So Sánh Chi Tiết Giữa Sàn OTC Và UpCom - 24HMoney

MỚI Thiệp 24HMoney v2.0 Thiệp 24HMoney phiên bản 2.0 #Chứng khoán 24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt So sánh chi tiết giữa sàn OTC và UpCom

Bên cạnh hai sàn giao dịch phổ biến gồm HoSE (Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM), HNX ( Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội), Việt Nam vẫn còn 2 “sân chơi” khác đang ngày càng thu hút đông đảo sự chú ý của nhà đầu tư là OTC và UPCOM. Đây là hai sàn có bản chất, quy chế hoạt động, người quản lý… khác nhau nhưng vẫn gây ra không ít hiểu lầm cho khách mua, nhất là nhà đầu tư mới. Để phân biệt và tìm hiểu kỹ hơn về OTC và UPCOM, mời quý vị cùng theo dõi bài viết dưới đây!

Đầu tiên, hãy tìm hiểu khái niệm về sàn OTC và sàn UPCOM

Tại mục này, ta sẽ đi vào phân tích khái niệm, cách hoạt động, đặc trưng, quy định cùng một số cổ phiếu đại diện cho hai sàn này tại Việt Nam.

Sàn OTC

Được viết tắt của Over-The-Counter (giao dịch phi tập trung), sàn OTC là nơi tập hợp nhóm cổ phiếu chưa được niêm yết tập trung trên sàn chứng khoán, giá giao dịch thể hiện trên giấy tờ theo mệnh giá 10.000 VNĐ. Tuy nhiên giá thực tế có thể chênh lệch nhiều lần so với con số này.

Về bản chất, sàn OTC như một thị trường thứ cấp để điều hoà, lưu thông các nguồn vốn. Đặc biệt, OTC có thể là cổ phiếu, các khoản nợ hoặc chứng khoán phái sinh, hợp đồng tài chính có giá trị từ tài sản cơ bản như hàng hoá.

So sánh chi tiết giữa sàn OTC và UpCom
Một số mã cổ phiếu OTC đang được giao dịch

Sàn OTC được quản lý chia thành 2 cấp:

- Cấp quản lý Nhà nước do cơ quan quản lý thị trường trực tiếp hoạt động theo Pháp luật, thông thường là Uỷ ban Chứng Khoán Nhà nước.

- Cấp tự quản là hiệp hội kinh doanh chứng khoán quản lý như ở Mỹ, Nhật, Hàn Quốc...hoặc trực tiếp được nắm giữ bởi sở giao dịch như Anh, Pháp, Canada…

Ngoài ra, cổ phiếu giao dịch trên sàn OTC cũng được chia tương ứng theo đơn vị quản lý, cụ thể là:

- Cổ phiếu có mã lưu ký và sẽ được quản lý bởi Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).

- Cổ phiếu chưa có mã lưu ký và sẽ được quản lý bởi phòng quản lý cổ đông của chính công ty phát hành hoặc của công ty chứng khoán quản lý sổ cổ đông.

Sàn UPCOM

Được viết tắt từ Unlisted Public Company Market, sàn UPCOM là nơi giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng, công ty cổ phần hoặc chịu trách nhiệm hữu hành phát hành chứng khoán nhưng chưa được niêm yết. Ra đời vào ngày 01/01/2009, sàn UPCOM lúc đầu chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên sau nhiều năm hoạt động, đến nay sàn đã có hơn 800 mã cổ phiếu, vượt qua cả HoSE và HNX.

Về bản chất, Sàn UPCOM được xem như một sàn giao dịch “trung chuyển”, ra đời để khuyến khích các công ty chưa niêm yết tham gia vào thị trường chứng khoán. Điều này đồng nghĩa, cổ phiếu của những doanh nghiệp chưa đăng ký/không đủ điều kiện niêm yết trên sàn HOSE, HNX sẽ được giao dịch trên UPCOM.

Sàn UPCOM được quản lý bởi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Để có thể xuất hiện tại đây, doanh nghiệp cần đáp ứng các điều kiện như sau:

- Tính từ thời điểm chào bán công ty phải có trên 10 tỷ đồng vốn điều lệ với giá trị đúng trên sổ kế toán.

- Trước khi chào bán 5 năm phải có lợi nhuận, không có lỗ luỹ kế được tính tới thời điểm đăng ký giao dịch cổ phiếu.

- Phải được Đại hội đồng Cổ đông thông qua hoạt động giao dịch/niêm yết cổ phiếu, bao gồm cả phương án lẫn cách sử dụng nguồn vốn huy động được.

Ngoài ra, cổ phiếu trên sàn UPCOM được chia thành 3 nhóm dựa trên quy mô của doanh nghiệp phát hành:

- UpCom Large: Cổ phiếu từ công ty có vốn chủ sở hữu ít nhất là 1.000 tỷ đồng.

- Upcom Medium: Cổ phiếu từ công ty có vốn chủ sở hữu từ 300 đến dưới 1.000 tỷ đồng.

- Upcom Small: Cổ phiếu từ công ty có vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đến dưới 300 tỷ đồng.

So sánh chi tiết giữa sàn OTC và UpCom
Chỉ số đầy ấn tượng của UPCOM

Tiếp theo, mỗi sàn có ưu và nhược điểm như thế nào?

Sàn OTC

Ưu điểm:

- Giao dịch và thanh toán nhanh, linh hoạt

- Số lượng cổ phiếu khổng lồ, có thể tìm thấy nhiều cổ phiếu tiềm năng hoặc hiếm có trên thị trường

- Giá thoả thuận, biên độ giao động lớn hứa hẹn lợi nhuận hấp dẫn

Nhược điểm

- Rủi ro cao (thiếu thông tin, dễ bị lừa đảo/đầu cơ)

- Không có tính thống nhất, dễ bị “hớ” giá

- Tính thanh khoản không cao do khó tìm người mua

Sàn UPCOM

Ưu điểm:

- Hoạt động công khai, minh bạch, mang lại sự an toàn cho nhà đầu tư do được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, giám sát và quản lý

- Dễ dàng tiếp cận nhiều doanh nghiệp tốt thông qua cổng thông tin của sàn HNX, đồng thời đảm bảo quá trình giao dịch diễn ra nhanh chóng, dễ dàng và an toàn.

- Có thể dùng sàn UPCOM để đo lường mức độ tăng trưởng, tạo đòn bẩy để dễ thực hiện niêm yết hơn trên sàn HoSE và HNX sau này.

Nhược điểm:

- Tính rủi ro cao, giá giao dịch thấp

- Tính thanh khoản không cao

- Bởi vì biên độ giao động cao hơn các sàn HNX ( ± 10%) và HoSE ( ± 7%) nên dễ bị đầu cơ

Cơ hội và rủi ro của từng sàn là gì?

Sàn OTC

Trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường Việt Nam, chỉ 1% được niêm yết trên thị trường tập trung (HoSE, HNX), điều này đồng nghĩa OTC là môi trường nhiều tiềm năng với nhiều nhà đầu tư. Nền tảng SanOTC ghi nhận 200.000 nhà đầu tư đã thực hiện giao dịch. Sự hấp dẫn của thị trường này có được nhờ cơ hội đem về tỷ suất sinh lời cao. Nếu đủ kiến thức, kỹ năng cùng sự nhanh nhạy trước thị trường, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với cổ phiếu thông thường.

Bên cạnh đó, sàn OTC còn cho phép sử dụng đòn bẩy tài chính, ngày càng được bảo mật và hưởng lợi từ sự phát triển mạnh mẽ của tiền kỹ thuật số. Như vậy có nghĩa là tại đây, nhà đầu tư có thể thu được khoản lời khổng lồ.

Sàn UPCOM

Trong hơn 900 doanh nghiệp trên sàn UPCOM có hơn 200 doanh nghiệp đạt giá trị vốn hóa hơn 500 tỷ đồng. Cụ thể, tính đến ngày 21/10/2021, giá trị vốn hóa thị trường này đạt 1,42 triệu tỷ đồng, tăng gần một nửa so đầu năm, gấp hơn ba lần giá trị vốn hóa trên sàn HNX và bằng 26% sàn HoSE. Trên UPCoM, có đến 23 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 10.000 tỷ đồng, một số mã đạt giá trị rất cao như: ACV, VGI, MCH, BSR…

Nếu như UPCoM-Index cuối tháng 4/2021 là 47,74 điểm thì đến ngày 21/10 tiến sát mức 100 điểm (99,68 điểm). Bên cạnh đó, thanh khoản ghi nhận tăng trưởng qua từng tháng. Tính riêng tháng 9/2021, UPCoM có hơn 2,4 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng, tăng 12,7%, giá trị giao dịch 42.400 tỷ đồng, tăng 9,39% so tháng 8. Theo đánh giá của lãnh đạo HNX, không chỉ khối lượng giao dịch của nhà đầu tư trong nước tăng, mà sàn UPCoM đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, quý III/2021, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 613 tỷ đồng.

Như vậy tuy tiềm ẩn rủi ro đầu cơ nhưng cả OTC lẫn UPCOM đều là “mảnh đất” màu mỡ cho nhà đầu tư cân nhắc.

So sánh chi tiết giữa sàn OTC và UpCom
Cổ phiếu VGI là “gương mặt” nổi bật trên thị trường UPCOM

Sau cùng, đâu là kinh nghiệm đầu tư OTC và UPCOM?

Bởi vì gắn liền với đặc trưng cổ phiếu “non trẻ”, chưa đủ điều kiện niêm yết trên HoSE, HNX nên để đầu tư hiệu quả trên sàn OTC, UPCOM, quý vị cần cẩn trọng hơn rất nhiều. Nếu cảm thấy bản thân chưa đủ kiến thức, kỹ năng, sức bền tâm lý thì không nên mạo hiểm đầu tư cổ phiếu trên hai sàn này. Ngược lại, khi muốn thử sức thì đừng quên những điều sau:

- Lựa chọn doanh nghiệp minh bạch, công khai rõ ràng về báo cáo tài chính, ưu tiên cho các công ty có uy tín, giá cả hợp lý và giàu tiềm năng tăng trưởng

- Không nên liều lĩnh đầu tư có sự biến động bất thường, khó dự đoán

- Cần chuẩn bị phương án phòng ngừa, cắt lỗ hợp lý

- Lưu ý về thời điểm mua

- Lưu ý về biên độ giao động giá trên sàn

Hy vọng bài viết này đã giúp các nhà đầu tư mới hiểu thêm về 2 “sân chơi” giàu tiềm năng trên thị trường chứng khoán. Cảm ơn vì đã theo dõi!

Từ khóa » Thị Trường Upcom Và Otc