Soạn Bài: Câu Ghép

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Ở bài này, các em cần nắm vững hai nội dung sau:

- Đặc điểm của câu ghép.

- Cách nối các vế câu ghép.

A. Đặc điểm của câu ghép

Câu ghép là câu được tạo thành từ hai cụm C - V trở lên; trong đó, không cụm C - V nào bao hàm cụm C - V nào. Mỗi cụm C - V này được gọi là vế câu. Mỗi vế câu thường có cấu tạo giống một câu đơn và thể hiện một ý có quan hệ chặt chẽ với ý của những vế câu khác.

Một số ví dụ:

- Vì tôi muốn như vậy nên tôi đem gửi các con tôi.

(Bùi Đức Ái)

- Con chó chạy sải thì khỉ gò lưng như người phi ngựa.

(Đoàn Giỏi)

- Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương.

(Vũ Tú Nam)

- Nước dâng cao bao nhiêu thì núi cũng lên cao bấy nhiêu.

(Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)

B. Cách nối các vế câu

Có 2 cách nối các vế câu ghép.

1. Dùng những từ có tác dụng nối kết. Cụ thể:

a) Nối bằng một quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ

al. Quan hệ từ (như các từ và, rồi, thì, còn, hay, hoặc,...) Ví dụ:

- Súng kíp của ta mới bắn được một phát thì súng của họ đã hắn được năm, sáu mươi phát. (Hà Văn Cầu, Vũ Đình Phòng)

- Mình đọc hay tôi đọc ? (Nam Cao)

- Mặt trời mọc sương tan dần.

- Buổi sáng, mẹ em đi làm còn em đi học.

a2. Cặp quan hệ từ. Ví dụ:

- Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí.

(Hồ Lãng)

- Nếu chẳng may ông mất thì ai là người sẽ thay ông đứng đầu triều đình ?

(Quỳnh Cư - Đỗ Đức Hùng)

- con khỉ này rất nghịch nên các anh bảo vệ thường phải cột dây.

(Đoàn Giỏi)

- Bởi chưng bác mẹ tôi nghèo

Cho nên tôi phải băm bèo, thái khoai.

(Ca dao)

b) Nối bằng một cặp phó từ, đại từ hay chỉ từ thường đi đôi với nhau (cặp từ hô ứng)

b1. Cặp phó từ. Ví dụ:

- Chiếc xe càng đến gần phố Hàng Cót, Phượng càng bồi hồi.

- Buổi chiều, nắng vừa nhạt, sương đã buông nhanh xuống mặt biển.

(Thi Sảnh)

- Xe vừa mới dừng bánh, mọi người đã ào lên xe.

- Trời chưa sáng, nó đã dậy.

b2. Cặp đại từ. Ví dụ:

- Chúng tôi đi đến đâu, rừng rào rào chuyển động đến đấy.

(Nguyễn Phan Hách)

- Ngoài kia tiếng gõ cửa mạnh bao nhiêu, trong này trống ngực tôi manh bấy nhiêu.

(Nguyễn Công Hoan)

- Mẹ bảo sao thì con làm vậy.

- Học sinh nào chăm chỉ thì học sinh đó đạt thành tích cao trong học tập.

2. Không dùng từ nối, mà dùng trật tự tuyến tính (trình tự về thời gian, quan hệ liệt kê,...) để nối các vế câu.

Trong trường hợp này, giữa các vế câu cần có dấu phẩy, dấu chấm phẩy hoặc dấu hai chấm để phân cách các vế. Ví dụ :

- Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị.

(Hồ Chí Minh)

- Trăng lên, trăng đứng, trăng tàn.

(Tố Hữu)

- Trời chiều bảng lảng rơi dần vào hoàng hôn, trăng lơ lửng giãi xuống bàng bạc.

(Thái Doãn Hiếu)

- Kia là những mái nhà đứng sau lũy tre; đây là mái đình cong cong; kia nữa là sân phơi.

(Đỗ Chu)

- Mọi người đứng dậy reo mừng: Bác Hồ đã đến!

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. - Muốn tìm câu ghép trong các đoạn trích, em lần lượt đọc kĩ từng đoạn trích, chú ý các câu có hai cụm C - V trở lên (Em dùng bút chì gạch dưới những câu này). Sau đó, em xác định các vế câu của từng câu ghép và chỉ ra cách nối các vế câu trong câu ghép ấy (có dùng từ nối hay không dùng từ nối).

- Kết quả cụ thể như sau:

+ Đoạn trích (a) có các câu ghép sau :

  • U van Dần, U lạy Dần! (không dùng từ nối)
  • Chị con có đi, u mới có tiền nộp sưu, thầy Dần mới được về với Dần chứ! (không dùng từ nối)
  • Sáng ngày người ta đánh trói thầy Dần như thế, Dần có thương không ? (không dùng từ nối)
  • Nếu Dần không buông chị ra, chốc nữa ông lí vào đây, ông ấy trói nốt cả U, trói nốt cả Dần nữa đấy. (có dùng từ nối)

+ Đoạn trích (b):

  • Cô tôi chưa dứt câu, cổ họng tôi đã nghẹn ứ, khóc không ra tiếng, (không dùng từ nối)
  • Giá những cổ tục đã đày đoạ mẹ tôi là một vật như hòn đá hay cục thủy tinh, đầu mẩu gỗ, tôi quyết vồ lấy ngay mà cắn, mà nhai, mà nghiến cho kì nát vụn mới thôi. (có dùng từ nối)

+ Đoạn trích (c): Tôi lại im lặng cúi đầu xuống đất: lòng tôi càng thắt lại, khóe mắt tôi đã cay cay. (không dùng từ nối)

+ Đoạn trích (d): Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. (có dùng từ nối)

2. Bài tập này yêu cầu đặt câu ghép có sử dụng cặp quan hệ từ để nối các vế câu. Dựa vào các ví dụ trong SGK và mục I (Kiến thức cơ bản cần nắm vững) ở trên, em tự đặt câu. Tham khảo thêm một số câu sau:

a) bão to nên các cây lớn đổ hết.

b) Nếu trời mưa thì chúng tôi không đi chơi.

c) Tuy sức bạn Nam yếu nhưng bạn ấy không nề hà trước bất cứ công việc nặng nhọc.

d) Không những nó hát hay nó vẽ cũng giỏi.

3. Dựa vào những câu ghép vừa đặt được ở bài tập 2, em tạo ra những câu ghép mới bằng một trong hai cách:

a) Bỏ hớt một quan hệ từ trong cập quan hệ từ

Gợi ỷ: Trong các cặp quan hệ từ trên, có thể lược bỏ quan hệ từ thứ hai (đứng đầu vế câu thứ hai), thay bằng dấu phẩy.

b) Đảo lại trật tự các vế câu

Gợi ý: Người ta thường đảo vế chính đứng sau lên đứng trước, đồng thời lược bỏ quan hệ từ ở đầu vế chính. Ví dụ:

- Các cây lớn đổ hết bão to.

- Chúng tôi không đi chơi nếu trời mưa.

- Bạn Nam không nề hà trước bất cứ công việc nặng nhọc nào tuy sức bạn ấy yếu.

4. Bài tập này yêu cầu đặt câu ghép với các cặp phó từ, cặp đại từ hô ứng. Dựa vào các ví dụ mẫu trong SGK và mục I (Kiến thức cơ bản cần nắm vững) ở trên, em tự đặt câu. Có thể tham khảo thêm các câu sau:

a) Mẹ nó vừa đến chơi, nó đã khóc đòi đi về.

b) Tôi đi đâu, nó cứ lẽo đẽo theo đấy.

c) Càng lên cao, càng nhìn được xa.

5. Em chọn một trong hai đề tài cho sẵn trong SGK để viết đoạn văn. Muốn viết đoạn văn được hợp lí, em cần lập dàn ý đoạn, bao gồm các ý nhỏ cơ bản cần đề cập trong đoạn văn. Em có thể đặt câu hỏi tìm ý. Ví dụ, đối với đề tài (b), có thể đặt câu hỏi:

- Việc lập dàn ý trước khi viết bài tập làm văn có tác dụng gì ?

- Nếu không có dàn ý, việc viết bài tập làm văn có khó khăn không ? Kết quả bài làm sẽ như thế nào ?

Trên cơ sở đó, em chuyển các ý tìm được thành câu cụ thể trong đoạn văn, nhằm hoàn chính đoạn văn.

Điều cần lưu ý ở đây là: trong đoạn văn có sử dụng ít nhất một câu ghép, viết xong, em gạch dưới câu ghép trong đoạn văn ấy.

Từ khóa » Câu Ghép Không Dùng Từ Nối