Soạn Bài: Ôn Tập Phần Làm Văn (chi Tiết) - TopLoigiai

Mục lục nội dung Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (chi tiết)I. Lí thuyếtII. Luyện tập

Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (chi tiết)

  • Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (ngắn nhất)
  • Soạn bài: Ôn tập phần làm văn (siêu ngắn)

I. Lí thuyết

Câu 1 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

*) Đặc điểm các kiểu văn bản:

-  Văn bản tự sự: là phương thức trình bày 1 chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn tới sự việc kia, cuối cùng dẫn tới một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa.

- Văn bản thuyết minh: là văn bản thường xuyên sử dụng trong đời sống. Cung cấp cho người đọc, người nghe lượng kiến thức chi tiết về nguyên nhân, đặc điểm, tính chất,… của các sự vật, sự việc, hiện tượng trong cuộc sống bằng cách trình bày, giải thích, giới thiệu..

- Văn bản nghị luận: là văn bản trình bày tư tưởng, quan điểm của người nói, người viết đối với con người, tự nhiên và xã hội thông qua việc sử dụng các lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, các luận điểm, luận cứ rõ ràng và cách lập luận logic.

*)  Mối quan hệ giữa 3 loại văn bản trên:

- Tự sự: có sử dụng yếu tố miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận.

- Thuyết minh: sử dụng các yếu tố nghị luận, miêu tả, tự sự.

- Nghị luận: sử dụng yếu tố thuyết minh, miêu tả, biểu cảm.

" Trong quá trình viết chúng ta nên sử dụng kết hợp các kiểu văn bản trên nhằm tạo sự linh hoạt, thuyết phục và hấp dẫn để nâng cao chất lượng bài viết.

Câu 2 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Sự việc và chi tiết tiêu biểu trong văn bản tự sự:

+ Sự việc: là cái xảy ra được nhận thức có ranh giới rõ ràng, phân biệt với những cái xảy ra khác.

+ Mỗi sự việc có thể có nhiều chi tiết. Chi tiết là tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. Chi tiết đặc sắc tập trung thể hiện rõ nét sự việc tiêu biểu.

=> Sự việc và chi tiết tiêu biểu có tác dụng dẫn dắt câu chuyện, tô đậm tính cách nhân vật và tập trung thể hiện chủ đề của câu chuyện. Chọn sự việc, chi tiết tiêu biểu là khâu quan trọng trong quá trình viết hoặc kể lại một câu chuyện.

- Cách chọn sự việc và chi tiết tiêu biểu:

+ Xác định rõ đề tài, chủ đề, tư tưởng của bài văn.

+ Dự kiến cốt truyện: Mở đầu – kết thúc (gồm nhiều sự việc móc xích nhân quả với nhau)

+ Triển khai các sự kiện bằng một số chi tiết cụ thể và tiêu biểu.

Câu 3 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Cách lập dàn ý, viết đoạn văn tự sự sử dụng yếu tố miêu tả và biểu cảm giống với dàn ý bài văn tự sự thông thường. Khi viết không nên đưa quá nhiều yếu tố miêu tả và biểu cảm tránh lan man, dài dòng:

+ Mở bài: Giới thiệu chung (tác giả, tác phẩm, sự việc muốn nói đến…)

+ Thân bài: đề cập đến những sự việc, chi tiết chính theo diễn biến câu chuyện, khéo léo kết hợp các yếu tố miêu tả và biểu cảm trong bài viết.

+ Kết bài: Nêu những nhận định chung, lồng ghép thêm yếu tố biểu cảm.

Câu 4 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Các phương pháp thuyết minh thường được sử dụng trong bài văn thuyết minh: Bên cạnh những phương pháp thuyết minh đã học ở THCS như: nêu định nghĩa, liệt kê, nêu ví dụ, dùng số liệu, so sánh, phân loại, phân tích,…ta có thêm một số phương pháp thuyết minh khác như: thuyết minh bằng cách chú thích, bằng cách giảng giải nguyên nhân – kết quả.

Câu 5 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Để viết được bài văn thuyết minh chuẩn xác và hấp dẫn:

-   Để có tính chuẩn xác: Phải tìm hiểu thấu đáo, quan sát tỉ mỉ, kĩ càng, thu thập tài liệu tham khảo có tên tuổi, nguồn gốc, xuất xứ, luôn cập nhật những thông tin mới, những thay đổi thường xuyên để vấn đề thuyết minh có tính thời sự,...

-   Để có tính hấp dẫn: phải đưa ra những chi tiết cụ thể, sinh động, những con số chính xác để bài văn không trừu tượng, mơ hồ. So sánh để chỉ ra sự khác biệt, tạo ấn tượng. Sử dụng và kết hợp nhiều kiểu câu linh hoạt làm cho bài văn thuyết minh không đơn điệu. Phối hợp nhiều kiến thức về tự nhiên, xã hội, các ngành nghề,...để bài viết được soi rọi từ nhiều mặt.

Câu 6 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Cách lập dàn ý và viết các đoạn văn thuyết minh :

- Xác định đề tài: xác định rõ đối tượng thuyết minh

- Xây dựng dàn ý:

+ Mở bài: nêu được đề tài (giới thiệu được đối tượng thuyết minh)

+ Thân bài: Triển khai các nội dung chính cần thuyết minh (tìm ý, chọn ý, sắp xếp các ý theo trình tự chứng minh hoặc trình tự không gian, thời gian, nhận thức)

+ Kết bài: nhìn lại các nét chính mình đã thuyết minh.

Câu 7 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Cấu tạo của một lập luận: bao gồm các luận điểm, luận cứ, phương pháp lập luận.

- Các thao tác nghị luận: thao tác phân tích, tổng hợp, diễn dịch, quy nạp, so sánh

- Cách lập dàn ý cho bài nghị luận: có 2 bước:

+ Tìm ý cho bài văn: tìm hệ thống luận điểm (ý lớn), luận cứ (ý nhỏ) cho bài văn.

+ Lập dàn ý:

Mở bài: giới thiệu được vấn đề cần nghị luận.

Thân bài: lần lượt sắp xếp các luận điểm luận cứ cho hợp lí

Kết bài: nhìn lại quá trình nghị luận

Câu 8 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

Yêu cầu và cách thức tóm tắt:

- Tóm tắt văn bản tự sự: là kể lại một cách ngắn gọn những vấn đề chính xoay quanh nhân vật đó. Nội dung bản tóm tắt phải đúng với văn bản gốc. Cần đọc kĩ văn bản để từ đó xác định được nhân vật chính, các sự việc chính xảy ra với nhân vật đó.

- Tóm tắt văn bản thuyết minh: là nắm được những nội dung chính của văn bản đó. Bản tóm tắt phải mạch lạc, rõ ràng, đúng với bản gốc. Phải tìm hiểu kĩ văn bản gốc để nắm vững đối tượng cần thuyết minh, xác định được mục đích và yêu cầu tóm tắt. Xác định được bố cục của văn bản và tóm lược các ý chính để hình thành văn bản tóm tắt.

Câu 9 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

- Đặc điểm cách viết bản kế hoạch cá nhân:

+ Đưa ra dự kiến những việc làm sắp tới của cá nhân: mục tiêu, thời gian thực hiện, cách thức tiến hành

+ Kế hoạch phải cụ thể, rõ ràng, trình bày khoa học, ngắn gọn.

-   Đặc điểm cách viết quảng cáo:

+ Nội dung phải độc đáo, ấn tượng

+ Làm nổi bật được tính ưu việt của sản phẩm, dịch vụ

+ Diễn đạt ngắn gọn, xúc tích

Câu 10 (trang 150 SGK Ngữ Văn 10 tập 2)

 Cách thức trình bày một vấn đề:

- Phải nắm rõ đặc điểm của đối tượng, vấn đề muốn trình bày. Lập đề cương cho bài viết

- Quá trình trình bày cần tuân thủ các bước:

+ Khởi đầu: Giới thiệu, chào hỏi

+ Diễn biến: trình bày các nội dung theo đề cương đã chuẩn bị

+ Kết thúc: chốt lại phần trình bày, cảm ơn.

⇒ Yêu cầu: trong quá trình trình bày phải đáp ứng được yêu cầu về nội dung, cách thức diễn đạt (cử chỉ, ngữ điệu, ánh mắt, cảm xúc,…) để cuốn hút, lôi cuốn người nghe.

II. Luyện tập

(Học sinh tham khảo SGK và tự làm bài tập)

Từ khóa » Giải ôn Tập Phần Làm Văn Lớp 10 Trang 150