Soạn Bài Tre Việt Nam – Kể Lại Bài Thơ Tre Việt Nam Theo Lời Của Em.

 Soạn bài Tre Việt Nam – Tiếng Việt  lớp 4 tập 1. Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non ? Vì sao ?;Kể lại bài thơ Tre Việt Nam theo lời của em.

Soạn bài Tre Việt Nam

Câu 1. Những hình ảnh nào của tre gợi lên những phẩm chất tốt đẹp của người Việt Nam:

a) Cần cù

b) Đoàn kết

c) Ngay thẳng

Những hình ảnh của tre gợi lên tính cần cù:

Ở đâu tre cũng xanh tươi

Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu

Rễ siêng không ngại đất nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù.

b) Những hình ảnh của tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại

– Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu, tre gần nhau thêm

Thương nhau, tre chẳng ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người

– Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

c) Những hình ảnh của tre tượng trưng cho tính ngay thẳng.

– Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Advertisements (Quảng cáo)

Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.

Câu 2. Em thích những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non? Vì sao?

Những hình ảnh nào về cây tre và búp măng non mà em thích.

Có thể chọn:

– Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc, tre nhường cho con.

(Hi sinh nhường nhịn).

– Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường.

(Khỏe khoắn, ngay thẳng, bất khuất)

Kể lại bài thơ Tre Việt Nam theo lời của em.

Advertisements (Quảng cáo)

“Tre xanh, xanh tự bao giờ ?” Câu thơ chứa đựng tình cảm mến yêu tha thiết dành cho cây tre, luỹ tre gắn bó đã bao đời với người nông dân Việt Nam.

Trên khắp đất nước ta, ở đâu cũng có sự hiện diện của tre. Cây tre vươn cao dưới nắng nỏ, trời xanh, không chịu khuất mình trong bóng râm của bất cứ loại cây nào. Năm tháng qua đi, tre nảy nở, sinh sôi thành bụi, thành luỹ tre dày như bức tường thành vững chắc bao bọc xóm thôn. Bên một gốc tre già là những mầm măng nhọn hoắt, đội đất cằn, xuyên sỏi đá mà mọc lên, nhọn như những mũi chông. Những cây tre thân trần, cứng cáp, dẻo dai, dầu dãi nắng mưa, che chở, đùm bọc bao búp măng non dưới gốc. Đúng là: Có manh áo cộc, tre nhường cho con. Họ nhà tre cứ thế truyền từ đời này sang đời khác cái phẩm chất thẳng thắn, kiên cường, bất khuất. Đây là sự nối tiếp liên tục của các thế hệ. Dân gian cũng đã mượn chuyện cây tre để nói chuyện con người: Tre già măng mọc. Quy luật muôn đời là thế!

Tre xanh, xanh từ thuở Hùng Vương dựng nước. Tre xanh cùng dân tộc Việt Nam song hành suốt lịch sử bốn ngàn năm giữ nước đau thương và oanh liệt. Tre sẽ còn xanh mãi trên Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Cảm nhận của em khi đọc bài “Tre Việt Nam” của Nguyễn Duy

Bài mẫu 

“Tre Việt Nam” là bài thơ kiệt tác của Nguyễn Duy được nhiều người yêu thích. Đây là một phần tiêu biểu của bài thơ ấy. Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát; trong đó câu lục đầu bài thơ được cắt thành hai dòng (2+4) và câu lục cuối bài được cắt thành ba dòng (2+2+2). Lời thơ mượt mà, có nhiều hình ảnh đẹp, giọng thơ du dương truyền cảm.

Ba dòng thơ đầu, nhà thơ ngạc nhiên hỏi về màu xanh của tre, liên tưởng đến “chuyện ngày xưa” – chuyện người anh hùng làng Gióng dùng gộc tre đánh đuổi giặc Ân. Qua đó, tác giả thể hiện rất hay sự gắn bó lâu đời giữa cây tre với đất nước và con người Việt Nam:

“Tre xanh,

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh”.

Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho bao phẩm chất cao quý của con nguời Việt Nam, của dân tộc Việt Nam

Cây tre, lũy tre tượng trưng cho tình thương yêu đồng loại, tinh thần đoàn kết dân tộc để vượt qua bão bùng, để làm nên lũy thành bền vững:

“Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm, tay níu tre gần nhau thêm.

Thương nhau, tre chẳng ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người.”

Nguyễn Duy có nhiều cách sáng tạo hình ảnh về cây tre, măng tre để thể hiện tính ngay thẳng, tinh thần bất khuất của nhân dân ta:

“Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm”.

hay: “Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lự thường”.

hay: “Măng non là búp măng non

Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre”.

Cây tre được nhân hóa, tượng trưng cho đức hi sinh, tình thương con bao la của người mẹ hiền:

“Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc, tre nhường cho con”.

“Tre già măng mọc” là sự thật, là niềm tin về tuổi thơ, về thế hệ tương lai.

Ba chữ “xanh” trong câu cuối bài thơ cho thấy cách viết rất tài hoa của Nguyễn Duy khi ca ngợi vẻ đẹp của cây tre, ca ngợi cảnh sắc làng quê đất nước bền vững trong dòng chảy thời gian đến muôn đời mai sau:

“Mai sau,

Mai sau,

Mai sau,

Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

Đọc bài thơ “Tre Việt Nam”, ta yêu thêm cây tre, lũy tre, yêu thêm vẻ đẹp quê hương đất nước, ta thêm tự hào về bao phẩm chất cao quý của con ngườ: Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Từ khóa » Bài Thơ Tre Việt Nam Lớp 4