằm trong khu vực chiếm đóng của Liên Xô (trước đó đã được thỏa thuận bởi các quốc gia Đồng Minh), hay nói cách khác là cả thị trấn Saalfeld sẽ thuộc về Liên Xô lúc cuối cuộc đại chiến.
Nếu nhóm của Hough không nhanh lấy sạch bản đồ và dữ liệu thì người Mỹ sẽ vĩnh viễn mất chúng. Vào ngày 8 tháng 5 năm 1945, ngày quân Đức chính thức đầu hàng, nhóm của thiếu tá Hough đã vận chuyển 2,5 tấn tài liệu gồm bản đồ và dữ liệu chạy đến Bamberg ở cách đó 75 dặm về hướng Nam, đây là một thị trấn nằm ngay trong vùng chiếm đóng của người Mỹ.
Đến ngày 1 tháng 6 năm 1945, họ đã di dời 250 tấn vật liệu rời khỏi Saalfeld an toàn. Trong hội trường thành phố ở Bamberg, nhóm người của thiếu tá Hough đã lập ra trụ sở mới, và chọn lọc kỹ lưỡng 90 tấn bản đồ, không ảnh, dụng cụ khảo sát trắc địa chất lượng cao… chúng được đóng gói thành 1.200 chiếc hộp và chở về cho Cục bản đồ quân sự (AMS) ở Washington.
Những dữ liệu trắc địa quý giá trên bao gồm các quốc gia Châu Âu bao gồm Nga, vài quốc gia ở Bắc Phi và Trung Đông. Sau đó, thiếu tá Hough ước tính rằng 95% kho dữ liệu là hoàn toàn mới mẻ với quân đội Hoa Kỳ. Nó cũng bao gồm xấp xỉ 10 vạn tấm bản đồ phổ quát khắp Châu Âu, Viễn Đông Nga, một số phần của Bắc Phi, và một số vùng trên thế giới. Liên Xô tiếp quản Saalfeld vào ngày 2 tháng 7 năm 1945, nhưng nhóm của thiếu tá Hough đã đưa hết núi tài liệu ra khỏi trước đó 1 ngày.
Các mô hình được thu giữ ở Saalfeld được chế tạo bởi Zeiss (công ty quang học nổi tiếng của Đức), ông Hough ước tính rằng bộ dụng cụ làm ra các bức bản đồ có tổng trị giá khoảng 500.000 USD (tương đương gần 7 triệu USD ngày nay).
Mạng lưới trắc địa toàn cầu
Thiếu tá Hough không ngơi tay kể cả sau khi đại chiến kết thúc. Các nhà trắc địa học gần đây đang bắt đầu nung nấu một mục tiêu tham vọng mới: tạo ra một mạng lưới trắc địa (“datum”) có thể bao phủ cả thế giới. Hồi năm 1945, đó còn là một giấc mơ xa vời. Chỉ riêng Châu Âu là một mảnh chắp vá với khoảng 20 datum.
Mỗi quốc gia đôi khi còn nằm ngay vùng riêng lẻ của một nước khác, và các công tác khảo sát thường sử dụng những phương pháp toán học khác nhau. Người Đức đã thực hiện hàng ngàn phép tính nhằm tích hợp dữ liệu khảo sát bao phủ một vùng Trung Âu rộng lớn vào 1 Datum trắc địa duy nhất.
Hough đã sắp xếp cho các nhà trắc địa làm việc cùng nhau và họ được nhận lương hậu hĩnh như đã từng nhận từ chính phủ ĐQX. Họ cũng khám phá ra bộ sưu tập bản đồ của Bộ Ngoại giao ĐQX, kho lưu trữ không ảnh của Không quân ĐQX (Luftwaffe) cùng nhiều loại thiết bị cải tiến của người Đức dùng để lập bản đồ.
Thiếu tá Hough (trong bức ảnh của tạp chí Life chụp năm 1958) ở Washington sau chiến tranh. Ảnh nguồn: TheLifePicture Collection / Getty Images. |
Nhóm của Hough cũng tìm cách bắt giữ được tay tướng Đức chuyên chỉ đạo làm bản đồ và khảo sát tên là Gerlach Hemmerich. Tháng 9 năm 1945 sau khi quay về Washington, Hough được tái bổ nhiệm làm người đứng đầu Bộ phận trắc địa của Cục bản đồ quân sự (AMS).
Công trình mạng lưới trắc địa đi đến đỉnh cao vào năm 1951 với sự hoàn tất của Châu Âu Datum (ED50), và lần đầu tiên đã thống nhất lục địa Âu thành một mạng lưới trắc địa chung. Đến lượt ED50 trở thành một phần của hệ tọa độ toàn cầu mới được biết đến dưới cái tên là Universal Transverse Mercator (hệ thống tọa độ tiêu chuẩn được sử dụng bởi quân đội Mỹ và NATO), và sau đó nó được dùng cho các hoạt động dân sự, cho nhiều dự án phát triển kinh tế, nghiên cứu sinh thái và cả khảo sát dầu khí.
Nhà sử học Gary Weir nhấn mạnh rằng dữ liệu do nhóm của thiếu tá Hough bắt được của ĐQX là một lợi ích to lớn cho quân đội Hoa Kỳ trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Người Mỹ từng dự tính sẽ bắn một tên lửa đạn đạo liên lục địa vào Quảng trường Đỏ ngay từ một kho chứa tên lửa ở tiểu bang Montana mà mức độ chính xác chỉ đến từ trắc địa.
Thiếu tá Floyd W. Hough đóng một vai trò đầu tiên hết sức quan trọng cho việc phát triển ra chương trình nghiên cứu các hệ thống tên lửa dẫn đường. Chuyện kể rằng, năm 1957, theo một bài viết được đăng trên tạp chí Life, thiếu tá Hough đã gặp gỡ một số nhà trắc địa học hàng đầu của Liên Xô ngay tại một hội nghị được tổ chức ở Toronto (Canada).
Trước khi giới thiệu từng vị đại biểu khách mời, một trong những đại biểu phía Nga đã nháy mắt về phía Hough với vẻ lạnh lùng và nói: “Chúng tôi đã nghe nói nhiều về ông, ông Hough!”.
Từ khóa » Bản đồ Châu âu Trước Thế Chiến 2
-
Bản đồ Thế Giới Trong Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai - Wikipedia
-
Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai – Wikipedia Tiếng Việt
-
Bản đồ Chính Trị Thế Giới Trước, Trong Và Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ ...
-
Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ 2 Vẽ Lại Bản đồ Thế Giới Như Thế Nào?
-
Thế Chiến I Vẽ Lại Bản đồ Thế Giới - RFI
-
Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai (1939 - 1945) | Hồ Sơ - Nhân Chứng
-
Trình Bày Sự Biến đổi Của Bản đồ Châu Âu Trước Và Sau Chiến Tranh ...
-
Dựa Vào Lược đồ Trang 60, Hãy So Sánh Sự Thay đổi Lãnh Thổ Các ...
-
Vẽ Lại Bản Đồ Trật Tự Toàn Cầu Sau Thế Chiến II - Vietbao
-
[PDF] ⅠVăn Minh Cổ đại 1. Sự Phát Sinh Của 4 Nền Văn Minh Cổ đại Lớn
-
Địa Chính Trị đổi, Các Nước Châu Âu Và VN đều Phải Lựa Chọn Nghiệt ...
-
Xung đột Nga-Ukraine Vẽ Lại Bản đồ địa Chính Trị Châu Âu | VOV.VN
-
Xung đột Nga-Ukraina Qua 6 Bản đồ Trực Quan - Báo Lao động