Sổ Tay Sinh Viên - Cao Đẳng Thực Hành FPT Polytechnic
Có thể bạn quan tâm
Bạn sinh viên thân mến!
Chào mừng bạn đến với gia đình FPT Polytechnic!
Ngôi nhà FPT Polytechnic rất tự hào chào đón bạn với tư cách là thành viên của một gia đình lớn. Chúng tôi mong muốn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm hoàn toàn khác biệt về một môi trường học tập thân thiện với chương trình đào tạo thú vị, mang tính thực tiễn cao. FPT Polytechnic cũng mong muốn mang lại cho bạn những điều kiện tốt nhất để thực hiện một trong những mục đích quan trọng nhất của đời mình, đó là: Trở thành một chuyên viên có kỹ năng và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực mà bạn đã lựa chọn.
Là một tập đoàn lớn với hơn một phần tư thế kỷ hoạt động, FPT đã đóng góp nhiều tri thức có giá trị, sự sáng tạo bền bỉ cùng những thành tựu công nghệ vượt trội vào sự thịnh vượng chung của đất nước. Với hơn 15 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ đào tạo chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, FPT mong muốn xây dựng một đơn vị đào tạo thực hành sâu về chuyên môn, lớn về quy mô và đa dạng về ngành nghề. FPT Polytechnic tin tưởng sẽ đóng góp nguồn nhân lực với quy mô lớn và chất lượng tay nghề tốt vào tiến trình phát triển của đất nước.
Với mỗi sinh viên FPT Polytechnic, các bạn sẽ nhận được sự tôn trọng, song cũng cần tôn trọng người khác và tôn trọng chính mình. Bên cạnh việc trau dồi kiến thức, xây dựng một tính cách trung thực, một tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi, nêu cao ý thức trách nhiệm với bản thân ngay ở thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai là điều tối cần thiết. Bởi lẽ, chỉ có bạn mới quyết định được tương lai của chính mình, bên cạnh sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội.
Cuốn Sổ tay sinh viên cung cấp những thông tin chi tiết về các quy định cũng như môi trường học tập, tạo điều kiện thuận lợi cho bạn trong quá trình học tập tại FPT Polytechnic. Nhà trường mong muốn các bạn sẽ sớm hòa nhập và cùng chúng tôi xây dựng nên một môi trường chuyên nghiệp, nhân văn và hiệu quả.
Chúc bạn thành công trong cuộc sống và sự nghiệp!
Ban giám hiệu
Mục lục
- 1 PHẦN I
- 2 QUY CHẾ – QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO
- 3 Chương 1: Làm quen với các khái niệm tại FPT Polytechnic
- 4 NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
- 4.1 Điều 1: Sinh viên
- 4.2 Điều 2: Khóa học
- 4.3 Điều 3: Học kỳ
- 4.4 Điều 4: Học phần
- 5 Chương 2: Trách nhiệm của sinh viên và nhà trường
- 5.1 Điều 6: Trách nhiệm của sinh viên
- 5.2 Điều 7: Trách nhiệm của Nhà trường
- 6 Chương 3. Tổ chức đào tạo
- 6.1 Điều 8: Triết lý đào tạo
- 6.2 Điều 10: Tổ chức lớp học
- 6.3 Điều 11: Kế hoạch học tập
- 6.4 Điều 12: Kế hoạch học lại
- 6.5 Điều 13: Điểm danh trong giờ học
- 6.6 Điều 14: Tạm ngừng học kỳ
- 6.7 Điều 17: Điều kiện bị buộc thôi học
- 6.8 Điều 18: Điều kiện chuyển chuyên ngành học
- 7 Chương 4. Đánh giá và xếp loại học tập
- 7.1 Điều 19: Điều kiện Dự thi & Đánh giá học phần
- 7.2 Điều 20: Đánh giá học phần học
- 7.3 Điều 21: Tổ chức đánh giá và thi
- 7.4 Điều 23: Xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm các quy định về thi, kiểm tra
- 7.5 Ðiều 24: Thang điểm đánh giá
- 7.6 Điều 25: Cách tính điểm trung bình học kỳ
- 8 Chương 5: Thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp
- 8.1 Điều 26: Điều kiện dự thi tốt nghiệp
- 8.2 Điều 27: Đối tượng dự thi tốt nghiệp
- 8.3 Điều 28: Hội đồng thi tốt nghiệp
- 8.4 Điều 29: Tổ chức thi tốt nghiệp
- 8.5 Điều 30: Chấm thi tốt nghiệp
- 8.6 Điều 31: Công nhận tốt nghiệp
- 8.7 Điều 32: Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp
- 8.8 Điều 33: Xếp loại tốt nghiệp
- 9 Chương 6: Quy chế khen thưởng, kỷ luật
- 9.1 Điều 34: Quy chế khen thưởng
- 10 PHẦN II
- 11 THÔNG TIN VỀ CÔNG TÁC SINH VIÊN
- 12 Chương 7. Khái quát về Công tác sinh viên
- 13 Chương 8. Các khu vực hoạt động của Công tác sinh viên
- 14 Chương 9 . Đoàn và hoạt động phong trào sinh viên
- 15 PHẦN IV
- 16 HƯỚNG DẪN TỰ HỌC
- 17 PHẦN V
- 18 MỘT SỐ QUI ĐỊNH TÀI CHÍNH SINH VIÊN
PHẦN I
QUY CHẾ – QUY ĐỊNH VỀ ĐÀO TẠO
Chương 1: Làm quen với các khái niệm tại FPT Polytechnic
- Assignment: Bài tập lớn học phần phải hoàn thành theo giai đoạn. Sinh viên vận dụng kiến thức của môn học để thực hiện assignment nhằm tạo ra một sản phẩm cụ thể mang tính thực tiễn cao.
- Lab: Bài tập thực hành có nội dung liên quan đến buổi học lý thuyết đã học. Sinh viên vận dụng kiến thức của bài học để thực hiện.
- Quiz: Câu hỏi trắc nghiệm thực hiện vào đầu buổi thực hành các môn Công nghệ thông tin.
- Progress test: Bài kiểm tra tiến trình các môn Kinh tế hoặc môn Cơ bản bằng hình thức trắc nghiệm hoặc tự luận.
- Project (Đồ án giai đoạn): Dự án phải thực hiện sau một giai đoạn học nhất định. Sinh viên vận dụng kiến thức của một hoặc nhiều môn học trong một giai đoạn để thực hiện và kết quả của project là một sản phẩm mang tính thực tiễn cao.
- Đề cương học phần: Chi tiết nội dung và lịch trình học của học phần.
NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
Điều 1: Sinh viên
- Sinh viên là người đáp ứng được các yêu cầu đầu vào và hoàn tất mọi thủ tục nhập học của FPT Polytechnic.
- Mỗi sinh viên vào FPT Polytechnic được cấp một mã số riêng, tài khoản email, tài khoản truy cập vào các hệ thống của nhà trường. Những tài sản này được cấp cố định cho sinh viên trong suốt thời gian theo học tại nhà trường.
- Sinh viên vào khuôn viên nhà trường phải đeo thẻ sinh viên, mặc trang phục phù hợp với môi trường giáo dục. Sinh viên vi phạm quy định trên sẽ không được vào nhà trường, không được tiếp đón khi liên hệ giải quyết công việc với các phòng ban, khoa chức năng.
Điều 2: Khóa học
Khóa học là thời gian đào tạo tại FPT Polytechnic từ khi nhập học đến khi tốt nghiệp ra trường. Kết thúc khóa học, sinh viên được cấp bằng Cao đẳng nghề hệ chính quy do trường Đại học FPT cấp theo đúng quy định của Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội.
Điều 3: Học kỳ
Học kỳ là khoảng thời gian nhất định bao gồm một số tuần dành cho giảng dạy, học tập và đánh giá kiến thức (kiểm tra, thi, bảo vệ…). Thông thường, một học kỳ tại FPT Polytechnic kéo dài khoảng 15-16 tuần.
Một năm, nhà trường tổ chức triển khai 03 học kỳ: Spring, Summer và Fall, lần lượt bắt đầu vào tháng 1, tháng 5 và tháng 9.
Điều 4: Học phần
Học phần là khối lượng kiến thức tương đối trọn vẹn, thuận tiện cho sinh viên tích lũy trong quá trình học tập. Mỗi học phần ứng với một hệ số môn do FPT Polytechnic quy định, tương ứng với thời lượng và tầm quan trọng của môn học. Kiến thức trong mỗi học phần được kết cấu riêng như một phần của môn học, hoặc được kết cấu dưới dạng tổ hợp từ nhiều môn học. Mỗi môn học được ký hiệu bằng một mã số (mã môn) riêng do nhà trường quy định.
Trong chương trình có một số học phần không sử dụng kết quả học phần vào việc tính điểm trung bình học kỳ và trung bình tích lũy nhưng sinh viên phải hoàn tất thì mới đủ điều kiện để bắt đầu học tập hoặc để cấp bằng tốt nghiệp (Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất). Các học phần này gọi là học phần điều kiện.
Điều 5: Các hệ thống thông tin
Hệ thống LMS (lms.poly.edu.vn) và AP (ap.poly.edu.vn) là hệ quản lý học tập tiên tiến được áp dụng tại FPT Polytechnic, nhằm nâng cao hiệu quả học tập, tương tác, trao đổi tài nguyên cũng như thông tin giữa giảng viên – người hướng dẫn và sinh viên, đồng thời tạo môi trường học tập hiện đại, hiệu quả khi quản lý việc học và quá trình học tập của sinh viên.
- LMS (lms.poly.edu.vn): Sinh viên sử dụng để tra cứu và download tài liệu các môn học; sinh viên phải gia nhập lớp đã được phòng Tổ chức và Quản lý đào tạo xếp lớp để làm các bài kiểm tra (Quiz), nộp các bài thực hành cho giảng viên.
- AP (ap.poly.edu.vn): Sinh viên đăng nhập để xem lịch học các môn, xem điểm thi, điểm tổng kết, điểm thành phần các môn đã học; đưa ý kiến phản hồi tới nhà trường.
Chương 2: Trách nhiệm của sinh viên và nhà trường
Điều 6: Trách nhiệm của sinh viên
- Thông báo cho nhà trường bất kỳ thay đổi nào về địa chỉ liên lạc, số điện thoại hoặc email…thông qua cán bộ Quan hệ sinh viên (phòng Công tác sinh viên).
- Thường xuyên cập nhật lịch học và lịch thi, hạn nộp bài cho các đề án và các bài tập nghiên cứu trên hệ thống cổng thông tin học tập, qua email.
- Kiểm tra kết quả học tập và đảm bảo rằng đã nhận được thông báo chính thức bằng văn bản.
- Lưu trữ cẩn thận tất cả các giấy tờ có liên quan.
- Lưu các bản copy của tất cả các bài tập đã nộp.
Điều 7: Trách nhiệm của Nhà trường
Mục đích của phần này là giúp sinh viên nắm rõ những quy định, luật lệ, quy tắc phải tuân theo dưới danh nghĩa là một sinh viên của nhà trường. Tuy nhiên, FPT Polytechnic cũng tuyên bố rằng, chúng tôi xác nhận quyền và nghĩa vụ của mọi sinh viên đang theo học. Do đó, sinh viên nên lưu ý các điều khoản sau về trách nhiệm của nhà trường:
- FPT Polytechnic có trách nhiệm duy trì và thường xuyên kiểm tra bảng xếp hạng sinh viên của nhà trường.
- FPT Polytechnic có trách nhiệm duy trì và thường xuyên kiểm tra các quy định sư phạm. Những trường hợp bị nghi ngờ vi phạm các quy định của nhà trường sẽ được xử lý theo quy định.
- Giải quyết ý kiến, thắc mắc, khiếu nại của sinh viên, phụ huynh về chất lượng đào tạo dịch vụ tuân theo các thủ tục do nhà trường đề ra.
Chương 3. Tổ chức đào tạo
Điều 8: Triết lý đào tạo
Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế theo hướng dự án cho từng học kỳ và bài tập thực tế theo mỗi học phần. Theo đó, nhà trường đưa công việc thực tế ở các doanh nghiệp vào bài học. Sinh viên sẽ được giao các nhiệm vụ, dự án ngay khi bắt đầu học phần hoặc học kỳ để từng bước học hỏi và hoàn thiện nhiệm vụ được giao.
Để thực hiện được chương trình học trên, nhà trường tạo môi trường học tập giống doanh nghiệp với việc tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình học. Sinh viên được giao nhiệm vụ giống như nhân viên trong doanh nghiệp.
Giờ học được tổ chức để giao việc và kiểm soát công việc. Khi đó, giảng viên sẽ đóng vai trò là người hướng dẫn và dẫn dắt, từ đó xây dựng tinh thần tự học, không ngừng học hỏi để đáp ứng nhu cầu phát triển tri thức ngày càng tăng của xã hội hiện đại. Nhà trường cũng áp dụng việc kiểm tra liên tục, kiểm tra tiến trình nhằm đảm bảo sinh viên hiểu bài, làm được bài sau mỗi buổi học mà không phụ thuộc vào may rủi của thi cuối kỳ.
Với cách học này, sinh viên sẽ có điều kiện phát huy cao tính sáng tạo, từ đó định hướng rõ ràng về mục đích môn học, chủ động trong việc tự tìm tòi kiến thức. Đây là cách để sinh viên làm quen với những yêu cầu của công việc sau này. Sinh viên cần tự chịu trách nhiệm về lịch trình học của mình.
Điều 9: Chế độ đào tạo
Chương trình đào tạo tại Hệ cao đẳng nghề chính quy FPT Polytechnic được tiến hành bằng việc sinh viên tích lũy các học phần cụ thể, phù hợp với từng khóa học theo quy định của nhà trường. Khối lượng môn học hay còn gọi là hệ số môn (trọng số môn học) được quy định theo các đề cương chi tiết học phần cụ thể.
Các hình thức đào tạo được FPT Polytechnic triển khai, bao gồm:
- Đào tạo lý thuyết trên lớp.
- Thực hành thực tế.
- Trao đổi học tập thường xuyên, liên tục giữa sinh viên với đội ngũ giảng viên.
- Tự học trực tuyến thông qua hệ thống hỗ trợ học tập của nhà trường.
Điều 10: Tổ chức lớp học
- FPT Polytechnic tiến hành tổ chức phân lớp theo từng ngành học và từng đợt nhập học. Mỗi lớp học có không quá 40 sinh viên và được đánh mã số lớp để sinh viên có thể theo dõi lịch học tập. Mỗi lớp sẽ có đội ngũ cán bộ lớp đại diện giải quyết các vấn đề của cả lớp.
- Trong những trường hợp đặc biệt khác, Giám đốc cơ sở đào tạo FPT Polytechnic quyết định số lượng sinh viên/lớp.
Điều 11: Kế hoạch học tập
Đầu mỗi học kỳ, phòng Tổ chức và Quản lý đào tạo của từng cơ sở FPT Polytechnic thông báo kế hoạch học tập cụ thể của sinh viên các khóa trong học kỳ. Kế hoạch học tập được công bố và cập nhật trên hệ thống Academic Portal (ap.poly.edu.vn) của nhà trường. Sinh viên học theo chương trình do cơ sở bố trí.
Điều 12: Kế hoạch học lại
- Sinh viên có học phần không đạt vì bất cứ lý do gì đều phải đăng ký học lại học phần đó ngay trong học kỳ hoặc ở các học kỳ tiếp sau cho đến khi đáp ứng đủ các yêu cầu của học phần đó.
- Sinh viên được phép đăng ký học lại học phần đã đạt để cải thiện điểm. Trong trường hợp này, kết quả đã đạt lần trước sẽ bị hủy bỏ.
- Sinh viên được bố trí học lại tại thời điểm nào sẽ phải học lại theo đề cương chi tiết học phần được phê duyệt triển khai tại thời điểm đó. Trong các trường hợp đặc biệt, Hiệu trưởng quyết định học phần và đề cương chi tiết học phần học lại.
Điều 13: Điểm danh trong giờ học
Việc điểm danh được giảng viên thực hiện vào đầu mỗi ca học theo quy định cụ thể của nhà trường. Sinh viên không tham gia đủ số giờ học theo quy định của môn học sẽ không đủ điều kiện thi hoặc tham dự buổi đánh giá cuối môn học.
Việc điểm danh được thực hiện trên hệ thống quản lý đào tạo của nhà trường. Trong trường hợp hệ thống lỗi, giảng viên có thể điểm danh giấy, nhưng phải xin chữ ký xác nhận của Giám đốc cơ sở thì việc điểm danh mới có giá trị.
Điều 14: Tạm ngừng học kỳ
1. Sinh viên được quyền tạm ngừng học kỳ, bảo lưu kết quả của các học kỳ trước đó trong các trường hợp sau đây:
- Được phân công thực hiện các nghĩa vụ theo yêu cầu của Nhà nước.
- Bị ốm hoặc buộc phải điều trị dài hạn theo yêu cầu của cơ quan y tế.
- Nguyện vọng của sinh viên.
2. Sinh viên làm đơn xin tạm ngừng, gửi phòng Công tác sinh viên trước khi học kỳ mới bắt đầu 1 tuần. Việc tạm ngừng chỉ áp dụng theo học kỳ , mỗi đơn tạm ngừng chỉ có giá trị trong một học kỳ.
Điều 15: Tạm ngừng bắt buộc
Tạm ngừng bắt buộc do vi phạm kỷ luật: Thời gian tạm ngừng học được xác định theo quy định kỷ luật của nhà trường. Trong thời gian này, sinh viên tạm ngừng mọi hoạt động học tập tại nhà trường.
Các trường hợp tạm ngừng bắt buộc đều do nhà trường ra quyết định và sinh viên có trách nhiệm phải thực hiện.
Điều 16: Học phần chuyển đổi
Với một số học phần sinh viên đã học tại các cơ sở đào tạo khác, nếu có nhu cầu chuyển đổi thì sinh viên có thể đề nghị nhà trường xem xét. Việc phê duyệt sẽ do Giám đốc khối đào tạo cao đẳng quyết định.
Với các học phần cơ bản, sinh viên được miễn học lại, được công nhận điểm, nhưng điểm đó không được ghi vào bảng điểm do FPT Polytechnic cấp.
Điều 17: Điều kiện bị buộc thôi học
Sinh viên sẽ bị buộc thôi học nếu vi phạm một trong các điều sau:
- Sinh viên vi phạm pháp luật.
- Sinh viên không hoàn thành các nghĩa vụ về về tài chính.
- Sinh viên vi phạm kỷ luật và nội quy của nhà trường ở mức độ tương ứng theo quy định.
- Sinh viên tự ý ngừng học một học kỳ mà không đăng ký và được sự chấp thuận của nhà trường.
- Sinh viên quá thời hạn bảo lưu theo quy định của khối (2 học kỳ liên tiếp) nhưng không đăng ký học trong học kỳ mới.
- Nếu thời gian học từ lúc bắt đầu học chính thức vượt quá tổng thời lượng tối đa của khóa học theo quy định là 11 học kỳ, sinh viên sẽ bị buộc thôi học và được cấp chứng nhận cho các tín chỉ đã hoàn thành. Các tín chỉ này có thể được công nhận nếu sinh viên đăng ký học lại từ đầu một khóa học.
Điều 18: Điều kiện chuyển chuyên ngành học
Sinh viên được quyền chuyển nội bộ từ chuyên ngành này sang chuyên ngành khác trong phạm vi đào tạo của FPT Polytechnic theo nguyện vọng cá nhân. Sinh viên cần làm đơn đề nghị nhà trường xem xét, giải quyết. Nếu được chuyển ngành, sinh viên sẽ được bảo lưu kết quả học tập của các học phần học chung, phải học bổ sung và nộp học phí cho tất cả những học phần còn thiếu.
Sinh viên có thể được phép học song song tối đa 2 (hai) chuyên ngành theo quy định cụ thể của nhà trường và được công nhận kết quả của những môn học trùng nhau (miễn học lại).
Chương 4. Đánh giá và xếp loại học tập
Điều 19: Điều kiện Dự thi & Đánh giá học phần
Điều kiện dự thi cuối học phần hoặc tham dự đánh giá cuối học phần được quy định cụ thể trong Đề cương chi tiết học phần.
- Sinh viên vắng mặt tại kỳ thi hoặc buổi đánh giá mà không có lý do chính đáng được xác nhận sẽ nhận điểm 0.
- Các trường hợp khác do Trưởng ban đào tạo quyết định.
Điều 20: Đánh giá học phần học
Sinh viên được quyền tham dự thi hết môn 2 lần/học phần. Đối với môn học có đánh giá, bảo vệ Assignment/Dự án, sinh viên chỉ được quyền tham dự đánh giá 1 (một) lần duy nhất; nếu không đạt, sinh viên bị coi là trượt.
Các điểm thành phần của học phần được làm tròn đến một chữ số thập phân. Mỗi môn học chỉ có một điểm tổng kết. Điểm này được tính dựa trên sự tích lũy các điểm thành phần như Lab, Progress test, Quiz, Assignment, thi (nếu có). Trọng số của các điểm thành phần được quy định ở đề cương chi tiết học phần đầu học kỳ. Điểm đạt của môn học là từ 5,0 trở lên theo thang điểm 10.
Sinh viên phải thực hiện các bài Lab, Progress test, Quiz, Assignment và Project (nếu có) trong khoảng thời gian được công bố dưới sự hướng dẫn, giám sát của giảng viên và trợ giảng.
Ở mỗi môn học, các bài Assignment sẽ được giao cho nhóm hoặc từng sinh viên. Theo tiến độ được quy định tại đề cương chi tiết học phần, sinh viên hoặc nhóm sẽ phải hoàn thành Assignment theo từng giai đoạn.
Đánh giá cuối mỗi môn học có thể là bảo vệ Assigment hoặc thi cuối môn học, tùy theo yêu cầu của đề cương mỗi môn học. Điểm này được coi là đạt, nếu sinh viên đạt 5/10 điểm trở lên.
Học phần Dự án (Project) được coi là một học phần và sẽ được giới thiệu ngay ở đầu học kỳ. Sinh viên phải tự mình chủ động làm Project theo yêu cầu, với một số buổi được hướng dẫn và phải tham gia buổi bảo vệ Project vào cuối học kỳ.
Ngày tổ chức thi/đánh giá được thông báo trong lịch trình học của kỳ học. Trường hợp có sự thay đổi sẽ được thông báo tới sinh viên qua các kênh thông tin nội bộ bao gồm: Bảng tin, Academic Portal và Email của nhà trường.
Kết quả môn học sẽ được thông báo sau 5 ngày làm việc, tính từ thời điểm kết thúc môn học.
Điều 21: Tổ chức đánh giá và thi
- Các bài tập, bài kiểm tra, đánh giá trong quá trình do giảng viên đứng lớp và bộ môn tổ chức thực hiện. Trong trường hợp cần thiết, giảng viên và bộ môn có thể đề nghị Phòng Tổ chức & Quản lý đào tạo hỗ trợ, nhưng trách nhiệm chính thuộc về giảng viên và bộ môn.
- Các bài thi giữa kỳ (nếu có) và thi cuối học phần do Phòng Tổ chức & Quản lý đào tạo của nhà trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo tiêu chuẩn chung (chung đề, chung lịch) cho tất cả các lớp. Việc ra đề thi và chấm thi được tiến hành không phụ thuộc vào giảng viên của từng lớp.
- Hình thức kiểm tra, thi của từng học phần (tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp hoặc bài tập, trên máy tính hay trên giấy) được quy định trong Đề cương chi tiết học phần.
Điều 22: Phúc tra kết quả thi
Sinh viên có quyền khiếu nại lên phòng quản lý đào tạo cơ sở trong vòng 1 tuần kể từ khi thông báo kết quả môn học và phải nộp lệ phí phúc tra đối với các môn tổ chức thi. Phí này chỉ được hoàn trả trong trường hợp có điều chỉnh điểm số của môn học. Lưu ý, các môn tổ chức bảo vệ Assigment thì không phúc tra, mọi thắc mắc, khiếu nại của sinh viên được Hội đồng giải quyết ngay lúc bảo vệ.
Điều 23: Xử lý kỷ luật đối với sinh viên vi phạm các quy định về thi, kiểm tra
Trong quá trình học tập và thi cử, sinh viên vi phạm quy chế đào tạo và nội quy kỳ thi sẽ chịu kỷ luật mức cao nhất theo quy chế của nhà trường.
Ðiều 24: Thang điểm đánh giá
Ðiểm được chấm theo thang điểm 10. Thang điểm chữ và thang điểm 4 chỉ mang tính chất tham khảo, chuyển đổi khi cần thiết.
Thang điểm chính thức hệ số 10 cùng cách xếp loại kết quả học tập được quy định như sau:
Xếp loại | Thang điểm chính thức hệ 10 |
Loại Xuất sắc | có điểm từ 9,0 đến 10 |
Loại Giỏi | có điểm từ 8,0 đến dưới 9,0 |
Loại Khá | có điểm từ 7,0 đến dưới 8,0 |
Loại Trung bình khá | có điểm từ 6,0 đến dưới 7,0 |
Loại Trung bình | có điểm từ 5,0 đến dưới 6,0 |
Không đạt | có điểm dưới 5,0 |
Điều 25: Cách tính điểm trung bình học kỳ
- Điểm đánh giá bộ phận và điểm thi cuối học phần được quy đổi theo thang điểm 10, làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Điểm học phần là tổng điểm của tất cả các điểm đánh giá quá trình và đánh giá cuối học phần nhân với trọng số tương ứng. Điểm học phần làm tròn đến một chữ số thập phân.
- Điểm trung bình học kỳ hay điểm trung bình tích lũy được tính theo công thức như sau và được làm tròn đến hai chữ số thập phân:
A = | Σ ai * ni | với i từ 1 cho đến m |
Σ ni |
Trong đó:
- A là điểm trung bình học kỳ hoặc điểm trung bình tích lũy.
- ai là điểm tổng kết của học phần thứ i trong học kỳ hoặc tích lũy tại nhà trường từ khi học (không tính Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất).
- ni là hệ số của học phần thứ i.
- m là tổng số học phần của học kỳ hoặc số học phần đã tích lũy tại nhà trường (không tính tiếng Anh, Giáo dục quốc phòng, Giáo dục thể chất).
4. Điểm học phần, điểm trung bình học kỳ hay điểm trung bình tích lũy được sử dụng để xét khen thưởng, xếp loại sinh viên, xét và xếp loại tốt nghiệp.
Chương 5: Thi tốt nghiệp và công nhận tốt nghiệp
Điều 26: Điều kiện dự thi tốt nghiệp
Sinh viên được dự thi tốt nghiệp khi có đủ các điều kiện dưới đây:
1. Có kết quả học tập môn học đáp ứng được điều kiện sau:
- Điểm tổng kết môn Chính trị từ 5,0 điểm trở lên đối với người dự thi môn Chính trị.
- Phải đạt tất cả các môn trong chương trình đào tạo, ngoại trừ 2 môn Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng.
2. Không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại thời điểm tổ chức thi.
Điều 27: Đối tượng dự thi tốt nghiệp
1. Đối tượng được dự thi tốt nghiệp bao gồm:
- Sinh viên có đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp theo quy định tại Mục 5.1 của chương này.
- Sinh viên các khóa trước có đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp theo quy định tại Mục 5.1 của chương này nhưng chưa tham dự thi hoặc thi trượt tốt nghiệp, có đơn xin dự thi và được Hiệu trưởng quyết định cho phép tham dự thi tốt nghiệp theo các nội dung chưa thi tốt nghiệp hoặc thi trượt tốt nghiệp.
- Sinh viên các khóa trước không đủ điều kiện được dự thi tốt nghiệp theo quy định tại Mục 5.1 của chương này, đã tham gia học tập và rèn luyện hoàn thiện các điều kiện còn thiếu, có đơn xin dự thi tốt nghiệp và được Hiệu trưởng quyết định cho phép tham dự thi tốt nghiệp.
2. Danh sách các đối tượng dự thi tốt nghiệp phải được Hiệu trưởng phê duyệt và công bố công khai trước ngày bắt đầu tiến hành thi tốt nghiệp tối thiểu 15 ngày.
Điều 28: Hội đồng thi tốt nghiệp
1. Hội đồng thi tốt nghiệp do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập, bao gồm:
- Chủ tịch hội đồng là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo.
- Phó chủ tịch hội đồng là Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo hoặc Trưởng ban đào tạo.
- Ủy viên thư ký là Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng đào tạo.
- Các ủy viên gồm: Một số cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường (có thể mời thêm đại diện doanh nghiệp có tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp của nhà trường).
2. Hội đồng thi tốt nghiệp có trách nhiệm trợ giúp Hiệu trưởng trong các hoạt động tổ chức thi tốt nghiệp, gồm:
- Tổ chức và lãnh đạo kỳ thi tốt nghiệp theo đúng quy chế này, nội quy thi, kiểm tra cũng như công nhận tốt nghiệp của nhà trường và kế hoạch đã được Hiệu trưởng quyết định.
- Trình Hiệu trưởng ra quyết định thành lập các ban giúp việc cho Hội đồng thi tốt nghiệp, gồm:
– Ban thư ký: Do ủy viên thư ký hội đồng làm Trưởng ban.
– Ban đề thi: Do Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng kiêm nhiệm Trưởng ban. Ban đề thi gồm các tiểu ban; mỗi môn thi do một tiểu ban phụ trách; mỗi tiểu ban có số lượng không quá ba người và do một Trưởng tiểu ban phụ trách.
– Ban coi thi: Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng kiêm nhiệm Trưởng ban.
– Ban chấm thi: Do Chủ tịch hội đồng hoặc Phó Chủ tịch hội đồng kiêm nhiệm Trưởng ban. Ban chấm thi gồm các tiểu ban; mỗi tiểu ban phụ trách một môn thi tốt nghiệp và do một Trưởng tiểu ban phụ trách.
- Xét và thông qua danh sách đối tượng được dự thi tốt nghiệp; danh sách đối tượng không được dự thi tốt nghiệp, trình Hiệu trưởng duyệt và công bố.
- Bảo đảm việc thực hiện nội quy thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp.
- Xét kết quả thi tốt nghiệp và giải quyết đơn khiếu nại (nếu có). Lập danh sách sinh viên được công nhận tốt nghiệp và không được công nhận tốt nghiệp trình Hiệu trưởng xem xét, ra quyết định công nhận tốt nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hiệu trưởng giao.
Điều 29: Tổ chức thi tốt nghiệp
1. Thi môn Chính trị:
- Điểm thi cuối môn Chính trị được dùng làm điểm xét điều kiện thi tốt nghiệp.
- Kế hoạch thi môn Chính trị do Hiệu trưởng quyết định và được thông báo cho sinh viên kèm theo kế hoạch thi tốt nghiệp (chậm nhất 15 ngày trước khi diễn ra kỳ thi).
2. Thi kiến thức, kỹ năng nghề:
- Thi kiến thức, kỹ năng nghề bao gồm thi lý thuyết nghề và thi thực hành nghề.
– Thi lý thuyết nghề được tổ chức theo hình thức thi viết (tự luận hoặc trắc nghiệm) với thời gian thi không quá 180 phút, hoặc theo hình thức thi vấn đáp với thời gian cho một thí sinh là 40 phút chuẩn bị và 20 phút trả lời.
– Thi thực hành nghề được tổ chức theo hình thức thực hành bài tập kỹ năng tổng hợp để hoàn thiện một sản phẩm hoặc dịch vụ. Thời gian thi thực hành cho một đề thi từ 1 đến 3 ngày và không quá 8 giờ/ngày.
- Thi kiến thức, kỹ năng nghề được tổ chức sau khi kết thúc chương trình dạy nghề trình độ cao đẳng.
- Kế hoạch thi kiến thức, kỹ năng nghề do Hiệu trưởng quyết định và phải được thông báo cho sinh viên biết trước 30 ngày trước khi tiến hành tổ chức thi.
3. Các bài thi tốt nghiệp của sinh viên quy định tại khoản 1 và khoản 2. Nếu bài thi tốt nghiệp được tổ chức theo hình thức thi viết Điều này thực hiện theo hình thức thi viết phải được dọc phách trước khi chấm. Thi vấn đáp và thi thực hành phải có mẫu phiếu chấm thi thống nhất, phù hợp với từng hình thức thi.
Hiệu trưởng quy định nội dung, hình thức các mẫu giấy làm bài thi, phiếu chấm thi và cách đánh giá vào bài thi, phiếu chấm thi của trường mình.
Điều 30: Chấm thi tốt nghiệp
- Mỗi bài thi tốt nghiệp phải được hai thành viên ban chấm thi tốt nghiệp phân công đánh giá và thống nhất điểm. Nếu hai thành viên không thống nhất phải báo cáo Trưởng ban chấm thi tốt nghiệp xem xét quyết định.
- Điểm chấm thi tốt nghiệp phải được công bố công khai chậm nhất là 20 ngày sau khi thi.
Điều 31: Công nhận tốt nghiệp
1. Sinh viên sẽ được công nhận tốt nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Kết quả thi môn Chính trị đạt từ 5,0 điểm trở lên.
- Kết quả thi kiến thức, kỹ năng nghề có điểm thi lý thuyết nghề và điểm thi thực hành nghề đều đạt từ 5,0 điểm trở lên.
- Sinh viên không còn nợ bất kỳ môn nào kể cả Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng.
2. Sinh viên không đủ điều kiện để công nhận tốt nghiệp được bảo lưu kết quả các điểm thi tốt nghiệp đã đạt yêu cầu trong thời gian 4 năm, kể từ ngày công bố kết quả thi tốt nghiệp của lần thi đó để xét công nhận tốt nghiệp. Trường hợp sinh viên không có nhu cầu tham dự kỳ thi tốt nghiệp khóa sau sẽ được Hiệu trưởng cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành khóa học.
3. Hiệu trưởng ra quyết định công nhận tốt nghiệp, công bố công khai với sinh viên, đồng thời báo cáo danh sách sinh viên được công nhận tốt nghiệp và không được công nhận tốt nghiệp lên cơ quan quản lý trực tiếp tại Nhà trường (nếu có) và Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, nơi nhà trường đóng chậm nhất là 30 ngày sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp.
Điều 32: Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp
1. Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp được sử dụng để xếp loại tốt nghiệp và được tính theo công thức sau:
ĐTN = | 3.ĐTB + 2.ĐTNTH + ĐTNLT ________________________ 6 |
Trong đó:
ĐTN: Điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp làm tròn 2 số thập phân.
ĐTB: Điểm trung bình chung toàn khoá học được xác định theo quy định tại Khoản 2 của Mục này.
ĐTNTH: Điểm thi thực hành nghề.
ĐTNLT: Điểm thi lý thuyết nghề.
2. Điểm trung bình chung toàn khoá học được xác định như sau:
a. Công thức tính điểm trung bình chung toàn khoá học:
Trong đó:ĐTB: là điểm trung bình chung toàn khoá học.
ai: Hệ số môn học đào tạo nghề thứ i được xác định như sau:
– Đối với môn học lý thuyết thì lấy số giờ học lý thuyết của môn học đó chia cho 15 và quy tròn về số nguyên.
– Đối với mô-đun thực hành thì lấy số giờ thực hành của mô-đun đó chia cho 40 và quy tròn về số nguyên.
– Đối với mô-đun tích hợp cả lý thuyết và thực hành thì hệ số mô-đun là tổng của thương hai phép chia tính theo cách tính trên.
ĐiTKM: Điểm tổng kết môn học đào tạo nghề thứ i.
n: Số lượng các môn học đào tạo nghề.
b. Điểm trung bình chung được tính đến một chữ số thập phân.
c. Điểm tổng kết các môn học Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng, Chính trị, không tính vào điểm trung bình chung toàn khóa học.
Điều 33: Xếp loại tốt nghiệp
1. Việc xếp loại tốt nghiệp căn cứ vào điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp.
2. Các mức xếp loại tốt nghiệp được quy định như sau:
- Loại xuất sắc có điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp từ 9,0 đến 10.
- Loại giỏi có điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp từ 8,0 đến dưới 9,0.
- Loại khá có điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp từ 7,0 đến dưới 8,0.
- Loại trung bình khá có điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp từ 6,0 đến dưới 7,0.
- Loại trung bình có điểm đánh giá xếp loại tốt nghiệp từ 5,0 đến dưới 6,0
3. Mức xếp loại tốt nghiệp được ghi vào bằng tốt nghiệp và bảng tổng hợp kết quả học tập của sinh viên.
Chương 6: Quy chế khen thưởng, kỷ luật
Điều 34: Quy chế khen thưởng
Cuối mỗi học kỳ, nhà trường đều xét và trao tặng cho sinh viên các danh hiệu:
- “Ong Vàng” dành tặng sinh viên có thành tích học tập, rèn luyện xuất sắc nhất toàn trường.
- “Sinh viên xuất sắc”.
- “Sinh viên giỏi”.
- “Sinh viên xuất sắc nhất môn”.
- “Sinh viên hoạt động phong trào xuất sắc”.
- “Câu lạc bộ xuất sắc”.
Điều 35: Một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật
Căn cứ vào mức độ vi phạm của sinh viên, nhà trường sẽ có quyết định xử lý theo các cấp độ từ khiển trách, cảnh cáo, buộc thôi học hoặc chuyển sang cơ quan pháp luật có thẩm quyền.
PHẦN II
THÔNG TIN VỀ CÔNG TÁC SINH VIÊN
Chương 7. Khái quát về Công tác sinh viên
Quá trình Công tác sinh viên nhằm quản lý, tổ chức hoặc hỗ trợ các hoạt động phong trào do nhà trường hoặc sinh viên tổ chức, đồng thời cung cấp các dịch vụ hỗ trợ sinh viên trong quá trình học tập, rèn luyện tại nhà trường.
Công tác sinh viên cung cấp các dịch vụ cho sinh viên để hỗ trợ cho các hoạt động đào tạo cũng như tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, tạo điều kiện cho sinh viên học tập, sinh hoạt và phát triển tốt nhất khả năng của mình.
Chương 8. Các khu vực hoạt động của Công tác sinh viên
Điều 36: Dịch vụ sinh viên
1. Dịch vụ Hành chính sinh viên
- Đối với giấy xác nhận vay vốn ngân hàng: Sinh viên thuộc đối tượng và có nhu cầu vay vốn lấy mẫu giấy xác nhận và nộp tại phòng Công tác sinh viên, phòng sẽ trình Giám đốc cơ sở đào tạo ký xác nhận, sau đó đóng dấu và trả giấy xác nhận cho sinh viên theo lịch quy định.
- Sinh viên có nhu cầu xin giấy xác nhận là sinh viên để đăng ký tạm trú, dùng như Giấy giới thiệu để đi thực tập hoặc đi làm thêm hoặc để đăng ký xe gắn máy: Sinh viên đến xin tại khu Dịch vụ sinh viên sẽ được cán bộ Công tác sinh viên hướng dẫn và trả lại kết quả theo yêu cầu.
- Đối với sơ yếu lý lịch: Giám đốc cơ sở đào tạo xác nhận lý lịch sinh viên một lần khi sinh viên tốt nghiệp. Trường hợp sinh viên đi thực tập hoặc đi làm thêm, nếu cơ quan thực tập yêu cầu sinh viên nộp sơ yếu lý lịch, sinh viên làm đơn xin cấp sơ yếu lý lịch theo mẫu riêng do trường quy định.
- Đối với việc xác nhận mua vé tháng xe bus: Sinh viên lấy mẫu làm thẻ tại các địa điểm bán vé tháng xe bus, mang lên Khu Dịch vụ sinh viên để được lấy xác nhận của nhà trường.
- Đối với giấy xác nhận tạm hoãn nghĩa vụ quân sự: Sinh viên đã trúng tuyển vào Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic sẽ được hoãn tham gia nghĩa vụ quân sự theo đúng quy định của nhà nước. Nhà trường sẽ cung cấp Giấy xác nhận để giúp sinh viên làm thủ tục này tại địa phương. Sinh viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật tính chính xác và trung thực của các thông tin kê khai khi xin cấp các loại giấy xác nhận và việc sử dụng các loại giấy tờ được cấp đúng mục đích.
- Xác nhận kết quả học tập:
- Kết quả học tập toàn khóa học của sinh viên được ghi vào bảng điểm.
- Chứng nhận tốt nghiệp tạm thời: Ban Đào tạo cấp cho các sinh viên có nhu cầu đã đủ điều kiện tốt nghiệp, có tên trong Quyết định tốt nghiệp trong thời gian chờ cấp bằng tốt nghiệp.
- Xác nhận kết quả học tập trong quá trình học: Sinh viên có nhu cầu, làm đơn gửi tại Khu Dịch vụ sinh viên sẽ được xử lý theo quy chế hiện hành.
- Xác nhận ưu đãi trong giáo dục đào tạo: Sinh viên thuộc diện ưu đãi làm thủ tục xin cấp Sổ ưu đãi giáo dục đào tạo tại Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội địa phương. Sổ ưu đãi sẽ được xác nhận theo từng học kỳ để sinh viên về địa phương làm thủ tục nhận trợ cấp theo quy định. Sinh viên mang Sổ ưu đãi giáo dục đào tạo lên Khu Dịch vụ sinh viên xin xác nhận.
- Làm lại Thẻ sinh viên và cấp lại Sổ tay sinh viên: Các trường hợp làm mất Thẻ sinh viên, Sổ tay sinh viên đều phải làm các thủ tục xin cấp lại. Sinh viên liên hệ trực tiếp xin cấp lại Thẻ sinh viên hoặc Sổ tay sinh viên tại khu Dịch vụ sinh viên. Trường hợp sinh viên mất thẻ chưa làm lại kịp để tham dự thi & kiểm tra hoặc cần để vào lớp sẽ đến khu Dịch vụ sinh viên xin cấp thẻ tạm.
- Thư, bưu phẩm gửi qua đường bưu điện: Sinh viên đến nhận tại khu Dịch vụ sinh viên.
Ghi chú: Khi làm các thủ tục, sinh viên xuất trình Thẻ sinh viên
3. Dịch vụ nhà ở, dịch vụ tư vấn học tập
- Tùy theo điều kiện tại địa phương, nơi nhà trường hoạt động, phòng Công tác sinh viên thường xuyên cung cấp những thông tin về dịch vụ nhà trọ để sinh viên có những lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế.
- Ngoài ra trong quá trình học, nếu sinh viên gặp những vấn đề liên quan đến học tập và sinh hoạt tại trường, sinh viên có thể đến Phòng Công tác sinh viên để được nghe tư vấn và giải đáp thắc mắc.
4. Dịch vụ Bảo hiểm
- Khi nhập trường, sinh viên được khuyến khích tham gia Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm toàn diện dành cho sinh viên.
- Nhà trường có trách nhiệm liên hệ, hợp tác với các cơ sở y tế, các hãng bảo hiểm về việc đăng ký mua bảo hiểm cho sinh viên với giá ưu đãi nhất.
5. Dịch vụ phụ huynh (thư tay, điện thoại,…)
- Thay đổi thông tin liên lạc:
Thông tin liên lạc là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh. Do đó, sinh viên có trách nhiệm liên hệ với Phòng Công tác sinh viên để cập nhật thông tin liên lạc khi muốn thay đổi. Nhà trường không chịu trách nhiệm trong trường hợp sinh viên cung cấp sai thông tin.
- Thông tin giữa Nhà trường và phụ huynh:
FPT Polytechnic áp dụng các phương thức thông tin đến quý vị phụ huynh thông qua bản tin phụ huynh. Mỗi kỳ học, Nhà trường sẽ gửi thông tin về tình hình kết quả học tập và rèn luyện của sinh viên về gia đình. Quý phụ huynh có thể nhận các thông tin về việc học tập của sinh viên ở trường cũng như gửi các ý kiến phản hồi về cho nhà trường.
- Giải đáp thông tin phụ huynh:
• Thời Khoá biểu của sinh viên.
• Báo cáo tiến độ học tập của sinh viên.
• Điểm kiểm tra và thi cuối học kỳ.
• Báo cáo chuyên cần của sinh viên.
• Các hoạt động của sinh viên trong kỳ.
• Các thông báo của nhà trường tới phụ huynh và sinh viên.
• Các thông báo về xử lý kỷ luật học vụ.
• Thông tin khen thưởng, kỷ luật (nếu có).
Chương 9 . Đoàn và hoạt động phong trào sinh viên
Điều 37: Đoàn
FPT Polytechnic là một Chi đoàn trực thuộc Đoàn trường Đại học FPT. Nhà trường tiến hành thu sổ Đoàn và tiền đoàn phí một lần vào đầu khóa theo quy chế hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Điều 38: Hoạt động phong trào và Câu lạc bộ
Hoạt động phong trào là các hoạt động ngoại khóa bên ngoài hoạt động học tập và rèn luyện chính khóa. Hoạt động ngoại khóa bao gồm các hoạt động như tổ chức sự kiện văn hóa, văn nghệ, vui chơi thể dục thể thao, câu lạc bộ…
Cán bộ Công tác sinh viên phải thường xuyên nắm bắt tình hình về việc thành lập các Câu lạc bộ sinh viên. Cán bộ Công tác sinh viên sẽ định hướng chung cho Ban chủ nhiệm lâm thời của Câu lạc bộ đó và trình bộ phận có thẩm quyền phê duyệt phương án hỗ trợ cần thiết.
PHẦN III
THÔNG TIN VỀ QUAN HỆ DOANH NGHIỆP
Chương 10. Khái quát về quan hệ doanh nghiệp
Phòng Quan hệ doanh nghiệp là địa chỉ tin cậy đối với sinh viên khi có nhu cầu tìm kiếm cơ hội tiếp cận doanh nghiệp hoặc lãnh đạo các doanh nghiệp để tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm thực tế, tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc ứng tuyển để có việc làm trong thời gian học hoặc sau khi tốt nghiệp.
Chương 11: Các mảng hoạt động của quan hệ doanh nghiệp
Hoạt động tư vấn & giải quyết việc làm
• Hỗ trợ tìm kiếm, tiếp cận các thông tin tuyển dụng
• Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển bao gồm: Viết CV, Thư ứng tuyển,…
• Hỗ trợ kỹ năng phỏng vấn tuyển dụng và thử việc.
Hoạt động Quan hệ doanh nghiệp
• Tổ chức các hoạt động tham quan doanh nghiệp.
• Tổ chức & tiếp nhận các hoạt động tài trợ, giao lưu, hợp tác giữa Doanh nghiệp với Nhà trường.
Hoạt động đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm
• Tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu giữa lãnh đạo doanh nghiệp với sinh viên và các khóa đào tạo kỹ năng nghề nghiệp ngắn hạn do doanh nghiệp thực hiện hoặc do nhóm sinh viên đề xuất.
• Tổ chức các cuộc thi chuyên môn có sự tham gia hoặc tài trợ của doanh nghiệp.
Hoạt động hỗ trợ thực tập
• Tìm kiếm các thông tin thực tập
• Cung cấp các thủ tục hành chính liên quan đến thực tập như: giấy giới thiệu thực tập, giấy xác nhận thực tập, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời.
• Phối hợp doanh nghiệp tiếp nhận thực tập nhằm thống nhất nội dung, quản lý và đánh quá trình thực tập.
Quan hệ cựu sinh viên
• Là kênh hỗ trợ, tiếp nhận thông tin của cựu sinh viên.
• Tổ chức các hoạt động giao lưu, học tập, trao đổi giữa cựu sinh viên và nhà trường.
PHẦN IV
HƯỚNG DẪN TỰ HỌC
Giới thiệu
Đến với FPT Polytechnic, các bạn được tiếp cận với một phương pháp học tập hiện đại: Học tập hỗn hợp (Blended Learning). Với sự kết hợp đồng bộ giữa triết lý đào tạo, chương trình chuyên môn và phương pháp học tập, sinh viên được trang bị những kỹ năng cần thiết đối với một công dân thế kỷ 21:
- Tư duy phê phán (Critical thinking).
- Giải quyết vấn đề (Problem solving).
- Kỹ năng giao tiếp (Communication skills).
- Kỹ năng cộng tác (Collaborative skills).
- Trình độ Công nghệ và Thông tin (Information and technology literate).
- Linh hoạt và Thích nghi (Flexible and adaptable).
- Đổi mới và Sáng tạo (Innovative and creative).
- Khả năng toàn cầu hóa (Globally competent).
- Kiến thức về tài chính (Financially literate).
Các bạn đã quen thuộc với phương pháp học tập truyền thống. Sự quen thuộc đã hình thành thói quen bị động tiếp nhận kiến thức từ giáo viên, người mà hàng ngày lên lớp giảng giải và nhắc lại cho bạn nghe những điều đã xuất hiện trong giáo trình và các học liệu khác. Việc giảng giải trực tiếp kiến thức có sẵn đó đã chiếm hết thời gian quý giá mà giảng viên và sinh viên được gặp nhau trong mỗi giờ trên lớp. Giảng viên rất muốn dành thêm nhiều thời gian để tổ chức các hoạt động, mở rộng các vấn đề thực tế, có thêm nhiều bài tập, hay cùng nhau trao đổi sâu các chuyên đề liên quan đến môn học, nhưng không có thời gian. Vậy làm thế nào FPT Polytechnic có thể trang bị cho bạn các kỹ năng thế kỷ 21 ngay khi bước chân vào trường? Vì kỹ năng thì phải luyện tập, thực hành và lặp đi lặp lại cho đến khi thành thói quen thì mới giúp các bạn sinh viên sử dụng trong cuộc sống hàng ngày được. Học tập hỗn hợp đã giải quyết được vấn đề này.
Theo Weiss (2012), sự kết hợp tuyệt vời giữa công nghệ và phương pháp sư phạm hiện đại của học thuyết Kiến tạo trong triển khai phương pháp học tập hỗn hợp có thể giúp giải quyết được các vấn đề trong lớp học:
- Sự khác biệt trong lớp học: Đó là sự khác biệt về trình độ, kiến thức nền, sở thích, phong cách học, và khả năng tiếp nhận.
- Mối liên hệ giữa cuộc sống hàng ngày và trong lớp học: Hàng ngày, học sinh hít thở một bầu không khí kỹ thuật số, cuộc sống yêu cầu cần phải có các kỹ năng thế kỷ 21, nhưng trong lớp học không triển khai các phương pháp phù hợp sẽ khiến học sinh buồn chán và giảm động lực học tập.
- Sự phản hồi và đánh giá liên tục, tức thì trong lớp học/quá trình học: Việc đánh giá liên tục và tức thì trong lớp học để có sự phản hồi lại với quá trình học tập giúp học sinh phát triển kỹ năng tự đánh giá và từ đó thúc đẩy động lực học tập. Đối với lớp học thông thường, việc này rất khó khăn, ví dụ: Với lớp học đông khoảng hơn 30 học sinh thì việc này dường như bất khả thi. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều này.
Phần 1: Blended Learning – Học tập hỗn hợp là gì?
Định nghĩa Học tập hỗn hợp tại môi trường FPT Polytechnic được mô tả chi tiết trong Hình 1. Các học liệu bao gồm: Giáo trình (bản cứng/bản mềm), bài học online, bài tập lớn, đề cương chi tiết, bài lab… đã được cung cấp sẵn sàng trên hệ thống LMS (http://lms.poly.edu.vn/). Ngoài ra, trên hệ thống LMS, giảng viên và sinh viên có thể tương tác với nhau qua forum của từng lớp học do giảng viên tạo ra. Giờ học trên lớp là thời gian giảng viên hướng dẫn, động viên, khuyến khích, đánh giá và cùng sinh viên đánh giá về các sản phẩm, hoạt động, hay các trải nghiệm qua những phương pháp học tập hiện đại của học thuyết Kiến tạo.
Tại FPT Polytechnic, phương pháp triển khai Học tập hỗn hợp là Phương pháp Kiến tạo. Đó là việc dịch chuyển các phần học khái niệm lý thuyết và kiến thức đã được cung cấp trong giáo trình và các học liệu online ra ngoài thời gian trên lớp học. Như vậy, trên lớp học, giảng viên có thời gian hướng dẫn, trao đổi, động viên và khuyến khích sinh viên thực hiện các kiến thức đã được cung cấp để sinh viên tự học thông qua các bài tập, hoạt động, dự án, assignment, lab…
Học tập Kiến tạo yêu cầu rõ rằng: Trước buổi học, sinh viên sẽ chuẩn bị bằng việc học online, tham khảo các học liệu đã được cung cấp và sách giáo trình để chuẩn bị cho hoạt động trên lớp; trên lớp, sinh viên sẽ cùng giảng viên triển khai ứng dụng những khái niệm đã chuẩn bị vào hoạt động thực hành và nhận được phản hồi từ phía giảng viên để trải nghiệm cho đến khi thấu hiểu các khái niệm cốt lõi của bài học; sau giờ học, sinh viên tiếp tục kiểm tra sự hiểu của mình và mở rộng việc học tập.
Phần 2: Tại sao là học tập hỗn hợp?
Theo học thuyết Kiến tạo thì việc học tập đạt hiệu quả tốt nhất khi người học tự trải nghiệm và thông qua bối cảnh môi trường sống để tương tác với người khác, nhằm hình thành vốn kinh nghiệm riêng cho bản thân.
Việc triển khai Học tập Hỗn hợp tại FPT Polytechnic nhằm mang lại các lợi ích cho cả giảng viên lẫn sinh viên đang công tác và học tập tại trường:
- Mở rộng không gian và cơ hội học tập cho cả giảng viên và sinh viên.
- Tăng thời gian chủ động cho giảng viên hỗ trợ sinh viên trên lớp.
- Tăng cơ hội thực hành cho sinh viên, đặc biệt quan trọng với sinh viên trường nghề.
- Kết nối và tạo động lực học tập cho sinh viên thông qua tương tác và cộng tác.
- Đánh giá quá trình và thông qua bài tập tức thì, đồng thời liên tục giúp khuyến khích, động viên quá trình học tập của sinh viên.
Phần 3: Tự học quan trọng thế nào với bạn?
Tại sao tự học lại vô cùng quan trọng đối với mỗi con người? Xã hội thay đổi, cuộc sống thay đổi và con người thay đổi, mỗi cá nhân cần có khả năng tự học suốt đời để thích nghi với cuộc sống và luôn phát triển bản thân. Việc tự học sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc của bạn, bởi khi đi SỔ TAY SINH VIÊN 32 Thực học – Thực nghiệp làm bạn cần có tâm thế luôn học hỏi để phát triển và hoàn thành công việc hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Những lợi ích mà việc tự học có thể mang lại cho người sở hữu kỹ năng quan trọng này bao gồm:
- Luôn phát triển bản thân để thành công hơn trong cuộc sống.
- Phát triển nghề nghiệp.
- Trang bị kiến thức và kỹ năng cho cuộc sống.
- Tự tạo động lực học tập và sống tốt hơn.
Thầy cô không thể đi theo bạn và giảng giải cho bạn suốt đời được. Vậy, tại sao bạn không tự trang bị cho mình khả năng tự học ngay từ hôm nay? Nhà văn Cao Xuân Hạo từng viết: “Đó là dù có học trường gì, thầy nào nổi tiếng đến đâu chăng nữa, thì nhân tố quan trọng nhất, quyết định kết quả mỹ mãn của quá trình đào tạo vẫn là cái công tự học của người học trò. Tự học ở đây chỉ cái phần tích cực, chủ động, quyết đoán của người học. Vai trò quyết định sự thành công hay thất bại của quá trình học tập là vai trò của người học, tuy vai trò của người dạy không phải không quan trọng.”
10 yếu tố trong kỹ năng tự học của Albert Einstein
- Theo đuổi tính tò mò: “Tôi không hề có tài năng gì cả. Tôi chỉ vô cùng tò mò”.
- Tính kiên trì là vô giá: “Không phải là tôi quá thông minh, chỉ là tôi nghiên cứu vấn đề lâu hơn thôi”.
- Tập trung vào công việc hiện tại: “Bất cứ người đàn ông nào có thể lái xe an toàn khi đang hôn một cô gái đơn giản là vì anh ta đã không hôn nhiệt tình”.
- Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức: “Trí tưởng tượng là tất cả. Nó là sự xem trước của những gì sẽ xảy ra. Trí tưởng tượng còn quan trọng hơn cả kiến thức”.
- Đừng sợ mắc lỗi: “Một người không bao giờ mắc lỗi sẽ không cố tìm tòi điều mới lạ”.
- Sống với ngày hôm nay: “Tôi không bao giờ nghĩ đến tương lai vì nó sẽ mau đến thôi”.
- Sống tạo ra giá trị: “Đừng cố gắng để thành công, hãy cố gắng sống có giá trị”.
- Đừng trông mong những kết quả khác: “Sự điên rồ: Làm hoài làm mãi một việc gì đấy và trông đợi những kết quả khác”.
- Kiến thức là nhờ vào kinh nghiệm: “Thông tin không phải là kiến thức. Nguồn duy nhất của kiến thức chính là kinh nghiệm”.
- Hiểu rõ luật để chơi tốt hơn: “Ta phải biết luật chơi. Và sau đó, ta phải chơi tốt hơn tất cả những người khác”.
Phần 4: 9 phong cách học – Phong cách nào cho bạn?
Theo nghiên cứu của Kolb và cộng sự2 thì có 9 phong cách học mà mọi người học thường thể hiện. Có nhiều trường hợp là phong cách pha trộn giữa phong cách này và phong cách khác, tuy nhiên sẽ có một phong cách nổi trội hơn. Nếu hiểu về phong cách học của bản thân, sinh viên sẽ dễ dàng xác định cho mình một chiến lược tự học hiệu quả nhất.
- Phong cách Khởi tạo (Initiating style): Khả năng khởi tạo hành động để giải quyết tình huống.
- Phong cách Trải nghiệm: Khả năng tìm kiếm ý nghĩa (meaning) khi tham gia sâu vào trải nghiệm.
- Phong cách Tưởng tượng: khả năng tưởng tượng ra tính khả thi (possibility) bằng cách quan sát và phản tỉnh qua kinh nghiệm.
- Phong cách Phản tỉnh: Khả năng kết nối kinh nghiệm và ý tưởng thông qua sự phản tỉnh liên tục.
- Phong cách Phân tích: Khả năng tích hợp và hệ thống hóa các ý tưởng thông qua sự phản tỉnh.
- Phong cách Tư duy: Khả năng tham gia vào tranh luận logic và trừu tượng.
- Phong cách Quyết định: Khả năng sử dụng các lý thuyết và mô hình để quyết định các giải pháp cũng như hành động.
- Phong cách Hành động: Động cơ mạnh mẽ cho hành động hướng đến mục tiêu, trong đó có sự tích hợp giữa con người và công việc.
- Phong cách Cân bằng: Khả năng thích ứng, cân bằng các kinh nghiệm rời rạc, khái niệm hóa trừu tượng, thí nghiệm tích cực và quan sát phản tỉnh.
Phần 5: Tổng kết
Không nghi ngờ gì nữa, tự học là một kỹ năng thực sự rất quan trọng và hữu ích trong suốt mỗi đời người. Hãy tìm cho mình một cách học, một con đường, một tư duy độc lập để tự tin khám phá tương lai của chính bạn. Với Học tập hỗn hợp, kỹ năng tự học được phát huy và củng cố hàng ngày để trở thành thói quen tốt cho người học. Khi bạn trả lời được 4 câu hỏi sau, bạn đã có một khởi đầu thuận lợi tại FPT Polytechnic.
- Học tập hỗn hợp là gì?
- Phương pháp học tập hỗn hợp quan trọng thế nào với cá nhân bạn?
- Xác định chiến lược tự học của bạn?
- Phong cách học của bạn là gì?
Hãy sẵn sàng bước đi tự tin, độc lập và hiên ngang bằng chính đôi chân của mình từ việc thông thạo một chiến lược học tập, một phương pháp tự học mà bạn đã chọn lựa. Tương lai của bạn đang nằm trong chính sự lựa chọn của bạn ngày hôm nay.
PHẦN V
MỘT SỐ QUI ĐỊNH TÀI CHÍNH SINH VIÊN
- Học phí:
- Học phí được quy định cho từng chương trình và từng giai đoạn đào tạo. Tuỳ từng chương trình học có nhiều mức độ, nếu sinh viên có nguyện vọng học nâng cấp sẽ phải nộp phí nâng cấp chương trình.
- Sinh viên tự đăng ký học vượt khung chương trình chuẩn được công bố tại thời điểm nhập học sẽ phải nộp bổ sung học phí phần vượt khung chương trình theo mức học phí môn học vượt.
- Sinh viên học lại phải nộp học phí bổ sung. Học phí học lại thông thường tính bằng 50% học phí môn học.
- Với các chương trình đạo tạo miễn phí sinh viên phải nộp phí đặt cọc bằng 50% học phí chương trình để đảm bảo tham dự các buổi học đầy đủ (80% thời lượng trở lên). Trường hợp sinh viên không học hoặc vi phạm thời lượng trên, khoản phí này sẽ không được hoàn trả và thu vào nguồn chi phí tổ chức lớp.
- Chính sách hoàn trả học phí:
- Sinh viên thôi học trước ngày học kỳ mới bắt đầu sẽ được trả lại 80% học phí thực nộp trừ đi phí bản quyền (nếu có). Học phí thực nộp là học phí nộp đã trừ đi hỗ trợ laptop và các hỗ trợ tài chính khác.
- Sinh viên thôi học trong vòng 2 tuần kể từ ngày học sẽ được hoàn trả 50% học phí thực nộp sau khi trừ đi phí bản quyền (nếu có).
- Sinh viên thôi học sau 2 tuần kể từ ngày học sẽ không được hoàn trả học phí đã đóng.
- Chính sách Bảo lưu học phí, nộp trước học phí:
- Sinh viên đã nộp học phí sau đó có đơn xin bảo lưu (tạm ngưng) và được chấp thuận thì phần học phí này sẽ được bảo lưu, khi sinh viên quay lại học sẽ được trừ vào phần học phí phải nộp.
- Phần học phí nộp dư (nếu có) sẽ được chuyển thành học phí của kỳ tiếp theo. Trong trường hợp nộp dư quá tổng số học phí toàn khóa phải nộp thì sinh viên sẽ được hoàn trả lại phần dư so với tổng học phí phải nộp.
- Sinh viên chuyển ngành, chuyển hệ đào tạo, chuyển cơ sở trong Trường đại học FPT đúng quy định nếu còn học phí tại cơ sở cũ chưa được dùng đến sẽ được chuyển toàn bộ phần học phí này sang ngành mới, hệ đào tạo mới hoặc cơ sở mới.
- Sinh viên được công nhận chuyển đổi môn học đã học trước đó sẽ được hoàn lại học phí môn học này theo mức học phí môn tương đương của chương trình đang học.
- Chính sách điều chỉnh học phí:
- Mức học phí ở các lần nộp có thể được điều chỉnh (tăng hoặc giảm) hàng năm và được ban hành bằng phụ lục mới. Biên độ điều chỉnh giữa 2 năm liên tiếp không quá 10%.
- Số lần (kỳ/mức/năm) nộp học phí được công bố tại thời điểm tuyển sinh là cố định không thay đổi trong suốt quá trình học.
- Quy định về trách nhiệm thời hạn nộp học phí và các khoản phí:
- Sinh viên có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ học phí 1 tuần trước khi kỳ học chính thức bắt đầu.
- Với các khoản thu khác ngoài học phí, sinh viên sẽ nộp ngay khi có phát sinh.
- Các trường hợp sinh viên không hoàn thành nghĩa vụ học phí và các khoản phí khác đúng hạn được xem như thôi học tự nguyện.
Chúc bạn thành công!
Chia sẻ 2 Post Views: 13.398Từ khóa » Sơ đồ Trường Cao đẳng Fpt Hà Nội
-
SƠ ĐỒ GIAN... - CLB Tình Nguyện FPT Polytechnic Hà Nội | Facebook
-
Sinh Viên FPT Polytechnic Hà Nội Chính Thức Học Tập Tại Cơ Sở Mới
-
Cơ Sở Tại Hà Nội - FPT Polytechnic
-
Hà Nội - Cao Đẳng FPT Polytechnic Xét Tuyển
-
Mind Map - Bí Kíp Chinh Phục Từ Vựng Tiếng Anh Của Sinh Viên FPoly
-
Tuyển Sinh Cao đẳng 2022 - FPT Polytechnic
-
Cao đẳng FPT Polytechnic
-
Trường Cao đẳng Thực Hành FPT – Wikipedia Tiếng Việt
-
Top 12 Trường Cao Đẳng Nghề Đà Nẵng Tốt Nhất Hiện Nay - Inhat
-
Lãnh đạo Tỉnh Tiếp Và Làm Việc Với Trường Cao đẳng FPT Polytechnic
-
Trường Cao đẳng FPT Polytechnic - Thông Tin Tuyển Sinh
-
Giải Bài Toán đào Tạo Lại Sinh Viên Ra Trường Cho Doanh Nghiệp
-
Kỳ Lạ "Phổ Thông Cao đẳng FPT Polytechnic" Tuyển Sinh Cao đẳng Từ ...