SO SÁNH HOA SEN VÀ HOA SÚNG 2022 - Thực Vật

Hoa sen và hoa súng đều là thủy thảo mọc trên bùn và sống dưới nước. Hoa và lá của sen và súng đều hao hao giống nhau, chỉ khác về kích thước, màu sắc và hương thơm. Các nhà thực vật học liệt hoa sen vào dòng Nelumbo, gia đình Nelumbonaceae và hoa súng thuộc dòng Nymphaea và gia đình Nymphaeaceae. Vì vậy chúng ta xem sen và súng là đồng loại hơn là thân thuộc dù giống nhau về hình dáng (là và hoa), môi trường sống và công dụng trong nấu nướng và trị liệu.

hoa sen trang

Tên Hán-Việt của Hoa Sen là Liên Hoa. Tên khoa học là Nelumbo nucifera thuộc gia đình Nelumbonaceae. Đó là một loại thảo mộc sống dưới nước được tìm thấy ở các vùng đầm lầy ẩm ướt trong vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới khắp thế giới. Người Anh gọi hoa sen là lotus, sacred lotus (Sen thiêng), Indian sacred lotus (Sen thiêng Ấn Độ). Người Ấn Độ gọi là Kamal, Kamala.Tiếng Sanskrit (Phạn) là Kamala, Padma, Pushkara; tiếng Nhật: Renkon (củ sen và là một món ăn của người Nhật).

Củ sen trồng dưới bùn. Lá sen to như cái tràng có đường kính 1m nổi trên mặt nước. Hoa sen nở từ một ngó sen cao lối 35cm. Hoa có nhiều cánh màu trắng hay màu đỏ-tím, nhụy vàng và có hương thơm.

Sen là một nguồn lương thực quan trọng. Ngó sen, củ sen, hột sen đều là những thức ăn ngon và hiếm quí. Người Trung Hoa dùng lá sen để gói bánh ú lá sen. Ngó sen dùng để làm gỏi (gỏi ngó sen), đồ chua hay để nấu một loại canh chua đắt tiền ở vài quốc gia Á Châu. Hột sen dùng để nấu chè, làm nhưn bánh ngọt như bánh trung thu, bánh in… hay làm mứt. Củ sen dùng để nấu chè hay nấu súp.

Củ sen có sinh tố C, K, B6, thiamine (B1), riboflavin (B2), đồng, manganese, phosphorus. Sen có alkaloids nuciferine C19 H21 NO2, apomorphine C17 H17 NO2. Nuceferine có tác dụng trị chứng bất lực sinh lý. Nó có nhiều trong hoa sen và hoa súng. Lá, cọng và gương sen có quercetin, isoquercetin, nuceferine, lotusine, neferine, methylcorypalline.

hat sen

Hột sen hay liên tử được dùng như thuốc nhuận trường, trị tiêu chảy, bán thân bất toại, ray rức trong người, mất ngủ, di mộng tinh, bất lực sinh lý. Liên tử an thần, bổ tim. Liên tử kết hợp với cơm trái long nhãn chưng với đường phèn dành cho người mất ngủ ăn để có giấc ngủ ngon. Nó cũng giúp cho người ăn tập trung tinh thần nhiều hơn. Người Ấn Độ cho rằng liên tử có thể giúp cho người nói cà lăm nói năng mạch lạc hơn. Hột sen có nhiều alkaloids và flavonoids làm hạ huyết áp, hượt trường, hạ cholesterol, làm cho các sớ thịt của tử cung hoạt động trơn tru. Với tất cả dược tính trị liệu ghi trên liên tử xứng đáng được người Việt Nam đề cao trong hai câu hát bình dân:

Thương chồng nấu cháo cao lương, Nấu canh hoa bí, nấu chè hột sen.

Nhụy hoa sen gọi là liên nhụy dùng để ướp trà. Đó là trà sen hay liên hoa trà (lian hua cha) có tác dụng làm mát cơ thể và dễ ngủ.

Gương sen tức liên phòng được xem như nhuận tiểu.

Củ sen hay liên căn, sắc với hột lười ươi Stercularia lynchnophora và hột gòn Ceiba petandra để làm thuốc điều kinh. Củ sen cũng được dùng để trị tiêu chảy, trĩ, chống u bướu. Vì đặc tính chống u bướu mà các nhà khoa học cố tìm xem liên hoa có hoạt chất kháng ung thư hay không?

Nhụy đắng trong hột sen gọi là liên tâm, có tính nhuận trường và có khả năng trị chứng mất ngủ. Hột sen vẫn luôn luôn được xem như thuốc an thần, làm điều hòa mạch tim để có giấc ngủ ngon.

Ngoài tính đa dụng, sen còn là biểu tượng quan trọng đối với Ấn Giáo, Phật Giáo Đại Thừa, Phật Giáo Tiểu Thừa và Hoàng Giáo Tây Tạng. Hoa sen tượng trưng cho sự cao khiết và thanh sạch của thân thể, ngôn từ và tâm hồn. Hoa Sen là hoa thiêng đối với người Ấn Độ. Nó gắn liền với Thần Vishnu, Nữ Thần Thịnh Vượng, Lashmi, Thần Ganga, Ganesh và Nữ Thần Sarasvati của Ấn Giáo tức đạo Bà La Môn. Hoa sen trắng (Bạch Liên) gắn liền với Nữ Thần Sarasvati. Người ta thấy những bức tượng hay tranh vẽ các vị Thần Ấn Giáo, Đức Phật Gautama Sidharta, Phật Di Đà, Phật Quán Thế Âm Bồ Tát… ngồi hay đứng trên tòa sen. Hoa sen trở thành đề tài hội họa hay điêu khắc của các nghệ nhân Ấn Giáo và Phật Giáo. Trong truyện kể về sự tích Đức Phật chúng ta được biết vào ngày Đức Phật giáng sinh, Người nhảy bảy bước và có bảy tòa sen nở ra.

Trong huyền thoại Hy Lạp có chuyện Odysseus gặp một nhóm người ăn gương sen (liên phòng) và trở nên mộng mị đến nỗi quên tất cả mọi việc xảy ra trước mắt. Người Hy Lạp gọi những người ăn gương sen nầy là lotophagi hay lotophagol. Chất ma túy tạo ghiền và gây ảo ảnh do sự hiện diện của alkaloid nuciferine C19 H21 NO2 trong gương sen mà ra. Huyền thoại nầy gợi nhớ lại tính trợ tim, an thần, dễ ngủ của liên tử và liên phòng trước khi những dược tính trên được các thầy thuốc phát hiện và công nhận.

Tương truyền rằng Đông Đôn Hầu say đắm bước đi yểu điệu của vợ là Phàn Phi. Ông ra lịnh đúc hoa sen bằng vàng để Phàn Phi bước trên đó và loan truyền rằng mỗi bước đi của người đẹp Phàn Phi nở ra một đóa hoa sen vàng như mỗi bước nhảy của Phật ngày giáng sinh vậy. Từ đó có các từ gót vàng, gót sen vàng thiêng liêng và quí giá vô vàn.

Bạch Liên (Sen Trắng) là dấu hiệu của Phật Giáo Hòa Hảo ra đời trên châu thổ sông Cửu Long vào năm 1939. Cờ Bạch Liên là cờ của Cộng Hòa Kalmykia ở Nga. Năm 1970 ông Vũ Văn Mẫu ra tranh cử Thượng Viện VNCH cũng lấy dấu hiệu Hoa Sen.

Trong thập niên 1950 ở Sài Gòn có gánh hát Hoa Sen. Ở Huế có một điệu vũ triều đình trong đó mỗi vũ công đều cầm hoa sen trên tay khi vũ theo tiếng nhạc.

Trong Yoga có thế tọa hoa sen.

Ca dao Việt Nam nói về hoa sen như sau:

Trong đầm gì đẹp bằng sen, Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.  Nhụy vàng bông trắng lá xanh, Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Hoa Sen là quốc hoa của Ấn Độ và Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam với hai ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.

Ấn Độ xem Hoa Sen như biểu tượng của sự thanh khiết gắn liền với các Thần trong tín ngưỡng lâu đời của họ: Bà La Môn Giáo hay Ấn Giáo (Brahmanism-Hinduism) như đã trình bày ở phần trên.

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam theo chủ nghĩa Cộng Sản. Chắc chắn họ không bao giờ thừa nhận biểu tượng có màu sắc tôn giáo với ý nghĩa trừu tượng. Người Cộng Sản Việt Nam chọn Hoa Sen là biểu tượng cho giai cấp vô sản trong xã hội. Con sen là người thuộc giai cấp thấp nhất trong thang giai cấp xã hội Việt Nam. Hoa sen trở thành biểu tượng của sự vươn lên của giai cấp vô sản từ lớp bùn đen của xã hội nhưng:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Người Cộng Sản Việt Nam tôn thờ đảng Cộng Sản và lãnh tụ đảng của họ: Hồ Chí Minh. Xã sinh quán của ông Hồ Chí Minh là xã Kim Liên, còn được gọi nôm na là làng Sen nổi tiếng với hai câu ca dao:

Làng Sen lấy khố thay quần, Hết khoai rồi cháo xoay dần quanh năm.

như một sự tiên tri về chế độ vô sản mà ông Hồ Chí Minh sẽ thiết lập ở Việt Nam sau nầy. Và để đề cao hoa sen, làng Sen của lãnh tự đảng, các thi sĩ Cộng Sản không ngần ngại cho ra đời những câu “ca dao thời đại” như sau:

Tháp Mười đẹp nhất hoa sen, Việt Nam đẹp nhất là tên Bác Hồ.

(Hồ Chí Minh không phải là tên khai sinh của lãnh tụ đảng Cộng Sản Việt Nam. Tên thật của ông là Nguyễn Sinh Cung, đổi loại thành Nguyễn Tất Thành, con của phó bảng Nguyễn Sinh Sắc hay Huy và bà Hoàng Thị Loan. Chị của ông là Nguyễn thị Bạch Liên tức Thanh – Sen Trắng, của làng Sen – Kim Liên.

Đó là nguồn gốc của sự lựa chọn hoa sen làm quốc hoa của CHXHCNVN.

***

Hoa Súng giống như hoa sen nhưng nhỏ hơn. Hoa đẹp màu trắng, đỏ-tím hay vàng nhạt, nhụy vàng nhưng không có hương thơm như hoa sen. Lá hoa súng cũng giống như lá sen nhưng nhỏ hơn. Súng cũng có củ.

hoa sung 3

Tên khoa học của hoa súng là Nymphaea lotus (lotus: sen vì hoa to nên dễ bị nhầm lẫn giữa hoa sen và hoa súng) hay Nymphaea alba, Nymphaea stellata thuộc gia đình Nymphaeaceae. Người Anh gọi hoa súng là water lily (hoa huệ nước), tiger lotus (sen hổ), white water lily (huệ nước trắng) hay Egyptian water lily (huệ nước Ai Cập vì cách đây 4.000 năm vua chúa và dân Ai Cập rất trân quí hoa súng. Nymphaea lotus vì có hoa to và dược tính tốt. Hoa súng xanh mang tên khoa học Nymphaea caerulea được trân quí vì màu sắc lạ và hương thơm. Hoa súng xanh được gọi là Blue Lotus rất nổi tiếng. Đó là biểu tượng của Thần thẩm mỹ và may mắn Nefertem. Hoa súng xanh nở vào buổi sáng. Hoa khép lại và chìm dưới nước lúc xế chiều.

Hoa súng được tìm thấy ngoài thiên nhiên ở những ao, hồ, đầm lầy ẩm ướt ở vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới. Người ta cũng trồng súng như trồng sen trong ao hay trong ao cảnh trong vườn. Trong các ao cảnh trong vườn ở Âu-Mỹ người ta trồng súng chớ không trồng sen vì lá súng nhỏ nên không choán nhiều diện tích trên mặt hồ.

Người Ai Cập cổ xem hoa súng là biểu tượng của Thái Dương và sự Tái Sinh. Hoa súng được dùng để cúng Thần và người chết. Vào thời bấy giờ người ta ngâm hoa súng trong rượu đế có chất ma túy và dùng rượu ngâm hoa súng nầy như thuốc kích dục và cường dương. Người ta còn cường điệu rằng hoa súng mạnh hơn thuốc Viagra thời nay, bổ hơn sâm Cao Ly (Triều Tiên) Panax ginseng và trái bạch quả Ginkgo biloba mà mà Đông Y đề cao. Sự cường điệu nầy có vẻ phù hợp với thực tế khi xét về thành phần hóa học của hoa súng dồi dào nuciferine C19 H21 NO2, một alkaloid đặc biệt có nhiều trong hoa sen. Nuciferine được dùng để chửa chứng bất lực sinh lý. Ngoài ra hoa súng còn có apomorphine C17 H17 NO2, phytosterol, bioflavonoids, phosphoiesterose, glucose, fructose, sucrose, mannitol, raffinose, amino ác xít, ác xít galacturonic.

hoa sung 4

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà khảo cổ tìm thấy dấu vết của lá và hoa súng trong cổ mộ của vua Ramses II (ngự trị từ năm 1304-1237 trước Tây Lịch) và nhiều bút tích về việc dùng hoa súng trong đời sống sinh lý của nam nữ thanh niên Ai Cập thời cổ. Nuciferine C19 H21 NO2 và apomorphine C17 H17 NO2 là hai alkaloids được xem như có chất ma túy được dùng để trị chứng bất lực sinh lý và bịnh Parkinson.

Trong cổ y thư Ayurveda của Ấn Độ hoa súng Nymphaea lotus được dùng để trị tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa, bịnh đường tiểu, bịnh thận, sốt, trĩ, mất ngủ, rắn cắn, tiểu đường. Hột hoa súng nghiền trong nước dùng để trị tiểu đường.

Người Da Đỏ ở Mỹ Châu dùng hoa súng Nymphaea alba và Nymphaea odorata làm thuốc kích dục. Súng Nymphaea odorata cho hoa màu trắng và có hương thơm (odorata) nên được người Anh gọi là fragrant water lily (huệ nước có hương thơm). Loại súng hoa trắng và có hương thơm nầy được dùng làm thuốc trị ho lao, ung thư tử cung, bịnh bàng quang. Hoạt chất lấy từ lá hay cọng súng Nymphaea odorata trị bịnh gan, làm giảm đường trong máu, giảm chất mở trong máu và nước tiểu của người bị bịnh tiểu đường (thí nghiệm thành công trên chuột bị tiểu đường).

Người Việt Nam không quan tâm đến dược tính của hoa súng mà chỉ dùng ngó hoa súng trộn với giá đậu và các loại rau thơm hay thủy thảo miền nhiệt đới để ăn mắm và rau mà thôi.

***

Thân thuộc xa của hoa súng là Hoa Súng Gai hay khiếm thực mang tên khoa học Euryale ferox thuộc gia đình Nymphaeaceae. Chữ ferox có nghĩa là hung tợn để ám chỉ thân có nhiều gai của loại thủy thảo nầy. Súng gai (khiếm thực) được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên, Nga. Người Trung Hoa đã trồng và dùng khiếm thực từ 3.000 năm nay. Súng gai có củ mọc dưới bùn. Lá to màu xanh. Đường kính có thể đến 1m (to hơn lá súng nhưng nhỏ hơn lá sen). Hoa súng gai giống như hoa súng. Hoa có nhiều cánh màu đỏ-tím, nhụy vàng khá đẹp. Trái to như trái chanh lớn và có hột như hột đậu to có nhiều tinh bột. Hột rang ăn ngon hay để lấy dầu. Người Anh gọi súng gai là prickly water lily, fox nut, gorgon plant.

4 1

Cọng súng gai dài từ 1 – 3m, có gai tua tủa. Trái, cọng, hột khiếm thực đều ăn được. Hột có chất vôi, sắt, potassium, phosphorus, protein v.v…

Theo cổ y Ấn Độ và Trung Hoa hột khiếm thực được dùng như thuốc bổ thận, bổ tỳ, kích dục, làm giảm đau nhức, trị kiết lỵ, bạch huyết, yếu thận, bất lực sinh lý, xuất tinh sớm, di mộng tinh v.v. Hột khiếm thực có tocopherols chống ốc xy hóa. Ngoài ra còn có 12 amino ác xít: histidine, leucine, isoleucine, ác xít glutamic, lysine, tyrosine, valine, aspartic, threonine, alanine, methionine, arginine.

***

Hoa sen, hoa súng và hoa súng gai (khiếm thực) không cùng dòng thảo mộc, cũng không cùng gia đình thảo mộc, nhưng cả ba loại thủy thảo trên có:

– Hình dáng hao hao giống nhau (lá và hoa hao hao giống nhau). – Môi trường sống như nhau: dưới nước có bùn sình. – Thân, hoa, củ, hột ăn được. – Dược tính tốt: cả ba đều có tính kích dục và được dùng để trị di mộng tinh, bất lực sinh lý. Hoa sen và hoa súng đều có nuciferine C19 H21 NO2 và apomorphine C17 H17 NO2. Hoa súng được các vua Ai Cập và dân chúng trân quí vào thời cổ vì tính kích dục và cường dương tráng thận của nó.

Hoa sen vượt hẳn hai loại thủy thảo kia về hương, sắc, kích thước và tính biểu tượng thiêng liêng của nó. Hoa sen là hoa thiêng của Ấn Giáo (Hinduism), Phật Giáo Đại Thừa (Mahayana Buddhism), Phật Giáo Tiểu Thừa (Hinayana Buddhism), Hoàng Giáo Tây Tạng (Lamaism). Hoa sen được Ấn Độ và Việt Nam chọn làm quốc hoa. Hoa sen đi vào văn chương, thi ca, âm nhạc, nghệ thuật, thuật ẩm thuật và y dược trị liệu của nhân loại. Đó là một loài hoa hữu hương, hữu sắc và hữu dụng với ưu điểm đặc thù bất biến với thời gian và không gian:

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Từ khóa » Súng Và Sen