SOẠN VĂN BÀI THƠ ĐẤT NƯỚC CỦA NGUYỄN ĐÌNH THI - HỌC TỐT

Bài thơ đất nước của nguyễn đình thi
Bài thơ đất nước của nguyễn đình thi

Tổng quát nội dung có trong bài viết

Toggle
  • Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Đất nước Nguyễn Đình Thi.
    • 1. Mở bài
    • 2. Thân bài
      • 2.1. Hình ảnh mùa thu Hà Nội hiện lên trong hoài niệm của nhà thơ.
      • 2.2. Hình ảnh mùa thu trong chiến khu, mùa thu cách mạng, mùa thu của độc lập, vui tươi, phấn chấn.
      • 2.3. Hình ảnh đất nước đau thương trong những năm tháng chiến tranh.
      • 2.4. Hình ảnh đất nước trong niềm vui, hạnh phúc khi đất nước giành lấy chiến thắng vinh quang, chói lọi.
    • 3. Kết bài
  • Sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
  • Top các bài văn mẫu hay nhất phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi
    • Bài văn phân tích bài thơ đất nước của nguyễn đình thi
    • Bài văn chi tiết phân tích bài thơ đất nước – nguyễn đình thi
    • Phân tích bài thơ Đất Nước của tác giả Nguyễn Đình Thi
5/5 - (1 bình chọn)

Có hai bài thơ cùng tên “Đất nước” và cùng nói về chủ đề muôn thuở này, thế nhưng mỗi bài sẽ có một nguồn cảm hứng và đi theo một hình tượng khác nhau. Hãy cùng nhau phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi để hiểu thêm về hình tượng đất nước mà tác giả muốn gửi gắm trong bài thơ này nhé (chi tiết soạn văn 12 các tác phẩm)

Tham khảo thêm:

  • Chi tiết: Soạn bài đất nước Nguyễn Đình Thi

Dàn ý chi tiết phân tích bài thơ Đất nước Nguyễn Đình Thi.

1. Mở bài

Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Đình Thi và bài thơ Đất nước.

  • Nhà thơ Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ đa tài, có rất nhiều đóng góp trên nhiều lĩnh vực từ sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch đến tiểu luận phê bình…
  • Bài thơ Đất Nước là một trong những tác phẩm hay nhất của Nguyễn Đình Thi cũng như nền văn học Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám viết về đề tài đất nước.

2. Thân bài

2.1. Hình ảnh mùa thu Hà Nội hiện lên trong hoài niệm của nhà thơ.

  • Tín hiệu của mùa thu được gợi lên qua hình ảnh “sáng mát trong”, “hương cốm mới” => đây là hình ảnh mùa thu đặc trưng của Hà Nội.
  • Hình ảnh mùa thu Hà nội trong hoài niệm: “những buổi sáng mát trong”, “hương cốm”, “chớm lạnh”, “phố phường Hà Nội”…một mùa thu mang đậm nét đặc trưng của Hà Nội với những cảnh đẹp nhưng thoáng buồn.
  • Hình ảnh người ra đi buồn bã, lưu luyến nhưng cũng đầy cương quyết: “Người ra đi… nắng lá rơi đầy”

=> Mùa thu Hà Nội  thật đẹp nhưng cũng thật buồn bởi nhân vật trữ tình phải rời Hà Nội để đi tìm con đường thoát khỏi vòng nô lệ đau thương, tủi nhục.

2.2. Hình ảnh mùa thu trong chiến khu, mùa thu cách mạng, mùa thu của độc lập, vui tươi, phấn chấn.

  • Mùa thu hiện tại: tiếng reo vui vì mùa thu độc lập, hạnh phúc.
  • Mùa thu cách mạng thật tươi đẹp và sôi nổi.
    • Không gian nghệ thuật chuyển dịch từ những con phố dài xao xác buồn bã sang không gian núi rừng tươi mới và tràn đầy sức sống: “rừng tre phấp phới”, “trời thu thay áo mới” với những âm thanh ngân nga, vang vọng.
    • Trạng thái của nhân vật trữ tình vui vẻ và hạnh phúc hòa trong sự phấn chấn của tạo vật “phấp phới”, “thiết tha”
  • Mùa thu của độc lập, vui tươi, phấn chấn: “Trời xanh đây là của chúng ta…”
  • Những suy tư về hồn thiêng đất nước “Nước chúng ta… vọng nói về”.

=> Niềm tự hào về đất nước được thể hiện qua những hình ảnh giàu sức gợi, câu thơ giàu tính nhạc, giọng thơ phấn chấn sôi nổi mang cảm xúc mãnh liệt… 

=> Đoạn thơ nói lên tình yêu tha thiết, niềm tự hào về quê hương khi có được độc lập, có truyền thống anh hùng, bất khuất.

2.3. Hình ảnh đất nước đau thương trong những năm tháng chiến tranh.

  • Hình ảnh đau thương, khốc liệt của chiến tranh, một hình ảnh đất nước chìm trong máu và nước mắt “Những cánh đồng quê chảy máu”, “Bát cơm chan đầy nước mắt”, “Dây thép gai đâm nát trời chiều”, “Đứa đè cổ đứa lột da”..
  • Sử dụng biện pháp nghệ thuật nhân hóa : cho thấy sự bi thương, phẫn nộ, đau đớn đến nghẹn ngào.
  • Tác giả còn cách liệt kê một loạt những tội ác mà bọn xâm lược gây ra để nhấn mạnh sự tàn ác của kẻ thù.

=> Tác giả đã sử dụng những hình ảnh tương phản để làm nổi bật phẩm chất anh hùng của con người Việt Nam, đồng thời còn khẳng định tình yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc ta “Xiềng xích …thương nhà!”

2.4. Hình ảnh đất nước trong niềm vui, hạnh phúc khi đất nước giành lấy chiến thắng vinh quang, chói lọi.

  • Hình ảnh nhân dân ta vượt lên đau thương để lao động và chiến đấu, chống lại kẻ thù “Những đêm dài hành quân nung nấu”…
  • Hình ảnh đất nước hiện lên với tiếng kèn gọi quân với những làn khói nhà máy bay trong gió => đã gợi lên công cuộc xây dựng lại đất nước sau chiến tranh.

=> Niềm vui, niềm tự hào khi dân tộc ta từng bước đi lên đổi mới từ những đau thương, mất mát đến phát triển, xây dựng đất nước.

3. Kết bài

Nêu lên cảm nhận chung về bài thơ.

Sơ đồ tư duy phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

sơ đồ tư duy bài thơ đất nước của nguyễn đình thi
Sơ đồ tư duy bài thơ đất nước của nguyễn đình thi

Top các bài văn mẫu hay nhất phân tích bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi

Bài văn phân tích đất nước nguyễn đình thi
Bài văn phân tích đất nước nguyễn đình thi

Bài văn phân tích bài thơ đất nước của nguyễn đình thi

(Bài văn mẫu số 1)

Nhắc tới Nguyễn Đình Thi chúng ta sẽ nhớ ngay tới một con người đa tài với những tác phẩm, bài viết đủ mọi thể loại từ văn học, soạn nhạc, triết học tới lí luận phê bình… mặt nào cũng rất tài hoa. Về thơ ca, ông cũng đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học Việt Nam với một giọng thơ sôi nổi, đằm thắm và sâu lắng nhưng lại tao nhã, giản dị và gần gũi với mọi người. Tác phẩm nổi bật nhất trong thời kỳ này là bài thơ Đất nước. Được sáng tác từ 1948 – 1955, Đất nước là sự kết hợp giữa bài thơ Đêm mít tinh và Sáng mát trong như sáng năm xưa, và chính hai bài thơ này đã giúp tác giả hình thành thái độ trân trọng, một cái nhìn đầy đủ hơn về hình ảnh đất nước. Đất nước được đánh giá là cuốn biên niên sử bằng thơ hào hùng, oanh liệt, vinh quang và rực rỡ của dân tộc.

     Mở đầu bài thơ, Nguyễn Đình Thi đã lấy hình ảnh của mùa thu đã xa, một mùa thu với những ký ức và hình ảnh đã thuộc về quá khứ:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa”

    Nguyễn Đình Thi đang đứng trước mùa thu của hiện tại và hồi tưởng, hoài niệm về mùa thu quá khứ. Với hình ảnh thu trong lành và mát trong của sáng sớm, với  làn gió mùa thu mang theo hương cốm, tác giả đã khiến người đọc cảm nhận được một mùa thu quen thuộc, một mùa thu xưa đẹp đẽ. Vẻ đẹp của mùa thu ấy, với tác giả, muôn đời vẫn vậy chẳng hề đổi thay.

      Chỉ với một câu thơ “Gió thổi mùa thu hương cốm mới” đã gợi lên trong lòng người đọc hình ảnh mùa thu Hà Nội với một vẻ đẹp truyền thống, tao nhã, bền vững và cổ xưa. Một chút gió heo may đem theo một chút hương cốm thơm nức. Một hình ảnh đầy quen thuộc kéo dài từ năm này qua năm khác mà không đổi thay.

      Câu thơ “Tôi nhớ những mùa thu đã xa” giống như một câu thơ bản lề, chuyển hướng và đẩy tâm sự người đọc hướng về hiện tại:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

      Khổ thơ sau vẫn là cái nhịp điệu chậm rãi và tràn đầy nhung nhớ, Nguyễn Đình Thi lại nhắc lại hình ảnh thu vào ban sáng. Hình ảnh thu Hà Nội của hiện tại thật đẹp nhưng cũng thật buồn, gợi bao sự thương nhớ. Sáng mùa thu “chớm lạnh trong lòng Hà Nội”, hay đúng hơn đó là cái chớm lạnh của lòng người trước mỗi đợt, mỗi khoảnh khắc thu về. Cái nét tinh tế của nhà thơ được thể hiện qua câu “trong lòng Hà Nội”. Thực ra đây liệu có phải là nỗi nhớ qua những câu thơ đầy khắc khoải và ám ảnh? Tiếp đó, nhà thơ còn gợi thêm một hình ảnh đặc trưng của Hà Nội là: “những phố dài” và thêm một nét tinh tế nữa khi ông sử dụng từ láy “xao xác”. Tất cả như gợi ra sự vắng vẻ, hiu quạnh. Sự xao xác của lá thu hay đó là nỗi tâm sự đong đầy. Hình ảnh gió xao xác kết hợp với con phố dài đã tạo ra sự thu hút, sự sâu thẳm.

      Và thật đột ngột, mạch cảm xúc của tác giả bỗng thay đổi, với hình ảnh người ra đi. Câu thơ thứ ba như một cái hất đầu thật ngạo nghễ, một sự quyết tâm ra đi đầy kiêu hãnh với chí lớn mang trong người. Nhưng câu thơ cuối, nhịp thơ như châm lại, nó chứa một tình cảm sâu lắng, trực tiếp và đầy quyến luyến: “ Sau lưng thềm lá rơi đầy” câu thơ đẹp và giàu sắc thái thẩm mỹ. Bức tranh thu Hà Nội thấm đầy nắng đã gợi lên sắc thái quyến rũ trong tâm trí của người ra đi. Mà có khi làm sao mà bước đi nổi khi một Hà Nội đẹp đến thế, quyến rũ đến thế cứ níu chân chẳng cho đi, làm sao không khỏi mềm lòng.

       Đó là mùa thu của quá khứ – mùa thu của Hà Nội, còn mùa thu của bây giờ, của hiện tại lại rực rỡ, tươi mát và tự hào hơn trong lòng tác giả:

“Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

      Câu thơ đầu tiên như một lời khẳng định đầy kiêu hãnh, gợi mở cho người đọc hướng về một hình ảnh mùa thu trong sự đổi mới khác với mùa thu xưa. Chữ “khác” dường như không phải là chỉ sự khác biệt về thời gian, không gian giữa xưa và nay mà còn là sự khác biệt trong nhận thức và tư tưởng của con người. Vì đơn giản là muôn đời thu vẫn thế, vẫn là làn gió heo may cùng với hương cốm thơm. Vấn đề là cái cảm nhận của con người mà thôi. Mùa thu xưa là mùa thu của dân tộc nô lệ, là kiếp người khổ đau, vì vậy mà thu dù có đẹp nhưng vẫn có vẻ ảm đạm và thê lương. Khi đã độc lập thì mùa thu như rạng rỡ hơn, chan hoà hơn giữa sự thay đổi của đất nước, của một cuộc đời mới, con người như giao hoà với đất trời và vũ trụ, được lắng nghe âm hưởng vui mừng của niềm vui độc lập, đó là niềm hạnh phúc tột độ.

      Ở đây, không gian thu như được mở rộng và khoáng đạt hơn. Với tiếng “Gió thổi rừng tre phấp phớ”, vẫn là gió thu, nhưng không còn lặng lẽ, buồn bã, mà là tiếng gió phấp phới (thổi vào rừng tre) như muốn giữ trọn niềm vui của con người vào thiên nhiên, vũ trụ. Hình ảnh rừng tre tượng trưng cho sức mạnh của con người Việt Nam, vẻ đẹp của Việt Nam và niềm vui của thu độc lập. Tất cả như muốn cất lên tiếng ca reo vang tột độ.

Và trong xúc cảm thăng hoa ấy, Nguyễn Đình Thi đã có những câu thơ hết mực tài hoa:

“Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha

Gió thổi mùa thu hương cốm mới “

Tác giả đã vô cùng khéo léo khi sử dụng phép nhân hóa biến mùa thu như một thiếu nữ xinhđẹp, điệu đà, thướt tha đang khoác tấm áo mới rạng rỡ, tươi tắn và dịu dàng. Phải chăng tấm áo ấy chính là sự độc lập, tự do của dân tộc?

 Mùa thu ở đây vừa có nét tươi mới trong trẻo của một mùa thu muôn đời, lại vừa có sự phấn khởi, vui mừng. Câu thơ đã gợi lên tất cả xúc cảm, sâu lắng và huyên náo… tạo ra sự giao hoà, sự hòa quyện giữa niềm vui của con người và niềm vui của đất trời trong ngày độc lập.

Và cảm xúc hân hoan của nhà thơ như trải dài qua khổ thơ:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Với cách ngắt nhịp mạnh mẽ, dứt khoát đã tạo ra âm hưởng hùng tráng và tràn đầy niềm tự hào. Nhà thơ như đang biến mình  thành một hướng dẫn viên, giới thiệu và bày tỏ với mọi người về cảnh sắc quê hương. Đây là núi rừng, là trời xanh, kia là cánh đồng, là ngả đường, xa hơn nữa là dòng sông, đó là của chúng ta, của đất nước Việt Nam xinh đẹp này. Nhịp điệu câu thơ như nói lên niềm hân hoan háo hức, sự hãnh diện và vinh dự với tư cách là người làm chủ. Tác giả nhấn mạnh vào từ “của” như muốn khẳng định chắc nịch về sự sở hữu và quyền tự chủ của bản thân.

Ở đây đã có sự thay đổi về cách xưng hô, có sự hoà nhập giữa cái tôi của nhà thơ với cái chung của cả dân tộc. Không chỉ nói tiếng nói chung của mình mà Nguyễn Đình Thi còn nói lên tiếng nói chung của cả dân tộc, của mọi người bằng hai từ “chúng ta” đầy kiêu hãnh.

Từ cảm xúc đang hướng vào niềm vui, niềm tự hào của đất nước, tác giả lại chuyển sang những suy tưởng về mạch sông bền bỉ và vĩnh hằng của Tổ quốc. Giọng thơ đang hào hứng, bất chợt trầm lặng hẳn xuống.

“Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về.”

Những dòng thơ cứ trôi đi mà không dấu nổi niềm tự hào kiêu hãnh. Ba chữ “Nước chúng ta” đứng riêng thành một câu thơ đàng hoàng đĩnh đạc. Đất nước được cảm nhận từ chiều sâu của lịch sử, của truyền thống ông cha chúng ta. Một đất nước mà Chế Lan Viên đã từng viết lên những câu thơ trào dâng cảm xúc.

“Khi Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc Nguyễn Du viết Truyện Kiều đất nước hóa thành văn Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi ra cửa Bắc Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng

(Trích Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng)”

Nhà thơ đã khẳng định truyền thông dân tộc ta như một chân lý. Lời thơ “Nước chúng ta / Nước những người chưa bao giờ khuất” như một định nghĩa chắc nịch. Đất nước ấy đã từ bao đời rồi vẫn vững chãi, sừng sững và hiên ngang. Một đất nước với bao thế hệ trong tay chỉ có ngọn tầm vông vẫn đứng lên để bảo vệ, giữ gìn mảnh đất thiêng liêng này.

Thế hệ này ngã xuống thì thế hệ khác sẽ lại đứng lên. Đất nước đã thấm máu của biết bao người anh hùng, họ đã anh dũng hy sinh cho mùa thu ngàn đời sau đẹp mãi. Chính vì thế mà hình ảnh của họ vẫn luôn hiện lên trong mỗi dáng hình đất nước, họ chính là những người “chưa bao giờ khuất”.

“Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về.”

Tiếng nói vang lên từ sâu thẳm trong lòng đất của quá khứ đêm đêm vẫn vọng về như nhắc nhở, như nhắn gửi bao điều thiêng liêng. Truyền thống của dân tộc ta được nhà thơ cảm nhận như một mạch sông ngầm luân chuyển vĩnh hằng và bất diệt trong lòng đất. Tiếng nói ấy sâu lắng và được gợi lên bằng một âm thanh nhỏ nhẹ và “rì rầm”, liên tục như không bao giờ dứt. Tiếng nói rì rầm là tiếng nói thỏ thẻ, nó tựa như một nốt nhạc trầm đem cả quá khứ mấy ngàn năm lịch sử của đất nước trở về với hiện tại, với con người ngày hôm nay. Tiếng nói thấm sâu vào trong lòng đất nhưng đọng lại ở lòng người. Tiếng nói của “những ngày xưa ấy” đã được dệt bằng mồ hôi, bằng nước mắt, bằng xương máu và cả chí khí oai hùng của tổ tiên. Tiếng nói ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay, thế hệ mai sau, cho đất hôm nay – một đất nước có lịch sử bốn nghìn năm sừng sững, một đất nước gắn liền với biết bao con người giản dị và chân chất.

“Có biết bao người con gái con trai Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi Họ đã sống và đã chết Giản dị bình tâm Không ai nhớ mặt đặt tên

Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.

(trích Đất Nước – Nguyễn Khoa Điềm)”

Đất nước đã được Nguyễn Đình Thi cảm nhận bằng mùa thu đượm buồn trong quá khứ bởi giây phút chia ly, bằng mùa thu trong hiện tại vui vẻ, phấn khởi, bằng truyền thống lịch sử cha ông. Cuối cùng là sự cảm nhận về đất nước đầy đau thương nhưng quật khởi.

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu Dây thép gai đâm nát trời chiều.”

Thán từ “Ôi” được đặt ở đầu câu thơ không phải là một tiếng thở dài tuyệt vọng mà chính là sự xót xa, đau đớn cùng nỗi uất hận trước tội ác tày trời của giặc. Câu thơ được viết bằng những hình ảnh có thực mà Nguyễn Đình Thi đã tận mắt chứng kiến trong một lần hành quân qua vùng Bắc Giang, hình ảnh ấy đã đi vào thơ mang đầy tính biểu tượng.

Cánh đồng quê trong những ngày tháng thanh bình luôn tràn trề màu xanh của sự sống, thì nay trong ánh chiều tà của chiến tranh bỗng đỏ lên màu máu như nhuộm đỏ cả trời chiều. Những hàng rào dây thép gai chĩa lên như đang chọc, đang cào xé làm rách nát cả bầu trời, khiến cho bầu trời đau đớn, lòng người quằn quại, đầy nhức nhối. Trong đau thương, người lính thường nhớ về với những người thân yêu nơi quê nhà, nơi hậu phương để tiếp thêm dũng khí cho bước chân hành quân ra chiến trận.

“Những đêm dài hành quân núng nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”

Những người lính ra đi luôn mang theo trong mình một lý tưởng cách mạng đẹp đẽ, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù, bảo vệ đất nước giàu đẹp, thiêng liêng nhưng cũng không quên ước mơ, khao khát về một tình yêu, một hạnh phúc lứa đôi. Ra đi là để giữ lấy mảnh đất thân yêu, giữ lấy giang sơn gấm vóc và cũng chính là để giữ lấy hạnh phúc cho mỗi con người, mỗi gia đình, mỗi lứa đôi và trong ấy có cả hạnh phúc của chính mình.

Hình ảnh “mắt người yêu” gợi nhớ gợi thương biết bao kỷ niệm êm đềm, trong sáng trong những tháng ngày được sống bình yên giữa lòng quê hương, và giờ đây hình bóng của cả quê hương như đang hiện lên trong đôi mắt ấy. Đôi mắt chứa chan bao niềm hy vọng cho một ngày sum họp, cho một đất nước thống nhất khải hoàn. Trong ước mơ giản dị ấy, cái riêng và cái chung như được hòa làm một. Những câu thơ tiếp theo được đúc rút từ hiện thực của cuộc chiến đấu.

“Từ những năm đau thương chiến đấu Đã ngời lên nét mặt quê hương Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu Đã bật lên những tiếng căm hờn.”

Trải qua bao năm đầy sự gian khổ, mất mát, hy sinh, gương mặt của quê hương giờ đây đã ngời lên rạng rỡ. Cái rạng rỡ ấy chính là kết quả của những con người đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” , của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và của niềm tin son sắt vào một ngày mai chiến thắng. Bọn giặc đã gây lên biết bao tội ác, những tội ác đó không chỉ là nỗi uất hận lòng người mà còn gây “tiếng căm hờn” đến tận từng gốc lúa, từng bờ tre.

“Gốc lúa bờ tre” là một hình ảnh ẩn dụ đầy sự độc đáo. Cuộc kháng chiến đã huy động được lực lượng của toàn dân, khơi dậy lòng yêu nước, sự căm thù tới cả những người chân lấm tay bùn, những người mà cả cuộc đời họ chỉ biết “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”. Và đó chính là cuộc kháng chiến của toàn dân. Tội ác của giặc đã len vào từng hang cùng ngõ hẻm.

“Bát cơm chan đầy nước mắt Bây còn giằng khỏi miệng ta Thằng giặc Tây, thằng chúa đất Đứa đè cổ đứa lột da.”

Để có được miếng cơm ăn, người dân đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi nước mắt. Họ đã nhọc nhằn bỏ công sức lao động để tạo ra thành quả duy trì sự sống nhưng bỗng dưng bị cướp trắng tay. Sự dã man của chúng được hiện lên qua một loạt hình ảnh có sức gợi lớn: “giằng khỏi miệng ta”, “đè cổ, lột da”. Chúng chỉ đáng được gọi bằng “đứa”, bằng “thằng”, là một lũ chó săn mồi khát máu. Nghệ thuật đối lập tương phản được sử dụng triệt để trong những câu thơ tiếp theo.

“Xiềng xích chúng bay không khóa được Trời đầy chim và đất đầy hoa Súng đạn chúng bay không bắn được Lòng dân ta yêu nước thương nhà.”

Sự hung bạo,  tàn độc của kẻ thù không thể giết chết được lòng yêu nước ngày đêm đang cuồn cuộn chảy trong trái tim của mỗi người dân đất nước Việt. “Xiềng xích”, “súng đạn” tượng trưng cho một thế lực bạo tàn, cho đau thương, chết chóc. Chim, hoa và lòng yêu nước là biểu tượng của sự sống, của hòa bình.

Dân tộc ta đã lấy hòa bình để áp đảo, loại bỏ chiến tranh, lấy tình yêu sự sống để phá bỏ xiềng xích và đấy chính là hình ảnh của một đất nước văn minh, sáng ngời những giá trị nhân văn lấp lánh.

“Khói nhà máy cuộn trong sương núi Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng Ôm đất nước những người áo vải Đã đứng lên thành những anh hùng.”

Dù trong đau thương, khói lửa vẫn vươn mình lên để giành lại sự sống, các nhà máy vẫn không ngừng hoạt động, từng lớp quân dân vẫn ào ạt đi ra chiến trường. Đất nước đã đứng lên bằng bàn tay của những người anh hùng “áo vải”, chân đất, mang nét giản dị nhưng lại có một sức mạnh phi thường. Những con người mà trong cuộc sống ngày thường họ quá đỗi hiền lành, chất phác song khi đi ra chiến trận họ lại hùng dũng vô cùng. Những con người ấy được Nguyễn Đình Thi phát hiện ra từ những mãnh đất nghèo, cằn cỗi.

“Đất nghèo nuôi những anh hùng Chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên Đạp quân thù xuống đất đen Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa.

(trích trong Việt Nam đất nước ta ơi)”

Đất nước được bảo vệ, giữ gìn và nâng niu tựa như hình ảnh người mẹ đang nâng niu, đùm bọc đứa con yêu dấu của mình. Động từ “ôm” gợi lên tình yêu nồng nàn, thắm thiết, gắn bó máu thịt với đất nước. Đất nước đầy đau thương vất vả mà cũng tràn đầy hy vọng.

“Ngày nắng đốt đêm mưa dội Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh Trán cháy rực nghĩ trời đất mới Lòng ta bát ngát ánh bình minh.”

Tác giả tái hiện lại những đau thương, gian khổ, những hy sinh đau đơn nhưng không hề bi lụy, bởi ông biết những mất mát ấy sẽ được đền bù trong một tương lai không xa. “Trán cháy rực” là một hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng: nghĩ về trời đất mới đang cháy rực những niềm tin, những ước mơ nên nhà thơ cảm thấy lòng mình như tràn ngập bao cảm xúc vui sướng, hân hoan. Từ cảm hứng lạc quan và lòng tin vững vàng vào tương lai của đất nước, tác giả đã khái quát hình ảnh về sức quật cường của cả dân tộc.

“Súng nổ rung trời giận dữ Người lên như nước vỡ bờ Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Đoạn thơ mang đậm nét âm hưởng sử thi, vừa hào hùng dữ dội, vừa ào ạt thăng hoa. Từ trong những chiến trận cam go, ác liệt, những con người áo vải vẫn kiên cường bất chấp bao dữ dội của bom đạn mà ào lên như một dòng thác vỡ bờ cuồn cuộn. Từ trong khói lửa, từ kiếp sông nô lệ tăm tối, đọa đày, nước Việt Nam đã vụt đứng lên chói ngời, đầy kiêu hãnh của những con người anh hùng trong thời đại mới. Bốn câu thơ như vẽ lên một bức tranh đẹp đẽ về tinh thần, về sức sống quật khởi của một dân tộc gan góc, anh hùng – dân tộc Việt nam.

Tác giả đã kết thúc bài thơ bằng những hình ảnh “sáng lòa” chan chứa bao niềm tin yêu vào một đất nước ngày mai tươi đẹp. Đất nước ấy sẽ luôn tồn tại vĩnh hằng và bất diệt trong không gian và thời gian.

Bài văn chi tiết phân tích đất nước nguyễn đình thi
Bài văn chi tiết phân tích đất nước nguyễn đình thi

Bài văn chi tiết phân tích bài thơ đất nước – nguyễn đình thi

(Bài văn mẫu số 2)

Nhắc đến cái tên Nguyễn Đình Thi, người ta sẽ nhớ đến một người con Hà Nội đa tài với nhiều tài nghệ đáng nể. Ông không chỉ viết nhạc nổi tiếng với bài hát “Người Hà Nội” mà còn viết truyện, viết kịch, viết thơ. Trong đó, tác phẩm thơ được nhiều người biết đến nhất là bài thơ Đất nước. Bài thơ là hình ảnh của đất nước Việt Nam hiện lên trong mùa thu hoài niệm, trong những ngày mưa bom lửa đạn của chiến tranh và trong tầm nhìn về một tương lai mới tươi đẹp.

Bài thơ được viết trong một khoảng thời gian rất dài từ 1949 đến năm 1955 và có một số đoạn được trích từ hai tác phẩm trước của ông đó là bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” và “Đêm mitting”. Thế nhưng, với sự tài năng của mình, Nguyễn Đình Thi đã biến nó thành một tác phẩm mới với một chỉnh thể thống nhất và để nó trở thành tác phẩm thơ hay nhất viết về đề tài đất nước trong diễn đàn văn học Việt Nam.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ đã tái hiện lên trước mắt một khung cảnh trời thu với những hình ảnh thật hoài niệm của mùa thu Hà Nội:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa Gió thổi mùa thu hương cốm mới Tôi nhớ những ngày thu đã xa Sớm chớm lạnh trong lòng Hà Nội Những phố dài xao xác hơi may Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy“

Khi viết bài thơ này, tác giả đang đứng giữa núi trời Việt Bắc, ấy vậy mà ông lại nhớ đến một Hà Nội xa xôi với mùi hương cốm nồng nàn. Nếu là người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng biết Hà Nội đẹp và thơm nhất vào những ngày thu với bầu trời trong xanh cùng với hương cốm làng Vòng thoang thoảng đưa trong gió. Và Nguyễn Đình Thi – một người con của Hà Nội cũng không ngoại lệ khi trăn trở nhớ về mùa thu ở nơi đây.

Đứng nơi chiến khu Việt Bắc, giữa một sáng trời thu “mát trong”, ông đã hồi tưởng, hoài niệm về một Hà Nội cũng từng có trời thu như thế và thoang thoảng trong gió là mùi hương cốm thơm dìu dịu, nồng nàn – nét đặc trưng của mùa thu Hà Nội.

Khung cảnh đất trời của mùa thu Hà Nội cứ dội về tâm trí của ông “Tôi nhớ những ngày thu đã xa“. Vậy nhà thơ nhớ điều gì? Ông nhớ những con phố dài, nhớ cái “chớm lạnh” trên đất trời thủ đô. Làn gió “mát trong” và hơi se lạnh là cái khiến cho nhà thơ phải thao thức, phải trăn trở, phải nhớ nhung nhất. Lúc này quá khứ và hiện tại như hiện lên cùng nhau trong từng câu thơ, đọc thơ mà người đọc như cảm tưởng như mình đang đứng giữa đất trời thủ đô trong một buổi sáng mùa thu lành lạnh vậy. Hình ảnh “hương cốm mới” đã gợi lên trong lòng chúng ta biết bao hoài niệm về thu Hà Nội với cốm làng Vòng được gói trong những chiếc lá sen xanh ngát, thoảng vào trong gió. Cái mùi hương đặc trưng của thu ấy sẽ chẳng thể nào phai mờ trong tâm trí, như nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đã từng nói về hương ổi trong mùa thu rằng:

“Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió thu Sương chùng chình qua ngõ Hình như thu đã về”

Nỗi “nhớ” của người nhà thơ là nỗi nhớ về những năm tháng khi xưa, khi mà còn được sống giữa lòng Hà Nội để mà tận hưởng cái “chớm lạnh” của mùa thu kia. Nguyễn Đình Thi đã thật tinh tế khi đặt “cái chớm lạnh” tức cái se se lạnh trở thành một phần trong nỗi nhớ về Hà Nội, bởi đó là nét đặc trưng, là hương sắc riêng của trời thu Hà Nội. Và hơn thế, hình ảnh “Những con phố dài xao xác hơi may” không khỏi khiến chúng liên tưởng ra những con phố dài cổ kính của Hà Nội. Những con phố ấy hiện lên thật rõ nét trong tâm trí của Nguyễn Đình Thi dù ông đang ở trên Việt Bắc. Và nếu để ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng nhà thơ đã thật tinh tế khi ông đặt ở đây từ Hán Việt “hơi may”. “Hơi may” tức là làn gió lạnh, thế nhưng, ông không dùng hai từ gió lạnh mà thay vào đó lại dùng từ “hơi may” khiến câu thơ trở lên đậm chất tình, vừa êm dịu, nhẹ nhàng mà lại phảng phất đâu đó một nỗi buồn man mác. Phải chăng khi nhớ về Hà Nội, Nguyễn Đình Thi lại nhớ tới một Hà Nội dịu dàng và ngọt ngào như thế?

Kết thúc những hình ảnh hoài niệm về thu Hà Nội khi xưa là hình ảnh của người chiến sĩ lên đường ra đi vì chí lớn.

“Người ra đi đầu không ngoảnh lại Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

Ra đi với một quyết tâm lớn, “đầu không ngoảnh lại”, nhưng trong tâm hồn của người chiến sĩ ấy là một nỗi lưu luyến quê hương đến vô cùng. Hình ảnh “nắng lá rơi đầy” khiến cho lòng người càng bâng khuâng tha thiết hơn. Nỗi buồn ấy tràn đầy khắp tâm tư người chiến sĩ nhưng cũng chẳng hề làm lung lay cái ý chí quyết tâm của mình.

Khổ thơ đầu tiên là những hoài niệm về một Hà Nội thật đẹp, thật êm đềm trong tâm trí nhà thơ. Đó là một Hà Nội trong những ngày tháng còn hòa bình, còn êm dịu trước chiến tranh!

Tiếp theo là những câu thơ về hiện tại, về mùa thu cách mạng, mùa thu của đất trời trên chiến khu Việt Bắc đồng thời nó cũng thể hiện sự chuyển biến tâm trạng của nhà thơ. Nếu như ở đoạn thơ trên, Nguyễn Đình Thi thể hiện một mùa thu đầy hoài niệm và phảng phất nỗi buồn thì ở đoạn thơ này, người ta lại thấy một mùa thu tươi đẹp, một mùa thu với niềm vui phơi phới trong từng dòng thơ:

“Mùa thu nay đã khác rồi Tôi đứng vui nghe giữa đất trời Gió thổi rừng tre phấp phới Trời thu thay áo mới Trong biếc tiếng nói cười thiết tha! Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm ngát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Niềm vui được lan tỏa trong từng câu chữ ngay từ những câu thơ đầu của đoạn thơ này. Nguyễn Đình Thi đã khẳng định “Mùa thu nay đã khác rồi“, một lời khẳng định chắc nịch, chứa chan niềm vui sướng, hân hoan, phấn khởi. Khổ thơ trước là sự hoài niệm, là một nỗi buồn man mác thì ở khổ thơ này, niềm vui như được nhân lên gấp bội lần. Cuộc sống mới nơi núi rừng Việt Bắc đã cho nhà thơ một nguồn cảm hứng dạt dào. Ông viết :

“Tôi đứng vui nghe giữa đất trời Gió thổi rừng tre phấp phới Trong biếc tiếng nói cười thiết tha“

Trong một câu thơ mà có tới ba động từ liên tiếp, thể hiện sự tập trung cao độ của nhà thơ khi hướng về đất nước, hướng về Tổ quốc thân yêu của mình. Thêm vào đó, trong đoạn thơ này ông đã sử dụng hình ảnh “rừng tre” – đây là một hình ảnh vốn là biểu tượng cho con người, cho dân tộc Việt Nam. “Rừng tre” ấy đang “phấp phới” trong làn gió của mùa thu mát rượi, trong niềm vui phấn khởi. Cả một “rừng tre” to lớn, vững chãi là thế, ấy vậy mà tác giả lại sử dụng từ láy “phấp phới” để chỉ, một từ vốn chỉ dành cho những thứ mềm mại, mỏng manh và nhẹ nhàng trong gió. Điều này đã thể hiện niềm vui sướng hân hoan, dạt dào trong tâm hồn nhà thơ cũng như trong tâm hồn của con người Việt Nam.

Tiếp theo sau, tác giả lại kể về hình ảnh của trời thu, của sắc thu. Vẫn là màu xanh ấy thế nhưng, thu ở đây “trong biếc tiếng nói cười“, nó là màu xanh trong của niềm hy vọng, niềm hạnh phúc tràn đầy của những con người được làm chủ đất nước của mình.

“Trời thu thay áo mới Trong biếc tiếng nói cười thiết tha“

Và niềm vui ấy như trào dâng mạnh mẽ hơn với niềm tự hào về một đất nước giàu có, tươi đẹp:

“Trời xanh đây là của chúng ta Núi rừng đây là của chúng ta Những cánh đồng thơm ngát Những ngả đường bát ngát Những dòng sông đỏ nặng phù sa “

Mỗi lời thơ là một lời giới thiệu tràn đầy niềm tự hào to lớn về Tổ quốc của mình. Chẳng thế mà nhà thơ cứ liên tục khẳng định “đây là của chúng ta”, đó là lời khẳng định chắc nịch về chủ quyền của đất nước. Những câu thơ tiếp theo như một lời giới thiệu về vẻ đẹp của non sông Tổ quốc mình với sự giàu có và tươi đẹp.

Đoạn thơ thể hiện một cảm xúc tươi vui, phấn khởi  xen lẫn hào hùng- cảm hứng sử thi bát ngát. Ở đó chúng ta thấy được một mùa thu đầy sự mới mẻ, một mùa thu của hạnh phúc được làm chủ quê hương của mình.

Những câu thơ tiếp theo gợi lên hình ảnh của một đất nước trong chiến tranh với bao đau thương, mất mát, thế nhưng, xen lẫn trong đó là niềm tự hào về truyền thống đánh giặc của cha ông.

Như chúng ta đã biết, đất nước Việt Nam ta đã trải qua không biết bao nhiêu cuộc kháng chiến chống quân xâm lược, mà gần đây nhất là hai cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và thực dân Pháp. Dù có bao nhiêu quân giặc, bao nhiêu kẻ thù, dù chúng có mạnh mẽ đến đâu cũng đều bị nhân dân ta đánh bại và làm lên những chiến thắng vẻ vang. Truyền thống anh dũng, quyết tâm đánh giặc ấy không phải chỉ mới có mà nó đã phát triển và được gìn giữ từ bao đời nay, từ trận Bạch Đằng đánh quân Nam Hán, đến hai cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên, chúng ta chưa bao giờ chịu khuất phục trước bất kỳ một kẻ thù nào! Nói về truyền thống đánh giặc cứu nước là nói về niềm tự hào rất đỗi lớn lao của dân tộc Việt Nam ta, những lớp người Việt Nam anh hùng, thế hệ này ngã xuống thì thế hệ khác đứng lên để giành lại độc lập cho dân tộc dù có phải chịu bao nhiêu đau thương, bao mất mát, hy sinh. Mỗi lời thơ của tác giả như một lời nhắc nhở cho chúng ta về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của cha ông ta để lại.

“Nước chúng ta Nước những người chưa bao giờ khuất Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất Những buổi ngày xưa vọng nói về”

Nhà thơ đã khơi dậy lên trong lòng mỗi người đọc một niềm tự hào dân tộc rất đỗi hào hùng, vì đất nước của chúng ta là “nước những người chưa bao giờ khuất“, chúng ta chưa bao giờ chịu lùi bước trước một kẻ thù nào. Từng tiếng nói “Sát Thát’ của cha ông cứ vang vọng lên trong đêm, vẳng lên những lời thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Không phải dễ dàng mà chúng ta tự hào về truyền thống ấy, bởi chúng ta đã phải trải qua biết bao cuộc chiến tranh cứu quốc, bao mất mát hy sinh và đau thương :

“Ôi những cánh đồng quê chảy máu Dây thép gai đâm nát trời chiều … Đã bật lên những tiếng căm hờn”

Nguyễn Đình Thi đã đưa ra một loạt những hình ảnh đau thương mà chiến tranh đã gây lên cho dân tộc ta, nào là “những cánh đồng quê chảy máu”, nào là “dây thép gai đâm nát trời chiều” … Tất cả đều là những điều hết sức bình dị nơi quê hương của chúng ta, nó êm ả là thế cho đến khi bị quân thù giày xéo, chúng đã biến nó thành biển máu, biển nước mắt. Với những hình ảnh nhân hóa “cánh đồng quê chảy máu” hay “dây thép gai đâm nát trời chiều” như nhấn mạnh sự đau thương cùng cảm giác phẫn uất, đau đớn đến nghẹn ngào của tác giả. Ôi, chiến tranh, cái lũ giặc tàn ác đã cướp đi tất cả những sự yên bình, những hồn hậu của quê hương ta ! Lũ giặc tàn độc ấy đã khiến cho cả những “gốc tre hồn hậu” nhất cũng phải “bật lên những tiếng căm hờn” !

Thế nhưng, xen lẫn trong đau thương, mất mát ấy người ta vẫn thấy hiện lên ở đó một nét thi vị, một sự lãng mạn của những người chiến sĩ. Trong những đêm hành quân giữa rừng sâu Việt Bắc, người chiến sĩ trẻ tuổi ấy vẫn không thể không nhớ tới người con gái mà mình yêu thương đang ở nơi quê nhà. Và đêm hành quân ấy bỗng nhiên trở lên thi vị hóa vô cùng :

“Những đêm dài hành quân nung nấu Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu“

Còn gì lãng mạn, thi vị hơn khi tình yêu đôi lứa hòa cùng với tình yêu đất nước, thống nhất trong một tình yêu lớn lao hơn của những người con đất Việt? Nó đã trở thành động lực cho những người chiến sĩ có thêm sức mạnh trong bước hành quân, có thêm sức mạnh để chiến đấu, sớm giành lại độc lập để trở về bên những người thân yêu. Hình ảnh này, chúng ta cũng từng bắt gặp trong thơ của Quang Dũng, khi ông miêu tả những người lính trẻ Hà thành đang hành quân trong bài thơ  “Tây Tiến”:

“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”

Chúng ta – những con người Việt Nam hiền lành, trung hậu, thế nhưng không bao giờ chúng ta chịu khuất phục trước kẻ thù dù chúng có mạnh đến đâu, có vũ khí tối tân đến thế nào! Chính vì thế sự tàn bạo mà chúng đặt lên đầu nhân dân ta càng khủng khiếp và man rợ hơn, bởi chúng muốn đàn áp, muốn nhấn chìm đi những khát vọng, ước muốn hòa bình của dân tộc ta. Ở khổ thơ tiếp theo này, tác giả đã liệt kê cho chúng ta thấy được sự dã man, tàn bạo của quân thù, những tội ác mà chúng đã gieo rắc cho nhân dân ta :

“Bát cơm chan đầy nước mắt Bay còn giằng khỏi miệng ta Thằng giặc Tây, thằng chúa đất Đứa đè cổ, đứa lột da”

Những hình ảnh ấy mới đau đớn làm sao, nó cũng cho chúng ta thấy được sự tàn ác của bè lũ kẻ thù. Và chính những sự đau thương ấy, sự khốc liệt ấy vừa khiến ta phải căm hờn vừa rèn giũa cho chúng ta – những con người Việt Nam đầy ý chí, sức mạnh, phẩm chất tạo lên những người anh hùng.

Ở hai khổ thơ này, nhà thơ đã sử dụng hai hình ảnh tương phản: tội ác của kẻ thù với sự đau thương cùng sức sống mãnh liệt của dân tộc ta để khẳng định những phẩm chất anh hùng, đồng thời cũng khẳng định niềm tin, lòng yêu nước, yêu hòa bình của dân tộc ta :

“Xiềng xích bay không khóa được Trời đầy chim và đất đầy hoa Súng đạn bay không bắn được Lòng dân ta yêu nước thương nhà“

Để khép lại một bài thơ về đề tài đất nước, nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã kể về một đất nước trong niềm vui xây dựng Tổ quốc và trong khát vọng hướng tới một tương lai tươi đẹp.

Sau khi chiến tranh qua đi, công cuộc đầu tiên cần thiết lập lại đó chính là công cuộc xây dựng lại Tổ quốc bằng công nghiệp, bằng lao động. Hình ảnh những tiếng kèn gọi quân cùng với làn khói nhà máy bay lên giữa trời thu như khẳng định được sức mạnh dân tộc, khẳng định sự cố gắng xây dựng Tổ quốc của nhân dân ta. Động từ “ôm đất nước” như một cái ôm thật chặt của chính tác giả, bao trọn tình yêu của mình dành cho con người Việt Nam, ôm trọn những đau thương, mất mát để giờ đây những con người ấy trở thành những anh hùng. Phảng phất đâu đó là niềm tự hào mạnh mẽ khi chúng ta – một đất nước nhỏ bé đã vươn mình dậy từ những đau thương mà tiến lên xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc mình.

Cuối cùng, những hình ảnh đầy sự tươi sáng, đẹp đẽ như “trời đất mới”, “ánh bình minh” được nhà thơ sử dụng như gợi lên hình ảnh một ngày mai tươi sáng của dân tộc ta. Những con người dân tộc Việt Nam ta, từ sau chiến tranh đi lên như “nước vỡ bờ”, mạnh mẽ, dữ dội và cố gắng hết sức giành lấy tự do cho chính mình.

Cuối cùng khép lại bài thơ là một hình ảnh vô cùng hùng vĩ, hào hùng và đẹp đẽ :

“Nước Việt Nam từ máu lửa Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Hai câu thơ mang hai hình ảnh đối lập nhau “bùn, máu” với ánh sáng “chói lòa” làm sáng ngời lên ý chí kiên cường của con người Việt Nam, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Đất nước là một bài thơ hay ca ngợi về Tổ quốc, về con người Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã miêu tả đất nước trong hành trình đi lên từ những nỗi đau thương của chiến tranh cho tới khát vọng về một tương lai tươi sáng, khi những con người Việt Nam được làm chủ quê hương của mình và cùng nhau phát triển đất nước. Ẩn sâu bên trong từng câu chữ đó là niềm tự hào của tác giả về những truyền thống của cha ông ta để lại qua bao thế hệ và nhắc nhở mọi người về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Về mặt nghệ thuật, bài thơ sử dụng rất nhiều hình ảnh mang sức gợi, giàu chất thơ, lồng trong tình yêu nước sâu sắc. Ngôn từ thơ giản dị , chan chứa niềm yêu thương, niềm tự hào dân tộc. Ngoài ra, các biện pháp nghệ thuật cũng được tác giả sử dụng hết sức linh hoạt và nhuần nhuyễn.

Bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi là một trong những bài thơ hay nhất về đề tài đất nước trong nền thơ ca Việt Nam. Bài thơ đã khẳng định lên tên tuổi của ông, để ông xứng đáng là một trong những nhà thơ xuất sắc nhất của dân tộc ta.

Phân tích bài thơ đất nước của nguyễn đình thi
Phân tích bài thơ đất nước của nguyễn đình thi

Phân tích bài thơ Đất Nước của tác giả Nguyễn Đình Thi

(Bài văn mẫu số 3)

Đất nước là một đề tài lớn, xuyên suốt trong lịch sử văn học, thơ ca Việt Nam.  Nhưng ở mỗi một thời kỳ, đề tài này được các nhà thơ khai thác ở những phương diện, góc độ khác nhau. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã xuất hiện rất nhiều bài thơ tập trung khắc họa hình ảnh một đất nước đầy đau thương nhưng anh hùng quật khởi, nổi bật nhất đó chính là “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi. Bài thơ là cả một quá trình, mộtchặng đường nhận thức về đất nước của tác giả.

Từ ba bài thơ “Sáng mát trong như sáng năm xưa” ( được viết vào năm 1948), “Đêm mít ting” ( viết vào năm 1949)  và Đất ( viết năm 1965), Nguyễn Đình Thi đã tập hợp lại thành bài thơ “Đất nước” này. Qua những cảm nhận tinh tế về mùa thu của nước đất nước, qua hình tượng Tổ quốc mang đầy đau thương mà anh hùng, bài thơ đã thể hiện sâu sắc về ý thức độc lập tự chủ, tình yêu nước, căm thù giặc và niềm tự hào về sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Bài thơ là sự tập hợp, ghép nối từ nhiều bài thơ khác nhưng không vì thế mà mất đi tính thống nhất chỉnh thể, trái lại nó đã phát triển theo một mạch cảm xúc tinh tế và khá nhất quán về tư tưởng. Mở đầu bài thơ là dòng cảm xúc về mùa thu đất nước, nhưng trong những thời điểm và không gian khác nhau:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương, cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa.”

Trong một sáng mùa thu trên chiến khu Việt Bắc, nhà thơ bỗng có cái cảm giác mát mẻ, trong sáng của sớm mùa thu ấy giống như là “sáng năm xưa” khi nhà thơ ra đi, hơn nữa trong làn gió thu nhẹ thổi kia còn thoảng bay hương cốm mới, gợi nhớ tới một mùi hương thơm rất đặc trưng của Hà Nội khi vào thu, thật gần với cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô. Nhịp thơ như chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng dòng hồi tưởng của nhà thơ trong không khí ấy lại dào dạt tuôn chảy:

“Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phô dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.”

Đó là “những ngày thu đã xa” , là những ngày thu trước Cách mạng, nhà thơ phải tạm biệt Thủ đô để lên đường. Cũng là viết về cảnh thu nhưng có bao nhiêu nét mơ hồ, mặc cảm trong bài thơ “Thu” của Nguyễn Khuyến; bao nhiêu sự lãng mạn trong thơ của Xuân Diệu, bao nhiêu cái ngơ ngác của con nai vàng đạp trên chiếc lá khô trong thơ của Lưu Trọng Lư.

Trong thơ của Nguyễn Đình Thi, cảnh thu Hà Nội chỉ hiện ra trong hoài niệm nhưng thật đẹp, tuy nhiên vẫn có cái tĩnh lặng và một nỗi buồn man mác. Đó là cảnh thu đất nước trong những năm tháng đau thương: “Sương chớm lạnh trong lòng Hà Nội”. Trong thơ của Nguyễn Khuyến, thời tiết thu được nói đến là thời tiết chính thu “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo”. Thơ của Nguyễn Đình Thi cũng nói về mùa thu nhưng là trong độ đầu thu.

Hai chữ “chớm lạnh” ấy thật gợi cảm: mang chút se lạnh của mùa thu tuy mới đến nhưng không phải là những hiện tượng của da thịt bên ngoài, mà đã thấm thía vào tận “trong lòng Hà Nội”. Nghĩa là tất cả từ không gian, cỏ cây, hoa lá, con người đến phố phường đều đã cảm nhận sâu sắc được cái lạnh của mùa thu. Cái “chớm” ấy không ngọt ngào như cái lạnh đầu mùa đông, nhưng không phải là cái mát mẻ trong mùa hè mà đó là sự pha trộn trong cả hai mùa.

Có lẽ chỉ có mùa thu, khí thu Hà Nội mới mang lại cho con người ta cái cảm giác về thời tiết như vậy. Hà Nội vào thu, gió thổi trên những dãy phố dài cổ kính lại rất nhẹ nhàng, chưa phải là gió “heo may” mà mới chỉ dừng lại ở độ “hơi may”, tức là cũng chỉ ở độ “chớm” mà thôi.

Dường như mọi thứ mới chỉ đang ở độ bắt đầu, hết sức nhẹ nhàng nhưng cũng đã làm cho người đọc cảm nhận được sự thay đổi, sự mới bắt đầu ở cái ranh giới ấy. Nhà thơ và cả người Hà Nội cũng đã nhận ra được “hơi thở dịu dàng” ấy của mùa thu. Lẽ tất nhiên, con người khi ra đi trong hoàn cảnh ấy, dù có mục đích gì chăng nữa tuy bề ngoài cố tạo ra cái dáng vẻ mạnh mẽ, kiên quyết, đầy dứt khoát “đầu không ngoảnh lại” nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn họ vẫn tràn đầy lưu luyến, nỗi nhớ thương, vẫn nhận ra rất rõ những gì của Hà Nội ở phía sau: “Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”.

Câu thơ có chất nhạc thêm cả chất họa trong cái rơi đầy của nắng, lá. Phải chăng đó có phải là điều đặc trưng nhất của mùa thu Hà Nội? Màu vàng của nắng hòa quyện vào màu vàng của lá đã tạo lên một khung cảnh tràn đầy sắc vàng, xua đi cái “chớm lạnh” của “hơi may”. Khung cảnh ấy làm nền cho cái tâm trạng mới hợp làm sao. Dường như không gian và thời gian nơi đây đã có sự biến đổi, cái lắng lại dịu dàng của màu tím Hà Nội thật phù hợp với tiếng lòng thi sĩ, phù hợp với tâm trạng của người ra đi.

Từ mùa thu năm xưa, nhà thơ đã từ từ , khéo léo dẫn vào cảm xúc về mùa thu của cách mạng, mùa thu của độc lập dân tộc trong khung cảnh hiện tại nơi chiến khu Việt Bắc:

“Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha”

Nếu như bảy câu thơ đầu được viết theo gần như là thể thơ thất ngôn bát cú để diễn tả những cảm xúc lắng đọng, trang trọng và phù hợp với cách diễn tả thể hiện nỗi nhớ thì đoạn thơ tiếp theo lại viết theo thể thơ tự do, thể hiện cái náo nức, niềm vui phơi phới và tràn đầy tiếng nói cười. “Mùa thu nay khác rồi” đây là câu thơ chuyển đoạn, một sự khẳng định hay một lời reo vui mà sao ta nghe tha thiết đến thế!

Có thể thấy, thiên nhiên ở đây được nhân hóa không chỉ mang đầy màu sắc, âm thanh mà còn chan chứa tình người. So với mùa thu xưa, cái “khác rồi” rõ nhất ở mùa thu nay đó chính là “vui”: niềm vui của hiện thực khách quan đã trở thành niềm vui của chủ thể trữ tình và khi cất lên thành cảm xúc của thơ ca thì niềm vui ấy lại như lan tỏa vào từng cảnh vật được miêu tả, khắp núi đồi, rừng cây, bầu trời.

Rõ ràng cảm xúc về mùa thu nơi đây đã gắn liền với niềm vui, niềm yêu mến và tự hào làm chủ đất nước. Với con mắt say mê của Nguyễn Đình Thi, đất nước nơi nào cũng thật tươi đẹp, cũng dài rộng bát ngát, cũng màu mỡ phì nhiêu, cũng tiềm tàng sức sống cho một cuộc đời hạnh phúc ấm no. Chính vì thế, cảm xúc của nhà thơ đi từ trạng thái vui tươi, hồ hởi đến sự khẳng định chắc nịch:

“Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chủng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa”

Điệp khúc “của chúng ta” như tiếng reo vui ngân vang trong lòng người và giữa đất trời sông núi. Đó không chỉ là ý thức về quyền làm chủ đất nước mà nó còn là niềm tự hào của những con người Việt Nam khi đã giành lại đất nước bằng mồ hôi, xương máu của chính mình trong Cách mạng tháng Tám. Những câu thơ như là sự khẳng định liên tiếp, dồn dập của nhà thơ cũng là của con người Việt Nam trước độc lập của đất nước.

Có được mùa thu đẹp như thế, được nắm vững chủ quyền độc lập dân tộc trong tay, người ta không thể không nghĩ tới nguồn gốc sâu xa đã tạo lên sự thay đổi vĩ đại ấy. Đó đâu chỉ là sức mạnh của hiện tại mà còn đó là sức mạnh của truyền thống bao đời, đó cũng là bản chất tốt đẹp của con người Việt Nam – những con người luôn gắn bó, tha thiết với quá khứ, luôn hướng tới tương lai, sống thầm lặng, bình dị nhưng bất khuất và anh hùng:

“Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.”

Đó chính là đất nước của tình yêu, đất nước của cội nguồn “con Rồng cháu Tiên”. Trong bài thơ, nhà thơ đã định nghĩa đất nước là đất nước của những con người anh hùng, anh hùng ở mọi thời đại, những khí phách tinh hoa vẫn luôn âm vang trong hồn thiêng sông núi. Dáng điệu của đất nước được phác họa bằng chiều dài của lịch sử tâm hồn, khí phách của nhân dân ta.

Xuất phát từ tình yêu, từ niềm tự hào về Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi nghĩ về cuộc kháng chiến đầy gian lao mà anh dũng, ở đó cảm hứng chủ đạo là hướng tới sự khẳng định về Tổ quốc nhân dân, cuộc cách mạng này được quyết định bằng sức mạnh của toàn dân. Đây như là một quy luật tất yếu – giặc đến xâm lược quê hương, đất nước mình thì những con người hiền lành hồn hậu cũng trở thành những con người cháy bỏng lòng căm thù:

“Từ gốc lúa bờ tre hiền hậu

Đã bật lên những tiếng căm hờn.

Vẫn trong cái nguồn mạch của lòng căm thù, gây ấn tượng hơn cả là hai câu thơ:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu

Dây thép gai đâm nát trời chiều.”

Trong ánh chiều tà, cánh đồng như nhuốm đỏ màu máu, hàng dây thép gai đồn giặc tua tủa chĩa lên như muốn đâm nát bầu trời, khiến bầu trời ấy cũng đỏ rực như đang ứa máu. Đó là một hình ảnh có thực mà Nguyễn Đình Thi đã nhận ra trên chặng đường hành quân, nhưng với cách miêu tả rất gợi cùng với sự khéo léo của nhà thơ khi kết hợp với từ cảm thán “ôi” đặt ở đầu câu thơ,thì hình ảnh ấy mang ý nghĩa biểu tượng cho đất nước đầy đau thương trong chiến tranh, bị quân thù chiếm đóng, đồng thời cũng lên án và tố cáo tội ác của quân giặc tàn bạo.

Cánh đồng quê kia đã chứng kiến bao cảnh đầu rơi máu chảy, là dấu tích của sự độc ác, tàn bạo mà quân giặc gây ra. Chiến tranh đồng nghĩa với sự tàn phá, đau thương và chết chóc. Nhưng vượt lên trên cả những đau thương ấy, cuộc sống vẫn chảy trôi, tình cảm của con người vẫn luôn biểu lộ hết mình:

“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.”

Đó là cái rất chung của những người lính ra đi chiến đấu. Trong hành trang của họ bao giờ mang đầy nỗi nhớ. Bên cạnh những nỗi nhớ người thân, nhớ xóm làng còn có cả nỗi nhớ người yêu. Trong Đất nước, Nguyễn Đình Thi cũng đã nói về nỗi nhớ ấy, nó như xoa dịu đi bao nhiêu nỗi đau vì quê hương bị tàn phá.

Có thể nói, nhà thơ đã kết hợp khéo léo giữa cái “tôi” và cái “ta” rộng lớn. Mượn cái chung để nói đến cái riêng, cái riêng đó chính là tình cảm hết sức chân thật, đời thường. Những giây phút “bồn chồn nhớ mắt người yêu” là những khoảnh khắc yên bình, lãng mạn rất đáng quý trên đường hành quân qua mưa bom, lửa đạn. Đó là giây phút làm ấm lòng những người lính xa nhà.

Cùng với sức mạnh của lòng căm thù, những con người bình dị ấy đã xung trận với một sức mạnh bất khuất từ ngàn đời xưa của cha ông, sức mạnh của sự gắn bó với những thứ thân thuộc trong đời sống hàng ngày, sức mạnh của ước mơ giản dị về một cuộc sống quê hương thanh bình – tất cả đã tạo lên điều vĩ đại:

“Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng.”

Chính những người anh hùng áo vải ấy, đã “gánh trên vai cả cuộc kháng chiến thắng lợi” và cũng chính họ đã tạo lên cái dáng hình đẹp đẽ, rực rỡ của Tổ quốc trong hào quang chiến thắng của tương lai:

“Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hi sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh.”

Bốn câu thơ như tái hiện được cả quá trình đi lên của dân tộc, trải qua bao vất vả hy sinh để giành lại độc lập từ tay giặc. Biết được sự vất vả gian lao ấy, ta mới thấm thía được cái giá trị của nền độc lập, của cuộc sống tự do. Bốn câu thơ viết theo thể thất ngôn, làm lên một bài thơ tứ tuyệt mang tính chất sử thi hào hùng, thể hiện niềm tự hào về lịch sử và con người Việt Nam. Và tất cả sự dồn nén của cảm xúc, sự dồn nén của lòng căm thù, cuối cùng cũng được phát ra thành tiếng nổ lớn:

“Súng nổ rung Trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam lừ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”

Nhịp thơ ngắn, nhanh, dồn dập như những bước chân đang mạnh mẽ xông lên, thể hiện khí thế, sức mạnh của lòng căm thù dâng cao tột độ: “súng nổ rung trời giận dữ”. Vũ khí nhấn chìm, tiêu diệt hết quân giặc kia bằng sức mạnh của cả một dân tộc bị áp bức bóc lột, bị đô hộ trong gần một thế kỷ được thể hiện qua hình ảnh so sánh “người lên như nước vỡ bờ” lấy từ câu thành ngữ “tức nước vỡ bờ”.

Sức vươn dậy thần kỳ của đất nước , của những con người Việt Nam từ kiếp sống nô lệ đầy tăm tối dưới bùn đen đã vượt qua những trận chiến đấu ác liệt đầy máu lửa để đi đến chiến thắng vinh quang, sáng chói như một tượng đài lịch sử đã được nhà thơ khắc họa thật rõ nét.

Có thể nói, từ một chi tiết, một hình ảnh có thực trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tác giả  đã nâng lên thành tư thế của cả một dân tộc, khái quát đầy đủ khí phách anh hùng của tất cả con dân Việt Nam ta. Nhân dân ta đã hoàn toàn chiến thắng thực dân Pháp, đánh đổ ách thống trị hàng trăm năm của bọn chúng. Hòa bình được lập lại, đất nước ta đã hoàn toàn độc lập và nhân dân ta đã hoàn toàn tự do. Bài thơ đã kết thúc trong tư thế đi lên của dân tộc, của con người Việt Nam.

Bài thơ “Đất nước” đã gây ấn tượng sâu sắc bởi chất trữ tình kết hợp với chất chính luận, bởi hình thức câu thơ linh hoạt, nhịp thơ đầy phóng khoáng, hình ảnh thơ đẹp đẽ, ngôn ngữ thơ cô đọng mà rất gợi cảm. Những ấn tượng sâu sắc và rõ nét hơn cả là bài thơ đã tạo dựng thành công một tượng đài hùng vĩ về Đất nước, về Tổ quốc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp đầy gian khổ nhưng anh dũng.

THAM KHẢO:

  • SOẠN BÀI ĐẤT NƯỚC NGUYỄN KHOA ĐIỀM
  • SOẠN VĂN BÀI THƠ VIỆT BẮC TỐ HỮU
  • SOẠN VĂN 12 BÀI TÂY TIẾN QUANG DŨNG

Từ khóa » đất Nước Soạn Thơ