Soạn Bài Bài Thơ Về Tiểu đội Xe Không Kính | Soạn Văn 9 - TopLoigiai

Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm tiêu biểu của Phạm Tiến Duật viết về những người lính lái xe trên những chiếc xe không kính ngày đêm chi viện cho tiền tuyến trên tuyến đường Trường Sơn anh hùng. Cùng Soạn bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính để hiểu rõ hơn về giá trị của tác phẩm mà nhà thơ đã gửi gắm qua từng câu thơ

Mục lục nội dung Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (chi tiết)Soạn bài Bài thơ Tiểu đội xe không kính (hay nhất)Tổng kết bài thơ Tiểu đội xe không kính

Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (chi tiết)

Soạn bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính | Soạn văn 9

Câu 1. Nhan đề và hình ảnh những chiếc xe không kính

- Nhan đề thơ có dung lượng khá dài, cách dùng từ lạ và cụ thể tạo sự độc đáo rất riêng

+ Rõ ràng nhìn vào kết cấu của tác phẩm thì người đọc hoàn toàn có thể biết được đây là một bài thơ nhưng tác giả lại cố tình thêm hai chữ “bài thơ” vào trước “tiểu đội xe không kính”. Dụng ý nghệ thuật ở đây chính là thể hiện cách khai thác hiện thực từ tác phẩm của nhà thơ. Phạm Tiến Duật thấy được chất thơ, chất trữ tình về hiện thực kháng chiến khốc liệt, đầy gian khổ và hi sinh. Nói cách khác cuộc kháng chiến cam go này là bài thơ với nhiều nốt trầm nốt bổng, có đủ vị hy sinh, yêu thương và cháy bỏng với lý tưởng.

=> Nhan đề làm sáng lên vẻ đẹp lãng mạn, tinh tế và tình tứ từ hiện thực chiến tranh gian khổ, khó khăn mà chỉ có đôi mắt nghệ sĩ như Phạm Tiến Duật mới thấy được.

- Hình ảnh “những chiếc xe không kính” độc đáo và thú vị

+ Ý nghĩa tả thực: Đây là hình ảnh thơ rất trần trụi, rất khốc liệt của chiến tranh về những chiếc xe tuy trực tiếp đi ra vào khói lửa, chở trên đó bao lương thực, vũ trang và tính mạng con người nhưng đến bộ phận tối thiểu nhất là kính để che chắn và bảo vệ thì cũng không có. Sự thiếu thốn ấy không phải từ lúc đã có “Không có kính không phải vì xe không có kính” mà bởi “bom giật, bom rung” nên kính bị vỡ nát và từ đó những chiếc xe trở thành “không kính”.

+ Ý nghĩa biểu tượng: Hình ảnh những chiếc xe không kính là biểu tượng sâu sắc nhất cho hiện thực khó khăn, gian khổ mà quân dân ta phải trải qua. Họ chiến đấu trong hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn và hiểm nguy nhưng chưa từng chùn bước. Qua đó làm sáng lên phẩm chất cao đẹp, dũng cảm và tâm hồn nghệ sĩ của những người lính lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn năm ấy.

Câu 2. Phân tích hình ảnh những người lính lái xe không kính

- Những người lính có tư thế ra trận rất ung dung, chưa từng run sợ trước chết chóc nhưng không kém phần khí thế và tràn đầy quyết tâm ra trận.

+ “Ung dung buồng lái ta ngồi” => Đảo ngữ bằng tính từ “ung dung” giúp thể hiện tối đa tâm thế bình thản của người lính, đại từ nhân xưng “ta” thể hiện ngạo khí với đời, không hề sợ hãi, không hề chùn bước.

+ “Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” => Điệp từ “nhìn” ba lần mang tâm thế ngẩng cao đầu của những con người quả cảm. Dù đối mặt với bom đạn mà chẳng có bất cứ một bảo hộ an toàn nào thì họ vẫn đầy lạc quan để nhìn thẳng vào đất trời, nhìn thẳng vào khó khăn để chiến đấu và chiến thắng.

+ Điệp cấu trúc “Không có kính … ừ thì” “chưa cần …” => Tinh thần lạc quan bất chấp gian khổ. Họ thấy được gian khổ và không hề trốn tránh hiểm nguy. Tiếng “ừ thì” mang tính chất chấp nhận nhưng không hề bi quan và chạy trốn. Họ chấp nhận khó khăn như lẽ hiển nhiên và xem việc mình phải vượt qua nó cũng là điều bắt buộc.

- Tâm hồn trẻ trung, lãng mạn

Tuy phải đối diện với gian khổ, hiểm nguy từng giây từng phút nhưng chưa bao giờ tâm hồn họ khô khan hay bất lực trước cuộc sống. Sức trẻ thổi vào tâm hồn họ sự lãng mạn và tươi tắn.

+ “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, “Bụi phun tóc trắng như người già”, ” Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi”

=> Họ nhìn gian khổ bằng ánh mắt trẻ trung pha chút tinh nghịch, cười đùa nhau để quên đi khó khăn.

- Tình đồng chí, đồng đội thắm thiết, cùng nhau vượt qua mọi thử thách.

      + Hình ảnh cái bắt tay qua khung kính vỡ => Con đường ra trận dù có nhiều hiểm nguy nhưng chưa bao giờ các anh cảm thấy cô đơn và thiếu thốn bởi luôn có những người anh em, những người đồng chí kề vai sát cánh. Họ gặp nhau tình cờ trên đường hành quân, cùng bắt tay nhau qua khung kính vỡ. Như vậy, hoàn cảnh thiếu thốn lại là cơ hội để họ xích lại gần nhau hơn. Và cũng chính cái bắt tay ấy đã tiếp thêm rất nhiều động lực để họ tiếp tục chiến đấu và cống hiến tuổi xuân của mình cho tổ quốc.

      + Lúc dừng nghỉ, các anh quay quần bên nhau cùng chia sẻ, trò chuyện và nghỉ ngơi giống như người trong cùng một gia đình.

- Tinh thần quyết tâm, kiên trì cao độ của người lính: Bất chấp muôn vàn khó khăn và cả chết chóc mà họ có thể gặp bất kì lúc nào trên đường hành quân, những người lính dũng cảm vẫn luôn sẵn sàng lăn xả, sẵn sàng cống hiến cả tuổi thanh xuân của mình để dành lại độc lập dân tộc, toàn vẹn và thống nhất cho non sông. Câu thơ “Chỉ cần trong xe có một trái tim” mang âm điệu như một lời thề son sắt. Chỉ cần luôn giữ vững tình yêu tổ quốc, chỉ cần một ngày, một giây một phút trái tim của các anh vẫn còn đập thì vẫn luôn chiến đấu và hi sinh đến hơi thở cuối cùng.

=> Hình ảnh người lính lái xe tiêu biểu cho thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với sự pha trộn rất nhiều phẩm chất: tếu táo, lạc quan, dũng cảm, gắn bó với đồng đội và quan trọng nhất là tinh thần quyết tử vì tổ quốc quyết sinh.

Câu 3. Nhận xét về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ

- Ngôn ngữ bài thơ sinh động nhưng tự nhiên, hoàn toàn không có sự lên gân hay cách điệu giống y hệt như lời ăn tiếng nói của những người lính lái xe ở chiến trường. Họ có sự vui đùa, tếu táo, có chút thi vị hóa hoàn cảnh khốc liệt lại có chút tâm tình thủ thỉ ở trong lời nói của mình.

- Ngôn ngữ có chất trẻ trung của những chàng lính sinh viên. Nếu so sánh với ngôn ngữ của những người lính thời kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Đồng chí có thể thấy được nét khác biệt rất rõ. Những người lính chống Pháp phần lớn xuất phát là nông dân nên ngôn ngữ của họ có sự chân chất, mộc mạc còn những người lính trẻ trong thời chống Mỹ chủ yếu là sinh viên các trường Đại học tình nguyện ‘cởi áo thư sinh mặc áo lính” nên trong câu từ của họ có chút trẻ trung, kiêu hãnh và cũng rất vui đùa tếu táo đúng chất trẻ.

⇒ Ngôn ngữ, giọng điệu ấy góp phần khắc họa hình ảnh người lính trẻ trung, bất chấp mọi gian khổ mà vẫn lạc quan, yêu đời,…

Câu 4. Cảm nghĩ về hình ảnh thế kỉ thời kì kháng chiến chống Mỹ. So sánh với bài thơ Đồng Chí

  • Cảm nhận về hình ảnh người lính kháng chiến chống Mỹ

Những người lính trẻ trung, lạc quan và biết biến hoàn cảnh gian khổ thành cảm hứng để chiến đấu. Họ nhìn được những gian khổ phía trước nhưng vẫn luôn giữ vững trái tim yêu nước, tràn đầy ý chí để vượt lên.

  • So sánh với bài thơ Đồng Chí

- Điểm chung: Hai hình tượng người lính của hai bài thơ đều là những người lính phải trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ, người thì thiếu thốn tân trang, chịu đựng cái khốc liệt của thời tiết,…. Người thì phải trải qua con đường chiến đấu với hoàn cảnh không thể thiếu thốn hơn.

- Điểm riêng

+ Người lính trong bài thơ Đồng chí: Xuất phát từ chốn thôn quê nên ở họ có sự mộc mạc của ruộng vườn. Bài thơ tập trung ca ngợi tinh thần đồng chí của những người lính dù phải trải qua bao nhiêu khó khăn.

+ Người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính: Xuất phát là sinh viên nên ở họ có chất trẻ trung và táo bạo rất khác. Bài thơ hướng nhiều hơn vào việc khắc họa hình ảnh hình ảnh quả cảm, quyết liệt của những người lính lái xe trên tuyến lửa Trường Sơn.

  • Soạn bài: Bài thơ về tiểu đội xe không kính (ngắn nhất)

Soạn bài Bài thơ Tiểu đội xe không kính (hay nhất)

Với sắc thái vui nhộn, tinh thần sảng khoái “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là những hình ảnh đặc sắc về những người lính lái xe lạc quan, yêu đời. Đó là bức tranh con người kháng chiến chống Mỹ tuyệt vời nhất.

Câu 1. Nhan đề bài thơ có gì khác lạ? Một hình ảnh nổi bật trong bài thơ là những chiếc xe không kính. Vì sao có thể nói hình ảnh ấy là độc đáo?

Bài thơ mang nhan đề dài, có thêm từ “bài thơ” tưởng thừa nhưng lại vô cùng thu hút người đọc. làm nổi bật thêm nữa về hình ảnh những chiếc xe không kính. Tác giả muốn nói đến chất thơ từ những hình ảnh khó khăn của chiến tranh, thể hiện sự hiên ngang của tuổi trẻ, vượt qua thiếu thốn, gian lao. Cái lạ nữa là những chiếc xe đều không có kính. Trước nay trong thơ ca các hình ảnh đều được xuất hiện đầy thi vị, ở đây lại xuất hiện quá chân thực nhưng lại tạo nên chất thơ tuyệt vời.

Câu 2. Những chiếc xe không kính đã làm nổi bật hình ảnh người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Em hãy phân tích hình ảnh người lính lái xe trong bài thơ.

- Hình ảnh những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe, thùng xe có xước,… đó là những hình ảnh chẳng mấy xa lạ. Điệp từ “không” thể hiện cách nói ngang tàng, lí sự như thách đấu với chính khó khăn nơi chiến trường khốc liệt.

- Qua khung cửa xe không kính người lái xe tiếp xúc trực tiếp với bên ngoài, từ gió, bụi, bầu trời, con đường,… “đột ngột” thể hiện tốc độ nhanh. Các câu thơ trong các khổ đều thể hiện sự ngang tàng sẵn sàng đương đầu, không ngại gì khó khăn gian khổ. Vì nhiệm vụ có những lúc đoàn xe luôn hối hả, tấp nập làm việc trong tư thế gấp rút, khẩn trương. Họ dừng lại lúc cùng nhau ăn uống, cùng “chung bát đũa” thành những gia đình lớ, coi nhau như ruột thịt rồi lại tiếp tục cùng nhau trên con đường cứu nước đầy hiểm nguy. Chỉ một hình ảnh xe không kính được tác giả gọi đi gọi lại nhiều lần, không cần thêm những hình ảnh khác đã đủ khiến người đọc cảm nhận được toàn bộ khó khăn, sự gian lao, khốc liệt trong mặt trận chống Mỹ cứu nước.

Câu 3. Em có nhận xét gì về ngôn ngữ, giọng điệu của bài thơ này? Những yếu tố đó đã góp phần như thế nào trong việc khắc họa hình ảnh những người lính lái xe ở Trường Sơn?

- Các chi tiết thực của đời sống trong chiến tranh khốc liệt được tác giả đưa vào bài thơ một cách tự nhiên, mới lạ, bất ngờ nhưng lại vô cùng hợp lý. Hình ảnh trung tâm, hình ảnh quan trong nhất xuyên suốt toàn bài là hình ảnh “xe không kính”

- Giọng điệu ngang tàng, hóm hỉnh, vui nhộn phù hợp với tính cách của những người lính lái xe lạc quan, yêu đời.

- Tác giả đã không ngần ngại đưa những hình ảnh thật nhất vào thơ ca, phá bỏ mọi rào cản về thơ, về văn xuôi,…

Câu 4. Cảm nghĩ của em về thế hệ trẻ thời kháng chiến chống Mỹ qua hình ảnh người lính trong bài thơ ? So sánh hình ảnh người lính ở bài thơ này và ở bài Đồng Chí?

 Họ là những người lính lái xe trẻ tuổi, cùng nhau tham gia kháng chiến. Mang trong mình sự lạc quan, yêu đời, không ngần ngại gian khó, hiểm nguy. Họ luôn bất chấp, luôn xông xáo trong mọi nhiệm vụ. Dũng cảm chấp nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Luôn sẵn sàng hi sinh vì cách mạng, vì công cuộc to lớn của dân tộc.

 Cũng như những người lính trong bài thơ “Đồng chí”, những người lính lái xe của chúng ta cùng chung 1 mục đích to lớn là giành độc lập cho dân tộc. Nếu những người lính trong bài Đồng chí họ yêu đời, họ lạc quan trong sự nhẹ nhàng lãng mạn, thể hiện sự chân thật bình dị của những người lính nông dân. Thì những người lính lái xe của chúng ta họ lạc quan, nhiệt tình, mang sức trẻ, họ là những thanh niên “phá phách”, họ động viên nhau bằng những trò đùa, bằng sự tếu táo trong chiến trận.

*) Tổng kết:

Bài thơ như bài hát được những người lính trần thuật lại trên con đường cứu nước vì miền Nam ruột thịt. Thấy được tinh thần, sức trẻ của những người lính lạc quan, yêu đời, không ngại khó khăn, gian khổ.

Tổng kết bài thơ Tiểu đội xe không kính

Soạn bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính | Soạn văn 9

Các bài viết liên quan bài thơ Tiểu đội xe không kính

  • Tác giả, tác phẩm bài thơ Tiểu đội xe không kính
  • Dàn ý phân tích bài thơ Tiểu đội xe không kính

Từ khóa » Bài Thơ Về Tiểu đội Xe Không Kính Soạn Chi Tiết