So Sánh Tiền Lệ Pháp Và Tập Quán Pháp

Tiền lệ pháp và Tập quán pháp là các hình thức pháp luật phổ biến trên thế giới hiện nay bên cạnh văn bản quy phạm pháp luật.

1. Tập quán pháp

Tập quán pháp là tập quán được pháp luật thừa nhận có giá trị pháp lý, trở thành những quy tắc xử sự chung và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Đây được xem như một nguồn bổ trợ, nhất là khi nhiều quan hệ xã hội chưa được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật.

Nhà nước thừa nhận tập quán thành tập quán pháp bằng nhiều cách thức khác nhau, có thể liệt kê danh mục các tập quán được nhà nước thừa nhận, viện dẫn các tập quán trong pháp luật thành văn, áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc phát sinh trong thực tiễn…

Tập quán pháp có thể được tạo ra từ hoạt động của cơ quan lập pháp, cũng có thể được tạo ra từ hoạt động của các cơ quan tư pháp khi áp dụng tập quán để giải quyết một vụ việc cụ thể.

Song, nhà nước thường chỉ thừa nhận những tập quán không trái với những giá trị đạo đức xã hội và trật tự công cộng.

Ưu điểm của tập quán pháp: Tập quán pháp xuất phát từ những thói quen, những quy tắc ứng xử từ lâu đời nên đã ngấm sâu vào tiềm thức của nhân dân và được nhân dân tự giác tuân thủ góp phần tạo nên pháp luật và nâng cao hiệu quả của pháp luật; Góp phần khắc phục tình trạng thiếu pháp luật, khắc phục các lỗ hổng của pháp luật thành văn.

Hạn chế của tập quán pháp: Tập quán pháp tồn tại dưới dạng bất thành văn nên thường được hiểu một cách ước lệ, nó thường có tính tản mạn, địa phương, khó bảo đảm có thể được hiểu và thực hiện thống nhất trong phạm vi rộng.

2. Tiền lệ pháp

Tiền lệ pháp (Hay còn gọi là án lệ) là những bản án, quyết định của chủ thể có thẩm quyền khi giải quyết các vụ việc cụ thể, được nhà nước thừa nhận có chứa đựng khuôn mẫu để giải quyết các vụ việc khác tương tự.

Tiền lệ pháp có thể được thể hiện trong các bản án, quyết định hành chính, tư pháp. Song, các quốc gia trên thế giới thường chỉ thừa nhận tiền lệ pháp do Tòa án tạo ra, vì vậy ngày nay tiền lệ pháp còn được gọi là án lệ. Ví dụ, các án lệ được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao của Việt Nam công bố.

Trên thực tế có hai loại án lệ, một là án lệ tạo ra quy phạm pháp luật, nguyên tắc pháp luật mới, đây là loại án lệ cơ bản, án lệ gắn với chức năng sáng tạo pháp luật của Tòa án; hai là, án lệ hình thành bởi quá trình Tòa án giải thích các quy định trong pháp luật thành văn.

Ưu điểm của tiền lệ pháp: Dễ dàng được xã hội chấp nhận; có tính linh hoạt, hợp lý, phù hợp với thực tiễn cuộc sống; góp phần khắc phục những lỗ hổng, những điểm thiếu sót của văn bản quy phạm pháp luật.

Hạn chế của tiền lệ pháp: Tính khoa học không cao bằng văn bản quy phạm pháp luật; thủ tục áp dụng án lệ phức tạp, đòi hỏi người áp dụng phải có hiểu biết pháp luật một cách thực sự sâu, rộng.

Từ khóa » Ví Dụ Về Tập Quán Pháp Và Tiền Lệ Pháp