Sở Y Tế Ninh Bình Hướng Dẫn Tạm Thời Cách Ly, Chăm Sóc Người ...

Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 và các Quyết định của Bộ Y tế, ngày 14/2, Sở Y tế Ninh Bình ban hành văn bản số 412/SYT-NVY về việc hướng dẫn tạm thời cách ly, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà thay thế Công văn số 37/SYT-NVY ngày 06/01/2022 để các đơn vị triển khai công tác chuẩn bị.

Theo đó, chỉ tổ chức điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại nhà khi được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Ninh Bình.

I. ĐỐI TƯỢNG SỬ DỤNG

1. Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám; Trung tâm vận chuyển cấp cứu và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người mắc COVID-19 tại nhà (sau đây gọi tắt là Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà).

2. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn.

3. Nhân viên tham gia công tác quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.

II. ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ TẠI NHÀ

1. Tiêu chí lâm sàng

1.1. Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên theo quy định hiện hành) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi, tiêu chảy, chảy mũi, mất mùi, mất vị

1.2. Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

1.3. Không mắc bệnh nền, hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.

1.4. Thuộc nhóm nguy cơ thấp hoặc trung bình theo Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 01/12/2021 hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.

2. Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc

2.1. Có thể tự chăm sóc bản thân như: ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh và có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

2.2. Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…

2.3. Trường hợp người mắc COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí của mục a, b ở trên, nên hạn chế số lượng người chăm sóc.

III. NHIỆM VỤ CỦA CƠ SỞ QUẢN LÝ NGƯỜI MẮC COVID-19 TẠI NHÀ

1. Xác định, lập danh sách người mắc COVID-19 quản lý tại nhà

1.1. Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà hoặc cơ sở y tế được Sở Y tế phân công, thực hiện đánh giá người mắc COVID-19 theo các tiêu chí quy định tại mục 1 phần II.

1.2. Lập danh sách quản lý người mắc COVID-19 tại nhà (Phụ lục 6)

2. Hướng dẫn người mắc COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà

2.1. Theo dõi sức khỏe

a) Cơ sở quản lý sức khỏe người mắc COVID-19 hướng dẫn người mắc COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 tại nhà (Phụ lục 7) 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định tại Mục c của phần 2.1.

b) Nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày

- Chỉ số: nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 và huyết áp (nếu có thể).

- Các triệu chứng: mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở dốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

c) Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay với Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

(1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

(2) Nhịp thở

- Người lớn: nhịp thở ≥ 20 lần/phút

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

- Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

(Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

(3) SpO2 ≤ 96% (trường hợp phát hiện chỉ số SpO2 bất thường cần đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

(4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút.

(5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

(6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

(7) Thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.

(8) Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

(9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban...

(10) Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng...

(11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người mắc COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

2.2. Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt

Người mắc COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; không bỏ bữa; tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

2.3. Hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà (chi tiết tại Phụ lục 3)

3. Khám bệnh và theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19

3.1. Theo dõi sức khỏe hàng ngày

a) Ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người mắc COVID19 hàng ngày vào Phiếu theo dõi sức khỏe người mắc COVID-19 (Phụ lục 7); hoặc phần mềm quản lý sức khoẻ người mắc COVID-19.

b) Đánh giá và xử trí theo Hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế.

c) Tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho người mắc COVID-19, người chăm sóc.

d) Nhân viên của Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà có nhiệm vụ đến nhà người mắc COVID-19 để hỗ trợ trực tiếp trong các trường hợp:

- Người mắc COVID-19 có tình trạng cấp cứu cần xử trí ngay

- Không nhận được báo cáo về tình trạng sức khoẻ của người mắc COVID19 và không liên lạc được với người mắc COVID-19 hoặc người chăm sóc.

3.2. Khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà

a) Điều trị triệu chứng: Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng

- Sốt:

+ Đối với người lớn: sốt > 38,5 độ C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như Paracetamol 0,5 g, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 viên, uống Oresol nếu ăn kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

+ Đối với trẻ em: > 38,5 độ C, uống thuốc hạ sốt như Paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6 h, ngày không quá 4 lần

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, yêu cầu người mắc COVID-19 thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà để được xử trí.

- Ho: dùng thuốc giảm ho khi ho khan nhiều.

b) Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú: thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành.

c) Khám, chữa bệnh tại nhà bởi Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động: Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã để thành lập các Trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà.

d) Danh mục thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc COVID-19 tại nhà trongPhụ lục 8.

3.3. Phát hiện và xử trí diễn biến bất thường liên quan bệnh nền

a) Sau khi thăm khám, đánh giá về bệnh nền, nếu phát hiện diễn biến bất thường liên quan bệnh nền cần tư vấn người bệnh chuyển đến quản lý theo dõi tại cơ sở y tế (danh sách bệnh nền tại Phụ lục 5).

b) Hội chẩn chuyên gia y tế tuyến trên cho những trường hợp có bệnh nền khó, phức tạp chưa có điều kiện vận chuyển ngay đến cơ sở y tế.

c) Hướng dẫn người chăm sóc, người mắc COVID-19 về việc chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế khi có các tình trạng cấp cứu đối với các bệnh lý khác như nguy cơ tai biến sản khoa, chấn thương, đột quỵ…đồng thời thông báo cho các cơ sở y tế nơi tiếp nhận các bệnh nhân này về tình trạng nhiễm COVID19 của họ

3.4. Xét nghiệm COVID-19, tham mưu kết thúc cách ly

a) Xét nghiệm COVID-10 cho người mắc COVID-19, tham mưu kết thúc cách ly y tế:

Thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày và kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với SARS-CoV-2 do nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

- Trong trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.

- Trạm Y tế nơi quản lý người bệnh chịu trách nhiệm xác nhận khỏi bệnh cho người bệnh và tham mưu BCĐ cấp xã/phường/thị trấn ban hành Quyết định kết thúc cách ly tại nhà.

b) Làm xét nghiệm hoặc hướng dẫn tự xét nghiệm tại nhà cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người mắc COVID-19 (xét nghiệm realtime RTPCR hoặc test nhanh kháng nguyên) khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

3.5. Xử trí cấp cứu, chuyển viện

a) Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà hướng dẫn người mắc COVID-19 khi có các dấu hiệu, triệu chứng cấp cứu cần liên hệ ngay với Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà hoặc Trung tâm vận chuyển cấp cứu để được hỗ trợ xử trí cấp cứu, chuyển viện kịp thời.

b) Trong thời gian chờ đợi chuyển tuyến, Cơ sở quản lý người mắc COVID-19 hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu xây dựng Hướng dẫn chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà;

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố triển khai hướng dẫn chuyên môn về quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà; Chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công có liên quan xây dựng phương án, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Y tế lưu động (khi có yêu cầu) như: bố trí nhân lực, trang thiết bị và các điều kiện cần thiết khác.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý, chăm sóc người mắc COVID-19 tại nhà.

2. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường

Xây dựng hướng dẫn và kiểm tra giám sát công tác vệ sinh môi trường, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại các địa điểm cách ly người mắc COVID-19 tại nhà.

3. Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan phổ biến và triển khai quy trình quản lý người mắc COVID-19 tại cộng đồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

- Giám sát tổ chức, hoạt động theo Hướng dẫn này; kịp thời đề xuất các giải pháp khắc phục khó khăn trong quá trình thực hiện; chỉ đạo, huy động các cơ sở y tế (trong và ngoài công lập) trên địa bàn hỗ trợ Trạm Y tế lưu động (nhân lực, phương tiện vận chuyển cấp cứu, trang thiết bị ...) khi cần thiết.

- Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động quản lý người mắc COVID-19 tại cộng đồng trên địa bàn.

- Quy định tần suất thu gom, vận chuyển rác thải: người chịu trách nhiệm thu gom; phương tiện vận chuyển; biện pháp xử lý chất thải của người cách ly bảo đảm yêu cầu theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường.

- Chỉ đạo UBND các xã/phường chủ động triển khai và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được phân công theo Hướng dẫn này.

- Trình Sở Y tế để điều động nhân lực hỗ trợ khi vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương trên cơ sở để xuất của Trung tâm Y tế.

4. Trung tâm Y tế huyện, thành phố

- Chủ trì tham mưu UBND huyện, thành phố xây dựng phương án, thành lập, kích hoạt, tạm dừng, giải thể Trạm Y tế lưu động trên địa bàn.

- Bố trí lực lượng tham gia quản lý, điều hành và phục vụ công tác cách ly, theo dõi và điều trị người mắc COVID-19 tại nhà (lấy mẫu xét nghiệm, thu gom, vận chuyển mẫu, chăm sóc F0,... ), triển khai các nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 (tham gia tiêm chủng, tuyên truyền, lấy mẫu xét nghiệm,... ) cho Trạm Y tế lưu động. Tiếp nhận lực lượng tăng cường từ các đơn vị do Sở Y tế điều động để phân phối đến các xã có số ca bệnh tăng cao; kết nối các cơ sở quản lý người mắc COVID-19, các tổ chức thiện nguyện (nếu có) để hỗ trợ Trạm Y tế lưu động chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà.

- Tổ chức đào tạo về chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn cho nguồn nhân lực tham gia Trạm Y tế lưu động.

- Chủ động nắm bắt tình hình người mắc COVID-19 (thuộc nhóm nguy cơ trung bình trở lên hoặc không đủ tiêu chuẩn cách ly, theo dõi và điều trị tại nhà) để điều phối, chuyển đến các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn.

- Tham mưu UBND huyện, thành phố trình Sở Y tế để điều động nhân lực y tế hỗ trợ khi vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương.

- Phối hợp với UBND các xã/phường/thị trấn và các đơn vị liên quan đề xuất nhu cầu về cơ sở vật chất; danh mục cung cấp, lắp đặt hạ tầng công nghệ thông tin của Trạm Y tế lưu động (điện thoại, loa gọi, wifi, mạng internet, máy tính, máy in ...); trang thiết bị, vật tư, nhu yếu phẩm... đáp ứng nhu cầu cần thiết cho hoạt động của Trạm Y tế lưu động

- Xem xét, tổng hợp dự toán kinh phí liên quan đến hoạt động của Trạm Y tế lưu động (chi phí điều trị, xét nghiệm, xử lý rác thải, phun khử khuẩn, phụ cấp cho các đối tượng tham gia …) theo đúng quy định; trình Phòng Tài chính - Kế hoạch UBND huyện/thành phố xem xét tham mưu cấp có thẩm quyền cấp kinh phí.

- Chịu trách nhiệm quản lý, thanh quyết toán kinh phí và tổng hợp, báo cáo số liệu kinh phí liên quan đến hoạt động của Trạm Y tế lưu động theo đúng quy định.

- Chỉ đạo, hướng dẫn và tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chăm sóc và quản lý người mắc COVID-19 tại nhà theo quy định.

- Tổng hợp, báo cáo kết quả hoạt động của Trạm Y tế lưu động cho UBND huyện/thành phố và Sở Y tế; đề xuất giải thể Trạm Y tế lưu động khi hoàn thành nhiệm vụ

5. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cấp xã/phường/thị trấn

- Chỉ đạo triển khai thực hiện quy trình xử lý khi có người mắc COVID19 tại cộng đồng trên địa bàn (Phụ lục 11).

- Ban hành Quyết định phê duyệt áp dụng biện pháp cách ly người mắc COVID-19 tại nhà; Quyết định kết thúc cách ly y tế tại nhà, cấp “Giấy xác nhận hoàn thành cách ly y tế tại nhà với người nhiễm COVID-19”.

- Phân công nhân lực (Công an, Quân sự và các lực lượng khác…) tại địa phương đảm bảo công tác an ninh trật tự, tuân thủ cách ly y tế tại nhà theo quy định. Cử nhân lực hỗ trợ Trạm Y tế xã để trực điện thoại, tiếp nhận danh sách người mắc COVID-19 sau khi có kết quả khẳng định dương tính; chuyển thông tin ca bệnh cho các Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 cộng đồng trên địa bàn xã để kiểm tra, đối chiếu danh sách người mắc COVID19 với thực tế người có mặt tại địa bàn và triển khai biện pháp y tế chăm sóc, quản lý.

- Ban hành Quyết định thành lập, chỉ đạo triển khai hoạt động liên quan quản lý chăm sóc tại nhà đối với Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 tại cộng đồng (Phụ lục 10) để phối hợp, hỗ trợ Trạm Y tế xã, Trạm Y tế lưu động.

- Bố trí nơi làm việc cho các Trạm Y tế lưu động mới được thiết lập; hỗ trợ nhân lực, trang thiết bị, phương tiện ... cho Trạm Y tế lưu động hoạt động.

- Đảm bảo công tác hậu cần để các cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà hoạt động: máy tính kết nối internet, điện thoại, hỗ trợ ăn uống và bố trí nơi nghỉ ngơi cho nhân viên công tác tại các Trạm Y tế lưu động.

- Quan tâm, hỗ trợ đến vấn đề an sinh, cuộc sống của người mắc COVID-19 cách ly tại nhà nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho hộ gia đình có người mắc COVID19 tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trong quá trình cách ly tại nhà.

- Tăng cường tuyên truyền các thông điệp phòng, chống dịch; truyền thông, giáo dục sức khỏe sâu rộng đến từng người dân đang sinh sống trên địa bàn bằng nhiều phương tiện và hình thức khác nhau.

- Công khai số điện thoại đường dây nóng của UBND xã/phường/thị trấn để tiếp nhận phản ánh của người dân về công tác chăm sóc và quản lý người mắc COVID-19 trên địa bàn.

- Chịu trách nhiệm quản lý F0 cách ly tại nhà trên địa bàn quản lý

6. Trạm Y tế xã/phường/thị trấn

- Trạm trưởng Trạm Y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) lập danh sách các trường hợp phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà và báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo chống dịch cấp xã để xem xét, phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm quản lý người mắc COVID-19 tại nhà trên địa bàn, hướng dẫn hoạt động chuyên môn cho Trạm y tế lưu động và Tổ chăm sóc COVID-19 cộng đồng.

- Cung cấp danh sách người mắc COVID-19 cho Trạm Y tế lưu động thuộc địa bàn quản lý để kịp thời cách ly, theo dõi và điều trị người bệnh.

- Cung ứng thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất... đảm bảo cho các hoạt động của Trạm Y tế lưu động.

- Khi gặp khó khăn trong công tác theo dõi, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà, chủ động báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 cấp xã và Trung tâm Y tế thành phố, thị xã để được hỗ trợ.

- Rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm có bệnh nền để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp.

- Công bố số điện thoại đường dây nóng của Trạm Y tế xã, Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người mắc COVID-19 trên địa bàn để người dân biết và liên hệ khi cần hỗ trợ.

- Tiếp nhận, lập, lưu trữ hồ sơ khám bệnh, chữa bệnh và các tài liệu liên quan do Trạm Y tế lưu động chuyển đến.

- Căn cứ dự trù của Trạm Y tế lưu động để xây dựng dự toán kinh phí gửi Trung tâm Y tế huyện/thành phố nhằm đảm bảo hoạt động của Trạm Y tế lưu động, chế độ cho người bệnh, nhân viên y tế, các lực lượng làm việc tại Trạm Y tế lưu động và các đối tượng khác (nếu có).

- Tổng hợp chi phí khám chữa bệnh đề nghị thanh toán từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc từ nguồn bảo hiểm y tế (Quyết định số 6556/QĐ-BYT ngày 30/10/2018 của Bộ Y tế về việc ban hành Mẫu Bảng kê chi phí khám bệnh, chữa bệnh sử dụng tại các Trạm Y tế lưu động được giao nhiệm vụ phụ trách và phụ lục hướng dẫn cách ghi chép bảng kê, mỗi người bệnh chỉ lập một bảng kê):

- Cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh theo quy định.

7. Trạm Y tế lưu động

Thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ Quyết định số 4042/QĐ-BYT ngày 21/8/2021 và Quyết định số 4377/QĐ-BYT ngày 11/9/2021 của Bộ Y tế.

- Người phụ trách chịu trách nhiệm phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Phối hợp với Trạm Y tế xã/phường trên địa bàn, báo cáo đề xuất Trung tâm Y tế thành phố/thị xã về việc bổ sung nguồn lực.

- Đảm bảo thường trực 24/7 để tiếp nhận thông tin từ người bệnh, người ở cùng nhà, tổ chăm sóc người mắc COVID-19.

- Lập hồ sơ khám chữa bệnh của người mắc COVID-19 gửi Trạm Y tế cấp xã trên địa bàn để thực hiện thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh:

- Bàn giao hồ sơ bệnh án, tài liệu chuyên môn liên quan đến quá trình theo dõi, điều trị người mắc COVID-19 tại nhà cho Trạm Y tế xã/phường trên địa bàn sau khi kết thúc điều trị để lưu trữ theo quy định

- Tuân thủ nghiêm về phòng ngừa chuẩn và phòng ngừa theo đường lây truyền khi thực hiện nhiệm vụ (đặc biệt trong quá trình tiếp xúc với người mắc COVID-19).

- Lập dự trù thuốc, vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất... đảm bảo cho các hoạt động của Trạm Y tế lưu động gửi Trạm Y tế xã/phường trên địa bàn.

- Tổng hợp, thống kê, báo cáo theo quy định.

8. Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng

- Thực hiện quản lý người nhiễm COVID-19 trên địa bàn, người nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà được phân công chăm sóc;

- Cấp phát thuốc cho các trường hợp nhiễm COVID-19 cách ly tại nhà;

- Hướng dẫn, tư vấn, theo dõi sức khỏe ít nhất 2 lần/ngày và hỗ trợ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế:

- Thường xuyên giữ liên lạc với các trường hợp F0 được giao để kịp thời tiếp nhận thông tin về diễn biến bệnh. Phát hiện kịp thời các trường hợp nhiễm COVID-19 có diễn biến nặng hơn, phối hợp với trạm y tế cấp xã, trạm y tế lưu động hoặc đội cấp cứu lưu động để hỗ trợ về y tế và chuyển người nhiễm COVID-19 đến bệnh viện;

- Hàng ngày báo cáo trạm y tế cấp xã hoặc trạm y tế lưu động về tình hình sức khoẻ F0 được giao quản lý trên địa bàn.

- Tiến hành lấy mẫu hoặc hướng dẫn cho người dân tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh SARS-CoV-2 tại nhà;

- Thông báo trả kết quả xét nghiệm COVID-19, khi có kết quả xét nghiệm dương tính, phối hợp với trạm y tế xã hoặc trạm y tế lưu động để sàng lọc để cách ly tại nhà các trường hợp đủ điều kiện; các trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì chuyển đến cơ sở cách ly tập trung theo quy định.

Xem chi tiết văn bản số 412/SYT-NVY kèm các phụ lục tại đây.

SỞ Y TẾ NINH BÌNH

Từ khóa » Fo Tại Ninh Bình