Soạn Bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm
Có thể bạn quan tâm
Soạn bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm chi tiết nhất do Đọc Tài Liệu biên soạn giúp các em tìm hiểu về tác phẩm Đất nước, thấy thêm một cái nhìn mới mẻ về đất nước qua cách cảm nhận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: "Đất nước là sự hội tụ, kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Nhân dân là người làm ra đất nước".
Thông qua bài soạn văn, các em cũng sẽ nắm được một số nét đặc sắc về nghệ thuật của Nguyễn Khoa Điềm: giọng thơ trữ tình - chính luận, sự vận dụng sáng tạo nhiều yếu tố của văn hoá và văn học dân gian làm sáng tỏ thêm tư tưởng Đất Nước của Nhân dân.
Cùng tìm hiểu bài soạn .....
Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩmĐất nước - Nguyễn Khoa Điềm
I. Tác giả Nguyễn Khoa Điềm
- Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943 trong một gia đình trí thức, giàu truyền thống yêu nước và tinh thần cách mạng ở thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế
- Học tập và trưởng thành trên miền Bắc, tham gia chiến đấu và hoạt động văn nghệ ở miền Nam.
- Là nhà hoạt động chính trị và văn nghệ, từng là Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, Tổng thư kí Hội Nhà văn khóa V, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin.
- Thuộc thế hệ nhà thơ giai đoạn chiến tranh chống đế quốc Mĩ. Thơ ông hấp dẫn bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.
- Năm 2000, ông đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
- Phong cách sáng tác:
+ Giàu chất suy tư, xúc cảm dồn nén.
+ Giọng thơ trữ tình chính luận.
II. Tác phẩm Đất nước
- Hoàn cảnh sáng tác: Bản trường ca Mặt đường khát vọng được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị - Thiên năm 1971, in lần đầu năm 1974, viết về sự thức tính của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam về non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh hòa nhập với cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược.
- Vị trí đoạn trích: Đoạn trích Đất Nước rút từ phần đầu chương V của trường ca Mặt đường khát vọng lâu nay vẫn được xem là một trong những đoạn thơ hay về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.
- Nội dung chính: Đất nước hiện lên qua cảm nhận mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm, là sự hội tụ và kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân. Đất Nước của nhân dân, nhân dân là người làm ra Đất Nước.
- Bố cục đoạn trích Đất nước gồm 2 phần:
+ Phần 1 (42 câu đầu): Đất nước được cảm nhận từ nhiều phương diện lịch sử văn hoá dân tộc, chiều sâu của không gian, chiều dài của thời gian.
+ Phần 2 (47 câu cuối): Tư tưởng cốt lõi, cảm nhận về đất nước: Đất nước của Nhân dân.
>> Tham khảo: Sơ đồ tư duy Đất nước Nguyễn Khoa Điềm
Hướng dẫn soạn bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Gợi ý trả lời câu hỏi đọc hiểu bài Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm) trang 122, 123 SGK Ngữ văn 12 tập 1.
Soạn bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm ngắn gọn nhất
Câu 1 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Đoạn thơ trình bày sự cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước. Hãy chia bố cục, gọi tên nội dung trữ tình của từng phần, tìm hiểu trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn văn trên.
Trả lời:
- Bố cục và nội dung trữ tình mỗi đoạn:
+ Phần đầu: Từ đầu đến “làm nên đất nước muôn đời" cảm nhận của tác giả về đất nước.
+ Phần sau: Phần còn lại: Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao huyền thoại.
- Mạch cảm xúc theo trình tự: từ cảm nhận đến triết luận.
Câu 2 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Cảm nhận của nhà thơ về đất nước trong phần đầu đoạn trích dựa trên những phương diện nào? Cảm nhận đó có gì khác so với các bài thơ cùng viết về đề tài này?
Trả lời:
- Các phương diện cảm nhận của tác giả về đất nước:
+ Từ phương diện địa lí: hòn núi bạc, nước biển khơi
+ Từ phương diện lịch sử: Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
+ Từ phương diện đời thường: miếng trầu, cái kèo, cái cột, hạt gạo, một nắng hai sương, giã, dần, sàng...
+ Đặc biệt là phương diện văn hoá - phong tục
- So với các tác giả khác cùng viết về đất nước, đây là sự cảm nhận sâu sắc và toàn diện hơn. soạn bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm (doctailieu.com)
Câu 3 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Trong phần sau của đoạn trích (từ "Những người vợ nhớ chồng..." đến hết) tác giả đã làm nổi bật tư tưởng “Đất nước của nhân dân". Tư tưởng ấy đã đưa đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hoá của đất nước ta như thế nào? Tư tưởng ấy nổi bật trong đoạn thơ này và trong nhiều bài thơ thời chống Mỹ. Vì sao?
Trả lời:
- Tác giả có những nhìn nhận mới mẻ về đất nước, những danh lam thắng cảnh:
+ Tác giả dẫn dắt cảm xúc về đất nước: lặp nhiều từ “góp” diễn tả cảm nhận độc đáo của tác giả về thiên nhiên
+ Từ hình dáng tâm hồn đến lối sống của nhân dân đã hóa vào bóng hình đất nước
+ Biểu hiện của đất nước khai thác từ chiều sâu văn hóa dân tộc, từ những điều rất đỗi bình dị của nhân dân
+ Đó là những cảm nhận, chiêm nghiệm, quan sát tinh tế của tác giả
+ Tác giả nâng tầm những suy ngẫm trở thành tư tưởng “đất nước”.
- Điều mới mẻ và nổi bật trong thơ chống Mĩ:
+ Nhà thơ khai thác chiều sâu về lịch sử, văn hóa, truyền thống, địa lý.
+ Những phát hiện mới về quan niệm Đất Nước thu hút tình cảm của người nghe
Câu 4 trang 123 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Hãy nêu những ví dụ cụ thể và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả (tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, phong tục...). Từ đó tìm hiểu những đóng góp riêng của tác giả về nghệ thuật diễn đạt. Vì sao nói, chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn thơ này gây ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ?
Trả lời:
Trong đoạn trích Đất Nước, tác giả sử dụng nhiều chất liệu văn học và văn hóa dân gian từ ca dao, tục ngữ, đến truyền thuyết, phong tục,...
Các chất liệu này khi đưa vào bài thơ đã được nhà thơ sáng tạo lại vì thế mà vừa quen thuộc lại vừa mới lạ. Ví dụ: Con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc, Yêu em từ thuở trong nôi,... các hình ảnh, mô típ nghệ thuật của văn học văn hóa dân gian để làm nên câu thơ, ý thơ của nhà văn (ngày xửa ngày xưa, gừng cay muối mặn...)
=> Tác dụng: Tác giả đã gợi mở được một không gian nghệ thuật, một không khí, một giọng điệu riêng đưa người đọc vào một thế giới đẹp đẽ, lãng mạn của ca dao, giọng điệu truyền thuyết dân gian nhưng vẫn mang màu sắc hiện đại.
Soạn bài Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm chi tiết, hay nhất
Bài 1 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Đoạn thơ trình bày sự cảm nhận và lí giải của tác giả về đất nước. Hãy chia bố cục, gọi tên nội dung trữ tình của từng phần, tìm hiểu trình tự triển khai mạch suy nghĩ và cảm xúc của tác giả trong đoạn văn trên.
Trả lời:
* Bố cục: đoạn thơ được chia làm 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu đến "... Làm nên Đất Nước muôn đời": Những nét riêng trong cảm nhận về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
- Phần 2: Còn lại: Tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân”.
* Sự liên kết giữa hai phần chính là mạch cảm xúc xuyên suốt của tác giả về đất nước. Đất nước hiện lên gần gũi, thân thiết, gắn bó với đời sống của con người, được nhìn nhận ở chiều dài lịch sử, văn hóa truyền thống. Đó là Đất Nước được viết hoa, Đất Nước trở thành đối tượng thẩm mĩ, tạo sắc thái tình cảm sâu sắc, ấn tượng với người đọc.
Bài 2 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Cảm nhận của nhà thơ về đất nước trong phần đầu đoạn trích dựa trên những phương diện nào? Cảm nhận đó có gì khác so với các bài thơ cùng viết về đề tài này?
Trả lời:
Tác giả cảm nhận về đất nước trên những phương diện:
Cảm nhận của tác giả đa dạng, phong phú từ nhiều bình diện
- Chiều dài lịch sử (quá khứ - hiện tại - tương lai):
+ Từ huyền thoại Long Quân, Âu Cơ
+ Nhà thơ nhấn mạnh vào những kiếp người giản dị, bình tâm nhưng lại làm nên đất nước
+ Họ là những người bảo vệ đất nước
+ Họ góp phần to lớn vào thế giới tinh thần và vật chất của đất nước
- Chiều rộng của không gian - địa lí
+ Đất nước không chỉ bó hẹp gia đình mà trải dài theo chiều dài đất nước
+ Đất nước là nguồn cội, không gian gần gũi, gắn bó với đời sống mỗi người
+ Nhập hai từ “đất” và “nước” phù hợp với diễn tả tình ý trong mỗi câu thơ
+ Là nơi sinh tồn bao thế hệ
- Bề dày truyền thống - phong tục, văn hóa, tâm hồn
+ Giữ phong tục, ăn trầu (nét đẹp trong đời sống tinh thần, tình cảm son sắc của người Việt)
+ Truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm
+ Đất nước gắn với truyền thống đạo lí
=> Các phương diện thống nhất, bổ sung lẫn nhau. Soạn văn bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm - doctailieu.com
Bài 3 trang 122 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Trong phần sau của đoạn trích (từ "Những người vợ nhớ chồng..." đến hết) tác giả đã làm nổi bật tư tưởng “Đất nước của nhân dân". Tư tưởng ấy đã đưa đến những phát hiện sâu và mới của tác giả về địa lí, lịch sử, văn hoá của đất nước ta như thế nào? Tư tưởng ấy nổi bật trong đoạn thơ này và trong nhiều bài thơ thời chống Mỹ. Vì sao?
Trả lời:
- Phát hiện sâu sắc của tác giả trong đoạn thơ từ: “Những người vợ nhớ chồng..." đến hết thể hiện ở các khía cạnh sau:
+ Những biểu hiện của đất nước được khai thác từ chiều sâu văn hoá của dân tộc cũng như từ những sinh hoạt đời thường rất đỗi bình dị của nhân dân. Đó là sự cảm nhận, chiêm nghiệm, quan sát rất sâu sắc và tinh tế của tác giả.
+ Những suy ngẫm, chiêm nghiệm không dừng lại ở ghi chép đơn thuần mà nâng lên triết luận, tư tưởng: "Đất nước của nhân dân".
- Những phát hiện này mới mẻ và nổi bật trong thơ chống Mĩ vì:
+ Trước đó, các nhà thơ thường chỉ nói tới đất nước trên phương diện địa lí. Một số bài thơ khai thác chiều sâu của lịch sử và văn hoá truyền thống, nhưng chưa có ai nói tới những người dân vô danh.
+ Thời kì chống Mĩ, nhân dân Việt Nam, nhất là nhân dân miền Nam ở vùng địch tạm chiếm được nghe nhiều về tình yêu đất nước, nhưng nhân dân ta rất tâm đắc với những dòng thơ này bởi chất bình dân, cũng như những phát hiện về văn hoá dân gian trong quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm.
Bài 4 trang 123 SGK Ngữ văn 12 tập 1
Hãy nêu những ví dụ cụ thể và nhận xét về cách sử dụng chất liệu văn hoá dân gian của tác giả (tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, phong tục...). Từ đó tìm hiểu những đóng góp riêng của tác giả về nghệ thuật diễn đạt. Vì sao nói, chất liệu văn hoá dân gian trong đoạn thơ này gây ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ?
Trả lời:
- Tác giả sử dụng chất liệu văn hóa dân gian rất phong phú khiến cho đoạn thơ có sức sống, sự hấp dẫn đặc biệt.
+ Nhiều bài ca dao, truyện cổ tích, những câu thành ngữ, tục ngữ đã được huy động.
+ “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” ⇒ Ca dao “Em ơi chua ngọt đã từng – Gừng cay muối mặn ta đừng quên nhau”.
+ “Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng” ⇒ Thành ngữ “Một nắng hai sương”.
+ “Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm” ⇒ Bài ca dao Khăn thương nhớ ai.
+ "Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu" ⇒ sự tích núi Vọng Phu.
+ Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái ⇒ Sự tích hòn Trống mái.
+ Truyện Thánh Gióng, truyền thuyết Hùng Vương, Núi Bút, Non Nghiên, Vịnh Hạ Long,…
- Đóng góp của tác giả đã đưa vào thơ Việt Nam chất liệu văn hóa phong tục, tạo ra một cách nhìn mới về đất nước.
- Chất liệu văn hóa dân gian ở đoạn trích này gợi ấn tượng vừa quen thuộc vừa mới lạ:
+ Quen thuộc vì những hình ảnh, chi tiết trong văn hóa phong tục dân gian rất gần gũi với con người Việt Nam.
+ Mới lạ vì trong thơ nói riêng và trong văn học nói chung chưa có ai nói về đất nước bằng cách khai thác chất liệu văn hóa dân gian này.
Xem thêm: Sơ đồ tư duy Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm
Soạn bài Đất nước Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ văn 12 nâng cao
Bài soạn Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm chương trình nâng cao vẫn đang được Đọc tài liệu tìm hiểu và biên soạn, và sớm chia sẻ cho các bạn học sinh tham khảo ngay khi tài liệu hoàn thiện.
Tổng kết
- Đoạn trích Đất Nước đã thể hiện cảm nghĩ mới mẻ của tác giả về đất nước qua những vẻ đẹp được phát hiện ở chiều sâu trên nhiều bình diện: lịch sử, địa lí, văn hoá,...
- Đóng góp riêng của đoạn trích là ở sự nhấn mạnh tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân" bằng hình thức biểu đạt giàu suy tư, qua giọng thơ trữ tình - chính luận sâu lắng, thiết tha.
- Các chất liệu của văn hoá dân gian được sử dụng nhuẩn nhị, sáng tạo, đem lại sức hấp dẫn cho đoạn trích.
>> Bài soạn tiếp theo: Soạn bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi
// Các em vừa tham khảo nội dung chi tiết bài soạn văn Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm do Đọc Tài Liệu biên soạn. Mong rằng nội dung của bài hướng dẫn soạn bài Đất nước này sẽ giúp các em ôn tập và nắm vững các kiến thức quan trọng của tác phẩm. Chúc các em luôn đạt được những kết quả cao trong học tập.
Từ khóa » đất Nước Soạn Bài 12
-
Soạn Bài Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) | Soạn Văn 12 Hay Nhất
-
Soạn Bài Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm) | Ngắn Nhất Soạn Văn 12
-
Soạn Đất Nước (trang 117) - SGK Ngữ Văn 12 Tập 1
-
Soạn Bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm - Ngắn Gọn Nhất
-
Soạn Bài Đất Nước Của Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ Văn 12
-
Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm - Ngữ Văn 12 - Hoc247
-
Soạn Bài Đất Nước Ngắn Gọn Đầy Đủ Nhất - Kiến Guru
-
Soạn Văn 12 Bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm
-
Bài Soạn Lớp 12: Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm - SoanVan.NET
-
Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)
-
Soạn Bài Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm - Soạn Văn 12
-
Soạn Bài Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm Lớp 12 Chi Tiết Nhất
-
Soạn VNEN Lịch Sử Và địa Lí 5 Bài 12: Hoàn Thành Thống Nhất đất ...
-
Soạn Bài: Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm - Siêu Ngắn) - CungHocVui