Soạn Bài: Cảm Nghĩ Trong đêm Thanh Tĩnh - Ngữ Văn 7 Tập 1

I. Tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

Lí Bạch (701 - 762), là nhà thơ nổi tiếng của Trung Quốc đời Đường, tự là Thái Bạch, hiệu là Thanh Liên cư sĩ, quê ở Cam Túc, nhưng ngay từ khi 5 tuổi, ông đã theo gia đình về sống ở Tứ Xuyên. Chính vì thế, Lí Bạch vẫn thường coi Tứ Xuyên là quê của mình. Từ nhỏ, nhà thơ đã thích ngao du, mong lập nên công danh sự nghiệp, song đường quan nghiệp của ông vẫn còn nhiều trắc trở.

Lí Bạch được mệnh danh là "tiên thơ". Thơ ông biểu hiện một tâm hồn tự do, hào phóng. Hình ảnh trong thơ thường mang tính chất tươi sáng, kì vĩ, ngôn ngữ tự nhiên mà điêu luyện. Lí Bạch thường viết về đề tài chiến tranh, thiên nhiên, tình yêu và tình bạn.

2. Tác phẩm

Có người nói, thơ của Lí Bạch tràn ngập ánh trăng. Hình ảnh trăng trong thơ của Lí Bạch hết sức đa dạng, ý nghĩa cũng vô cùng phong phú. Chủ đề của bài thơ rất quen thuộc "Vọng nguyệt hoài hương", cách thể hiện cũng rất giản dị mà độc đáo, tinh tế mà không hề trau chuốt.

Bài thơ Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh được viết theo hình thức cổ thể, một thể thơ trong đó mỗi câu thường có 5 hoặc 7 chữ, song không bị những quy tắc chặt chẽ về niêm luật và đối ràng buộc.

II. Hướng dẫn soạn bài

Câu 1:

Có người cho rằng, trong bài thơ Tĩnh dạ tứ, hai câu đầu là thuần túy tả cảnh, hai câu cuối là thuần túy tả tình là chưa chính xác. Nếu chính xác thì phải nói là hai câu đầu nghiêng về tả cảnh, hai câu cuối nghiêng về tả tình. Bởi vì:

* Hai câu đầu:

  • Vị trí miêu tả ánh trăng của nhà thơ là ở "sàng tiền" (đầu giường), thể hiện sự thao thức, trằn trọc không ngủ được của nhà thơ có thể vì trăng quá đẹp và nhà thơ là một người rất yêu trăng, lại đang xa quê nên nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trào dâng.
  • Câu thơ thứ hai miêu tả ánh trăng ánh trăng ngập tràn không gian nhưng ta vẫn cảm nhận được sự thay đổi của vị trí ngắm cảnh của thi nhân, từ "sàng tiền" đến "song tiền" (cửa sổ) mới có thể thấy được mặt đất và có cảm giác "ngỡ phủ sương" => tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến.

=> Hai câu đầu cho thấy cảnh đã chứa đựng cả tâm tình, chứ không chỉ mỗi tả cảnh.

* Hai câu cuối:

  • Cụm từ "nhớ cố hương" thể hiện tình cảm trào dâng cuồn cuộn để đọng lại thành nỗi sầu nhớ thương của tác giả khi nghĩ về quê hương.
  • "Ngẩng đầu nhìn trăng sáng" cho thấy cả một bầu trời cao lồng lộng và một vầng trăng sáng trong vằng vặc thanh tĩnh đang hiện ra trước mắt người đọc. => một đêm trăng thật đẹp nhưng cũng thật cô đơn.

* Có thể nói, cảnh và tình trong bài thơ có mối liên hệ nhân quả và sự tác động qua lại. Vì trăng đẹp quá mà nhà thơ nhớ đến quê hương, rồi trằn trọc, thao thức không ngủ được. Và càng thao thức, càng trằn trọc không ngủ được thì lại càng thấy trăng đẹp.

Như vậy, từ đó, ta có thể rút ra kết luận: trong bài thơ này (và một số bài thơ Đường khác nữa), hai câu đầu (hoặc nửa trên) thường thiên về tả cảnh (trong cảnh có tình), hai câu sau (hoặc nửa dưới) thường thiên về tả tình (trong tình có cảnh).

Câu 2:

Tuy không phải là một bài thơ Đường luật, song bài thơ Tĩnh dạ tứ cũng sử dụng phép đối:

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương.

a) Về mặt từ loại của các chữ ở hai câu trên của phép đối: cử đầu >< đê đầu (động từ - động từ), vọng >< tư (động từ - động từ), minh >< cố (tính từ - tính từ), nguyệt >< hương (danh từ - danh từ).

b) Tác dụng của phép đối: vừa diễn tả cử chỉ, vừa thể hiện tâm trạng nhớ quê hương của nhà thơ một cách hài hòa, rõ nét.

Câu 3:

Dựa vào 4 động từ "nghi" (ngỡ là), "cử" (ngẩng), "đê" (cúi), "tư" (nhớ), chúng ta có thể thấy được sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ.

Bốn động từ dù bị lược đi chủ thể hành động nhưng vẫn có thể dễ dàng khẳng định chủ thể trữ tình, chủ thể hành động ở đây chính là tác giả.

Đặc biệt, năm động từ này có thể được hiện thực hóa bằng văn xuôi như sau: nhân vật trữ tình (nhà thơ) tỉnh dậy (hoặc đang mơ màng) thì chợt nhận ra ánh sáng lọt qua khe cửa, ngỡ ngàng vì không biết là sương hay là trăng, nhà thơ liền ngẩng lên như một hành động để xác nhận. Nhưng rồi, chính cái ngẩng đầu đó đã gợi về trong lòng tác giả nỗi niềm nhớ quê hương của người xa xứ. Khi đó, hành động cúi đầu như là đang cố nén đi cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng.

Tóm lại, bài thơ Tĩnh dạ tứ, với những ngôn từ giản dị mà điêu luyện, đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh.

Từ khóa » Cảm Nghĩ Trong đêm Thanh Tĩnh Soạn Tác Giả